Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 694/BKHCN-PC
V/v trả lời một số quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá

Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 2009

 

Kính gửi: Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum

Phúc đáp Công văn số 48/QLTT-NV ngày 11/3/2009 của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum đề nghị hướng dẫn pháp luật về nhãn hàng hoá, sau khi nghiên cứu Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hoá (sau đây viết tắt là Nghị định số 89/2006/NĐ-CP), Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN ngày 06/4/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP và Thông tư số 14/2007/TT-BKHCN ngày 25/7/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ bổ sung Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN, Bộ Khoa học và Công nghệ có ý kiến như sau:

1. Về tên hàng hoá

Điều 13 của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP quy định "Tên hàng hoá ghi trên nhãn do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá tự đặt. Tên hàng hoá không được làm hiểu sai lệch về bản chất và công dụng của hàng hoá."

Như vậy, pháp luật về nhãn hàng hoá đã quy định quyền chủ động của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm về ghi nhãn hàng hoá đối với việc đặt tên cho hàng hoá của mình và chịu trách nhiệm về việc đặt tên cho hàng hoá đó theo quy định của pháp luật.

2. Về nội dung bắt buộc phải ghi nhãn hàng hoá đối với mô tô, xe máy theo quy định của pháp luật hiện hành

Theo quy định tại Điều 11 của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP thì nhãn hàng hoá bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau:

- Tên hàng hoá;

- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá;

- Xuất xứ hàng hoá.

- Nội dung bắt buộc khác theo quy định tại Điều 12 của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP và quy định tại các văn bản luật, pháp lệnh chuyên ngành có liên quan.

Như vậy, nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hoá đối với mô tô, xe máy theo quy định tại khoản 1 Điều 11 và khoản 41 Điều 12 của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP như sau:

- Tên hàng hoá

- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá;

- Xuất xứ hàng hoá.

(Theo quy định tại Điều 17 của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP thì đối với hàng hoá sản xuất tại Việt Nam để lưu thông trong nước, đã ghi địa chỉ của nơi sản xuất ra hàng hoá đó thì không bắt buộc phải ghi xuất xứ hàng hoá).

- Nhãn hiệu và số loại (Model);

- Tự trọng (Khối lượng bản thân);

- Dung tích xi lanh;

- Số chứng nhận kiểu loại được phê duyệt (Type Approved);

- Năm sản xuất.

3. Về việc thể hiện nhãn hàng hoá

- Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP thì "nhãn hàng hoá" là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá. Ghi nhãn hàng hoá là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hoá lên nhãn hàng hoá để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh quảng bá cho hàng hoá của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.

- Theo quy định tại Điều 6 của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP thì nhãn hàng hoá phải được gắn trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hoá. Trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì ngoài thì trên bao bì ngoài phải có nhãn và nhãn phải trình bày đầy đủ nội dung bắt buộc.

Trường hợp không thể thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì các nội dung sau đây phải được ghi trên nhãn hàng hoá: tên hàng hoá; tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá; định lượng; ngày sản xuất; hạn sử dụng; xuất xứ hàng hoá. Những nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hoá và trên nhãn hàng hoá phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

- Theo quy định tại khoản 2 Mục I Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN ngày 06/4/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP thì các loại bao bì sau không gọi là bao bì thương phẩm:

+ Bao bì dùng với mục đích để lưu giữ, vận chuyển, bảo quản hàng hoá đã có nhãn;

+ Túi đựng hàng hoá khi mua hàng;

+ Bao bì dùng để đựng hàng hoá dạng rời được lấy ra từ bao hàng hoá có định lượng lớn hơn để bán lẻ;

+ Container đựng hàng, xi tec vận chuyển xăng dầu, chất lỏng, xi măng rời.

Như vậy, nếu trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá mà không thể hiện được nội dung nào trong các nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá thì hàng hoá đó chưa có nhãn hàng hoá (hàng hoá không có nhãn hàng hoá).

4. Về Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng

Căn cứ quy định của Điều 6 của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP, nêu trên nhãn hàng hoá có nội dung chỉ rõ các nội dung khác của nhãn được ghi trong "Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng" thì nội dung của "Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng" là một phần nội dung của nhãn hàng hoá; "Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng" này là tài liệu kèm theo hàng hoá.

5. Về việc mô tả các chi tiết thể hiện trên mô tô 2 bánh theo Công văn số 48/QLTT-NV

Việc mô tả các chi tiết thể hiện về hình ảnh và nội dung chữ viết có trên mô tô 2 bánh theo Công văn số 48/QLTT-NV ngày 11/3/2009 của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum hiện nay chưa rõ, vì vậy việc xác định những chi tiết đó có phải là nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá hay không cần phải xem xét thực tế cũng như xem xét những tài liệu liên quan đến mô tô 2 bánh này. Từ việc xem xét thực tế, căn cứ các quy định của pháp luật về nhãn để xác định chính xác các vi phạm.

Nghị định số 89/2006/NĐ-CP đã quy định rõ yếu tố cần đối với các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn, tuy nhiên không quy định phải thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc đó mới được gọi là nhãn hàng hoá hoặc phải thể hiện được một số nội dung bắt buộc nào đó mới được gọi là nhãn hàng hoá hoặc các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hoá phải được thể hiện trên một vị trí nhất định nào đó. Hiện nay nhãn hàng hoá được thể hiện trên hàng hoá, bao bì thương phẩm rất phong phú và đa dạng. Để khắc phục được vấn đề này, Điều 22 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP quy định các Bộ, cơ quan ngang Bộ căn cứ yêu cầu cụ thể đối với hàng hoá thuộc lĩnh vực mình quản lý hướng dẫn chi tiết nội dung và cách ghi nhãn sau khi thống nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ, nhưng hiện nay đối với mô tô, xe máy chưa có hướng dẫn cụ thể vấn đề này.

Vì vậy, khi xử lý vi phạm về nhãn hàng hoá, đề nghị Quý cơ quan cần phải xem xét kỹ trên hàng hoá thực tế về việc thể hiện các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật.

Kính chuyển Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum tham khảo./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ PHÁP CHẾ




Đoàn Năng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 694/BKHCN-PC về việc trả lời một số quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 694/BKHCN-PC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 30/03/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Người ký: Đoàn Năng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/03/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản