Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 583/CHHVN-ATHH
V/v: Thực hiện, phê duyệt ĐGANCB và KHANCB

Hà Nội, ngày 29 tháng 04 năm 2004

 

Kính gửi:

- Các Cảng vụ hàng hải
- Các Doanh nghiệp cảng

 

Nhằm đẩy nhanh tiến độ việc đánh giá an ninh cảng biển theo yêu cầu của Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển (Bộ luật ISPS), Cục Hàng hải Việt Nam đã cử một số cán bộ đến làm việc trực tiếp với các Doanh nghiệp cảng biển, hướng dẫn các Cán bộ an ninh cảng biển thực hiện Đánh giá an ninh cảng biển theo nội dung và chương trình được thông báo tại Công văn số 449/CHHVN-ATHH và 450/CHHVN-ATHH ngày 09/4/2004 của Cục Hàng hải Việt Nam. Để làm tốt việc lập Kế hoạch An ninh cảng biển, phê duyệt và tổ chức luyện tập kịp đi vào thực hiện Bộ luật ISPS trước ngày 01/7/2004, Cục Hàng hải Việt Nam có một số nhận xét và hướng dẫn tiếp theo như sau:

1. Về tổ chức thực hiện đánh giá an ninh cảng biển theo yêu cầu Bộ luật ISPS:

Đa số các Doanh nghiệp cảng đã thành lập ban hoặc phòng, bộ phận an ninh cảng biển để tập trung nghiên cứu và thực hiện đánh giá an ninh cảng biển theo yêu cầu Bộ luật ISPS. Sau khi được giải thích, trao đổi trực tiếp về nội dung văn bản Hướng dẫn tổ chức thực hiện đánh giá an ninh cảng biển được gửi kèm theo Công văn số 449/CHHVN-ATHH ngày 09/4/2004 của Cục Hàng hải Việt Nam, tiến độ thực hiện đánh giá an ninh cảng biển của hầu hết các Doanh nghiệp cảng đã được cải thiện và có thể hoàn thành đúng thời hạn yêu cầu.

Tuy nhiên, còn một vài Doanh nghiệp cảng chưa có sự quan tâm đúng mức đối với công tác này, cụ thể là: chưa bố trí đủ số cán bộ cần thiết, chưa dành một thời lượng riêng, hợp lý để tổ chức nghiên cứu, thực hiện đánh giá an ninh cảng biển ... Do đó, để đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện Bộ luật ISPS và để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính doanh nghiệp mình do chậm thực thi các yêu cầu của Bộ luật ISPS, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu lãnh đạo các Doanh nghiệp cảng áp dụng ngay những biện pháp cần thiết, khẩn cấp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đánh giá an ninh cảng biển để trình duyệt, làm cơ sở xây dựng để trình duyệt và triển khai thực hiện Kế hoạch an ninh cảng biển theo quy định.

2. Thủ tục trình, phê duyệt

Để thống nhất và làm đúng yêu cầu của Bộ luật ISPS, Cục Hàng hải Việt Nam hướng dẫn các Doanh nghiệp cảng và các Cảng vụ hàng hải thủ tục trình, phê duyệt Đánh giá an ninh cảng biển như sau:

a. Hồ sơ đề nghị phê duyệt Đánh giá an ninh cảng biển:

Sau khi hoàn thành đánh giá an ninh cảng biển, Doanh nghiệp cảng phải gửi cho Cảng vụ hàng hải - cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành về hàng hải đối với cảng (bến cảng) của mình các tài liệu, giấy tờ sau:

- Công văn đề nghị phê duyệt Đánh giá an ninh cảng biển do Giám đốc Doanh nghiệp cảng ký:

- 04 bản Đánh giá an ninh cảng biển có xác nhận của Giám đốc Doanh nghiệp cảng ở trang cuối cùng.

(Đối với cảng liên doanh với nước ngoài hoặc người khai thác cảng là pháp nhân, thể nhân nước ngoài thì văn bản Đánh giá an ninh cảng biển phải được dịch sang tiếng Anh, hai bản có giá trị pháp lý tương đương nhau).

b. Thủ tục phê duyệt Đánh giá an ninh cảng biển.

- Giám đốc Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm tổ chức thẩm định, phê duyệt Đánh giá an ninh cảng biển trong vòng 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị phê duyệt Đánh giá an ninh cảng biển:

- Các nội dung cần thẩm định và cách thức phê duyệt Đánh giá an ninh cảng biển phải tuân thủ quy định và hướng dẫn của Cục Hàng hải Việt Nam (Quyết định số 211/2004/QĐ-CHHVN ngày 28 tháng 4 năm 2004 của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam về việc ủy quyền phê duyệt Đánh giá an ninh cảng biển).

- Sau khi phê duyệt, Giám đốc Cảng vụ hàng hải giao lại cho Doanh nghiệp cảng 03 bản Đánh giá an ninh cảng biển đã được phê duyệt (được đính kèm bản Thẩm định - Phê duyệt Đánh giá an ninh cảng biển quy định tại Quyết định số 211/2004/QĐ-CHHVN nêu trên).

3. Xây dựng, trình và phê duyệt

- Căn cứ Đánh giá an ninh cảng biển đã được phê duyệt và theo hướng dẫn về hình thức và nội dung bản Kế hoạch an ninh cảng biển (KHANCB) gửi kèm theo Công văn này, các Doanh nghiệp cảng xây dựng KHANCB đối với cảng (bến cảng) của mình;

- Sau khi hoàn thành, Doanh nghiệp cảng phải cho gửi Cục Hàng hải Việt Nam (Địa chỉ: Số 8 Đường Phạm Hùng, Phường Mai Dịch, Quận Cầu Giấy - Hà Nội) các tài liệu, giấy tờ sau:

+ Công văn đề nghị phê duyệt KHANCB do Giám đốc Doanh nghiệp cảng ký.

+ 03 bản KHANCB có xác nhận của Giám đốc Doanh nghiệp cảng ở trang cuối cùng.

(Đối với cảng liên doanh với nước ngoài hoặc người khai thác cảng là pháp nhân, thể nhân nước ngoài thì văn bản KHANCB phải được dịch sang tiếng Anh, hai bản có giá trị pháp lý tương đương nhau)

- Trong vòng 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị phê duyệt KHANCB, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ hoàn tất việc phê duyệt. Văn bản KHANCB đã được phê duyệt sẽ gửi cho:

+ Doanh nghiệp cảng để tổ chức triển khai và duy trì KHANCB (01 bản);

+ Cảng vụ hàng hải để theo dõi việc triển khai và duy trì KHANCB (01 bản).

Cục Hàng hải Việt Nam thông báo để các cơ quan, đơn vị có liên quan biết, thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ GTVT (thay b/c);
- Lưu: VP + ATHH.

KT. CỤC TRƯỞNG CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Công Đức

 


Kèm theo Công văn số 583/CHHVN-ATHH ngày 29 tháng 4 năm 2004

 

………………………… Tên cơ quan, đơn vị chủ quản …………………….

……………………. Tên cảng biển ………………….

 

 

 

(Bản mẫu Kế hoạch an ninh cảng biển)

 

 

 

 

KẾ HOẠCH AN NINH CẢNG BIỂN

 

 

 

 

Tên cơ quan, bộ phận thực hiện: ……………………………………..

 

 

(Lưu ý: Kế hoạch an ninh cảng biển là tài liệu mật, nghiêm cấm việc sao chép, sử dụng, tiếp cận trái phép tài liệu này, trừ những người có trách nhiệm đối với công tác an ninh cảng biển. Khi không sử dụng phải lưu giữ trong két bảo mật)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 ………., THÁNG … NĂM 2004

 

 

(Trang 1)

MỤC LỤC

Bảng theo dõi Sửa đổi, bổ sung Kế hoạch an ninh cảng biển

Lời nói đầu

I. Cơ sở pháp lý đối với việc lập kế hoạch an ninh cảng biển …. Xem Ghi chú (1) dưới đây

II. Các tổ chức và trách nhiệm về an ninh ....................................................  (2).....................

III. Các biện pháp an ninh ...........................................................................  (3) ....................

IV. Quy trình báo cáo và các kế hoạch khẩn cấp .........................................  (4) ....................

V. Huấn luyện, thực tập và diễn tập ............................................................  (5) ....................

VI. Xem xét lại Kế hoạch An ninh cảng biển ................................................  (6) ....................

VII. Các Phụ lục.

Phụ lục 1: Địa chỉ liên lạc ...........................................................................  (7) ....................

Phụ lục 2: Đánh giá an ninh cảng biển ........................................................  (8) ....................

Phụ lục 3: Sơ đồ cảng và các khu vực hạn chế

Phụ lục 4: Mẫu Bản cam kết an ninh ...........................................................  (9) ....................

Phụ lục 5: Mẫu Báo cáo các mối đe dọa/sự cố ...........................................  (10) ...................

 

(Trang 2)

BẢNG THEO DÕI SỬA ĐỔI, BỔ SUNG KẾ HOẠCH AN NINH CẢNG BIỂN

STT

Ngày sửa đổi

Vị trí sửa đổi (trang số)

Nội dung sửa đổi

Ghi chú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(Từ trang 3 trở đi)

Tiếp theo trang Bảng theo dõi sửa đổi là phần nội dung bản “Kế hoạch an ninh cảng biển” theo thứ tự bắt đầu từ Lời nói đầu đến hết phần Các Phụ lục.

Giải thích các Ghi chú bằng số (…) tại trang Mục lục:

- Ghi chú (1): Nêu rõ: Việc thực hiện Điều 5 Quyết định số 170/2004/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và căn cứ Bộ luật quốc tế về an ninh cảng tàu biển và cảng biển (Bộ luật ISPS), cụ thể là trích nội dung Mục 16.3 Phần A và Mục 16.3 Phần B của Bộ luật ISPS.

- Ghi chú (2): Nêu rõ trách nhiệm về an ninh của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan như: Doanh nghiệp cảng biển, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ hàng hải khu vực, Công an, Cảnh sát giao thông đường thủy, Biên phòng, Hải quan, Kiểm dịch … tại địa bàn khu vực cảng biển. (Căn cứ vào Quyết định 191/2003/QĐ-TTg ngày 16/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 170/2004/QĐ-GTVT ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải). Đối với Doanh nghiệp cảng biển cần nêu chi tiết về: chính sách an ninh của cảng biển, tổ chức và trách nhiệm của tổ chức an ninh cảng biển, trách nhiệm của Cán bộ An ninh cảng biển, trách nhiệm của các nhân viên tại cảng có nhiệm vụ cụ thể về an ninh, trách nhiệm của các nhân viên khác tại cảng và quyền hạn ký kết bản Cam kết an ninh.

- Ghi chú (3): Nêu tất cả các biện pháp an ninh sẽ được thiết lập, áp dụng tại cảng biển ở cả ba cấp độ an ninh và tập hợp theo nhóm các lĩnh vực nêu tại Mục 16.9 phần B của Bộ luật ISPS (tham khảo các khuyến nghị tại các Mục từ 16.10 đến 16.54 phần B của Bộ luật ISPS) và cụ thể hóa các khuyến nghị trong bản Đánh giá an ninh cảng biển thành các biện pháp an ninh.

- Ghi chú (4): Nêu rõ trách nhiệm, quy trình thông báo, báo cáo các sự cố/mối đe dọa an ninh hàng hải giữa các cơ quan liên quan. Đồng thời, nêu tất cả các quy trình ứng phó đối với các tình huống khẩn nguy có thể xảy ra đối với cảng (như sơ tán khỏi cảng, phát hiện vũ khí/chất nổ trong cảng, các thiết bị an ninh bị hỏng …)

- Ghi chú (5): Nêu cụ thể chương trình huấn luyện, thực tập và diễn tập an ninh sẽ được triển khai tại đơn vị mình. (Tham khảo những nội dung cần huấn luyện thực tập và diễn tập tại Mục 18 Phần B của Bộ luật ISPS và căn cứ thực trạng của đơn vị)

- Ghi chú (6): Nêu các quy trình liên quan đến việc xem xét tính hiệu quả của các biện pháp và quy trình an ninh hiện được thiết lập trong Kế hoạch an ninh cảng biển.

- Ghi chú (7): Nêu rõ các thông tin về địa chỉ liên lạc của cảng biển, doanh nghiệp cảng biển, Cán bộ an ninh cảng biển, trực ban an ninh cảng biển …

- Ghi chú (8): Bản Đánh giá an ninh cảng biển (ĐGANCB) đã được phê duyệt.

- Ghi chú (9): Phụ lục 3 Quyết định số 170/2004/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

- Ghi chú (10): Phụ lục F của Ví dụ về Mẫu đề cương Kế hoạch An ninh cảng biển của Tài liệu sử dụng trong các khóa huấn luyện Cán bộ an ninh cảng biển do Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức.

Lưu ý: Từ ngữ sử dụng trong KHANCB phải nhất quán với ĐGANCB.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 583/CHHVN-ATHH phê duyệt đánh giá an ninh cảng biển và kế hoạch an ninh cảng biển do Cục Hàng hải Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 583/CHHVN-ATHH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 29/04/2004
  • Nơi ban hành: Cục Hàng hải Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Công Đức
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/04/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản