Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5735/BGDĐT-NGCBQLGD
V/v Hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2013-2014 về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ NG&CBQLCSGD

Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 2013

 

Kính gửi: Các sở giáo dục và đào tạo

Căn cứ Chỉ thị số 3004/CT-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2013 về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2013-2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn nhiệm vụ xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục năm học 2013-2014 như sau:

I. Phương hướng chung

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, đạt chuẩn về chất lượng (theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp; Chuẩn hiệu trưởng trường mầm non, phổ thông; Chuẩn giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành); tâm huyết và gắn bó với nghề, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

II. Nhiệm vụ trọng tâm

1. Triển khai sáng tạo, có hiệu quả các cuộc vận động và các phong trào thi đua của Ngành.

2. Tổ chức thực hiện và rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển nhân lực Ngành Giáo dục tại địa phương; có phương án giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; xây dựng dự báo nhu cầu nhân lực Ngành để có kế hoạch tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ; chuẩn hóa hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin dự báo nhu cầu nhân lực Ngành; triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Viên chức đến các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp.

3. Tích cực thực hiện công tác bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên Ngành Giáo dục gắn với yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn hiện nay và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo Chuẩn đảm bảo khách quan, công bằng qua kết quả bồi dưỡng thường xuyên và đóng góp thực tế với nhà trường, được đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh ghi nhận. Gắn kết chặt chẽ việc đánh giá giáo viên với công tác bồi dưỡng thường xuyên và thi đua khen thưởng, sàng lọc, phân công nhiệm vụ, quy hoạch cán bộ quản lý của cơ sở và của Ngành.

5. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với các giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo viên mầm non, giáo viên đang công tác tại miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có chế độ khuyến khích nhằm thu hút người giỏi, tạo động lực phấn đấu cho nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục của địa phương. Tăng cường phân cấp quản lý và giao quyền chủ động, chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục đồng thời gắn với công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ và công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý giáo dục.

6. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ thông tin báo cáo (định kỳ và đột xuất) về Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.

III. Nhiệm vụ cụ thể

1. Thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và các phong trào thi đua

- Các cấp quản lý và các cơ sở giáo dục tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phát huy hiệu quả, tiếp tục thực hiện các nội dung cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", các phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" và "Dạy tốt, học tốt" một cách sáng tạo phù hợp với đặc điểm của từng cấp học và từng địa phương, từng cơ sở giáo dục nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và chất lượng giáo dục trong các nhà trường.

- Tổ chức hiệu quả các cuộc vận động và các phong trào thi đua gắn với việc rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và các hoạt động thi, giao lưu… cho cán bộ quản lý giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên làm tổng phụ trách Đội giỏi, giáo viên dạy giỏi ở các cấp học.

- Có các biện pháp tích cực để phòng ngừa và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo.

2. Thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực Ngành Giáo dục tại địa phương

- Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 6639/QĐ-BGDĐT ngày 29/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2020 và các văn bản hướng dẫn của Bộ về triển khai nhiệm vụ Quy hoạch đội ngũ. Tham mưu với UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện và rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển nhân lực Ngành Giáo dục giai đoạn 2013-2020 tại địa phương. Xây dựng kế hoạch tuyển dụng, sử dụng hợp lý để đảm bảo đội ngũ nhân lực ngành giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu chuyên môn ở các cấp học; nâng cao chất lượng đội ngũ, chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên mầm non (để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi) và đội ngũ giáo viên tiếng Anh các cấp, nhất là cấp tiểu học.

- Tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố và phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tốt, hiệu quả việc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn Luật trên nguyên tắc đảm bảo đúng đối tượng, khách quan, công khai, công bằng, dân chủ theo hướng tăng cường quyền chủ động và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục theo quy định hiện hành.

- Chuẩn hóa hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin dự báo nhu cầu nhân lực Ngành. Tích cực triển khai quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu điện tử (phần mềm PMIS) về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ở cơ sở giáo dục, các cấp quản lý giáo dục từ trung ương đến địa phương; rà soát, chuẩn hóa hệ thống danh mục, cập nhật đầy đủ, chính xác dữ liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu (PMIS) theo quy định.

3. Triển khai công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên các cơ sở giáo dục

- Chỉ đạo triển khai có hiệu quả công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

- Triển khai bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và các viên chức khác trong cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn chức danh và Chuẩn nghề nghiệp giáo viên, Chuẩn hiệu trưởng, Chuẩn giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên.

- Xác định nhu cầu và tổ chức triển khai bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên theo Quy chế và Chương trình bồi dưỡng thường xuyên, Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

- Tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và giáo viên về ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục, đổi mới kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, giáo dục kỉ luật tích cực, giáo dục kĩ năng sống, tư vấn học đường và hướng nghiệp cho học sinh…

- Quan tâm bồi dưỡng đội ngũ giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp, tổ trưởng chuyên môn các trường phổ thông, cán bộ quản lý các trường THPT chuyên.

4. Triển khai thực hiện đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo Chuẩn

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp; Chuẩn hiệu trưởng trường mầm non, phổ thông và Chuẩn giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và theo các công văn hướng dẫn đánh giá theo Chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Sử dụng kết quả đánh giá theo Chuẩn để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo lại hoặc sàng lọc, chuyển đổi/sắp xếp công việc phù hợp cho những giáo viên không đạt chuẩn.

- Phản ánh kịp thời về Bộ Giáo dục và Đào tạo những khó khăn, vướng mắc cũng như trao đổi những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo Chuẩn.

5. Thực hiện chế độ, chính sách đối với các giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Tăng cường phân cấp quản lý và giao quyền chủ động, chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục

- Tiếp tục quan tâm, chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt đối với những người thuộc dân tộc thiểu số hoặc đang công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách về lương và phụ cấp theo lương, chế độ làm việc đối với nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo quy định. Rà soát, kiến nghị điều chỉnh các chế độ, chính sách hiện hành đối với giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; tích cực tham gia góp ý các dự thảo văn bản liên quan đến chế độ, chính sách của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Khuyến khích các địa phương có những chế độ, chính sách có tính chất đặc thù để hỗ trợ, động viên giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ được yên tâm công tác.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết kịp thời, dứt điểm những bức xúc, khiếu nại, tố cáo của nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục về những vấn đề liên quan đến quyền lợi, chế độ, chính sách theo quy định hiện hành. Đặc biệt quan tâm, chú ý tới các đối tượng đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thuộc chế độ chính sách, là người dân tộc thiểu số, là nữ, là người có năng lực và trình độ cao.

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phát triển thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật một cách công khai, công bằng, dân chủ gắn với chế độ, quyền lợi của đội ngũ nhà giáo cũng như cơ chế, biện pháp xử lý.

- Phối hợp với tổ chức công đoàn chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục.

6. Thực hiện đầy đủ và đúng hạn chế độ thông tin báo cáo

- Báo cáo công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) trước ngày 20 tháng 6 năm 2014.

- Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ thông tin báo cáo khác (định kỳ và đột xuất) về những vấn đề liên quan đến công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục của địa phương.

IV. Tổ chức thực hiện

Căn cứ nội dung hướng dẫn trong Công văn, các sở giáo dục và đào tạo xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc đề nghị các sở giáo dục và đào tạo báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo (theo địa chỉ: Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Tòa nhà 8C, 30 Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng, Hà Nội, email: cucng@moet.edu.vn, điện thoại: 04.36230702, fax: 04.36230602) để chỉ đạo giải quyết kịp thời.

 

 

Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng;
- Các Cục, Vụ (để th/h);
- Lưu VT, NGCBQLGD.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Vinh Hiển

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5735/BGDĐT-NGCBQLGD năm 2013 Hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2013-2014 về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 5735/BGDĐT-NGCBQLGD
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 21/08/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Vinh Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/08/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản