Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 734/BTP-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất QH khóa XV

Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 2022

 

Kính gửi: Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng

Bộ Tư pháp nhận được 02 kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 19/BDN ngày 10/01/2022. Sau khi nghiên cứu, Bộ Tư pháp xin trả lời như sau:

Kiến nghị số 11: Về Luật Lý lịch tư pháp: Cử tri phản ánh, Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 đã xác lập những nguyên tắc, nội dung cơ bản của quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp, qua thực tiễn thi hành đã phát huy hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế như sau:

+ Hiện nay, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định, chỉ đạo về việc triển khai Chính phủ điện tử, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các văn bản như: Nghị quyết 36a/NQ-CP này 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Đề án thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trực tuyến theo Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 08/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, cử tri đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về giải quyết thủ tục hành chính chính trên môi trường điện tử cho phù hợp, cụ thể là: các quy định về tiếp nhận hồ sơ yêu cầu, xử lý hồ sơ, nhận và trả kết quả; chữ ký số của người yêu cầu và người có thẩm quyền ký phiếu lý lịch tư pháp và các vấn đề liên quan nhằm đảm bảo tính xác thực của các hồ sơ đăng ký và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến.

+ Tại Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp quy định Phiếu lý lịch tư pháp số 2 được cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình. Tuy nhiên, trên thực tế các trường hợp cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 không phải vì cá nhân đó muốn biết nội dung về lý lịch tư pháp của mình mà là do yêu cầu của bên thứ 3 như đơn vị tuyển dụng lao động, cơ quan di trú nước ngoài... Điều này đã làm hạn chế ý nghĩa nhân đạo của chế định về xóa án tích đối những người đã từng có án tích, hạn chế cơ hội tham gia các quan hệ dân sự của họ. Đề nghị nghiên cứu, sửa đổi quy định về cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2, quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2.

+ Theo quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật Lý lịch tư pháp quy định thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp không quá 10 ngày và tối đa là không quá 15 ngày. Tại điểm b khoản 1 Điều 25 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP quy định thời hạn tra cứu thông tin về án tích tại cơ quan Công an thì trong thời hạn 07 ngày và tối đa không quá 09 ngày phải trả kết quả về Sở Tư pháp. Cử tri cho rằng, đối với trường hợp người được cấp phiếu có tiền án, tiền sự cần xác minh làm rõ thông tin án tích hoặc các điều kiện đương nhiên xóa án tích thì thời hạn 15 ngày là không đủ để thực hiện xác minh tại các cơ quan liên quan. Do vậy, đề nghị quy định cụ thể về trình tự, cách thức, thời gian tra cứu, xác minh đối với những trường hợp có tiền án, tiền sự phải tiến hành xác minh làm rõ thông tin án tích và xác minh các điều kiện xóa án tích để đảm bảo quy định về thời hạn có tính khả thi trên thực tế. Đồng thời, cần sửa đổi quy định về phí cấp cung cấp thông tin lý lịch tư pháp theo nhiều mức khác nhau, đối với trường hợp khác nhau (phải xác minh các điều kiện xóa án tích, có nhiều án tích...); nghiên cứu tăng mức hỗ trợ xác minh cho người thi hành công vụ.

+ Bộ luật hình sự năm 2015 quy định một trong những điều kiện đương nhiên được xóa án tích là người bị kết án “không thực hiện hành vi phạm tội mới” trong thời hạn Bộ luật này quy định (khoản 2 Điều 70) và theo quy định tại Điều 179 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì “khi có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm thì cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can”. Cử tri đề nghị quy định bổ sung thông tin lý lịch tư pháp liên quan đến quá trình tố tụng như: Quyết định khởi tố bị can của cơ quan điều tra; Quyết định phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can của Viện Kiểm sát; trách nhiệm của cơ quan cung cấp loại thông tin này.

+ Tại Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 quy định chi tiết thi hành Luật Lý lịch tư pháp quy định Sở Tư pháp tra cứu thông tin lý lịch tư pháp về án tích có trước ngày 01/07/2010 tại cơ quan Công an cấp tỉnh là không còn phù hợp với thực tế. Hiện nay, việc tra cứu được thực hiện theo Quy chế số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 giữa Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia - Bộ Tư pháp và Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát - Bộ Công an về phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp phiếu lý lịch tư pháp (từ ngày 01/01/2019). Vì vậy, đề nghị sửa đổi quy định về tra cứu thông tin lý lịch tư pháp về án tích có trước ngày 01/07/2010.

Trả lời:

1. Đối với đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về giải quyết thủ tục hành chính chính trên môi trường điện tử cho phù hợp

Hiện nay pháp luật chuyên ngành đã có quy định tương đối đầy đủ về việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, trong đó có lĩnh vực lý lịch tư pháp (LLTP) như: Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Để hướng dẫn thực hiện các quy định này, ngày 27/11/2020, Trung tâm LLTP quốc gia, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 617/TTLLTPQG-HCTH gửi Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến. Trên cơ sở quy định và hướng dẫn nêu trên, hiện nay Trung tâm LLTP quốc gia và Sở Tư pháp trên toàn quốc đang triển khai thực hiện việc đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Bộ Tư pháp, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia.

2. Đối với đề nghị nghiên cứu, sửa đổi quy định về cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2, quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2

Theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 41 của Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) năm 2009, Phiếu LLTP số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về LLTP của mình. Thời gian qua, theo yêu cầu của công dân, các cơ quan đã lập và cấp PLLTP theo thẩm quyền bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Quy định này phù hợp với quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về bất khả xâm phạm về bí mật cá nhân cũng như quyền tiếp cận thông tin của cá nhân vì thực tế hiện nay, nhiều người bị kết án muốn được biết mình đã được xóa án tích hay chưa; hoặc người từng bị bắt, bị điều tra, truy tố muốn biết được thông tin về tình trạng án tích của mình vẫn yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2.

Tuy nhiên, như phản ánh trong kiến nghị của cử tri, có doanh nghiệp yêu cầu người lao động cung cấp Phiếu LLTP số 2.

Trước tình hình trên, để nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, trong đó có tổ chức nước ngoài...thời gian qua, Bộ Tư pháp đã có văn bản phối hợp với Bộ Ngoại giao gửi các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài để tuyên truyền về quy định của Luật LLTP liên quan đến việc cấp Phiếu LLTP số 2. Đồng thời, Bộ Tư pháp thường xuyên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan truyền thông khác thực hiện việc tuyên truyền pháp luật về chế định xóa án tích của Bộ luật Hình sự, về LLTP nói chung và Phiếu LLTP số 2 nói riêng để việc yêu cầu cấp Phiếu LLTP được thực hiện đúng quy định.

Bộ Tư pháp xin ghi nhận nội dung nghiên cứu, kiến nghị của cử tri, sẽ phối hợp các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, bảo đảm việc cấp Phiếu LLTP số 2 theo đúng quy định, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật.

3. Đối với đề nghị quy định cụ thể về trình tự, cách thức, thời gian tra cứu, xác minh đối với những trường hợp có tiền án, tiền sự phải tiến hành xác minh làm rõ thông tin án tích và xác minh các điều kiện xóa án tích để đảm bảo quy định về thời hạn có tính khả thi trên thực tế, mức hỗ trợ xác minh cho người thi hành công vụ

- Về kiến nghị quy định cụ thể về trình tự, cách thức, thời gian tra cứu, xác minh đối với những trường hợp có tiền án, tiền sự phải tiến hành xác minh làm rõ thông tin án tích và xác minh các điều kiện xóa án tích để đảm bảo quy định về thời hạn có tính khả thi trên thực tế:

Pháp luật về LLTP đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục và thời hạn trong trường hợp phải xác minh về án tích, điều kiện đương nhiên được xóa án tích. Đặc biệt, tại Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật LLTP và Thông tư liên tịch số 04/2010/TTLTP-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin LLTP đã quy định cụ thể về cơ chế phối hợp và trách nhiệm của mỗi ngành (tư pháp, công an, tòa án, kiểm sát) ở Trung ương và địa phương trong phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP. Hơn nữa, để bảo đảm thời hạn cấp Phiếu LLTP, Trung tâm LLTP quốc gia, Bộ Tư pháp và Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an đã xây dựng, ban hành và triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 ngày 29/6/2018 phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP. Với việc ban hành và triển khai đồng bộ các văn bản này, trong thời gian qua đã cơ bản khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong công tác cấp Phiếu LLTP, bảo đảm thời hạn cấp Phiếu LLTP. Trong đó nhiều địa phương đã bảo đảm 100% thời hạn cấp Phiếu LLTP đúng và sớm thời hạn.

Mặt khác, phần lớn trường hợp phải tra cứu, xác minh thông tin kéo dài, quá hạn là do các cơ quan có liên quan không có thông tin, không còn lưu thông tin vì thời gian đã lâu (có nhiều hồ sơ từ những năm 1970 - 1980) và thất lạc do chia tách, sáp nhập, giải thể cơ quan, đơn vị hành chính nên không có thông tin để cung cấp cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP. Ngoài ra, nhiều cơ quan chưa thực hiện lưu trữ thông tin dưới dạng điện tử nên việc tra cứu còn khó khăn, chậm trễ..., Bộ Tư pháp cho rằng đây là những nguyên nhân khách quan do lịch sử để lại. Vì vậy, việc quy định thêm thủ tục hoặc tăng thời hạn giải quyết hồ sơ đối với trường hợp này cũng chưa giải quyết triệt để được những vướng mắc nêu trên, đồng thời sẽ gây khó khăn cho cá nhân trong quá trình hoàn thiện hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP.

- Về kiến nghị cần sửa đổi quy định về phí cung cấp thông tin LLTP theo nhiều mức khác nhau, đối với trường hợp khác nhau (phải xác minh các điều kiện xóa án tích, có nhiều án tích...); nghiên cứu tăng mức hỗ trợ xác minh cho người thi hành công vụ:

Chỉ qua công tác tra cứu, xác minh thông tin sau khi tiếp nhận yêu cầu cấp Phiếu LLTP thì cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu LLTP mới có thể xác định được cá nhân có án tích hay không có án tích, người bị kết án có đủ điều kiện đương nhiên xóa án tích hay không. Vì vậy, nếu chia phí cấp cung cấp thông tin LLTP theo nhiều mức khác nhau, đối với trường hợp khác nhau (phải xác minh các điều kiện xóa án tích, có nhiều án tích...) sẽ không khả thi, gây khó khăn cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ để xác định đối tượng tính phí, thời điểm nộp phí, mức nộp phí đối với từng trường hợp.

Về mức hỗ trợ xác minh cho người thi hành công vụ: Hiện nay, pháp luật chưa có quy định về mức chi hỗ trợ xác minh cho cán bộ làm công tác LLTP. Vì vậy, để hỗ trợ cho người làm công tác xác minh thông tin LLTP và quy định của pháp luật có liên quan, Sở Tư pháp dự toán, phân bổ trên các nguồn thu của cơ quan, đảm bảo phù hợp, tương xứng với trách nhiệm, khối lượng công việc của cán bộ làm công tác LLTP.

4. Đối với đề nghị quy định bổ sung thông tin lý lịch tư pháp liên quan đến quá trình tố tụng

Điều 17 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật LLTP đã cụ thể quy định trách nhiệm của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn trong việc xác minh người bị kết án đã có đủ thời gian để đương nhiên được xóa án tích có bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong thời hạn đang có án tích hay không. Đồng thời, các thông tin có liên quan đến quá trình tố tụng như thông tin về việc khởi tố bị can cũng được Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ và Trung tâm LLTP quốc gia cung cấp cho Sở Tư pháp theo Quy chế phối hợp số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 ngày 29/6/2018, bảo đảm chính xác, đầy đủ, kịp thời và đúng quy định.

5. Đối với đề nghị sửa đổi quy định về tra cứu thông tin lý lịch tư pháp về án tích có trước ngày 01/07/2010

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật LLTP, trong đó sửa đổi các quy định về tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP để phù hợp với Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 trên cơ sở thể chế hóa giải pháp, cơ chế phối hợp theo Quy chế phối hợp số 02.

Kiến nghị số 22: Cử tri phản ánh, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế còn một số quy định thiếu tính khả thi, chưa hiệu quả, đặc biệt là các quy định về tổ chức và người làm công tác pháp chế tại Chương II của Nghị định này. Đề nghị Chính phủ sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế một số nội dung sau cho phù hợp: Quy định về đối tượng theo dõi, trách nhiệm, thẩm quyền của các chủ thể thực hiện theo dõi, đặc biệt là thẩm quyền xử lý khi phát hiện vi phạm trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Ban hành tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân; Hoàn thiện Khung theo dõi thi hành pháp luật làm công cụ, phương tiện đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động theo dõi thi hành pháp luật.

Trả lời:

Bộ Tư pháp xin ghi nhận kiến nghị của cử tri liên quan đến một số quy định thiếu tính khả thi, chưa hiệu quả của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, cũng như những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động theo dõi thi hành pháp luật. Hiện, Bộ Tư pháp đang tiến hành tổng kết, đánh giá những khó khăn, bất cập trong hơn 10 năm thi hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Trên cơ sở đó trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi; đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, hoàn thiện Thông tư quy định chi tiết việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật; Khung theo dõi thi hành pháp luật làm công cụ, phương tiện đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động theo dõi thi hành pháp luật.

Trên đây là trả lời của Bộ Tư pháp đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng, trân trọng gửi tới Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó TTgTTCP Phạm Bình Minh (để báo cáo);
- Ban Dân nguyện, UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các đơn vị thuộc Bộ: Cục Quản lý XLVPHC&TDTHPL,
Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia (để theo dõi);
Lưu: VT, VP (TH&KSTTHC).

BỘ TRƯỞNG




Lê Thành Long

 



1Câu số 11, Công văn số 19/BDN.

2Câu số 12, Công văn số 19/BDN.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 734/BTP-VP năm 2022 về sửa đổi, bổ sung các quy định về giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử do Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 734/BTP-VP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 11/03/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Lê Thành Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/03/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản