Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5729/BCT-XNK | Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 2022 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tăng cường công tác rà soát, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đảm bảo chỉ ban hành những TTHC thực sự cần thiết; Rà soát đơn giản hóa TTHC hàng năm và bãi bỏ các TTHC không cần thiết; Kiến nghị điều chỉnh, bổ sung theo hướng cải cách hành chính (như cấp phép điện tử, giảm các thủ tục không cần thiết, rút ngắn thời gian); Đảm bảo 100% văn bản, thủ tục hành chính được tiếp nhận và trả kết quả qua đường bưu điện góp phần giảm thời gian đi lại cho doanh nghiệp; Các TTHC được công bố, công khai rõ ràng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương giúp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận, tra cứu.
Thực hiện công tác cải cách TTHC theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Công Thương xin tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bãi bỏ thủ tục cấp phép nhập khẩu sản phẩm thuốc lá để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế thuộc lĩnh vực phụ trách của Bộ Công Thương đang được Chính phủ giao thực hiện tại Nghị định số 100/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về kinh doanh hàng miễn thuế (trước đây là Nghị định số 167/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016) để cắt giảm thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế như sau:
1. Cơ sở pháp lý đối với việc cấp phép
Hiện nay, việc cấp phép nhập khẩu thuốc lá để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế được quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 5 Nghị định số 100/2020/NĐ-CP. Trong đó, khoản 1 Điều 5 quy định: “Nhập khẩu sản phẩm thuốc lá để kinh doanh hàng miễn thuế được thực hiện theo Giấy phép của Bộ Công Thương”. Ngoài ra, Nghị định số 100/2020/NĐ-CP cũng quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục cấp phép.
Đối tượng được mua thuốc lá tại cửa hàng miễn thuế theo quy định tại Nghị định số 100/2020/NĐ-CP, bao gồm: (i) Người xuất cảnh, quá cảnh sau khi hoàn thành thủ tục xuất cảnh, quá cảnh, hành khách trên các chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam hoặc người chờ xuất cảnh được mua hàng miễn thuế; (ii) Hành khách trên các chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam được mua hàng miễn thuế trên tàu bay xuất cảnh. Hành khách trên các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam được mua hàng miễn thuế trên tàu bay đang thực hiện chuyến bay quốc tế đến Việt Nam; (iii) Người nhập cảnh được mua hàng miễn thuế tại cửa hàng miễn thuế đặt tại khu vực hạn chế của cảng hàng không dân dụng quốc tế ngay sau khi hoàn thành thủ tục nhập cảnh, không được mua hàng miễn thuế sau khi đã ra khỏi khu vực hạn chế tại cảng hàng không dân dụng quốc tế; (iv) Đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam được mua hàng miễn thuế tại cửa hàng miễn thuế trong nội địa. Khi mua hàng miễn thuế cho tổ chức phải xuất trình số định mức hàng miễn thuế. Khi mua hàng miễn thuế cho cá nhân phải xuất trình số định mức hàng miễn thuế kèm chứng minh thư do Bộ Ngoại giao cấp hoặc hộ chiếu; (v) Đối tượng mua hàng là thuyền viên làm việc trên tàu biển chạy tuyến quốc tế (bao gồm tàu biển có quốc tịch nước ngoài và tàu biển có quốc tịch Việt Nam chạy tuyến quốc tế) được mua hàng miễn thuế tại cảng biển loại 1, cửa hàng miễn thuế trong nội địa phục vụ cho nhu cầu cá nhân, nhu cầu sinh hoạt chung của thuyền viên để sử dụng trên tàu trong thời gian tàu neo đậu tại cảng biển Việt Nam và để sử dụng trên tàu ngoài lãnh hải Việt Nam sau khi tàu xuất cảnh.
2. Triển khai của Bộ Công Thương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các Bộ, ngành
a) Thực hiện công tác cải cách TTHC, để bãi bỏ thủ tục này, ngày 29 tháng 11 năm 2017 Bộ Công Thương đã có văn bản số 11278/BCT-XNK báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2016/NĐ-CP dẫn trên theo hướng bãi bỏ thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc lá để kinh doanh hàng miễn thuế.
Tại văn bản số 1048/VPCP-KTTH ngày 29 tháng 01 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến chỉ đạo:
“1. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát cơ chế quản lý đối với loại hình tạm nhập mặt hàng thuốc lá bán tại cửa hàng miễn thuế; đánh giá tác động của việc bỏ thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc lá để kinh doanh hàng miễn thuế, tính toán chi phí tuân thủ, chi phí tiết kiệm nếu bãi bỏ thủ tục này; đề xuất phương án xử lý phù hợp. Trường hợp bãi bỏ thủ tục này, cần có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ việc tạm nhập mặt hàng thuốc lá để bán tại cửa hàng miễn thuế, không để lợi dụng, bảo đảm thống nhất về quản lý đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất thuốc lá nói chung.
2. Trên cơ sở phương án đề xuất trên, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ sửa đổi quy định liên quan tại Nghị định số 167/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ về kinh doanh hàng miễn thuế cho phù hợp”.
b) Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương đã có văn bản số 2965/BCT-XNK ngày 17 tháng 4 năm 2018 xin ý kiến các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Y tế; Ban chỉ đạo 389 quốc gia; Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam. Về cơ bản, các cơ quan liên quan nhất trí với chủ trương bãi bỏ thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc lá để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế. Riêng Bộ Y tế đề nghị cân nhắc áp dụng các biện pháp phù hợp để đảm bảo không trực tiếp, gián tiếp làm tăng sản lượng tiêu thụ thuốc lá tại thị trường trong nước. Ngoài ra, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng đề nghị tiếp tục cấp giấy phép để tránh nguy cơ tiềm ẩn đưa vào tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Sau khi tổng hợp ý kiến của các đơn vị liên quan Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5743/BCT-XNK ngày 20 tháng 7 năm 2018.
Tại văn bản số 397/TB-VPCP ngày 16 tháng 10 năm 2018, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng như sau:
“1. Đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương về chủ trương bãi bỏ thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc lá để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế quy định tại Nghị định số 167/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2016/NĐ-CP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định
2. Bộ Công Thương thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Công văn số 1048/VPCP-KTTH ngày 29 tháng 01 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ, nghiên cứu, đề xuất cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ việc tạm nhập mặt hàng thuốc lá để bán tại cửa hàng miễn thuế sau khi bãi bỏ thủ tục cấp phép nhập khẩu; bảo đảm quản lý thống nhất, chặt chẽ đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất thuốc lá”.
Trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại các văn bản số 1048/VPCP-KTTH và số 397/TB-VPCP nêu trên, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã phối hợp xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2016/NĐ-CP theo hướng bãi bỏ thủ tục hành chính nêu trên theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, tại văn bản số 160/BC-BTP ngày 12 tháng 9 năm 2019, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định:
“Bộ Tư pháp nhận thấy, việc nhập khẩu đối với mặt hàng thuốc lá nói chung đang được thực hiện theo các điều kiện quy định tại Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27/06/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 67/2013/NĐ-CP thì việc nhập khẩu sản phẩm thuốc lá, kinh doanh sản phẩm thuốc lá tại cửa hàng miễn thuế không thuộc đối tượng áp dụng tại Nghị định này. Vì vậy, nếu bãi bỏ Giấy phép nhập khẩu thuốc lá để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 5 Nghị định 167/2016/NĐ-CP thì đồng nghĩa với việc không có bất kỳ giấy phép nào đối với hoạt động nhập khẩu thuốc lá để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế. Trong khi đó, Điều 19 Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 đã quy định “Kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân mua bán, chế biến, nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá; sản xuất, mua bán, nhập khẩu thuốc lá phải có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp”. Như vậy, nếu bãi bỏ thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc lá để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế là trái với quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện lại dự thảo Nghị định để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá”.
c) Tại văn bản số 10854/VPCP-KTTH ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có ý kiến: “2. Về giấy phép nhập khẩu sản phẩm thuốc lá để kinh doanh hàng miễn thuế thực hiện theo quy định Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và quy định pháp luật có liên quan”.
Do vậy, Nghị định số 100/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2016/NĐ-CP hiện vẫn có quy định về thủ tục hành chính cấp phép nhập khẩu sản phẩm thuốc lá để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế.
3. Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế
Nhìn chung, số lượng các doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế và nhu cầu thuốc lá nhập khẩu để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế có xu hướng ngày càng tăng cao nên thời gian và chi phí dành cho việc đề nghị cấp phép và việc cấp phép cũng sẽ tăng cao. Cụ thể: năm 2015 có 28 doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm thuốc lá kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế với số lượng cấp phép khoảng 38 triệu USD; năm 2016 có 29 doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm thuốc lá để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế với số lượng cấp phép khoảng 41 triệu USD; năm 2017 số lượng doanh nghiệp tăng lên là 36 doanh nghiệp với số lượng cấp phép khoảng 60 triệu USD; năm 2018 có 36 doanh nghiệp với số lượng cấp phép khoảng 69 triệu USD; năm 2019 có 40 doanh nghiệp với số lượng cấp phép khoảng 75 triệu USD.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ năm 2020, số lượng doanh nghiệp có giảm. Cụ thể, năm 2020 có 33 doanh nghiệp với số lượng cấp phép khoảng 69 triệu USD, năm 2021 có 30 doanh nghiệp với số lượng cấp phép khoảng 28 triệu USD và 8 tháng đầu năm 2022, có 26 doanh nghiệp với số lượng khoảng 23 triệu USD. Số lượng thuốc lá nhập khẩu để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế nêu trên chủ yếu phục vụ khách xuất cảnh, không tiêu thụ tại thị trường nội địa, số lượng phục vụ khách nhập cảnh chiếm phần nhỏ không đáng kể do chỉ các cửa hàng miễn thuế ở sân bay mới được bán cho khách nhập cảnh, số lượng bán theo định lượng (hiện nay có 4 doanh nghiệp nhập khẩu thuốc lá bán cho khách nhập cảnh tại các sân bay quốc tế).
a) Đánh giá
(i) Hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế hiện nay được quản lý chặt chẽ theo quy định tại Nghị định số 100/2020/NĐ-CP (trước đây là Nghị định 167/2016/NĐ-CP), cụ thể:
- Về đối tượng kinh doanh hàng miễn thuế: Để được kinh doanh cửa hàng miễn thuế, theo quy định tại Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan, doanh nghiệp phải được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế.
- Về kiểm tra, giám sát hải quan: Vị trí cửa hàng, kho hàng phải nằm trong khu cách ly hoặc vị trí có sự giám sát của Cơ quan Hải quan (cửa hàng và kho chứa hàng miễn thuế có camera kết nối với Cơ quan Hải quan để giám sát hoạt động của doanh nghiệp, có phần mềm nối mạng với Cơ quan Hải quan). Hàng hóa bán tại cửa hàng miễn thuế phải được lưu giữ tại cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế và chịu sự giám sát chặt chẽ của Cơ quan Hải quan. Thời gian lưu giữ hàng hóa theo quy định của Luật Hải quan.
Do có sự quản lý chặt chẽ như vậy nên các hàng hóa kinh doanh có điều kiện, giấy phép khác khi tạm nhập khẩu để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế đều không phải áp dụng các biện pháp quản lý ngoại thương (cấp giấy phép, đáp ứng điều kiện kinh doanh, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn vệ sinh thực phẩm khi làm thủ tục tạm nhập khẩu). Chỉ khi đưa vào tiêu thụ tại thị trường nội địa, hàng hóa mới phải thực hiện theo chính sách quản lý hàng hóa nhập khẩu, chính sách thuế...Tuy nhiên, thuốc lá tạm nhập khẩu vào cửa hàng miễn thuế không được phép chuyển tiêu thụ nội địa (quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 100/2020/NĐ-CP)
(ii) Đối tượng mua thuốc lá tại cửa hàng miễn thuế chủ yếu là khách xuất cảnh/khách chờ xuất cảnh - không tiêu thụ tại thị trường nội địa; đối với khách nhập cảnh và đối tượng ngoại giao1 được bán theo định lượng không lớn.
(iii) Ý kiến của các cơ quan, doanh nghiệp đối với việc bãi bỏ thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc lá để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế.
Trong quá trình Bộ Công Thương lấy ý kiến của các cơ quan liên quan về việc bãi bỏ TTHC cấp phép nhập khẩu thuốc lá để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế, đa số các Bộ, ngành (Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ban chỉ đạo 389 quốc gia) nhất trí với chủ trương bãi bỏ TTHC này.
Riêng Bộ Y tế đề nghị cân nhắc áp dụng các biện pháp phù hợp để đảm bảo không trực tiếp, gián tiếp làm tăng sản lượng tiêu thụ thuốc lá tại thị trường trong nước. Tuy nhiên trên thực tế, thuốc lá nhập khẩu kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế chủ yếu bán cho khách xuất cảnh không tiêu thụ tại thị trường nội địa, chỉ 1 lượng rất nhỏ theo định lượng bán cho khách nhập cảnh và đối tượng ngoại giao được tiêu thụ tại thị trường nội địa. Việc cấp phép hay không cấp phép nhập khẩu thuốc lá cho doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế không tác động đến số lượng thuốc lá tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Về phía doanh nghiệp: Trong quá trình lấy ý kiến các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc lá để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế, đa số các doanh nghiệp đều có nguyện vọng không phải thực hiện TTHC này để doanh nghiệp chủ động hơn về nguồn hàng, tiết kiệm thời gian để khai thác triệt để cơ hội kinh doanh, tối đa hóa doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Như vậy, với xu hướng mở rộng số lượng doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế và khối lượng hàng hóa bán ra ngày càng tăng cao (trừ thời điểm dịch Covid-19 diễn ra), thời gian và chi phí dành cho việc cấp phép nhập khẩu kinh doanh tại tất cả các cửa hàng miễn thuế sẽ ngày càng tăng cao. Trong khi đó, việc cấp phép này đến nay là không thật cần thiết, mục tiêu của việc cấp phép không rõ ràng do việc kinh doanh đã có sự giám sát chặt chẽ của Cơ quan Hải quan từ quá trình nhập khẩu đến hoạt động kinh doanh, trong đó quản lý rất chặt chẽ đối tượng mua hàng. Trên thực tế, các mặt hàng khác như rượu, bia, mỹ phẩm...(trừ sản phẩm thuốc lá) khi nhập khẩu để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế không phải có giấy phép trong khi việc quản lý giám sát hàng hóa được thực hiện như nhau, rủi ro trong việc kinh doanh là như nhau.
b) Kiến nghị
Trên cơ sở những phân tích, đánh giá nêu trên, Bộ Công Thương thấy rằng công tác quản lý thuốc lá tạm nhập khẩu để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế đã chặt chẽ và việc bãi bỏ TTHC cấp phép nhập khẩu thuốc lá để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế sẽ góp phần cải cách TTHC tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh, tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực cho cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong việc xin và cấp phép, bãi bỏ các TTHC không cần thiết.
Tại văn bản số 397/TB-VPCP ngày 16 tháng 10 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Lãnh đạo Chính phủ đã có ý kiến đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương về chủ trương bãi bỏ thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc lá để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế.
Tuy nhiên, do Điều 19 Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 đã quy định “Kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân mua bán, chế biến, nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá; sản xuất, mua bán, nhập khẩu thuốc lá phải có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp” nên Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 167/2016/NĐ-CP: “nếu bãi bỏ thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc lá để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế là trái với quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá”. Do vậy, Bộ Công Thương xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:
1. Giao Bộ Y tế báo cáo Quốc hội rà soát, sửa đổi quy định tại Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cho phù hợp với thực tiễn, trong đó bỏ việc nhập khẩu thuốc lá kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Điều 19 Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.
2. Sau khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá được sửa đổi, giao Bộ Tài chính chủ trì báo cáo Chính phủ sửa đổi Nghị định số 100/2020/NĐ-CP theo hướng bãi bỏ thủ tục hành chính này.
Bộ Công Thương kính trình kèm theo các văn bản: số 11278/BCT-XNK, ngày 29 tháng 11 năm 2017 và số 5743/BCT-XNK ngày 20 tháng 7 năm 2018 của Bộ Công Thương, các văn bản số 1048/VPCP-KTTH ngày 29 tháng 01 năm 2018, số 397/TB-VPCP ngày 16 tháng 10 năm 2018, số 10854/VPCP-KTTH ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ.
Bộ Công Thương kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và có ý kiến chỉ đạo./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
1 Theo quy định tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu thuế nhập khẩu: (i) người nhập cảnh được mua thuốc lá miễn thuế với định mức như sau: Thuốc lá điếu: 200 điếu hoặc thuốc lá sợi: 250 gam hoặc xì gà: 20 điếu (người nhập cảnh có thể mua từ nước ngoài mang về Việt Nam hoặc mua tại cửa hàng miễn thuế tại Sân bay Việt Nam); (ii) Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế được mua 30 tút thuốc lá/1 quý, viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự và viên chức của tổ chức quốc tế được mua 20 tút thuốc lá/1 quý (1 tút không quá 10 bao, mỗi bao có 20 điếu)
- 1Công văn 5094/TCHQ-GSQL năm 2019 về nhập khẩu thuốc lá bán hàng miễn thuế do Tổng cục Hải quan ban hành
- 2Thông tư 03/2020/TT-BCT quy định việc nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan theo Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 3Công văn 534/XNK-TMQT năm 2019 về nhập khẩu thuốc lá bán hàng miễn thuế do Cục xuất nhập khẩu ban hành
- 1Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012
- 2Nghị định 67/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá
- 3Luật Hải quan 2014
- 4Nghị định 68/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan
- 5Nghị định 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
- 6Nghị định 167/2016/NĐ-CP về kinh doanh hàng miễn thuế
- 7Nghị định 100/2020/NĐ-CP về kinh doanh hàng miễn thuế
- 8Công văn 5094/TCHQ-GSQL năm 2019 về nhập khẩu thuốc lá bán hàng miễn thuế do Tổng cục Hải quan ban hành
- 9Thông tư 03/2020/TT-BCT quy định việc nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan theo Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 10Nghị quyết 76/NQ-CP năm 2021 về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 do Chính phủ ban hành
- 11Chỉ thị 23/CT-TTg năm 2021 về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Công văn 534/XNK-TMQT năm 2019 về nhập khẩu thuốc lá bán hàng miễn thuế do Cục xuất nhập khẩu ban hành
Công văn 5729/BCT-XNK năm 2022 bãi bỏ thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc lá bán tại cửa hàng miễn thuế do Bộ Công thương ban hành
- Số hiệu: 5729/BCT-XNK
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 26/09/2022
- Nơi ban hành: Bộ Công thương
- Người ký: Trần Quốc Khánh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra