Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6331/CTTPHCM-TTHT
V/v Chính sách thuế

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 6 năm 2022

 

Kính gửi: Chi nhánh Công ty Bảo hiểm Liên Hiệp Tại TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Phòng L16 - 15/1 Vincom Center - 72 Lê Thánh Tôn, Q.1
Mã số thuế: 0100112571 - 001

Trả lời văn bản số 004/2022/CV - UIC - HCM ngày 11/03/2022 của Chi nhánh Công ty Bảo hiểm Liên Hiệp Tại TP.Hồ Chí Minh (Chi nhánh) về hướng dẫn thủ tục hoàn phí bảo hiểm cho khách hàng cá nhân, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến như sau:

Căn cứ tiết đ Khoản 2, Điều 9 Thông tư số 09/2011/TT-BTC ngày 21/01/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm:

“Đối với trường hợp hoàn trả phí bảo hiểm và giảm hoa hồng môi giới bảo hiểm:

Trường hợp khách hàng tham gia bảo hiểm là tổ chức kinh doanh, khi hoàn trả phí bảo hiểm (một phần hoặc toàn bộ), doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu tổ chức tham gia bảo hiểm lập hóa đơn GTGT, trên hóa đơn ghi rõ số tiền phí bảo hiểm do công ty bảo hiểm hoàn trả, tiền thuế GTGT, lý do hoàn trả phí bảo hiểm. Hóa đơn này là căn cứ để doanh nghiệp bảo hiểm điều chỉnh doanh số bán, số thuế GTGT đầu ra, tổ chức tham gia bảo hiểm điều chỉnh chi phí mua bảo hiểm, số thuế GTGT đã kê khai hoặc đã khấu trừ.

Trường hợp khách hàng tham gia bảo hiểm là đối tượng không có hóa đơn GTGT, khi hoàn trả tiền phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng tham gia bảo hiểm phải lập biên bản hoặc thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ số tiền phí bảo hiểm được hoàn trả (không bao gồm thuế GTGT), số tiền thuế GTGT theo hóa đơn thu phí bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đã thu (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn), lý do hoàn trả phí bảo hiểm. Biên bản này được lưu giữ cùng với hóa đơn thu phí bảo hiểm để làm căn cứ điều chỉnh kê khai doanh thu, thuế GTGT của doanh nghiệp bảo hiểm. ...”.

Trường hợp giảm hoa hồng môi giới bảo hiểm thực hiện theo hướng dẫn tại các văn bản pháp luật liên quan”.

Căn cứ Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn chứng từ:

Tại Khoản 2, Điều 3 quy định:

“Hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, trong đó:

a) Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua.

Mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử bao gồm số giao dịch là một dãy số duy nhất do hệ thống của cơ quan thuế tạo ra và một chuỗi ký tự được cơ quan thuế mã hóa dựa trên thông tin của người bán lập trên hóa đơn.

b) Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế.”.

Tại Điều 3 quy định chuyển đổi hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử thành hóa đơn, chứng từ giấy

“Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử hợp pháp được chuyển đổi thành hóa đơn, chứng từ giấy khi có yêu cầu nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, cơ quan kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, điều tra và theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra và điều tra.

2. Việc chuyển đổi hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử thành hóa đơn, chứng từ giấy phải bảo đảm sự khớp đúng giữa nội dung của hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử và hóa đơn, chứng từ giấy sau khi chuyển đổi.

3. Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử được chuyển đổi thành hóa đơn, chứng từ giấy thì hóa đơn, chứng từ giấy chỉ có giá trị lưu giữ để ghi sổ, theo dõi theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về giao dịch điện tử, không có hiệu lực để giao dịch, thanh toán, trừ trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế theo quy định tại Nghị định này.”.

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp Chi nhánh ký hợp đồng với khách hàng cá nhân mua bảo hiểm (đối tượng không có hóa đơn giá trị gia tăng), Chi nhánh đã lập hóa đơn điện tử thu phí bảo hiểm thì khi hoàn trả tiền phí bảo hiểm cho khách hàng cá nhân phù hợp theo quy định pháp luật, Chi nhánh và khách hàng tham gia bảo hiểm phải lập biên bản hoặc thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ số tiền phí bảo hiểm được hoàn trả (không bao gồm thuế GTGT), số tiền thuế GTGT theo hóa đơn thu phí bảo hiểm mà Chi nhánh đã thu (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn), lý do hoàn trả phí bảo hiểm. Biên bản này là căn cứ để điều chỉnh kê khai doanh thu, thuế GTGT của Chi nhánh.

Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh thông báo Công ty biết để thực hiện theo đúng quy định./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- P.TTKT5;
- P.NVDT-PC;
- Lưu: VT, TTHT(mtthu 4b).
801/22

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Tiến Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 6331/CTTPHCM-TTHT năm 2022 hướng dẫn thủ tục hoàn phí bảo hiểm cho khách hàng cá nhân do Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 6331/CTTPHCM-TTHT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 03/06/2022
  • Nơi ban hành: Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/06/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản