Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6091/TCHQ-TXNK
V/v mặt hàng PVC

Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2017

 

Kính gửi: Đại sứ quán Hàn quốc tại Việt Nam
(Tầng 28, Tòa nhà Lotte Center Hà Nội, 54 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội)

Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhận được công hàm số KCH-17-936 ngày 22/5/2017 của Đại sứ quán Hàn Quốc liên quan đến việc phân loại mặt hàng PVC sản xuất theo công nghệ vi huyền phù. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trân trọng phúc đáp như sau:

Theo yêu cầu của Đại sứ quán Hàn Quốc liên quan đến vướng mắc phân loại mặt hàng PVC sản xuất theo công nghệ vi huyền phù, Tổng cục Hải quan đã làm việc trực tiếp với đại diện của Đại sứ quán và đại diện Công ty LG Chemical để làm rõ nội dung. Theo đó, mặt hàng “Poly (vinyl clorua), chưa pha trộn với bất kỳ chất nào khác, đồng nhất, dạng bột, sản xuất theo công nghệ vi huyền phù” phù hợp thuộc dòng hàng 3904.10.10 “- - Polyme đồng nhất, sản xuất theo công nghệ huyền phù” hay thuộc dòng hàng “3904.10.92 - - - Dạng bột” của phân nhóm - - Loại khác”. Trên cơ sở vướng mắc của Đại sứ quán Hàn Quốc và hồ sơ kết quả phân tích số 1484/TB-KĐ2 ngày 09/5/2017 của Chi cục Kiểm định 2 đối với mẫu hàng LP 170 và LP 170G, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 4179/TCHQ-TXNK ngày 23/6/2017 đề nghị Bộ Khoa học công nghệ làm rõ công nghệ sản xuất vi huyền phù có được coi là công nghệ sản xuất huyền phù hay không, và sự khác nhau giữa công nghệ sản xuất vi huyền phù và công nghệ sản xuất nhũ tương.

Ngày 29/6/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ có công văn số 2115/BKHCN-CNN phân biệt công nghệ huyền phù và công nghệ nhũ tương, phân biệt các sản phẩm PVC được sản xuất từ công nghệ huyền phù, vi huyền phù và công nghệ nhũ tương, đồng thời khẳng định công nghệ vi huyền phù cũng được coi là công nghệ huyền phù, vì bản chất công nghệ là giống nhau (chất khơi mào tan trong monome), nhưng công nghệ vi huyền phù có tốc độ khuấy cao hơn, chất phân tán nhiều hơn... sẽ tạo ra hạt có kích thước nhỏ hơn (kèm theo bản copy công văn số 2115/BKHCN-CNN ngày 29/6/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ).

Căn cứ kết quả phân tích đối với 02 mẫu hàng LP 170 và LP 170G, tài liệu kỹ thuật do nhà sản xuất LG Chemical cung cấp và công văn số 2115/BKHCN-CNN ngày 29/6/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ, mặt hàng phù hợp thuộc nhóm 39.04 “Polyme từ vinyl clorua hoặc từ olefin đã halogen hóa khác, dạng nguyên sinh”, phân nhóm 3904.10 “- Poly (vinyl clorua), chưa pha trộn với bất kỳ chất nào khác”, Mã số 3904.10.10 “- - Polyme đồng nhất, sản xuất theo công nghệ huyền phù” tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Tổng cục Hải quan kính báo để quý Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam được biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Tổng cục trưởng (để b/c);
- PTCT Nguyễn Dương Thái (để b/c);
- Lưu: VT, TXNK-PL-Thảo(3b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ XNK




Lưu Mạnh Tưởng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 6091/TCHQ-TXNK năm 2017 về mặt hàng PVC do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 6091/TCHQ-TXNK
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 15/09/2017
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Lưu Mạnh Tưởng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản