Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 640/BTP-PLQT
V/v kiến nghị của Công ty Luật TNHH DFDL Việt Nam

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2019

 

Kính gửi: Công ty Luật TNHH DFDL Việt Nam
(194 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Bộ Tư pháp nhận được Công văn số 931/VPCP-ĐMDN ngày 31/1/2019 của Văn phòng Chính phủ về kiến nghị của Quý Công ty liên quan đến văn bản chứng thực quyền thừa kế tài sản của Văn phòng công chứng Maaldrink tại La Hay, Hà Lan, Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:

1. Về thẩm quyền hướng dẫn áp dụng pháp luật về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài tại Việt Nam

Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan chủ trì xây dựng quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan có thẩm quyền đảm bảo thống nhất áp dụng pháp luật trong xét xử (khoản 8 Điều 2 Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014). Do đó, Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan có thẩm quyền phù hợp để hướng dẫn áp dụng các quy định nêu trên của Bộ luật tố tụng dân sự. Bộ Tư pháp đề nghị Quý Công ty liên hệ với Tòa án nhân dân tối cao để được hướng dẫn cụ thể.

2. Về phạm vi bản án, quyết định được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam

Điều 423 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định phạm vi bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bao gồm: bản án, quyết định của tòa án nước ngoài và quyết định về nhân thân, hôn nhân và gia đình của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài.

Bên cạnh đó, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật nuôi con nuôi năm 2010, Luật hộ tịch năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật nêu trên cũng có quy định về việc ghi chú, ghi vào sổ hộ tịch các bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về hôn nhân gia đình và nuôi con nuôi (ghi vào sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài).

Như vậy, Bộ Tư pháp cho rằng văn bản chứng thực quyền thừa kế tài sản, quyền đại diện cho các đồng thừa kế do Công chứng viên của nước ngoài lập theo quy định của pháp luật nước ngoài không thuộc phạm vi các bản án, quyết định được xem xét công nhận tại Việt Nam theo các quy định nêu trên. Văn bản này là một trong các tài liệu chứng minh quyền thừa kế theo quy định của pháp luật nước ngoài.

Trên đây là ý kiến của Bộ Tư pháp về việc trả lời kiến nghị của Quý Công ty, xin gửi để Quý Công ty tham khảo./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để theo dõi);
- Tòa án nhân dân tối cao (để biết);
- Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (để biết);
- Lưu: VT, PLQT (B)

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ PHÁP LUẬT QUỐC TẾ




Bạch Quốc An

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 640/BTP-PLQT năm 2019 về văn bản chứng thực quyền thừa kế tài sản của Văn phòng công chứng Maaldrink tại La Hay, Hà Lan do Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 640/BTP-PLQT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 27/02/2019
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Bạch Quốc An
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản