Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6544/BTC-QLG

V/v hướng dẫn thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi

Hà Nội, ngày 20 tháng 05 năm 2014

 

Kính gửi:

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi.

Ngày 20/5/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1079/QĐ-BTC về áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi (sau đây gọi là Quyết định số 1079/QĐ-BTC). Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:

I. VỀ XÁC ĐỊNH VÀ QUẢN LÝ GIÁ TỐI ĐA ĐỐI VỚI SẢN PHẨM SỮA DÀNH CHO TRẺ EM DƯỚI 06 TUỔI

1. Xác định giá bán buôn tối đa

1.1. Đối tượng áp dụng

Đối tượng thực hiện việc xác định giá bán buôn tối đa đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (sau đây gọi là sản phẩm sữa) gồm:

- Tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm sữa;

- Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm sữa;

1.2. Cách thức xác định

a) Đối với tổ chức, cá nhân có sản phẩm sữa đang lưu thông trên thị trường thuộc danh mục 25 sản phẩm sữa đã được công bố giá bán buôn tối đa tại Quyết định số 1079/QĐ-BTC (sau đây gọi là danh mục 25 sản phẩm sữa), thực hiện xác định giá bán buôn tối đa đối với các sản phẩm sữa còn lại như sau:

(i) Căn cứ vào sản phẩm sữa của mình trong danh mục 25 sản phẩm sữa, lựa chọn sản phẩm sữa tương đương về trọng lượng; quy cách đóng gói; thông tin chất lượng với sản phẩm sữa cần xác định giá bán buôn tối đa;

(ii) Căn cứ mức giá bán buôn tối đa của sản phẩm sữa lựa chọn nêu trên và tương quan về giá giữa sản phẩm sữa lựa chọn và sản phẩm sữa cần xác định giá để tính toán giá bán buôn tối đa của sản phẩm sữa đó. Trong đó, tương quan về giá dựa vào thông tin theo dõi thị trường của tổ chức, cá nhân và các thông tin cần thiết khác (nếu có).

- Trường hợp có thay đổi chênh lệch về trọng lượng so với sản phẩm sữa lựa chọn thì được tính toán theo công thức sau:

Giá bán buôn tối đa của sản phẩm sữa cần xác định

=

Giá bán buôn tối đa của sản phẩm sữa đã lựa chọn

x

Trọng lượng của sản phẩm sữa cần xác định giá bán buôn tối đa

Trọng lượng của sản phẩm sữa đã lựa chọn

- Trường hợp có thay đổi về quy cách đóng gói, bao bì, mẫu mã và thông tin chất lượng được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền thì là sản phẩm mới. Vì vậy, tổ chức, cá nhân phải xác định giá bán buôn tối đa theo quy định tại điểm c khoản này.

(iii) Gửi Biểu giá bán buôn tối đa (theo mẫu tại Phụ lục 2) đến cơ quan có thẩm quyền quản lý giá tiếp nhận quy định tại mục III công văn này.

Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền quản lý giá tiếp nhận Biểu giá bán buôn tối đa, nếu không có ý kiến yêu cầu giải trình thì tổ chức, cá nhân căn cứ Biểu giá theo mẫu tại Phụ lục 2 đã gửi, công bố công khai, thông báo cho các tổ chức, cá nhân ở các khâu tiếp sau (nếu có) và áp dụng từ ngày 11/6/2014.

Trường hợp Biểu giá bán buôn tối đa có nội dung chưa rõ hoặc cần phải giải trình, tổ chức, cá nhân thực hiện rà soát theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Sau 03 (ba) lần giải trình nhưng tổ chức, cá nhân chưa đáp ứng yêu cầu, hoặc không thực hiện giải trình trong vòng 05 ngày làm việc hoặc không thực hiện xác định giá bán buôn tối đa thì tổ chức, cá nhân phải thực hiện mức giá bán buôn tối đa do cơ quan có thẩm quyền quản lý giá xác định.

b) Đối với tổ chức, cá nhân có sản phẩm sữa đang lưu thông trên thị trường không thuộc danh mục 25 sản phẩm sữa, thực hiện xác định giá bán buôn tối đa đối với các sản phẩm sữa của mình như sau:

(i) Căn cứ vào danh mục sản phẩm sữa của mình, tổ chức, cá nhân lựa chọn sản phẩm sữa chuẩn có tương quan về trọng lượng; quy cách đóng gói; thông tin chất lượng gần nhất với sản phẩm thuộc danh mục 25 sản phẩm sữa để xác định giá bán buôn tối đa.

(ii) Căn cứ mức giá bán buôn tối đa của sản phẩm sữa thuộc danh mục 25 sản phẩm sữa, xác định giá bán buôn tối đa của sản phẩm sữa chuẩn nêu trên theo tương quan về giá giữa sản phẩm sữa chuẩn và sản phẩm sữa đã được công bố giá bán buôn tối đa. Trong đó, tương quan về giá dựa vào thông tin theo dõi thị trường của tổ chức, cá nhân và các thông tin cần thiết khác (nếu có).

(iii) Giá bán buôn tối đa của các sản phẩm sữa còn lại được xác định trên cơ sở tương quan với sản phẩm chuẩn nêu trên theo nguyên tắc quy định tại điểm a.

Trường hợp có thay đổi chênh lệch về trọng lượng, xác định giá bán buôn tối đa thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.

Trường hợp có thay đổi về quy cách đóng gói, bao bì, mẫu mã và thông tin chất lượng được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền thì là sản phẩm mới. Vì vậy, tổ chức, cá nhân phải xác định giá bán buôn tối đa theo quy định tại điểm c khoản này.

(Ví dụ minh họa được nêu tại Phụ lục 1 của công văn này)

Quy trình gửi Biểu giá tối đa, công bố công khai thông tin của tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định tại tiết (iii) điểm a nêu trên.

c) Đối với tổ chức, cá nhân có sản phẩm sữa mới đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng và cấp phép lưu hành nhưng chưa lưu thông trên thị trường:

Việc xác định giá bán buôn tối đa căn cứ vào quy định về phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ của Bộ Tài chính và so sánh về giá của sản phẩm sữa đó với các sản phẩm sữa tương đương đã được công bố giá tối đa.

Quy trình gửi và công khai Biểu giá tối đa theo mẫu tại Phụ lục 2 được thực hiện theo quy định tại tiết (iii) điểm a nêu trên.

2. Xác định giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng:

a) Đối tượng áp dụng:

Đối tượng thực hiện xác định giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng, gồm:

- Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm sữa thuộc đối tượng quy định tại điểm 1.1 khoản 1 có tổ chức hệ thống phân phối riêng và có chính sách bán lẻ đối với sản phẩm sữa;

- Tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm sữa theo hình thức đại lý bao tiêu, đại lý độc quyền;

- Tổ chức, cá nhân có quyền quyết định giá và điều chỉnh giá khác;

Tổ chức, cá nhân là chi nhánh, đại lý (bao gồm cả cửa hàng) không có quyền quyết định giá, điều chỉnh giá không phải xác định giá bán lẻ tối đa nhưng phải thực hiện niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

b) Nguyên tắc xác định:

(i) Giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng được xác định bằng giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu cộng (+) các chi phí hợp lý khác có liên quan nhưng tối đa không quá 15% của giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu.

Trong đó, tỷ lệ 15% là tỷ lệ dành cho trường hợp lưu thông sản phẩm sữa tới địa điểm xa nhất, chi phí phát sinh cao nhất.

Các chi phí hợp lý khác có liên quan được xác định theo quy định tại Thông tư số 25/2013/TT-BTC ngày 17/02/2014 của Bộ Tài chính về phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ của Bộ Tài chính.

(ii) Trường hợp có nhiều khâu phân phối, giá bán lẻ tối đa cũng chỉ được xác định cao hơn không quá 15% so với giá bán buôn tối đa của nhà sản xuất, nhập khẩu nhưng không được cao hơn giá bán lẻ đang bán trên thị trường (giá trước khi Nhà nước công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá).

(iii) Trường hợp có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền quản lý giá ở địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện xác định giá bán lẻ tối đa theo công văn này và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền quản lý giá ở địa phương.

c) Cách thức thực hiện

(i) Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm sữa có tổ chức hệ thống phân phối riêng và có chính sách bán lẻ khi xác định giá bán buôn tối đa thì đồng thời xác định giá bán lẻ tối đa đảm bảo cao hơn không quá 15% so với giá bán buôn tối đa; đồng thời xác định giá cho các khâu phân phối tiếp theo trong hệ thống phân phối theo mẫu tại Phụ lục 2 kèm theo.

(ii) Đối với tổ chức, cá nhân là đại lý bao tiêu, đại lý độc quyền, tổ chức, cá nhân có quyền quyết định giá khác thực hiện xác định giá bán lẻ tối đa theo nguyên tắc trên; đảm bảo cao hơn không quá 15% so với giá bán buôn tối đa của nhà sản xuất, nhập khẩu. Đồng thời, xác định giá cho các khâu phân phối tiếp theo mẫu tại Phụ lục 2 kèm theo.

Giá bán lẻ tối đa của sản phẩm sữa đến người tiêu dùng phải đảm bảo thấp hơn giá bán lẻ đang bán trên thị trường của sản phẩm đó (giá trước khi Nhà nước công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá).

(iii) Sau khi xác định giá bán lẻ tối đa theo nguyên tắc trên, tổ chức, cá nhân gửi bảng giá bán lẻ tối đa đến cơ quan có thẩm quyền quản lý giá tiếp nhận quy định tại mục III công văn này.

Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền quản lý giá tiếp nhận Biểu giá bán lẻ tối đa, nếu cơ quan có thẩm quyền quản lý giá không có ý kiến yêu cầu giải trình về nội dung của Biểu giá thì tổ chức, cá nhân căn cứ Biểu giá theo mẫu tại Phụ lục 2 đã gửi, công bố và niêm yết công khai để áp dụng từ ngày 21/6/2014.

Trường hợp giá bán lẻ tối đa gửi cơ quan có thẩm quyền quản lý giá cao hơn quy định (vượt quá 15% so với giá bán buôn của nhà sản xuất, nhập khẩu), cơ quan có thẩm quyền quản lý giá có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình và xác định lại giá bán lẻ tối đa.

Sau 03 (ba) lần giải trình nhưng tổ chức, cá nhân chưa đáp ứng yêu cầu, hoặc không thực hiện giải trình trong vòng 05 ngày làm việc hoặc không thực hiện xác định giá bán buôn tối đa thì tổ chức, cá nhân phải thực hiện mức giá bán lẻ tối đa do cơ quan có thẩm quyền quản lý giá xác định.

3. Theo dõi, quản lý giá tối đa

Khi tiếp nhận Biểu giá tối đa, cơ quan có thẩm quyền quản lý giá có trách nhiệm:

a) Rà soát, kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ; trường hợp hồ sơ không đầy đủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý giá có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung theo đúng quy định.

b) Trên cơ sở đã có đầy đủ hồ sơ, thực hiện việc kiểm tra mức giá tối đa để đảm bảo theo đúng hướng dẫn. Trong đó bao gồm cả việc đối chiếu với tương quan về giá kê khai của sản phẩm sữa cần xác định giá tối đa và sản phẩm sữa đã được công bố giá trong hồ sơ lưu trữ của cơ quan quản lý giá và tham khảo các nguồn thông tin khác. Trường hợp phát hiện bất hợp lý thì yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, điều chỉnh cho phù hợp.

c) Hệ thống hóa thông tin giá tối đa của từng tổ chức, cá nhân để công bố công khai và phục vụ theo dõi quản lý.

d) Phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá tối đa.

II. ĐĂNG KÝ GIÁ SẢN PHẨM SỮA DÀNH CHO TRẺ EM DƯỚI 06 TUỔI

1. Đối tượng áp dụng:

- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chỉ thực hiện bán buôn thì đăng ký giá bán buôn;

- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vừa thực hiện bán buôn, vừa thực hiện bán lẻ thì đăng ký cả giá bán buôn và giá bán lẻ;

- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh là đơn vị nhập khẩu, đồng thời là nhà phân phối độc quyền thì đăng ký giá bán buôn và giá bán lẻ dự kiến;

- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh là nhà phân phối độc quyền thì đăng ký giá bán buôn, giá bán lẻ hoặc giá bán lẻ dự kiến; tổng đại lý có quyền quyết định giá và điều chỉnh giá thì đăng ký giá bán buôn, giá bán lẻ hoặc giá bán lẻ dự kiến; đại lý có quyền quyết định giá và điều chỉnh giá thì thực hiện đăng ký giá bán lẻ;

- Tổ chức, cá nhân thực hiện bán buôn ở các khâu trung gian phải thực hiện đăng ký giá và cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền quản lý giá;

- Tổ chức, cá nhân là chi nhánh, đại lý (bao gồm cả cửa hàng bán lẻ) hưởng hoa hồng không có quyền quyết định giá không phải thực hiện đăng ký giá nhưng phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật về Giá và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

2. Cách thức thực hiện đăng ký giá

Trên cơ sở giá tối đa đã xác định tại Khoản 1 và Khoản 2 Mục I nêu trên, tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký giá bán bằng việc lập Biểu mẫu đăng ký giá và gửi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo một trong các hình thức sau:

- Gửi trực tiếp 02 bản tại Văn phòng cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu đăng ký;

- Gửi qua đường công văn 02 bản cho cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu đăng ký giá;

- Gửi qua thư điện tử kèm chữ ký điện tử hoặc kèm bản scan Biểu mẫu đăng ký giá có chữ ký và dấu đỏ theo địa chỉ đã được cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu đăng ký giá thông báo hoặc gửi qua fax và gọi điện thoại thông báo cho cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu đăng ký giá. Đồng thời, gửi 02 bản qua đường công văn cho cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu đăng ký giá.

Biểu mẫu đăng ký giá thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục số 3 ban hành kèm theo công văn này.

Tổ chức, cá nhân đăng ký giá đảm bảo không cao hơn giá bán buôn tối đa, giá bán lẻ tối đa đã được xác định với cơ quan có thẩm quyền quản lý giá.

3. Quy trình tiếp nhận Biểu mẫu đăng ký giá

a) Đối với Biểu mẫu đăng ký giá gửi trực tiếp:

- Trường hợp biểu mẫu đăng ký giá có đủ thành phần, số lượng theo quy định, cán bộ tiếp nhận biểu mẫu đăng ký giá đóng dấu công văn đến có ghi ngày, tháng, năm vào biểu mẫu đăng ký giá và trả ngay 01 bản biểu mẫu đăng ký giá cho tổ chức, cá nhân đến nộp trực tiếp; đồng thời chuyển ngay 01 bản biểu mẫu đăng ký giá đến lãnh đạo cơ quan và các phòng, ban nghiệp vụ theo thẩm quyền trong ngày làm việc hoặc đầu giờ của ngày làm việc tiếp theo để thực hiện rà soát;

- Trường hợp Biểu mẫu đăng ký giá không đủ thành phần, số lượng theo quy định, cán bộ tiếp nhận Biểu mẫu đăng ký giá ghi rõ lý do trả lại, các nội dung cần bổ sung và trả lại ngay Biểu mẫu đăng ký giá cho tổ chức, cá nhân đến nộp trực tiếp.

b) Đối với Biểu mẫu đăng ký giá gửi qua đường công văn, fax, thư điện tử:

- Khi nhận được biểu mẫu đăng ký giá, cán bộ tiếp nhận kiểm tra thành phần, số lượng biểu mẫu đăng ký giá, trường hợp biểu mẫu đăng ký giá có đủ thành phần, số lượng theo quy định, cán bộ tiếp nhận đóng dấu công văn đến có ghi ngày, tháng, năm vào biểu mẫu đăng ký giá và chuyển ngay theo đường bưu điện 01 bản biểu mẫu đăng ký giá cho tổ chức, cá nhân; đồng thời, chuyển ngay 01 bản biểu mẫu đăng ký giá đến lãnh đạo cơ quan, phòng, ban nghiệp vụ theo thẩm quyền để thực hiện rà soát ngay trong ngày làm việc hoặc đầu giờ của ngày làm việc tiếp theo;

- Trường hợp Biểu mẫu đăng ký giá không đủ thành phần, số lượng theo quy định, tối đa không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Biểu mẫu đăng ký giá, cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu đăng ký giá thông báo qua đường công văn, fax, thư điện tử yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp bổ sung thành phần, số lượng Biểu mẫu đăng ký giá. Ngày tổ chức, cá nhân nộp đủ thành phần, số lượng Biểu mẫu được tính là ngày tiếp nhận Biểu mẫu đăng ký giá, cán bộ tiếp nhận đóng dấu công văn đến có ghi ngày, tháng, năm tiếp nhận vào Biểu mẫu đăng ký giá.

c) Hết thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cán bộ tiếp nhận đóng dấu công văn đến có ghi ngày, tháng, năm vào biểu mẫu đăng ký giá quy định tại điểm a, điểm b khoản này, nếu cơ quan tiếp nhận biểu mẫu đăng ký giá không có ý kiến yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình về các nội dung của biểu mẫu đăng ký giá thì tổ chức, cá nhân được mua, bán theo mức giá đã đăng ký.

4. Quy trình rà soát Biểu mẫu đăng ký giá

a) Cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu đăng ký giá rà soát các nội dung Biểu mẫu đăng ký giá về: ngày thực hiện mức giá đăng ký, bảng đăng ký mức giá cụ thể, các khoản mục chi phí cấu thành giá, phần giải trình lý do điều chỉnh giá, kiểm tra tính hợp lý của các yếu tố hình thành giá;

b) Trường hợp tại phần giải trình lý do điều chỉnh giá, tổ chức, cá nhân đưa ra các lý do không phù hợp, không liên quan đến việc tăng hoặc giảm giá thì tối đa không quá 04 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận Biểu mẫu đăng ký giá, các phòng, ban nghiệp vụ báo cáo cấp có thẩm quyền thông báo bằng văn bản qua đường công văn, fax, thư điện tử yêu cầu tổ chức, cá nhân không được áp dụng mức giá đăng ký. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu này hoặc phải thực hiện lại nghĩa vụ đăng ký giá theo đúng quy định;

c) Trường hợp Biểu mẫu đăng ký giá có nội dung chưa rõ hoặc cần phải giải trình về các yếu tố hình thành giá tăng hoặc giảm làm cho mức giá đăng ký tăng hoặc giảm (trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này) thì tối đa không quá 04 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận Biểu mẫu đăng ký giá, các phòng, ban nghiệp vụ báo cáo cấp có thẩm quyền thông báo bằng văn bản qua đường công văn, fax, thư điện tử yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình về các nội dung của Biểu mẫu đăng ký giá chưa đáp ứng yêu cầu, lý do điều chỉnh giá chưa rõ ràng, nội dung phải thực hiện lại và thông báo thời hạn gửi bản giải trình cho cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu đăng ký giá. Bản giải trình được nộp theo quy trình tiếp nhận Biểu mẫu đăng ký giá quy định tại Khoản 3 Mục này;

- Thời hạn để tổ chức, cá nhân giải trình và gửi văn bản giải trình đến cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu tối đa không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu thông báo bằng văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình cho đến ngày cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu nhận văn bản giải trình của tổ chức, cá nhân tính theo dấu công văn đến của cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu hoặc ngày gửi ghi trong thư điện tử của tổ chức, cá nhân;

- Thời gian để cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu đăng ký giá rà soát nội dung bản giải trình tối đa không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận bản giải trình tính theo dấu công văn đến của cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu đăng ký giá;

- Hết thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền quản lý giá tiếp nhận bản giải trình, nếu cơ quan này không có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình lại thì tổ chức, cá nhân điều chỉnh giá theo mức giá và thời gian điều chỉnh đã đề xuất trong bản giải trình (nếu có);

- Trường hợp tổ chức, cá nhân giải trình chưa đúng với yêu cầu của cơ quan tiếp nhận Biểu mẫu đăng ký giá, tối đa không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận bản giải trình, cơ quan này có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình lại. Việc giải trình lại thực hiện theo quy trình của giải trình lần đầu quy định tại khoản này;

- Sau 03 (ba) lần giải trình nhưng tổ chức, cá nhân chưa đáp ứng yêu cầu, hoặc không chấp hành thời gian giải trình tối đa không quá 05 ngày làm việc theo quy định hoặc không thực hiện đăng ký giá; tổ chức, cá nhân phải thực hiện theo mức giá trước khi thực hiện đăng ký giá.

5. Quản lý đăng ký giá:

- Tổ chức, cá nhân thực hiện bán buôn ở các khâu trung gian phải đăng ký giá với cơ quan có thẩm quyền quản lý giá;

- Cơ quan có thẩm quyền quản lý giá tại địa phương căn cứ vào mức giá bán buôn tối đa và giá bán lẻ tối đa sản phẩm sữa đến người tiêu dùng của nhà sản xuất, nhập khẩu đã được công bố công khai tiến hành kiểm tra, đối chiếu với mức giá đăng ký của tổ chức, cá nhân bán buôn ở khâu trung gian và bán lẻ đến người tiêu dùng tại địa phương.

6. Thời hạn áp dụng:

- Tổ chức, cá nhân thực hiện bán buôn đăng ký giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi trước ngày 06/6/2014.

- Tổ chức, cá nhân thực hiện bán lẻ đăng ký giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi trước ngày 16/6/2014.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính có trách nhiệm:

a) Tiếp nhận, rà soát Biểu mẫu giá tối đa và đăng ký giá của tổ chức, cá nhân thuộc diện đăng ký giá tại Bộ Tài chính gồm:

- Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam;

- Công ty TNHH Nestle' Việt Nam;

- Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A;

- Công ty TNHH Mead Johson Nutritions Việt Nam;

- Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến;

- Công ty CP Thương mại và Phát triển Organic Việt Nam.

b) Thực hiện đúng quy trình tiếp nhận, rà soát biểu mẫu giá tối đa, biểu mẫu đăng ký giá; quản lý giá tối đa; bảo mật đối với biểu mẫu đăng ký giá và bản thuyết minh cơ cấu hình thành giá của tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký giá.

c) Sau khi tiếp nhận, rà soát biểu mẫu của tổ chức, cá nhân và tổng hợp báo cáo của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về giá tối đa, giá đăng ký của các tổ chức, cá nhân tại địa phương, đăng công khai giá trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban ngành tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành việc chấp hành quy định về thực hiện xác định giá tối đa và đăng ký giá tại các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh sản phẩm sữa.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

Chỉ đạo Sở Tài chính và các Sở ban ngành có liên quan tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá sản phẩm sữa theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 02/5/2014, quy định tại Quyết định số 1079/QĐ-BTC và hướng dẫn của Bộ Tài chính phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Cụ thể như sau:

a) Ban hành các văn bản theo thẩm quyền để tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá.

b) Thông báo danh sách tổ chức, cá nhân xác định giá tối đa và đăng ký giá tại địa phương; phân công cho Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện tiếp nhận Biểu mẫu giá tối đa, Biểu mẫu đăng ký giá của các tổ chức, cá nhân có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh (không bao gồm các tổ chức, cá nhân thuộc danh sách thực hiện đăng ký giá tại Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) tại Điểm 1a nêu trên).

c) Chỉ đạo các cơ quan thực hiện đúng quy trình tiếp nhận, rà soát biểu mẫu giá tối đa, biểu mẫu đăng ký giá; quản lý giá tối đa; bảo mật đối với biểu mẫu đăng ký giá và bản thuyết minh cơ cấu hình thành giá của tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký giá.

d) Chỉ đạo Sở Tài chính hướng dẫn chi phí khác có liên quan trong phạm vi mức tối đa 15%.

e) Chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện công khai giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (nếu có), giá bán lẻ tối đa và giá đăng ký của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và trên trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền hoặc phương thức thích hợp khác.

g) Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành mức giá tối đa ở các khâu bán buôn, bán lẻ trên địa bàn theo quy định của Quyết định số 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014 và hướng dẫn tại văn bản này; việc thực hiện quy định về niêm yết giá bán của các tổ chức, cá nhân bán lẻ. Xử lý nghiêm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

h) Báo cáo về việc tổ chức thực hiện, diễn biến giá cả sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi tại địa phương:

- Trong vòng 03 tháng đầu kể từ ngày Quyết định số 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014 có hiệu lực thi hành, định kỳ vào ngày 15 và 30 hàng tháng gửi báo cáo nhanh về Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính theo địa chỉ thư điện tử trinhthithutrang@mof.gov.vn;

- Từ tháng thứ 4 trở đi, định kỳ trước ngày 25 hàng tháng gửi báo cáo bằng văn bản về Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, đồng thời gửi theo địa chỉ thư điện tử nêu trên hoặc fax theo số 04.22208105;

- Thực hiện báo cáo đột xuất bằng văn bản và qua thư điện tử/fax khi có yêu cầu.

3. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi có trách nhiệm:

a) Thực hiện giá bán buôn thực tế, giá bán lẻ thực tế đến người tiêu dùng đảm bảo không cao hơn giá tối đa đã được xác định với cơ quan có thẩm quyền quản lý giá.

b) Thực hiện đúng quy định, trình tự về xác định giá tối đa, đăng ký giá theo hướng dẫn tại văn bản này.

c) Thực hiện giá đăng ký, giá bán thực tế của từng sản phẩm không cao hơn giá tối đa của sản phẩm đó.

d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của giá bán buôn tối đa, giá bán lẻ tối đa và giá đăng ký.

e) Công khai thông tin về giá đã đăng ký, niêm yết trong toàn hệ thống phân phối (nếu có); thực hiện bán không cao hơn giá niêm yết; thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền quản lý giá tiếp nhận biểu mẫu nếu thay đổi thời gian bắt đầu áp dụng giá đã đăng ký.

g) Thực hiện kê khai giá bán buôn và bán lẻ theo quy định nhưng không cao hơn giá tối đa đã được công bố sau khi hết thời hạn đăng ký giá quy định tại Quyết định số 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014 (hết ngày 30/11/2014).

Trong quá trình thực hiện có thể tham khảo các thông tin về giá trên trang thông tin quản lý Nhà nước về giá và thẩm định giá trong cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính hoặc trên trang thông tin điện tử của Sở Tài chính.

Trường hợp nếu có vướng mắc thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền (Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính) xem xét, xử lý kịp thời.

Bộ Tài chính hướng dẫn để các đơn vị có liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:

- Như trên:
- Lãnh đạo Bộ (để b/c);
- Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Các Bộ: Y tế, Công Thương;
- Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương;
- Vụ Pháp chế, Thanh tra TC;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, QLG.

TL. BỘ TRƯỞNG
CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ GIÁ




Nguyễn Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 6544/BTC-QLG năm 2014 hướng dẫn thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 6544/BTC-QLG
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 20/05/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/05/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản