Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 720/UBND-ĐTMT
Về kiểm tra việc lắp đặt, vận hành cần trục tháp và xử lý việc sử dụng cần trục tháp tại các dự án đang ngừng thi công xây dựng trên địa bàn Thành phố

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 02 năm 2015

 

Kính gửi:

- Các Sở ban ngành Thành phố;
- Các Ban Quản lý trực thuộc Thành phố;
- Ủy ban nhân dân 24 quận - huyện.

 

Xét báo cáo của Sở Xây dựng tại Công văn số 12300/SXD-QLCLXD ngày 31 tháng 12 năm 2014 về kiểm tra, xử lý việc sử dụng cần trục tháp tại các công trường ngưng thi công xây dựng trên địa bàn Thành phố; Ủy ban nhân dân Thành phố có ý kiến chỉ đạo như sau:

Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quy định về sử dụng cần trục tháp tại các công trường xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định số 73/2011/QĐ-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2011 và Quyết định số 53/2012/QĐ-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2012 về sửa đổi Khoản 2 Điều 4 Quyết định số 73/2011/QĐ-UBND) giao các Sở ngành có liên quan hướng dẫn và yêu cầu các nhà thầu thi công, chủ quản lý sử dụng, chủ sở hữu, tư vấn giám sát, chủ đầu tư phải tuân thủ nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế, kiểm định, lắp dựng, vận hành, bảo trì, an toàn lao động… trong quá trình quản lý, sử dụng, vận hành cần trục tháp theo quy định nêu trên và theo các quy định đã được Nhà nước ban hành (Thông tư số 04/2008/TT-BLĐTBXH ngày 27 tháng 02 năm 2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thủ tục đăng ký và kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; Thông tư số 22/2010/TT-BXD ngày 03 tháng 12 năm 2010 của Bộ Xây dựng quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình; Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy phạm kỹ thuật an toàn trong trong xây dựng - CVN 5308-1991; Thiết bị nâng - Yêu cầu an toàn trong lắp đặt và sử dụng TCVN 5863:1995…).

Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn Thành phố còn xảy ra nhiều sự cố gây mất an toàn thi công công trình trong quá trình sử dụng cần trục tháp như đứt cáp, rơi thép khi đang cẩu, lật cần trục tháp… gây thiệt hại về người và tài sản. Các vụ việc trên xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do yếu tố con người (chưa qua trường lớp đào tạo; biện pháp thi công, tổ chức thi công thiếu khoa học, không hợp lý; chủ quan trong quá trình lắp dựng, tháo dỡ, vận hành; thiếu giám sát, kiểm tra…), yếu tố không gian (mặt bằng thi công chật hẹp, sử dụng cần trục có các bộ phận vươn ra khỏi phạm vi công trường xây dựng, gần các khu vực dân cư có người và phương tiện lưu thông với mật độ cao…), yếu tố thời tiết (mưa, bão, gió, lốc …). Hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm của các cơ quan, người có thẩm quyền chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời, xử lý nghiêm minh…

Để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, hạn chế những vi phạm xảy ra ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân và đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các công trình và khu vực dân cư trên địa bàn Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

a. Định kỳ và đột xuất thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định đối với hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn cần trục tháp của các Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn đang hoạt động trên địa bàn Thành phố, đảm bảo tuân thủ quy phạm kỹ thuật. Phát hiện và kiên quyết không cho phép đưa vào vận hành sử dụng những cần trục tháp đã quá niên hạn sử dụng, hệ số an toàn không đảm bảo; Tăng cường chỉ đạo việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký cần trục tháp trước khi đưa vào sử dụng đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định;

b. Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, các Sở quản lý công trình chuyên ngành trên địa bàn tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn khi sử dụng, vận hành cần trục tháp của các nhà thầu thi công, chủ sở hữu cần trục tháp, giám sát thi công xây dựng, chủ đầu tư, tập trung chủ yếu vào các nội dung liên quan đến chứng chỉ đào tạo của người vận hành, người giám sát, đăng kiểm, bảo hiểm cần trục tháp, thời gian vận hành…

c. Tạm ngừng hoặc đình chỉ sử dụng cần trục tháp và xử lý theo thẩm quyền đối với hành vi vi phạm theo quy định về sử dụng cần trục tháp, đồng thời yêu cầu đối tượng vi phạm khắc phục để đảm bảo an toàn; chỉ xem xét cho phép sử dụng, vận hành trở lại khi đã hoàn thành việc khắc phục.

d. Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân các quận - huyện kiểm tra việc sử dụng cần trục tháp tại các công trường đang ngưng thi công xây dựng trên địa bàn Thành phố và yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị chủ quản cần trục tháp của các công trình xây dựng này tổ chức tháo dỡ cần trục tháp để đảm bảo an toàn. Trường hợp các bên liên quan không thực hiện tháo dỡ trong thời hạn quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân quận-huyện có liên quan tổ chức cưỡng chế tháo dỡ theo quy định và chủ đầu tư, đơn vị chủ quản cần trục tháp phải chịu mọi chi phí do việc tổ chức thực hiện biện pháp cưỡng chế này.

2. Sở Xây dựng có trách nhiệm:

a. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc kiểm tra, quản lý việc sử dụng cần trục tháp trên địa bàn Thành phố.

b. Tăng cường chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chức năng chuyên ngành kết hợp công tác kiểm tra việc thiết kế, phê duyệt tổng mặt bằng công trường xây dựng, biện pháp thi công, các điều kiện sử dụng, vận hành cần trục tháp trên công trường, tập trung chủ yếu vào các nội dung liên quan đến vị trí lắp dựng, biện pháp thi công, cảnh báo khu vực nguy hiểm…;

3. Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm:

a. Chủ động và tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thi công, cảnh báo nguy hiểm; Phân luồng giao thông khu vực, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường, an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân; Tổ chức xử lý nghiêm minh, kịp thời hành vi vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân trong công tác lắp dựng, sử dụng, vận hành cần trục tháp trên phạm vi địa bàn quản lý;

b. Hỗ trợ chủ đầu tư trong trường hợp phải di dời tạm thời người ở trong các công trình nằm trong vùng ảnh hưởng, nguy hiểm khi cần trục tháp hoạt động trên phạm vi địa bàn quản lý.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có các vấn đề phát sinh, vướng mắc, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, hướng dẫn giải quyết. Trường hợp vượt thẩm quyền, Sở Xây dựng tổng hợp và báo cáo, đề xuất trình Ủy ban nhân dân Thành phố hoặc xin ý kiến Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để giải quyết kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Xây dựng;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND/TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- VPUB: CPVP;
- Các Phòng Chuyên viên;
- Lưu: VT, (ĐTMT-MTu) TV.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Hữu Tín

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 720/UBND-ĐTMT năm 2015 về kiểm tra việc lắp đặt, vận hành cần trục tháp và xử lý việc sử dụng cần trục tháp tại dự án đang ngừng thi công xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 720/UBND-ĐTMT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 05/02/2015
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Hữu Tín
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/02/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản