Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5806/BXD-QHKT
V/v báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ

Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 2023

 

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 9500/BKHĐT-KTĐPLT ngày 14/11/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xây dựng Báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị. Căn cứ các nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện Báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ theo mẫu đề cương yêu cầu (Báo cáo gửi kèm văn bản).

Trên đây là báo cáo của Bộ Xây dựng về sơ kết thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, thực hiện theo quy định./.

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- BT. Nguyễn Thanh Nghị (để b/c);
- BXD: HTKT, PTĐT, QLN, PC, KHTC, KHCN;
- Lưu: VT, QHKT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Tường Văn

 

BÁO CÁO SƠ KẾT THỰC HIỆN

NGHỊ QUYẾT SỐ 24-NQ/TW NGÀY 07/10/2022 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH VÙNG ĐÔNG NAM BỘ ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 154/NQ-CP NGÀY 23/11/2022 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 24 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
(Ban hành kèm theo Văn bản số 5806/BXD-QHKT ngày 14/12/2023 của Bộ Xây dựng)

PHẦN I.

TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 24-NQ/TW NGÀY 7/10/2022 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 154/NQ-CP NGÀY 23/11/2022 CỦA CHÍNH PHỦ

I. Về công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị

1.1. Công tác tuyên truyền, phổ biến và quán triệt thực hiện Nghị quyết

Về công tác quán triệt, triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 24) và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ (Nghị quyết số 154): Bộ Xây dựng đã tổ chức quán triệt, triển khai các Nghị quyết tới tất cả cán bộ, đảng viên, viên chức trong cơ quan Bộ; chỉ đạo các đơn vị trong Bộ triển khai những nhiệm vụ trọng tâm thuộc lĩnh vực quy hoạch xây dựng - kiến trúc; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở và thị trường bất động sản; khoa học, công nghệ và môi trường

1.2. Tổ chức việc thực hiện Nghị quyết

Căn cứ Nghị quyết số 24 và Nghị quyết số 154/NQ-CP, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 322/QĐ-BXD ngày 03/4/2023 về Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Bộ Xây dựng đã xác định cụ thể các nội dung công việc và trách nhiệm có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng được giao tại Nghị quyết số 154/NQ-CP để phân công tổ chức triển khai, thực hiện đồng bộ, kịp thời, thống nhất và hiệu quả; đảm bảo việc sử dụng các nguồn lực hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch. Các nhiệm vụ cụ thể được đặt ra cơ bản bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

II. Tình hình kinh tế - xã hội năm 2023

Theo kết quả đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ trong 9 tháng năm 2023, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, sự nỗ lực cố gắng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các đơn vị thuộc Bộ, Bộ Xây dựng đã đạt được kết quả cụ thể như sau:

2.1. Về công tác xây dựng pháp luật: Được xác định là nhiệm vụ then chốt, đã hoàn thành với khối lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền1; trong đó nhiều văn bản chuyển tiếp từ Chương trình năm 2022 và văn bản thực hiện theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ2; tập trung soạn thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật, tiến độ theo Nghị quyết số 89/2023/QH15.

2.2. Về lĩnh vực quy hoạch xây dựng: Bộ đã thực hiện khối lượng công việc lớn như: Thẩm định, tổ chức thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 10 nhiệm vụ và 12 đồ án quy hoạch; cho ý kiến đối với 101 đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tham mưu Thủ tướng Chính phủ thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt, trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị...

2.3. Về lĩnh vực quản lý phát triển đô thị: Tiếp tục triển khai nhiệm vụ phân loại đô thị theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13; xây dựng Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ tại 04 vùng kinh tế - xã hội3. Tổ chức lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn 2050; hướng dẫn các địa phương rà soát quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, đánh giá phân loại đô thị để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đô thị cấp huyện, cấp xã theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật.

2.4. Về lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản: Trong bối cảnh khó khăn chung, Bộ Xây dựng đã đề xuất, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp để tháo gỡ cho thị trường bất động sản. Trong đó, tập trung xây dựng chính sách về nhà ở, thị trường bất động sản như trình Quốc hội Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

2.5. Về lĩnh vực vật liệu xây dựng: Bộ Xây dựng đã hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch ngành quốc gia “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 Hiện đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện.

2.6. Về lĩnh vực quản lý hoạt động đầu tư xây dựng: Đã có nhiều đổi mới, cụ thể là: Bộ đã tham mưu phân cấp mạnh, đồng thời tập trung rà soát, xử lý nhiều hồ sơ, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc thẩm định, quản lý dự án, điều kiện năng lực của tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, cấp giấy phép xây dựng. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023, Bộ Xây dựng không thực hiện cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài.

2.7. Về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng: Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Bộ về cơ bản vẫn giữ được ổn định.

Thực hiện các nhiệm vụ khác: Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử có nhiều chuyển biến; thực hiện thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất, chú trọng thanh tra những vấn đề nổi cộm gây bức xúc mà xã hội quan tâm; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; tăng cường triển khai thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế.

III. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 24 trong năm 2023

3.1. Về thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh, bền vững tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng

Bộ Xây dựng đang tổ chức thẩm định:

- Điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, góp phần xây dựng Đề án phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040, làm cơ sở quản lý phát triển, đầu tư xây dựng thành phố Thủ Đức theo hướng đô thị sáng tạo, tương tác cao; góp phần xây dựng Đề án hình thành và đẩy mạnh phát triển trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai.

- Phối hợp với các địa phương trong tổ chức lập quy hoạch chung các khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị Long Thành, Trảng Bom, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tp Hồ Chí Minh; góp phần xây dựng Đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

3.2. Về tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong chuẩn bị Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ nhằm Xây dựng thể chế, cơ chế điều phối, liên kết phát triển vùng và Điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển vùng Đông Nam Bộ.

- Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2023/QĐ-TTg ngày 10/8/2023 quy định về thí điểm phân cấp và trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh theo nhiệm vụ thực hiện thí điểm phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, quy hoạch, đất đai, môi trường và tổ chức bộ máy, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực ngoài nhà nước nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng; thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế. 

- Ban hành Thông tư số 12/2023/TT-BXD ngày 20/11/2023 quy định về phân cấp tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại III trở lên.

- Tham gia thẩm định Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Tham gia thẩm định, có ý kiến đối với 05 quy hoạch tỉnh vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương).

3.3. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị

Bộ Xây dựng đang phối hợp, có ý kiến với các địa phương về công tác lập quy hoạch chung khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài; quy hoạch chung các đô thị: Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Biên Hòa (Đồng Nai); Thủ Dầu Một, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát (Bình Dương); Tp Hồ Chí Minh, Thủ Đức (Tp Hồ Chí Minh) nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ: Đề án hình thành và đẩy mạnh phát triển trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai; Đề án chuyển đổi chức năng khu công nghiệp, khu chế xuất khi hết thời hạn sử dụng đất, không phù hợp quy hoạch; Đề án hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang vành đai 3, vành đai 4 và các tuyến cao tốc của Vùng; Đề án Phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á; Đề án Phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương; Đề án phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị sân bay Long Thành.

3.4. Về phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân

Bộ Xây dựng đã tổ chức thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Đại học quốc gia Tp Hồ Chí Minh tại Quyết định số 790/QĐ-TTg ngày 13/7/2023; có ý kiến đối với kiến nghị của Đại học quốc gia Tp Hồ Chí Minh về việc xây dựng Đề án phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á.

Phối hợp, có ý kiến đối với quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm góp phần xây dựng các đề án: Phát triển tỉnh Bình Dương thành trung tâm giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cấp quốc gia và vùng; phát triển tỉnh Đồng Nai thành trung tâm giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cấp quốc gia và vùng.

3.5. Về bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại

- Tích cực phối hợp với Bộ Ngoại giao trong thực hiện phân giới cắm mốc trên đất liền.

- Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong lập, thẩm định các quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

3.6. Về tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị

Bộ Xây dựng đã nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 24 và Nghị quyết số 154/NQ-CP về tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Theo đó, Bộ Xây dựng đã tập trung thực hiện:

- Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

- Tăng cường bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao, trong sạch, tận tụy, năng động, sáng tạo, có tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp.

3.7. Về thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, dự án, đề án cụ thể

a) Về hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật:

- Đang xây dựng dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; dự kiến trình Bộ Tư pháp thẩm định trong tháng 12 năm 2023.

- Đã trình và được Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2023, dự kiến thời gian trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật năm 2024; Bộ Xây dựng đã nghiên cứu các chính sách quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị để đưa vào đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị (hiện nay đã thẩm định xong tại Bộ Tư pháp và chuẩn bị trình Chính phủ thông qua), trong đó bổ sung các quy định thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật để huy động, phân bổ nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, thống nhất hiệu quả và bền vững, chủ động ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu.

- Ngày 27/11/2023, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) (gồm 13 chương, 198 điều). Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Theo đó đã sửa đổi căn bản các cơ chế chính sách về nhà ở xã hội, cụ thể về đối tượng, điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội; đất để phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước… đồng thời có chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân, nhà ở dành cho lực lượng vũ trang nhân dân để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi phát triển.

b) Về quy hoạch đô thị: Thực hiện hướng dẫn công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng tại các địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ nhằm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp: Xây dựng trung tâm công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ tài chính quốc tế tại tiểu vùng trung tâm; phát triển mạnh kinh tế biển tại tiểu vùng ven biển; phát triển kinh tế cửa khẩu, kho vận, mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng và bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học tại tiểu vùng phía Bắc; thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị hiện đại và các khu công nghiệp công nghệ cao.

c) Về hạ tầng kỹ thuật đô thị

- Về chỉ tiêu tỷ lệ cư dân đô thị đang sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đến năm 2030, đối với dân cư đô thị đạt 100%. Tỷ lệ cư dân đô thị đang sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung năm 2023 đạt khoảng 95,53%.

- Phối hợp với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ rà soát các công trình cấp nước, hướng dẫn kiểm soát, thực hiện bảo đảm an ninh, an toàn cấp nước từ nguồn nước, nhà máy nước, hệ thống truyền tải và phương án dự phòng rủi ro cấp nước. Bộ Xây dựng có văn bản số 992/BXD-HTKT ngày 17/3/2023 gửi các địa phương đề nghị rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị trong quản lý, phát triển cấp, thoát nước.

d) Về phát triển đô thị

- Về tỷ lệ đô thị hóa: Tính đến tháng 10/2023, dân số đô thị toàn vùng Đông Nam Bộ ước đạt 13,5 triệu người trong đó dân số khu vực nội thành nội thị ước đạt 12,9 triệu người; tỷ lệ đô thị hóa vùng Đông Nam Bộ ước đạt 69%, cao nhất trong 6 vùng kinh tế xã hội và gấp 1,6 lần với trung bình cả nước năm 2023 là 42,6%.

- Tính đến tháng 10/2023, hệ thống đô thị vùng Đông Nam Bộ gồm 58 đô thị, trong đó có 01 đô thị loại đặc biệt (thành phố Hồ Chí Minh), 4 đô thị loại I trực thuộc tỉnh (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh), 02 đô thị loại II (là các thành phố trực thuộc tỉnh: Bà Rịa tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Dĩ An tỉnh Bình Dương), 07 đô thị loại III, 07 đô thị loại IV và 37 đô thị loại V.

- Về chương trình phát triển đô thị: Sau hơn 9 năm triển khai thực hiện Thông tư số 12/2014/TT-BXD ngày 25/8/2014 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập, thẩm định và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị, đến nay đã có 5/6 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đã lập, phê duyệt chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh (thành phố Hồ Chí Minh hiện chưa phê duyệt chương trình phát triển đô thị). Hiện có khoảng hơn 17 đô thị thuộc vùng Đông Nam Bộ đã lập, phê duyệt chương trình phát triển đô thị cho đô thị thuộc vùng Đông Nam Bộ, là cơ sở quan trọng để chính quyền đô thị hướng tới đẩy mạnh, cụ thể hóa công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị; kế hoạch phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước hạ tầng, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

d) Về phát triển nhà ở

Trên địa bàn các tỉnh vùng Đông Nam Bộ trong giai đoạn 2021 đến nay có 188 dự án nhà ở xã hội với quy mô 203.844 căn, trong đó:

- Đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng từ năm 2021 đến nay: 17 dự án với quy mô 5.317 căn (trong đó: TP HCM là 02 dự án, 623 căn; Bà Rịa-Vũng Tàu: chưa có; Bình Dương là 06 dự án, 1.643 căn; Đồng Nai là 4 dự án, 945 căn; Tây Ninh là 5 dự án, 2.106 căn).

- Đã khởi công xây dựng: 22 dự án với quy mô 21.298 căn (trong đó: TP HCM là 07 dự án, 4.996 căn; Bà Rịa-Vũng Tàu: 02 dự án, 235 căn; Bình Dương là 04 dự án, 5.636 căn; Đồng Nai là 7 dự án, 8.688 căn; Tây Ninh là 2 dự án, 1.743 căn).

- Đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai: 149 dự án với quy mô 177.229 căn (trong đó: TP HCM là 80 dự án, 135.321 căn; Bà Rịa-Vũng Tàu: 29 dự án, 17.184 căn; Bình Dương là 34 dự án, 23.449 căn; Đồng Nai là 3 dự án; Tây Ninh là 3 dự án, 1.275 căn).

PHẦN II.

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TRONG NĂM 2024

I. Bối cảnh trong nước, quốc tế, những vấn đề đặt ra và dự kiến tình hình kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ trong năm 2024.

- Tăng trưởng, thương mại, đầu tư toàn cầu chững lại và dự báo phục hồi chậm hơn kỳ vọng. Bối cảnh tăng trưởng chậm và sụt giảm thương mại đầu tư của kinh tế toàn cầu dự báo tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam trong đó có khu vực Đông Nam Bộ.

- Trong khung khổ hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS), Mê Công - Lan Thương (MLC), Vành đai và Con đường (BRI), Việt Nam với vị trí “mặt tiền” biển Đông và “cầu nối” Trung Quốc - Đông Nam Á, có cơ hội thuận lợi phát triển và kết nối các tuyến hành lang kinh tế xuyên biên giới với các nước Đông Nam Á và Trung Quốc. Sự phát triển các hành lang và các kết nối hợp tác này đã giúp tăng cường kết nối và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các nước, ứng phó với các thách thức chung của khu vực, từ đó đóng góp thực chất vào phát triển kinh tế, xã hội của các nước thành viên. Đối với vùng Đông Nam Bộ, các kết nối tác động tích cực trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong khuôn khổ những dự án thuộc Hành lang kinh tế Bắc - Nam (kết nối Việt Nam - Trung Quốc) và Hành lang kinh tế phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh - Phnom Penh - Bangkok) thuộc GMS

- Tốc độ mở cửa, hội nhập quốc tế của nền kinh tế quốc gia trong giai đoạn này tương đối nhanh, nhiều cam kết quốc tế, hiệp định thương mại đa phương, song phương được ký kết dẫn đến nhu cầu cho việc liên tục cập nhật khoa học công nghệ, thông lệ quốc tế trong lĩnh vực xây dựng đặc biệt là đối với những mục tiêu về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, vật liệu xây dựng.

- Ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tác động cho các ngành kinh tế nói chung và ngành Xây dựng riêng trong quá trình số hóa, áp dụng công nghệ tin học trong hoạt động hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu để thống nhất quản lý vĩ mô, điều tiết thị trường xây dựng đảm bảo công khai, minh bạch, chống thất thoát lãng phí, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước.

- Tác động của địa chính trị và sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng quốc tế trong những năm qua tạo ra nhiều thách thức, trở ngại song cũng tạo ra các cơ hội mới cho phát triển tại vùng Đông Nam Bộ trong năm 2024.

II. Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2024.

1. Về triển khai thực hiện

Bộ Xây dựng sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ được nêu tại Nghị quyết số 154/NQ-CP. Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể tại Quyết định số 322/QĐ-BXD ngày 03/4/2023 về Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể là:

- Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đề xuất các quy định pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng có liên quan đối với việc liên kết vùng để điều phối và kết nối phát triển vùng nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động liên hết nội vùng, liên vùng; phù hợp với định hướng và đặc thù phát triển vùng, tiểu vùng; đảm bảo các quy định pháp lý, cơ chế, chính sách liên kết vùng được thực hiện đồng bộ, nhất quán, hiệu quả và có kỷ luật, kỷ cương.

- Hướng dẫn, kiểm tra công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng tại các địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ nhằm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp: Xây dựng trung tâm công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ tài chính quốc tế tại tiểu vùng trung tâm; phát triển mạnh kinh tế biển tại tiểu vùng ven biển; phát triển kinh tế cửa khẩu, kho vận, mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng và bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học tại tiểu vùng phía Bắc; thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị hiện đại và các khu công nghiệp công nghệ cao.

- Hướng dẫn, theo dõi, báo cáo chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa liên vùng, phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa vùng Đông Nam Bộ đạt khoảng 70-75%. Lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 trong đó làm rõ phương án phát triển đô thị và nông thôn vùng Đông Nam Bộ; các đô thị trung tâm, hạt nhân cấp vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trong vùng lập chương trình phát triển đô thị; phấn đấu đến năm 2025 có 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập chương trình phát triển đô thị tỉnh, 70% các thành phố là đô thị loại I, loại II, loại III, loại IV có chương trình phát triển đô thị; phấn đấu đến năm 2030 có 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập chương trình phát triển đô thị tỉnh, 100% các đô thị loại I, loại II, loại III, loại IV có chương trình phát triển đô thị;

- Hướng dẫn các địa phương phát triển mô hình đô thị tăng trưởng xanh, sinh thái, đô thị thông minh, đô thị ứng phó biến đổi khí hậu,… đạt hiệu quả cao;

- Thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị trong vùng theo chương trình, kế hoạch, chú trọng nâng cao chất lượng đô thị, kiểm tra việc phát triển hệ thống đô thị cả vùng, quy hoạch phát triển hệ thống đô thị vùng có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh để giảm tải cho các đô thị lớn; phát triển mạng lưới đô thị động lực gắn với phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp; xây dựng và phát triển các đô thị trọng điểm trên các trục kinh tế trọng điểm, hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang vành đai 3, vành đai 4, các tuyến cao tốc của vùng và gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á;

- Theo dõi, báo cáo chỉ tiêu sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh cư dân của đô thị; phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ cư dân đô thị đang sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung là 100%; tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của nông thôn là 95%; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ xây dựng định hướng phát triển về hạ tầng kỹ thuật trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và nông thôn,..; nghiên cứu, bổ sung các giải pháp phát triển hạ tầng kỹ thuật nhằm huy động, phân bổ nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật (công trình cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, hệ thống giao thông đô thị,…) quan trọng đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, thống nhất hiệu quả và bền vững, chủ động ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu; phối hợp với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ rà soát các công trình cấp nước, hướng dẫn kiểm soát, thực hiện bảo đảm an ninh, an toàn cấp nước từ nguồn nước, nhà máy nước, hệ thống truyền tải và phương án dự phòng rủi ro cấp nước.

- Thúc đẩy các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án đảm bảo an sinh nhà ở cho dân cư khu vực đô thị và nông thôn các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, ngày 03/4/2023, tại Quyết định số 338/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, mục tiêu Đề án đặt ra đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn nhà ở xã hội. Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, trong Đề án đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đồng bộ để các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Cụ thể Chỉ tiêu nhà ở xã hội hoàn thành theo Đề án vùng Đông Nam Bộ như sau: Toàn Đề án hoàn thành 203.500 căn (trong đó: TP HCM 69.700 căn; Bà Rịa-Vũng Tàu 12.500 căn; Bình Dương 86.900 căn; Đồng Nai 22.500 căn; Tây Ninh 11.900 căn); trong giai đoạn 2022-2025: hoàn thành 91.300 căn (trong đó: TP HCM 26.200 căn; Bà Rịa-Vũng Tàu 6.200 căn; Bình Dương 46.400 căn; Đồng Nai 7.500 căn; Tây Ninh 5.000 căn); trong giai đoạn 2026-2030: hoàn thành 112.200 căn (trong đó: TP HCM 43.500 căn; Bà Rịa-Vũng Tàu 6.300 căn; Bình Dương 40.500 căn; Đồng Nai 15.000 căn; Tây Ninh 6.900 căn).

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong việc triển khai thực hiện hiệu quả Đề án, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp; tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

- Sử dụng hợp lý, tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng và trong sản xuất vật liệu xây dựng.

- Nghiên cứu hướng dẫn đề xuất các nhiệm vụ khoa học ứng dụng các công nghệ tiên tiến, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn địa phương trong việc hỗ trợ phát triển vùng Đông Nam Bộ.

2. Về dự kiến tình hình thực hiện trong năm 2024

Tình hình thực hiện các chỉ tiêu cụ thể năm 2023, dự kiến năm 2024 như sau:

- Tỉ lệ đô thị hóa năm 2023: 69%; dự kiến năm 2024 đạt khoảng 70%.

- Tỉ lệ cư dân đô thị đang sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung: 95,53%; dự kiến năm 2024 đạt khoảng 96%.

PHẦN III.

KIẾN NGHỊ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

3.1. Đề xuất, kiến nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 và Nghị quyết số 154

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trên cơ sở đó xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động công tác thiết thực, cụ thể, khả thi và tổ chức thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật ngành Xây dựng đồng bộ, có cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và điều chỉnh đúng đắn các hoạt động xây dựng.

Thứ ba, hoàn thiện bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng các cấp hợp lý, tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Thứ tư, tiếp tục phân công, phân cấp, ủy quyền hợp lý trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước phù hợp với năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước ngành Xây dựng từ Trung ương đến địa phương; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể có liên quan.

Thứ năm, kịp thời đổi mới tư duy trong công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, quản lý nhà và thị trường bất động sản; phát huy tối đa và kết hợp chặt chẽ các nguồn lực, coi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực phát triển chủ yếu của ngành Xây dựng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ sáu, tiếp tục bám sát, đánh giá đúng tình hình thực tiễn, lựa chọn được những vấn đề, lĩnh vực, công trình, dự án trọng tâm, trọng điểm…đang gặp vướng mắc, hạn chế, khó khăn để kịp thời nghiên cứu, đề ra giải pháp xử lý kịp thời, triệt để.

3.2. Kiến nghị với cấp có thẩm quyền

a) Đối với Quốc hội và Chính phủ

- Tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành Xây dựng, trọng tâm là Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Cấp, thoát nước.

- Tiếp tục chỉ đạo, định hướng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, các cơ quan có liên quan để thực hiện mục tiêu phát triển vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực; đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại.

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các đột phá chiến lược trên cơ sở gắn kết với những quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển vùng Đông Nam Bộ tại Nghị quyết số 24 và Nghị quyết số 154 để có thể kịp thời chuẩn bị, ứng phó với những thách thức, yêu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế xã hội quốc gia trong tương lai.

b) Đối với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương

- Tiếp tục hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng để triển khai hiệu quả những giải pháp, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 24 và Nghị quyết số 154 cũng như những chỉ đạo và định hướng mới của Đảng và Chính phủ trong giai đoạn 2023-2030.

- Thực hiện đúng quy định pháp luật về phân công, phân cấp trong lĩnh vực xây dựng để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước của ngành xây dựng.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và năng lực của các cơ quan/đơn vị quản lý có liên quan đến lĩnh vực xây dựng để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiến độ của các công việc được giao./.

 

 



1 18 văn bản, đề nghị xây dựng văn bản (bao gồm: 02 Luật: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), 02 hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, 03 nghị định, 05 thông tư, 03 đề án, 03 quy chuẩn)

2 01 nghị định, 01 nghị quyết, 06 quyết định, 01 chỉ thị và ban hành theo thẩm quyền 05 thông tư.

3 Ban hành các Quyết định: số 1442/QĐ-BXD ngày 30/12/2022, số 110/QĐ-BXD ngày 27/02/2023, số 136/QĐ- BXD ngày 03/3/2023, số 322/QĐ-BXD ngày 03/4/2023.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5806/BXD-QHKT năm 2023 báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW và 154/NQ-CP do Bộ Xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 5806/BXD-QHKT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 14/12/2023
  • Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
  • Người ký: Nguyễn Tường Văn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/12/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản