Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 600/LĐTBXH-KHTC
V/v hướng dẫn thực hiện các dự án chuyển tiếp và dự án kết thúc đầu tư năm 2016.

Hà Nội, ngày 03 tháng 03 năm 2016

 

Kính gửi: Chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp và kết thúc đầu tư năm 2016 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

Dự án đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo kế hoạch vốn đầu tư phát triển để tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư trong năm 2016, để việc thực hiện dự án đảm bảo chặt chẽ, chất lượng, tiến độ theo quy định và hoàn thành kế hoạch vốn đã được giao, Bộ đề nghị Chủ đầu tư thực hiện như sau:

1. Về tiến độ triển khai thực hiện dự án:

- Đối với các dự án chuyển tiếp: Đối với các gói thầu đã đấu thầu, Chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đồng thời chỉ đạo các đơn vị có liên quan giám sát, quản lý chặt chẽ chất lượng và nghiệm thu khối lượng hoàn thành. Chủ đầu tư chỉ đạo việc rà soát lại tiến độ, tình hình thanh toán của các gói thầu đang triển khai thực hiện, đối chiếu lũy kế vốn đã cấp đến năm 2016 và dự kiến kế hoạch triển khai đấu thầu các gói thầu tiếp theo trong năm theo kế hoạch đấu thầu đã được duyệt để có văn bản báo cáo Bộ (Vụ Kế hoạch - Tài chính) trước khi triển khai đấu thầu các gói thầu tiếp theo, tránh tình trạng triển khai thực hiện vượt khả năng cân đối vốn, gây nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

- Đối với các dự án kết thúc đầu tư: Kế hoạch kết thúc đầu tư các dự án là không thể thay đổi, Bộ đề nghị Chủ đầu tư rà soát lại toàn bộ khối lượng các gói thầu của dự án, lập tiến độ, làm rõ thời gian bắt đầu và thời gian phải kết thúc của từng công việc để hoàn thành các khối lượng còn lại của dự án. Theo đó, Chủ đầu tư quản lý chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án đã lập, toàn bộ khối lượng của dự án phải thực hiện hoàn thành, nghiệm thu và làm thủ tục thanh toán tại kho bạc trước 31/12/2016 theo đúng quy định.

- Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, đề nghị Chủ đầu tư triển khai thực hiện theo tổng mức đầu tư đã được duyệt, không Điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư; nghiệm thu, thanh toán khối lượng theo kế hoạch vốn đã được thông báo, không gây phát sinh nợ đọng vốn đầu tư. Chính phủ sẽ không bố trí vốn từ nguồn Ngân sách nhà nước để thanh toán nợ đọng cho các dự án. Vì vậy, trong trường hợp phát sinh nợ đọng vốn, Chủ đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm bố trí vốn từ các nguồn vốn khác để thanh toán.

2. Về công tác đấu thầu:

Nghiêm túc thực hiện Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, các Công văn số 3052/LĐTBXH-KHTC ngày 21/8/2014, Công văn số 3223/LĐTBXH-KHTC ngày 03/9/2014 của Bộ về việc hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu và các quy định hiện hành có liên quan. Tổ chức đấu thầu công khai, rộng rãi, đảm bảo trình tự, thủ tục nhằm đạt được Mục tiêu và hiệu quả của đấu thầu, đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chỉ thực hiện chỉ định thầu đối với các gói thầu đủ Điều kiện áp dụng chỉ định thầu theo quy định và đã được Bộ phê duyệt trong kế hoạch đấu thầu, không chia nhỏ các gói thầu để chỉ định thầu.

3. Về thực hiện thanh toán vốn đầu tư:

Chủ đầu tư thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành, tạm ứng vốn theo đúng hướng dẫn hiện hành của Bộ Tài chính, nhất là thủ tục bảo lãnh tạm ứng để đảm bảo yêu cầu chặt chẽ. Đồng thời phải đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương nghiệm thu, thanh toán ngay sau khi có khối lượng hoàn thành (đủ Điều kiện nghiệm thu, thanh toán), không để dồn vào những tháng cuối năm, đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao. Trường hợp dự án không thực hiện hết kế hoạch phải báo cáo ngay để Bộ kịp làm thủ tục Điều chuyển cho các dự án khác, trường hợp khả năng thực hiện cao hơn kế hoạch đã giao thì đề nghị Bộ bổ sung vốn cho dự án. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính trong năm 2015, tỷ lệ giải ngân 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng đầu năm của Bộ còn thấp, thấp hơn mức trung bình trên cả nước. Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên trong năm 2016, ngay trong quý I/2016 Chủ đầu tư phải đẩy nhanh công tác giải ngân vốn, đảm bảo 6 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân đạt trên 40% kế hoạch, nếu dự án không đạt tỷ lệ giải ngân nêu trên, Bộ sẽ chủ động thực hiện việc Điều chuyển vốn theo quy định hiện hành.

Đối với các dự án kết thúc đầu tư, Chủ đầu tư phải đối chiếu toàn bộ khối lượng thực hiện với tổng dự toán của dự án, trường hợp chi phí dự phòng trong tổng dự toán không sử dụng, Chủ đầu tư phải đề nghị Bộ Điều chuyển cho các dự án khác, tránh tình trạng thừa vốn hoặc sử dụng để bổ sung cho các công việc không cần thiết gây lãng phí, kém hiệu quả.

4. Về công tác nghiệm thu, quản lý chất lượng công trình:

Chủ đầu tư phải thực hiện quản lý chất lượng công trình theo đúng quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Qua kết quả các đợt thanh tra, kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và kiểm tra thực tế tại các dự án còn xảy ra một số sai sót như: Hồ sơ hoàn công chưa kịp thời theo từng giai đoạn nghiệm thu; nghiệm thu công việc hoàn thành chưa kèm theo bảng tính khối lượng hoặc không tính toán nghiệm thu thực tế mà nghiệm thu theo khối lượng đã ký trong hợp đồng... Vì vậy, Bộ hướng dẫn bổ sung một số nội dung về quản lý chất lượng như sau:

Ngoài việc lựa chọn tư vấn giám sát kỹ thuật có chất lượng (đối với Chủ đầu tư không có đủ Điều kiện tự giám sát kỹ thuật) Chủ đầu tư còn phải cử cán bộ, phối hợp và kiểm tra quá trình thực hiện của đơn vị thi công và tư vấn giám sát kỹ thuật, lưu ý đối với các công việc sau:

- Quản lý chất lượng vật tư bán thành phẩm, vật liệu đưa vào công trường, đảm bảo đúng chỉ định trong thiết kế và hồ sơ mời thầu được duyệt. Quản lý về bảo quản vật tư vật liệu trên công trường.

- Quản lý kỹ thuật xây lắp, bảo đảm đúng thiết kế, cả về số lượng, khối lượng, kỹ thuật - mỹ thuật của công trình.

- Quản lý các thiết bị đưa vào lắp đặt cho công trình đảm bảo thông số kỹ thuật, chất lượng, số lượng theo đúng hồ sơ trúng thầu và thiết kế được duyệt.

- Quản lý các thiết bị thi công, danh sách cán bộ thi công do nhà thầu đưa vào phục vụ thi công, bảo đảm đúng nội dung đã nêu trong hồ sơ dự thầu; trường hợp có lý do hợp pháp thay đổi phải được sự chấp thuận của Chủ đầu tư.

- Quản lý các thủ tục, quy trình nghiệm thu kỹ thuật thi công từng bộ phận công trình, đối chiếu với hồ sơ thiết kế, với nội dung ghi nhật ký công trình để nghiệm thu kỹ thuật thi công các bộ phận của hạng Mục công trình làm cơ sở nghiệm thu hạng Mục công trình và nghiệm thu tổng thể khi công trình hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng.

- Trong quá trình thực hiện thi công xây lắp phải chú trọng công tác lập bản vẽ hoàn công công trình ngay từ bước nghiệm thu kỹ thuật đầu tiên.

- Việc nghiệm thu, thanh toán theo từng giai đoạn kỹ thuật, khi hạng Mục công trình và công trình hoàn thành đều phải được tính toán kỹ lưỡng đảm bảo khối lượng và giá trị thanh toán là những khối lượng hợp pháp và được nghiệm thu từ thực tế. Không được thanh toán theo dự toán, theo khối lượng trúng thầu mà không tính toán, nghiệm thu cụ thể.

- Chủ đầu tư có thể hợp đồng với đơn vị kiểm toán độc lập để kiểm toán ngay sau khi kết thúc từng hạng Mục công trình đưa vào sử dụng để tổng hợp vào quyết toán dự án hoàn thành; đảm bảo hoàn thành hồ sơ, thủ tục trình Bộ phê duyệt theo đúng thời hạn quy định.

5. Về công tác bảo trì:

Đối với các dự án chưa lập quy trình bảo trì công trình xây dựng thì Chủ đầu tư phải lập bổ sung nội dung này, chi phí lập quy trình bảo trì được tính trong tổng mức đầu tư dự án. Thực hiện bảo trì công trình xây dựng sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng theo đúng quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/05/2015 của Chính phủ và các quy định hiện hành có liên quan.

6. Về thực hiện chế độ báo cáo trong xây dựng cơ bản:

Chủ đầu tư phải thực hiện chế độ báo cáo trong xây dựng cơ bản theo đúng quy định (báo cáo thực hiện vốn đầu tư, báo cáo giám sát đánh giá đầu tư, báo cáo quyết toán niên độ ngân sách năm...), đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Thực tế thời gian vừa qua, các Chủ đầu tư còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác này, Bộ thường phải có văn bản đôn đốc, nhắc nhở nhưng nhiều Chủ đầu tư vẫn không đảm bảo thời gian gửi báo cáo, chất lượng báo cáo theo đúng quy định. Vì vậy, đề nghị Chủ đầu tư chấn chỉnh, nghiêm túc rút kinh nghiệm chung để thực hiện chế độ báo cáo trong đầu tư xây dựng theo đúng quy định.

Đề nghị Chủ đầu tư nghiên cứu, nghiêm túc thực hiện các nội dung nêu trên, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phải báo cáo kịp thời về Bộ (Vụ Kế hoạch - Tài chính) để được hướng dẫn, giải quyết.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, Vụ KHTC.

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ KẾ HOẠCH - TÀI CHÍNH




Phạm Quang Phụng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 600/LĐTBXH-KHTC năm 2016 hướng dẫn thực hiện dự án chuyển tiếp và dự án kết thúc đầu tư do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 600/LĐTBXH-KHTC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 03/03/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Phạm Quang Phụng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/03/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản