Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 630/QLCL-TTPC | Hà Nội, ngày 27 tháng 04 năm 2012 |
Kính gửi: Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ NN&PTNT).
Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản nhận được một số câu hỏi của cơ quan, tổ chức từ cổng thông tin điện tử của Bộ, sau khi nghiên cứu, Cục có ý kiến đối với các câu hỏi như sau:
Câu hỏi 1. Quí cơ quan xin hỏi về Quyết định 2864/QĐ-BNN-QLCL (Quy định chỉ tiêu kiểm tra về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với lô hàng thủy sản xuất khẩu) Ở phụ lục 3: Mục V. Thị trường Nhật Bản: có quy định giới hạn cho phép của Chloramphenicol là Không cho phép ở mức MRPL=0.3 microgam/kg (theo tiêu chuẩn thực phẩm và phụ gia thực phẩm, bộ y tế và phúc lợi Nhật Bản 29/05/2006) Nhưng phía khách hàng Nhật Bản họ thông báo mức MRPL của Chloramphenicol là 0.5ppb (~0.5 micrigam/kg) và tôi tìm hiểu trong tiêu chuẩn thực phẩm và phụ gia thực phẩm, bộ y tế và phúc lợi Nhật Bản 29/05/2006 cũng không thấy đề cập mức MRPL=0.3 microgam/kg. Vậy xin hỏi mức MRPL=0.3 microgam/kg hay 0.5 microgam/kg là đúng??? Trân trọng cảm ơn. Đức Hiền.
Trả lời:
- Đến thời điểm hiện nay, Cơ quan thẩm quyền Nhật Bản chưa thông báo chính thức cho Cục QLCL NLS và TS (NAFIQAD) về quy định giới hạn phát hiện của phương pháp phân tích CAP trong thực phẩm thủy sản.
- Theo tiêu chuẩn thực phẩm và phụ gia thực phẩm, Bộ Y tế và phúc lợi Nhật Bản có hiệu lực từ ngày 29/05/2006, hóa chất Chloramphenicol bị cấm trong thực phẩm. Khách hàng có thể cung cấp cho NAFIQAD quy định của Nhật Bản về giới hạn phát hiện của phương pháp phân tích CAP trong thực phẩm thủy sản là 0.5ppb, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ xem xét sửa đổi Quy định tại Quyết định số 2864/QĐ-BNN-QLCL cho phù hợp.
Câu hỏi 2.
1. Nội dung thứ nhất: Vừa qua có một số cơ quan khi tiến hành thanh tra đã tịch thu tang vật. Vậy xin hỏi như vậy có đúng không và trình tự thủ tục tiến hành như thế nào?
Trả lời:
Quý cơ quan không nói rõ một số cơ quan là cơ quan nào, thuộc lĩnh vực nào, do vậy Cục chưa đủ căn cứ để khẳng định việc làm đó có đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật hay không.
Theo quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính:
- Mỗi hành vi vi phạm hành chính có 01 hoặc nhiều hình thức xử lý như: Phạt cảnh cáo, phạt tiền hoặc áp dụng hình phạt bổ sung (tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính) hay Biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra.
- Người có thẩm quyền được áp dụng hình thức phạt bổ sung (tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính) được quy định rất cụ thể từ Điều 28 đến Điều 42 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và sửa đổi bổ sung năm 2007, 2008.
- Thủ tục tạm giữ và tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm hành chính được quy định tại Điều 46, Điều 60 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và sửa đổi bổ sung năm 2007, 2008.
2. Nội dung thứ 2. Theo Luật an toàn thực phẩm thì Bộ NN&PTNT không quản lý cơ sở sản xuất nước đá, thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT cũng không đề cập đối với loại hình cơ sở này. Vậy các Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản có được thanh tra các cơ sở sản xuất nước đá phục vụ bảo quản thủy sản không? Xin Bộ NN&PTNT sớm hồi đáp, xin chân thành cảm ơn.
Trả lời: Theo điều 63 Luật ATTP 2010, cơ sở sản xuất nước đá phục vụ cho sản xuất, kinh doanh thủy sản chưa giao trách nhiệm quản lý nhà nước về VSATTP cho Bộ NN và PTNT. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý về ATTP tại địa phương nếu phát hiện các sai phạm của các cơ sở này, Chi cục cần báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kiến nghị tổ chức thanh tra chuyên ngành về ATTP đối với các cơ sở này.
Câu hỏi 4. Hiện nay Tôi muốn nhập khẩu men Vi sinh vật về bán tại Việt Nam Xin cho biết các bước thủ tục cần phải xin phép theo quy định của Việt Nam để được phép nhập khẩu sản phẩm về bán tại Việt Nam. * số các VB liên quan. * Men vi sinh dùng trong việc Xử lý nước cho việc nuôi trồng thủy sản. như tôm cá v.v. _ Có phải khử nghiệm không, vì đây là sản phẩm phổ biến sản xuất tại Thái Lan. (Có giấy chứng nhận sản phẩm ở nước ngoài). Chân thành cảm ơn quý cơ quan.
Trả lời: Việc cấp phép để nhập khẩu men vi sinh theo như nội dung câu hỏi này thuộc chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Thủy sản, vì vậy kính đề nghị Bộ giao cho Tổng cục Thủy sản trả lời cho đơn vị.
Câu hỏi 5. Tôi muốn hỏi về một số vấn đề, rất mong được trả lời sớm:
1 Bộ và các Sở nông nghiệp & PTNT có chức năng kiểm định VSAT thực phẩm không? Chức năng kiểm định nông nghiệp gồm những gì?
2. Các trang thiết bị cần thiết cho các trung tâm kiểm định của Sở nông nghiệp? Các tiêu chuẩn cần có? Tôi xin chân thành cảm ơn.
Trả lời:
1. Việc kiểm định hàng hóa được quy định tại Khoản 4, Điều 25, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tại Điều này nêu rõ: Việc kiểm định phải do tổ chức kiểm định được chỉ định thực hiện.
Tổ chức “kiểm định” được hiểu là “Tổ chức đánh giá sự phù hợp” theo quy định tại Khoản 8, Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Như vậy việc kiểm định chất lượng sản phẩm hàng hóa đã được xã hội hóa và do tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định thực hiện.
Bộ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa theo quy định của luật mà không thực hiện việc kiểm định.
2. Quy định cụ thể về tổ chức kiểm định (Tổ chức đánh giá sự phù hợp) được quy định tại Điều 17, 18 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Đề nghị Quý bạn nghiên cứu các quy định của Nhà nước về nội dung này tại Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành để biết rõ.
Câu hỏi 6. Kính gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn, công ty em có 1 vấn đề nhờ được tư vấn giúp. Công ty TNHH C&T VINA được thành lập từ năm 2006, ngành nghề kinh doanh là dệt và nhuộm các loại vải. Và công ty nhập khẩu sợi (nhập gia công) chủ yếu là sợi 100% cotton (mã HS 5205120000) và sợi 60% Cotton 40% Polyester (mã HS 5206120000) từ năm 2008 cho đến nay. Nhưng cho đến ngày 18/11/2010, Chi cục Hải quan nơi công ty chúng tôi đăng ký hợp đồng gia công yêu cầu công ty phải đăng ký Kiểm Dịch Thực Vật cho mỗi lô hàng khi nhập khẩu vào Việt Nam theo Quyết định số 35/2007/QĐ-BNN ngày 23 tháng 04 năm 2007. Qua sự tìm hiểu ở các Chi cục Hải quan khác như: Bình Dương (có Công ty TNHH THỜI TRANG NGỌC BÍCH XANH thuộc Chi cục Hải quan Sóng Thần-Bình Dương), Đồng Nai (có Công ty GLOBAL DYEING CO., LTD và Công ty TNHH JUNG WOO TEXTILE VINA thuộc Chi Cục Hải Quan Long Thành – Đồng Nai) thì không có phải đăng ký Kiểm Dịch Thực Vật. Và công ty tra cứu văn bản trên website của Hải Quan Việt Nam Công ty thấy có Quyết định 34/2007/QĐ/BNN ngày 23/04/2007 thì Công ty không thuộc trường hợp phải đăng ký Kiểm Dịch Thực Vật. và theo như Quyết Định 35/2007/QĐ-BNN ngày 23/04/2007 có hiệu lực thì các Doanh nghiệp khác thuộc Chi Cục Hải Quan Bình Dương, Đồng Nai cũng phải thực hiện theo. Rất mong được sự tư vấn và giải đáp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn cho Công ty chúng tôi về vấn đề này.
Trả lời:
Việc kiểm dịch thực vật và các nội dung liên quan đến kiểm dịch thực vật thuộc chức năng, nhiệm vụ của Cục Bảo vệ thực vật, vì vậy kính đề nghị Bộ giao cho Cục Bảo vệ thực vật trả lời cho đơn vị.
Trên đây là ý kiến trả lời bạn đọc của Cục, chuyển Trung tâm tin học thống kê tổng hợp báo cáo Bộ để trả lời bạn đọc.
Nơi nhận: | KT. CỤC TRƯỞNG |
- 1Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2007
- 2Quyết định 35/2007/QĐ-BNN công bố Bảng mã HS của Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành
- 3Quyết định 34/2007/QĐ-BNN công bố danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành
- 4Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002
- 5Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007
- 6Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008
- 7Nghị định 132/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa
- 8Luật an toàn thực phẩm 2010
- 9Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT về kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 10Quyết định 2864/QĐ-BNN-QLCL năm 2011 quy định chỉ tiêu kiểm tra về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với lô hàng thủy sản xuất khẩu do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 11Quyết định 574/QĐ-TTg năm 2017 về quy chế tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Công văn 630/QLCL-TTPC trả lời phản ánh, kiến nghị do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản ban hành
- Số hiệu: 630/QLCL-TTPC
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 27/04/2012
- Nơi ban hành: Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản
- Người ký: Phùng Hữu Hào
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/04/2012
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra