Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7365/BNN-CBTTNS
V/v chính sách thuế TNDN

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2020

 

Kính gửi: Bộ Tài Chính

Phúc đáp công văn số 11125/BTC-TCT ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Bộ Tài chính về chính sách thuế TNDN, theo đó: Bộ Tài chính đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến về 3 hoạt động: (i) chế biến từ sản phẩm tươi sống đã qua đông lạnh đến -18°C; (ii) chế biến từ sản phẩm tươi sống thành sản phẩm chín; (iii) chế biến từ nguyên liệu có pha trộn gia vị phụ liệu để ra hàng GTGT có phải là hoạt động chế biến thủy sản hay không để áp dụng chính sách ưu đãi thuế TNDN cho đúng quy định của pháp luật. Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:

Tại Mục II, Phụ lục II Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam quy định về nội dung hệ thống ngành kinh tế Việt Nam như sau: “C: CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN, CHẾ TẠO: Chế biến, chế tạo gồm các hoạt động làm biến đổi về mặt vật lý, hóa học của vật liệu, chất liệu hoặc làm biến đổi các thành phần cấu thành của nó, để tạo ra sản phẩm mới, mặc dù không phải là tiêu chí duy nhất để định nghĩa chế biến (xem chế biến rác thải dưới đây). Vật liệu, chất liệu, hoặc các thành phần biến đổi là nguyên liệu thô từ các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, khai thác mỏ hoặc quặng cũng như các sản phẩm khác của hoạt động chế biến. Những thay đổi, đổi mới hoặc khôi phục lại hàng hóa cũng được xem là hoạt động chế biến. Các đơn vị trong ngành chế biến này bao gồm nhà xưởng, nhà máy hoặc xưởng sản xuất sử dụng máy và thiết bị thủ công. Các đơn vị chế biến sản phẩm bằng thủ công tại nhà bán ra thị trường các sản phẩm làm ra như may mặc, làm bánh cũng bao gồm trong nhóm ngành này. Các đơn vị chế biến ở đây còn bao gồm các hoạt động xử lý vật liệu hoặc ký kết với các đơn vị chế biến khác về vật liệu của họ. Cả hai loại hình của các đơn vị này đều là hoạt động chế biến”.

Đồng thời Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định mã ngành Cấp 4 C-10-102-1020: Chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, bao gồm:

- Chế biến và bảo quản cá, tôm, cua và loài thân mềm; làm lạnh, sấy khô, hun khói, ướp muối, ngâm trong nước muối, đóng gói...

- Sản xuất các sản phẩm cá, tôm cua và các loài động vật thân mềm; cá nấu chín, cá khúc, cá rán, trứng cá muối, phụ phẩm trứng cá muối,...

- Sản xuất các thức ăn cho người hoặc súc vật từ cá;

- Sản xuất các thức ăn từ cá và các động vật sống dưới nước khác không dùng cho người;

- Hoạt động của các tàu tham gia việc chế biến, bảo quản cá;

- Chế biến rong biển.

Căn cứ vào các quy định nêu trên thì các hoạt động: (i) chế biến từ sản phẩm tươi sống đã qua đông lạnh đến -18°C; (ii) chế biến từ sản phẩm tươi sống thành sản phẩm chín; (iii) chế biến từ nguyên liệu có pha trộn gia vị phụ liệu để ra hàng GTGT đều là hoạt động chế biến thủy sản và được phân vào nhóm ngành 102-1020: Chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản;

Trên đây là ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Lưu: VT, CBTTNS.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phùng Đức Tiến

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 7365/BNN-CBTTNS năm 2020 về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chế biến thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 7365/BNN-CBTTNS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 23/10/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Phùng Đức Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/10/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản