Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 67408/CT-TTHT
V/v trả lời chính sách thuế

Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2016

 

Kính gửi: Cổng thông tin điện tử - Bộ Tài chính

Cục thuế TP Hà Nội nhận được Phiếu chuyển số 823/PC-TCT ngày 19/9/2016 của Tổng cục Thuế chuyển thư hỏi của độc giả Huong Giang ở Hà Nội do Cổng thông tin điện tử - Bộ Tài chính chuyển đến (sau đây gọi là “Độc giả”) hỏi về chính sách thuế. Cục thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Căn cứ Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam:

+ Tại Khoản 3 Điều 2 quy định về đối tượng không áp dụng:

“3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có thu nhập từ dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng ngoài Việt Nam.

…”

+ Tại Khoản 3 Điều 7 quy định về thu nhập chịu thuế TNDN:

“…- Thu nhập từ tiền bản quyền là khoản thu nhập dưới bất kỳ hình thức nào được trả cho quyền sử dụng, chuyển quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, bản quyền phần mềm (bao gồm: các khoản tiền trả cho quyền sử dụng, chuyển giao quyền tác giả và quyền chủ sở hữu tác phẩm; chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp; chuyển giao công nghệ, bản quyền phần mềm).

“Quyền tác giả, quyền chủ sở hữu tác phẩm “, “Quyền sở hữu công nghiệp “ “Chuyển giao công nghệ” quy định tại Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành.

…”

- Căn cứ Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 của Quốc hội, quy định:

“Điều 6. Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ

...3. Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập như sau:

a) Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhân đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký;...”

Căn cứ quy định nêu trên, Cục thuế TP Hà Nội hướng dẫn Độc giả theo nguyên tắc sau:

Trường hợp công ty B (ở Campuchia) ký kết hợp đồng với công ty của độc giả (ở Việt Nam) để cung cấp dịch vụ đăng ký bảo hộ độc quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa, phát minh sáng chế tại Campuchia cho công ty A (ở Hàn Quốc hoặc Việt Nam) nhằm xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu, sáng chế của Công ty A tại Campuchia thì dịch vụ này do công ty B thực hiện tại Campuchia không thuộc đối tượng chịu thuế nhà thầu tại Việt Nam.

Nếu còn vướng mắc, đề nghị Độc giả liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được giải đáp cụ thể.

Cục thuế TP Hà Nội trả lời để Cổng thông tin điện tử - Bộ Tài chính được biết và hướng dẫn độc giả thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng cục Thuế (để báo cáo);
- Phòng pháp chế;
- Lưu: VT, TTHT(2).(6,4)

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Mai Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 67408/CT-TTHT năm 2016 về chính sách thuế đối với dịch vụ đăng ký bảo hộ độc quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa, phát minh sáng chế do Cục thuế thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 67408/CT-TTHT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 31/10/2016
  • Nơi ban hành: Cục thuế thành phố Hà Nội
  • Người ký: Mai Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản