Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6121/TCHQ-GSQL
V/v xử lý vướng mắc tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC

Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2018

 

Kính gửi: Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
(Đ/c: 25 Bà Triệu, Hà Nội)

Trả lời công văn số 03/2018-DMGROUP ngày 11/9/2018 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam về một số nội dung hướng dẫn thủ tục hải quan khi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Về thủ tục thông báo hợp đồng gia công lại:

- Hợp đồng gia công theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ (trước đây là Điều 29 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP) thì các điều khoản tối thiểu của hợp đồng gia công gồm: Tên, địa chỉ của các bên ký hợp đồng và bên gia công trực tiếp; tên, số lượng sản phẩm gia công; giá gia công; thời hạn thanh toán và phương thức thanh toán; danh mục, số lượng, trị giá nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu và nguyên liệu, phụ liệu, vật tư sản xuất trong nước (nếu có) để gia công; định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư; định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu trong gia công; danh mục và trị giá máy móc, thiết bị cho thuê, cho mượn hoặc tặng cho để phục vụ gia công (nếu có); biện pháp xử lý phế liệu, phế thải, phế phẩm và nguyên tắc xử lý máy móc, thiết bị thuê, mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa sau khi kết thúc hợp đồng gia công; địa điểm và thời gian giao hàng; nhãn hiệu hàng hóa và tên gọi xuất xứ hàng hóa; thời hạn hiệu lực của hợp đồng. Như vậy, theo Tập đoàn nêu thì các hợp đồng ký kết mới là nguyên tắc, chưa bao gồm các nội dung theo quy định về hợp đồng gia công.

- Về thủ tục thông báo hợp đồng gia công lại theo quy định tại Điều 62 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 41 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính thì doanh nghiệp chỉ thông báo 01 (một) lần cho hợp đồng gia công lại trước khi đưa nguyên liệu, vật tư đi gia công lại tại doanh nghiệp khác, không phải từng lần trước khi đưa nguyên liệu, vật tư đi gia công lại. Nội dung thông báo bao gồm các thông tin cơ bản của hợp đồng gia công gồm: thông tin bên giao, bên nhận gia công; số hợp đồng/phụ lục hợp đồng; nguyên liệu, vật tư đưa đi gia công, sản phẩm nhận về; công đoạn thuê gia công; phí gia công; thời gian dự kiến đưa đi; thời gian dự kiến nhận sản phẩm về.

Vậy Tổng cục Hải quan làm rõ quy định về hợp đồng gia công và thủ tục thông báo hợp đồng gia công lại để Tập đoàn biết, hướng dẫn các đơn vị trong Tập đoàn thực hiện đúng quy định.

2. Về việc báo cáo quyết toán nhập - xuất - tồn kho nguyên liệu, vật tư gia công hoặc sản xuất xuất khẩu:

a. Đối với hướng dẫn tại cột mô tả chỉ tiêu 25.10 mẫu số 25 ban hành kèm theo Phụ lục I Thông tư số 39/2018/TT-BTC thay thế Phụ lục II Thông tư số 38/2015/TT-BTC (mẫu giấy là mẫu số 15/BCQT-NLVT/GSQL hành kèm theo Phụ lục II Thông tư số 39/2018/TT-BTC thay thế Phụ lục V Thông tư số 38/2015/TT-BTC), Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể như sau:

- Đối với hàng hóa nhập lại kho từ dây chuyền sản xuất hoặc từ hoạt động gia công lại được hiểu là lượng hàng này có nguồn gốc từ lượng hàng đã xuất kho vào sản xuất hoặc mang đi gia công lại, qua quá trình sử dụng không hết sẽ được nhập lại kho nguyên liệu. Khi nhập kho có phiếu nhập kho và phù hợp với lượng đã xuất kho và thực tế hàng tồn kho. Việc ghi nhận như vậy là phù hợp với hoạt động phát sinh liên quan đến quản lý kho tại doanh nghiệp, đúng với thực trạng của doanh nghiệp;

- Hàng hóa chuyển giao từ hợp đồng gia công này sang hợp đồng gia công khác trong cùng nhà máy:

Hàng hóa gia công chuyển tiếp theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ thì khi thực hiện phải thực hiện thủ tục hải quan theo quy định tại Điều 63 Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Theo đó, doanh nghiệp nhận đăng ký tờ khai nhập khẩu và doanh nghiệp giao đăng ký tờ khai xuất khẩu, tương ứng tại hệ thống sổ sách kế toán ghi nhận nghiệp vụ phát sinh này. Trong trường hợp chuyển giao hợp đồng gia công này sang hợp đồng gia công khác trong cùng doanh nghiệp thì mặc dù hàng hóa không có sự dịch chuyển ra vào kho, tuy nhiên về mặt quản lý và trên hệ thống sổ sách, theo dõi tại doanh nghiệp thì lượng hàng của hợp đồng gia công này đã được chuyển sang hợp đồng gia công khác.

Như vậy, để đảm bảo phản ánh trung thực, đầy đủ các nghiệp vụ phát sinh khi theo dõi nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu tại các mẫu biểu Báo cáo quyết toán nhập - xuất - tồn đã hướng dẫn doanh nghiệp cụ thể, đề nghị Tập đoàn Dệt may Việt Nam nghiên cứu, thực hiện. Trường hợp không phát sinh các hoạt động này thì không phải thể hiện tại chỉ tiêu 25.10 này.

b. Đối với hàng hóa đã hoàn thành thủ tục hải quan, đang đi trên đường chưa được nhập kho tại cuối kỳ báo cáo:

Căn cứ nguyên tắc kế toán theo quy định của Bộ Tài chính và để phản ánh đúng hàng hóa đang đi trên đường chưa được nhập kho khi đến kỳ báo cáo quyết toán, Tổng cục Hải quan đồng ý với đề xuất của Tập đoàn, nội dung “Hàng hóa nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan, đang đi trên đường nhưng chưa nhập kho gồm các tờ khai số…” được ghi nhận tại chỉ tiêu “Ghi chú khác”.

3. Về kê khai thuế đối với phế liệu, phế phẩm thu được sau quá trình sản xuất:

Việc kê khai thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có) với cơ quan hải quan đối với phế liệu, phế phẩm của hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu đã được quy định tại Điều 10 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ, Điều 71 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 49 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC. Do đó, đề nghị tập đoàn căn cứ quy định nêu trên để thực hiện. Khi thực hiện thủ tục kê khai Tập đoàn chỉ kê khai đối với phế liệu, phế phẩm thu được từ nguồn nguyên liệu, vật tư nhập khẩu. Đối với phế liệu, phế phẩm thu được từ nguồn nguyên liệu, vật tư trong nước thì doanh nghiệp không phải, kê khai; cơ sở tính thuế được xác định trên trị giá của phế liệu, phế phẩm nên doanh nghiệp không phải bóc tách cụ thể từng loại phế liệu, phế phẩm. Việc kê khai phế liệu, phế phẩm của hàng sản xuất xuất khẩu thực hiện như sau:

a) Đối với phế liệu, phế phẩm

Trường hợp hồ sơ điện tử thực hiện khai theo mẫu 04 Phụ lục lIa ban hành kèm theo Thông tư số 39/2018/TT-BTC. Trường hợp hồ sơ giấy khai theo mẫu 06/BKKTT/TXNK Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư số 39/2018/TT-BTC. Tên hàng trên bảng kê khai đúng theo tên hàng thực tế bán ra, trị giá khai theo giá bán ra chưa có thuế GTGT.

b) Đối với phế thải

Thực hiện theo quy định tại Điều 71 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 49 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC. Theo đó, đối với xử lý phế thải tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ghi chép sổ sách chi tiết, xuất trình cho cơ quan hải quan khi kiểm tra.

Ngoài ra, hiện nay đang trong quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ nên với vướng mắc của Tập đoàn, Tổng cục Hải quan ghi nhận để kiến nghị sửa Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.

4. Về thời điểm cung cấp thông tin định mức thực tế cho cơ quan hải quan:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 55 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 35 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm lưu trữ dữ liệu, chứng từ, tài liệu liên quan đến việc xác định định mức thực tế và thông báo định mức thực tế của lượng sản phẩm đã sản xuất theo năm tài chính cho cơ quan hải quan khi báo cáo quyết toán theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Thông tư này. Riêng đối với những sản phẩm sản xuất mà khi kết thúc năm tài chính vẫn chưa có sản phẩm hoàn chỉnh thì tổ chức, cá nhân chưa phải nộp định mức thực tế khi nộp báo cáo quyết toán (Ví dụ: gia công, sản xuất xuất khẩu tàu biển có thời gian dự kiến hoàn thành trong 3 năm thì đến năm tài chính thứ 3 mới phải nộp định mức thực tế).

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên khi kết thúc năm tài chính doanh nghiệp phải cung cấp thông tin về định mức thực tế của số lượng sản phẩm đã hoàn thành sản xuất tính đến ngày cuối cùng của năm tài chính, quy định này không phụ thuộc vào việc kết thúc đơn hàng.

Ví dụ: Trong năm 2018, Tập đoàn Dệt may Việt Nam có đơn hàng với đối tác Singapore sản xuất 5 triệu sản phẩm là áo sơ mi nam, ngày kết thúc năm tài chính đăng ký với cơ quan thuế nội địa là ngày 31/12/2018, kết thúc ngày 31/12/2018 Tập đoàn hoàn thành sản xuất của 4 triệu áo sơ mi. Vậy, khi nộp báo cáo quyết toán của năm 2018, Tập đoàn sẽ thông báo định mức thực tế của 4 triệu áo sơ mi, số lượng áo sơ mi còn lại là 1 triệu sẽ đợi đến kỳ báo cáo quyết toán năm 2019 tiếp theo nếu đã hoàn thành sản xuất hết số lượng này vào năm 2019.

5. Về chênh lệch khối lượng giữa cân nặng khai trên tờ khai hải quan so với cân nặng trên phiếu cân của Cảng hàng không khi xuất khẩu hàng hóa:

Theo quy định tại khoản 7 Điều 52a Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC, hàng hóa đủ điều kiện qua khu vực giám sát sẽ được đưa vào kho hàng không. Trường hợp có chênh lệch về trọng lượng, doanh nghiệp kinh doanh kho hàng cập nhật thông tin trọng lượng thực tế vào hệ thống và gửi đến cho cơ quan hải quan, hàng hóa được xếp lên phương tiện vận tải để xuất khẩu theo quy định, trừ trường hợp lô hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan hải quan dừng hàng qua khu vực giám sát theo quy định. Người khai hải quan không phải khai bổ sung với cơ quan hải quan đối với trường hợp chênh lệch trọng lượng nhưng không ảnh hưởng đến số lượng hàng hóa xuất khẩu, chính sách thuế và chính sách mặt hàng.

6. Về thủ tục hải quan đối với nguyên phụ liệu nhập sản xuất xuất khẩu cung ứng cho hợp đồng gia công:

a. Về mã loại hình tờ khai đối với trường hợp nguyên liệu vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, sau đó cung ứng cho hợp đồng gia công

Theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 61 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 40 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính; căn cứ hướng dẫn tại công văn số 2765/TCHQ- GSQL về việc sử dụng mã loại hình thì khi xuất khẩu tại chỗ sử dụng mã loại hình là B13 - xuất khẩu hàng hóa đã nhập khẩu, khi nhập khẩu tại chỗ sử dụng mã loại hình là E21- nhập nguyên liệu để gia công cho thương nhân nước ngoài.

b. Về việc phân luồng tờ khai xuất khẩu tại chỗ, Tổng cục Hải quan ghi nhận để nâng cấp hệ thống theo quy định.

7. Về hồ sơ hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã xuất khẩu sản phẩm:

Căn cứ quy định tại khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 20/11/2012 thì chứng từ thanh toán qua ngân hàng là một trong các điều kiện để doanh nghiệp được hoàn thuế trước, kiểm tra sau trong thời hạn 06 (sáu) ngày làm việc. Vì vậy, đề nghị Tập đoàn Dệt may Việt Nam thực hiện đúng quy định.

Tổng cục Hải quan trả lời để Tập đoàn Dệt may Việt Nam biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Tài chính (để b/c);
- Đ/c Nguyễn Văn Cẩn- TCT (để b/c);
- Cục Hải quan tỉnh, thành phố (để t/h);
- Hiệp hội Dệt may VN (Đ/c 32 Tràng Tiền, Hà Nội) (thay trả lời);
- Cục Thuế XNK, Cục CNTT & TKHQ, Cục QLRR (để p/h);
- Lưu: VT, GSQL (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Mai Xuân Thành

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 6121/TCHQ-GSQL năm 2018 xử lý vướng mắc tại Thông tư 39/2018/TT-BTC do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 6121/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 18/10/2018
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Mai Xuân Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/10/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản