Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 683/TCHQ-TXNK
V/v kiến nghị của Công ty Sản xuất Thương mại Tam Hữu

Hà Nội, ngày 29 tháng 01 năm 2019

 

Kính gửi: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tam Hữu.
(Địa chỉ: 93 Nguyễn Tri Phương, P. 7, Q.5, Tp. Hồ Chí Minh)

Liên quan đến kiến nghị Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tam Hữu (Công ty) về việc áp dụng khoản 4 Điều 6 Thông tư 14 phân loại, áp dụng mức thuế mặt hàng Vải không dệt 100% polyester từ ngày ban hành công văn số 5223/TCHQ-TXNK ngày 07/8/2017, Công ty có công văn số 01/12/2018/CV-TH ngày 07/12/2018 kiến nghị lần thứ 5. Theo đó, Công ty đề nghị trả lời năm kiến nghị cụ thể tại công văn.

Các kiến nghị Công ty nêu tại công văn 01/12/2018/CV-TH ngày 07/12/2018 đã được Tổng cục Hải quan trả lời theo nội dung tại công văn 6892/TCHQ-TXNK ngày 23/11/2018. Tuy nhiên, để làm rõ giúp doanh nghiệp hiểu thỏa đáng, Tổng cục Hải quan trả lời như sau:

1. Đối với kiến nghị 1:

Trên cơ sở phương pháp phân tích trong công tác giám định mặt hàng dệt, việc nhận biết sản phẩm/vải không dệt từ xơ staple và phân biệt sản phẩm không dệt “từ filament tổng hợp” tại phân nhóm 5603.1x hay “loại khác” tại phân nhóm 5603.9X căn cứ theo “dạng xơ cuối cùng” được hình thành trong cấu trúc của sản phẩm không dệt. Trường hợp dạng xơ cuối cùng có trong cấu trúc của mẫu là filament (liên tục) thì hàng hóa được phân loại vào nhóm 5603.1x: “- từ filament tổng hợp”. Trường hợp dạng xơ cuối cùng có trong cấu trúc của mẫu không là filament tổng hợp, mà là: xơ staple tổng hợp, xơ cắt ngắn từ filament tổng hợp (cách gọi khác là filament được cắt ngắn), ... các loại xơ tự nhiên (như xơ bông, xơ len, tơ tằm, ...) thì hàng hóa được phân loại vào nhóm 5603.9x : “- Loại khác” tại Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam và Biểu thuế NK ưu đãi có hiệu lực tại thời điểm nhập khẩu.

Theo kết quả giám định số 9291/VDM ngày 07/01/2017 của Viện Dệt may, mẫu hàng là “Nguyên liệu tạo vải được đi từ filament nhân tạo, sau đó được xử lý phù hợp để qua chải tạo màng xơ, hình ảnh trên kính hiển vi điện tử cho thấy màng vải không dệt có các đầu filament bị đứt”. Tại công văn số 25/CV-DM ngày 24/01/2017, Viện Dệt may đã xác định các mẫu hàng đều được sản xuất từ filament cắt ngắn. Nội dung kết quả giám định của Viện dệt may giải thích quy trình tạo vải không dệt của Công ty có dạng xơ cuối cùng là filament cắt ngắn (hay xơ staple) không phải filament liên tục.

Như vậy, bản chất mặt hàng được xác định tại kết quả phân tích của Chi cục Kiểm định Hải quan 3 tại các Thông báo kết quả phân tích phù hợp với kết luận của Viện Dệt may: mặt hàng là sản phẩm không dệt không đi từ filament nhân tạo (filament cắt ngắn là xơ staple) và phù hợp phân loại vào phân nhóm 5603.9x.

2. Đối với kiến nghị 2:

Trong quá trình kiểm tra sau thông quan tại trụ sở Công ty, Công ty đã ký xác nhận đồng ý và thống nhất với Đoàn kiểm tra sau thông quan tại Biên bản kiểm tra số 01/BB-HC ngày 15/8/2016 và số 03/BB-HC ngày 16/8/2016 về nội dung: “Mặc dù mua từ nhiều đi tác/nhà sản xuất khác nhau nhưng mặt hàng Vải không dệt do Công ty nhập khẩu có cùng bản chất hàng hóa, được sản xuất từ công nghệ giống nhau đó là sản xuất từ xơ 100% polyester, trên hợp đồng ngoại thương và chứng từ Hải quan đều khai báo dưới tên hàng tiếng Anh là “Material Nonwoven (Spunlace Nonwoven Fabric) nên cơ quan Hải quan có thế lấy mẫu Vải không dệt bất kỳ mà Công ty đã nhập khẩu để làm đại diện gửi phân tích phân loại, kết quả phân loại cho mẫu gửi giám định sẽ áp dụng để áp mã hàng hóa cho tất cả các lô hàng cùng chủng loại được chi tiết tại các dòng thuế của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành theo từng thời kỳ từ năm 2011 đến 2016. Căn cứ vào sổ sách kế toán, lượng hàng tồn kho, với sự chứng kiến, đồng ý của cơ quan Hải quan và doanh nghiệp, các thủ tục lấy mẫu hàng hóa gửi giám định được thực hiện khách quan, đúng quy định pháp luật.

3. Đối với kiến nghị 3 và kiến nghị 4:

Công ty đề nghị căn cứ khoản 4 Điều 6 Thông tư số 14/2015/TT-BTC để áp dụng công văn số 5223/TCHQ-TXNK từ ngày ký và không áp dụng đối với các lô hàng của Công ty. Tuy nhiên, thực tế kết quả giám định của Viện Dệt may xác định bản chất hàng hóa tương đồng với kết quả phân tích của Chi cục Kiểm định Hải quan 3 - mặt hàng của Công ty không đi từ filament (liên tục). Do đó, khi Tổng cục Hải quan ban hành công văn số 5223/TCHQ-TXNK, nội dung hướng dẫn không tác động đến việc thực hiện các Thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa của Chi cục Kiểm định Hải quan 3 - không làm thay đổi bản chất và mã số hàng hóa. Do vậy, kiến nghị của Công ty không thuộc trường hợp áp dụng Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính.

4. Đối với kiến nghị 5: Công ty cho rằng việc áp dụng kết quả phân loại theo hướng dẫn của công văn 5223/TCHQ-TXNK đã trực tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp, và kiến nghị chưa áp dụng các biện pháp cưỡng chế

Như đã phân tích ở trên và tại công văn 6892/TCHQ-TXNK ngày 23/11/2018, Tổng cục Hải quan đã trả lời rõ nội dung hướng dẫn tại công văn 5223/TCHQ-TXNK không hướng dẫn thay đổi mã s hàng hóa, nên không ảnh hưởng đến phân loại đối với các mặt hàng của Công ty. Do vậy, trường hợp phát sinh nợ thuế, đề nghị Công ty thực hiện theo đúng quy định của Luật quản lý thuế.

Tổng cục Hải quan có ý kiến và thông báo để Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tam Hữu được biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTCT Nguyễn Dương Thái (để b/c);
- Cục Kiểm tra sau thông quan;
- Lưu: VT, TXNK-Vân (3b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ XNK
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Trịnh Mạc Linh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 683/TCHQ-TXNK năm 2019 về phân loại, áp dụng mức thuế mặt hàng Vải không dệt 100% polyester do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 683/TCHQ-TXNK
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 29/01/2019
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Trịnh Mạc Linh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/01/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản