Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 6466/TCHQ-GSQL

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2002

 

CÔNG VĂN

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN - BỘ TÀI CHÍNH SỐ 6466/TCHQ-GSQL NGÀY 23 THÁNG 12 NĂM 2002 VỀ VIỆC THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNH HOÁ ĐÃ XK PHẢI NK TRỞ LẠI VIỆT NAM

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

Thời gian gần đây một số doanh nghiệp đã xuất khẩu hàng hoá nhưng vì lý do nào đó không được nước nhập khẩu tiếp nhận, phải nhập khẩu trở lại Việt Nam. Để thống nhất giải quyết thủ tục hải quan đối với các trường hợp này, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện như sau:

1. Hàng hoá đã xuất khẩu, khi nhập khẩu trở lại Việt Nam (dưới đây gọi là tái nhập) bao gồm các trường hợp sau:

- Hàng tái nhập để sửa chữa, tái chế, sau đó lại tái xuất.

- Hàng tái nhập để tiêu thụ nội địa.

- Hàng tái nhập phải tiêu huỷ.

2. Hàng tái nhập phải tuân thủ trình tự nguyên tắc thủ tục sau:

- Chủ hàng có văn bản đề nghị tái nhập gửi Hải quan của khẩu nơi hàng tái nhập kèm theo văn bản từ chối nhận hàng của bên nước ngoài. Nội dung văn bản đề nghị tái nhập nói rõ:

+ Lý do tái nhập;

+ Mục đích tái nhập (nếu tái nhập để sửa chữa, tái chế, sau đó tái xuất thì cần ghi rõ thời gian, địa điểm tái chế, những hao hụt sau khi tái chế);

+ Số - ngày/tháng/năm của tờ khai xuất khẩu, cửa khẩu xuất;

+ Cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung hồ sơ và thực tế lô hàng tái nhập.

- Chủ hàng phải xuất trình lô hàng tái nhập và bộ hồ sơ lô hàng (hồ sơ khi xuất khẩu và hồ sơ tái nhập).

- Nếu hàng hoá xuất khẩu có mẫu lưu hoặc mẫu nguyên liệu lưu thì phải xuất trình mẫu lưu liên quan.

- Phải chịu sự kiểm tra hải quan và làm thủ tục hải quan theo quy định tại mục 3 dưới đây.

3. Thủ tục hải quan cụ thể:

3.1. Hàng tái nhập để sửa chữa, tái chế, sau đó tái xuất:

- Chủ hàng khai báo hải quan như đối với hàng tạm nhập để tái xuất, nộp bộ hồ sơ hải quan gồm:

+ Văn bản đề nghị tái nhập;

+ Tờ khai hàng hoá nhập khẩu, bản kê khai chi tiết hàng hoá (đối với lô hàng có nhiều chủng loại); Vận tải đơn;

+ Văn bản từ chối nhận hàng của bên nước ngoài;

+ Xuất trình hồ sơ hải quan xuất khẩu lô hàng trước đây.

- Hải quan thực hiện công tác kiểm tra hải quan đối với lô hàng, đối chiếu với mẫu lưu (nếu có):

+ Nếu hàng tái nhập phù hợp hàng đã xuất khẩu thì ghi xác nhận vào phần kiểm tra hàng hoá của cơ quan hải quan trên tờ khai là: "Hàng thực nhập phù hợp với bộ hồ sơ hải quan khi xuất khẩu". Trường hợp lô hàng khi xuất khẩu trước đây được miễn kiểm tra hải quan thì hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục tái nhập phải kiểm tra chi tiết và xác nhận vào tờ khai hàng hoá nhập khẩu, làm cơ sở cho hải quan nơi làm thủ tục tái xuất sau này.

Lấy mẫu hàng tái nhập lưu (nếu có) niêm phong giao chủ hàng bảo quản để xuất trình với hải quan khi làm thủ tục tái xuất lô hàng.

+ Nếu hàng tái nhập không phù hợp hàng đã xuất khẩu thì ghi kết quả kiểm tra thực tế hàng hoá trên tờ khai và làm thủ tục theo đúng chính sách quản lý đối với hàng hoá đó; lập biên bản vi phạm và xử lý theo quy định hiện hành.

- Sau quá trình sửa chữa, tái chế lại nếu có thay đổi về nội dung tính thuế lô hàng thì chủ hàng phải khai báo để hải quan tính thuế theo lô hàng thực tế tái xuất và điều chỉnh tăng giảm tiền thuế so với thực tế xuất khẩu thể hiện trên tờ khai xuất khẩu trước đây.

- Hải quan cửa khẩu xuất cuối cùng kiểm tra hồ sơ lô hàng và thực tế hàng để làm thủ tục tái xuất.

3.2. Hàng tái nhập để tiêu thụ nội địa:

a. Trường hợp lô hàng tái nhập đã được kiểm tra thực tế khi xuất khẩu:

- Chủ hàng khai báo và làm thủ tục hải quan như đối với một lô hàng nhập khẩu, nộp hồ sơ hải quan gồm:

+ Văn bản đề nghị tái nhập;

+ Tờ khai hàng hoá nhập khẩu; Bản kê khai chi tiết hàng hoá (đối với lô hàng có nhiều chủng loại); Vân tải đơn;

+ Văn bản từ chối nhận hàng của bên nước ngoài;

+ Xuất trình hồ sơ hải quan xuất khẩu lô hàng trước đây.

- Hải quan của khẩu nơi lô hàng tái nhập căn cứ bộ hồ sơ xuất khẩu lô hàng có xác nhận của Hải quan (xác nhận kết quả kiểm hoá, tính thuế xuất khẩu) để kiểm tra nội dung khai báo tái nhập và các chứng từ liên quan của chủ hàng, kiểm tra hàng hoá tái nhập. Sau khi kiểm tra thực tế hàng tái nhập cần lưu ý:

+ Nếu hàng tái nhập hoàn toàn phù hợp với hàng đã xuất khẩu thì ghi xác nhận như ở phần 3.1 trên đây và tiến hành thủ tục cho thông quan.

Chính sách thuế trong trường hợp này thực hiện theo quy định hiện hành đối với trường hợp hàng Việt Nam xuất khẩu phải quay trở lại Việt Nam.

+ Nếu hàng tái nhập không phải là lô hàng xuất khẩu trước đó theo khai báo của chủ hàng thì lập biên bản xử lý theo quy định hiện hành. Nếu trong quyết định xử lý cho phép nhập khẩu thì làm thủ tục nhập khẩu như đối với một lô hàng nhập khẩu bình thường khác.

+ Nếu chủ hàng không chứng minh được lô hàng tái nhập đúng là lô hàng đã xuất khẩu thì coi như doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng khác, hải quan làm thủ tục theo đúng chính sách quản lý đối với mặt hàng đó.

b. Trường hợp khi xuất khẩu, hàng được miễn kiểm tra hải quan:

- Thủ tục thực hiện như quy định tại điểm a nêu trên.

- Chính sách thuế đối với trường hợp này:

+ Nếu chủ hàng chứng minh được lô hàng tái nhập đúng là lô hàng đã xuất khẩu, thì chính sách thuế thực hiện như điểm a nêu trên.

+ Nếu chủ hàng không có đầy đủ căn cứ pháp lý, cơ sở khoa học để chứng minh được lo hàng tái nhập đúng là lô hàng đã xuất khẩu thì coi như doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng khác, hải quan làm thủ tục theo đúng chính sách quản lý đối với mặt hàng đó.

3.3. Hàng tái nhập để tiêu huỷ:

- Chủ hàng khai báo và làm thủ tục hải quan như đối với một lô hàng nhập khẩu, nộp hồ sơ hải quan gồm:

+ Văn bản đề nghị tái nhập;

+ Tờ khai hàng hoá nhập khẩu; Bản kê khai chi tiết hàng hoá (đối với lô hàng có nhiều chủng loại); Vận tải đơn;

+ Văn bản từ chối nhận hàng của bên nước ngoài;

+ Xuất trình hồ sơ hải quan xuất khẩu lô hàng trước đây.

- Hải quan cửa khẩu tiếp nhận tờ khai hàng hoá nhập khẩu, kiểm tra thực tế hàng; đối chiếu giữa thực tế hàng hoá và hồ sơ liên quan, nếu phù hợp lô hàng đã xuất khẩu thì xác nhận vào tờ khai như quy định tại phần 3.1 trên đây.

- Thực hiện giám sát hải quan cho đến khi hàng được tiêu huỷ. Cơ sở thủ tục tiêu huỷ theo quy định hiện hành đối với từng trường hợp hàng hoá cụ thể.

- Chính sách thuế được thực hiện theo quy định tại điểm 3.2.a trên đây.

Trong quá trình thực hiện văn bản này nếu có vướng mắc phát sinh thì Cục hải quan tỉnh, thành phố tập hợp và đề xuất ý kiến giải quyết báo cáo về Tổng cục hải quan để có chỉ đạo kịp thời.

 

Đặng Văn Tạo

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 6466/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan về việc thủ tục hải quan đối với hàng hoá đã xuất khẩu phải nhập khẩu trở lại Việt Nam

  • Số hiệu: 6466/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 23/12/2002
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Đặng Văn Tạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản