Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6468/CT-HTr
V/v giải đáp chính sách thuế

Hà Nội, ngày 04 tháng 02 năm 2016

 

Kính gửi: Công ty TNHH Kiến trúc Việt Nam
(Đ/c: Số 30 Trần Hữu Tước, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội
MST: 0100236591)

Trả lời công văn số 03/CV ngày 21/01/2016 của Công ty TNHH Kiến trúc Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công ty) hỏi về chính sách thuế, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

Căn cứ Khoản 2 Điều 24 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 của Chính phủ quy định về xử lý trong trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn:

“2. Trường hợp khi bán hàng hóa, dịch vụ người bán đã lập hóa đơn theo đúng quy định nhưng sau đó người bán hoặc người mua làm mất, cháy, hỏng liên 2 hóa đơn bản gốc đã lập thì người bán và người mua lập biên bản ghi nhận sự việc, trong biên bản ghi rõ liên 1 của hóa đơn người bán hàng khai, nộp thuế trong tháng nào, ký và ghi rõ họ tên của người đại diện theo pháp luật (hoặc người được ủy quyền), đóng dấu (nếu có) trên biên bản và người bán sao chụp liên 1 của hóa đơn, ký xác nhận của người đại diện theo pháp luật và đóng dấu trên bản sao hóa đơn để giao cho người mua. Người mua được sử dụng hóa đơn bản sao có ký xác nhận, đóng dấu (nếu có) của người bán kèm theo biên bản về việc mất, cháy, hỏng liên 2 hóa đơn để làm chứng từ kế toán và kê khai thuế. Người bán và người mua phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc mất, cháy, hỏng hóa đơn...”

Căn cứ Điểm 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 15 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/TT/BTC ngày 25/8/2014 và Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính) quy định điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào:

“1. Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

2. Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ trường hợp tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt gồm chứng từ thanh toán qua ngân hàng và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt khác hướng dẫn tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.”

Căn cứ các quy định trên, trường hợp khi bán hàng hóa, dịch vụ Công ty làm mất liên 2 hóa đơn bản gốc đã lập, Công ty và bên mua đã lập biên bản ghi nhận sự việc, trong biên bản ghi rõ liên 1 của hóa đơn bên bán đã kê khai, nộp thuế thì bên mua được sử dụng hóa đơn bản sao có ký xác nhận, đóng dấu của bên bán kèm theo biên bản về việc mất liên 2 hóa đơn để làm chứng từ kế toán và kê khai thuế, được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nếu đáp ứng điều kiện tại Điểm 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC. Đồng thời, Công ty phải lập báo cáo về việc mất hóa đơn và thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp theo đúng quy định.

Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty TNHH Kiến trúc Việt Nam được biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- KT4; Phòng Pháp chế;
- Lưu: VT, HTr(2). (6; 2)

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Mai Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 6468/CT-HTr năm 2016 về Chính sách thuế khi mất liên 2 hóa đơn bản gốc đã lập Cục thuế thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 6468/CT-HTr
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 04/02/2016
  • Nơi ban hành: Cục thuế thành phố Hà Nội
  • Người ký: Mai Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/02/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản