Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 632/TCHQ-GSQL
V/v xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển

Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 2022

 

Kính gửi: Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh.

Trả lời công văn số 163/HQTPHCM-GSQL ngày 24/01/2022 của Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh về việc xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Đối với trường hợp 9 Hãng tàu đã vận chuyển 59 container phế liệu tồn đọng không đủ điều kiện nhập khẩu vào cảng biển Việt Nam nhưng không thực hiện tái xuất các lô hàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, không đến làm việc để nhận Quyết định xử lý và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo Quyết định của Chi cục Hải quan:

Yêu cầu Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh có văn bản thông báo cho Cảng vụ Hàng hải thành phố Hồ Chí Minh về việc 09 hãng tàu không chấp hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính của cơ quan Hải quan và đề nghị Cảng vụ Hàng hải thành phố Hồ Chí Minh căn cứ Khoản 1, Khoản 3 Điều 8 Quyết định số 35/2019/QĐ-TTg ngày 19/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế phối hợp liên ngành quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu để áp dụng biện pháp cưỡng chế, xử lý hoặc dừng việc cấp phép ra, vào cảng biển Việt Nam đối với 09 hãng tàu đã vận chuyển vào cảng biển Việt Nam hàng hóa là phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường.

2. Đối với các hãng tàu đã nhận Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy và đang trong quá trình thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo Quyết định của Chi cục Hải quan:

a) Yêu cầu Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh đôn đốc Chi cục Hải quan yêu cầu các hãng tàu khẩn trương thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo Quyết định của Chi cục Hải quan để sớm giải phóng kho, bãi, cảng; trả lại mặt bằng cho doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng hoạt động sản xuất kinh doanh.

b) Đối với các Container phế liệu tồn đọng không đủ điều kiện nhập khẩu đã xác định được thời gian, hình thức tiêu hủy, đơn vị tiêu hủy thì lập danh sách chi tiết container, tên hãng tàu, đơn vị tiêu hủy, thời gian dự kiến, phương án và hình thức tiêu hủy gửi về Tổng cục Hải quan (qua Cục Giám sát quản lý về hải quan để phối hợp giám sát khi cần thiết) trước khi vận chuyển hàng hóa ra khỏi cảng để thực hiện tiêu hủy.

c) Trước khi thực hiện cắt seal để tiêu hủy hàng hóa, yêu cầu chụp ảnh cửa container, chụp ảnh seal trước khi cắt seal, lập Biên bản mở container, ghi rõ số hiệu container, số seal; Tổ chức việc giám sát công tác tiêu hủy từ khi cắt seal, lấy hàng hóa ra khỏi container, đưa hàng hóa vào tiêu hủy, đến khi tiêu hủy toàn bộ lô hàng trong container; Lập Biên bản xác nhận của các bên có liên quan, lưu hình ảnh, Biên bản vào Hồ sơ xử lý tiêu hủy.

3. Đối với các lô hàng phế liệu đang khóa trọng điểm đã được cơ quan cảnh sát sát điều tra thông báo đã được tòa án xét xử không phải là tang vật vụ án hoặc tài sản đảm bảo thi hành án và đề nghị cơ quan hải quan xử lý theo quy định:

Thực hiện thông báo tìm chủ hàng theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 203/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ tài chính và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Hải quan. Quá thời hạn mà không có người đến nhận hàng thì thực hiện xác lập quyền sở hữu toàn dân và xử lý hàng hóa tồn đọng theo quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ, Thông tư số 203/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014, Thông tư số 57/2018/TT-BTC ngày 05/7/2018 của Bộ tài chính.

4. Đối với 432 container hàng tồn đọng là phế liệu đủ điều kiện nhập khẩu:

Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh căn cứ các quy định của pháp luật, công văn số 4555/TCHQ-GSQL ngày 22/9/2021 và các văn bản hướng dẫn liên quan, khẩn trương đôn đốc Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng tổ chức bán đấu giá đối với các lô hàng phế liệu tồn đọng đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

5. Đối với 200 container phế liệu đã mở tờ khai hải quan:

Yêu cầu Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh lập danh sách chi tiết container (gồm các thông tin: số hiệu container, số vận đơn, ngày dỡ hàng xuống cảng, tên người nhận hàng, tên người gửi hàng, số tờ khai nhập khẩu, ngày đăng ký tờ khai, tên doanh nghiệp đứng tên trên tờ khai hải quan), đối với container tồn đọng quá 90 ngày sau đó có doanh nghiệp đến nhận hàng để làm thủ tục hải quan thì ghi rõ ngày thông báo tìm chủ, số văn bản thông báo tìm chủ, ngày doanh nghiệp đến nhận hàng, số văn bản, ngày văn bản xác nhận việc nhận hàng của doanh nghiệp.

6. Yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh phân công nhiệm vụ, bố trí cán bộ công chức tập trung xử lý dứt điểm đối với các lô hàng tồn đọng là phế liệu tại cảng biển, không để tình trạng hàng hóa là phế liệu tồn đọng tại cảng biển kéo dài.

Tổng cục Hải quan có ý kiến để Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, GSQL (3b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
CỤC TRƯỞNG CỤC GSQL VỀ HQ




Âu Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 632/TCHQ-GSQL năm 2022 về xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 632/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 25/02/2022
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Âu Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/02/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản