Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5667/BYT-VPB1
V/v trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 07 tháng 9 năm 2023

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai

Bộ Y tế nhận được công văn số 907/BDN ngày 01/8/2023 của Ban Dân nguyện về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trong đó cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị “Hiện nay việc quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng trên các trang mạng xã hội rất phổ biến, nhiều người không phải bác sĩ, dược sĩ cũng tham gia hoạt động quảng cáo, bán thuốc chữa bệnh trên các trang mạng xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân. Đề nghị Bộ Y tế phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu ban hành cơ chế quản lý việc quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng trên các trang mạng xã hội và có chế tài xử lý các tổ chức, cá nhân, vi phạm theo quy định của pháp luật”.

Sau khi nghiên cứu nội dung kiến nghị và rà soát các văn bản liên quan, Bộ Y tế xin trả lời như sau:

1. Trong thời gian qua, công tác quản lý thông tin, quảng cáo thuốc còn gặp nhiều khó khăn bởi một số lý do như: tính tuân thủ quy định về quảng cáo của một số doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể chưa cao; việc phối hợp của một số cơ quan truyền thông với cơ quan chức năng trong việc giám sát hoạt động quảng cáo thuốc chưa thật sự chặt chẽ; nhân lực làm công tác quản lý quảng cáo thuốc còn mỏng, thậm chí là rất mỏng cả ở Trung ương và địa phương dẫn đến hạn chế trong việc triển khai hoạt động thanh tra giám sát hậu mại về quảng cáo thuốc. Trước tình trạng trên, Bộ Y tế đã và đang triển khai các biện pháp để tăng cường công tác quản lý thông tin, quảng cáo thuốc:

- Triển khai thực hiện thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo thuốc trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để tăng cường tính công khai, minh bạch và kết nối với Cổng thông tin một cửa Quốc gia. Đồng thời, công bố toàn bộ nội dung quảng cáo thuốc đã được cấp giấy xác nhận trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược (https://dav.gov.vn/tra-cuuthuoc.html) để cơ quan chức năng giám sát hậu mại hoạt động quảng cáo thuốc.

- Trong thời gian phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố: (1) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng cáo các thuốc dùng trong phòng, chống COVID-19 và gửi Google LLC, Facebook Inc đề nghị phối hợp trong việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm, thuốc, mỹ phẩm; (2) Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo thuốc; tiến hành xử lý đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực thông tin quảng cáo 08 đơn vị với tổng số phạt tiền 360 triệu đồng, trong đó có 01 đơn vị liên quan đến nội dung quảng cáo thuốc điều trị COVID-19.

- Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý thông tin quảng cáo thuốc đảm bảo phù hợp với thực tiễn; Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp (quản lý thị trường, công an kinh tế, các cơ quan truyền thông...) trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc và các sản phẩm liên quan đến sức khỏe.

- Làm việc với các trang mạng xã hội phổ biến hiện nay như Google LLC và Facebook Inc. để kiểm soát chặt chẽ các hoạt động quảng cáo sản phẩm liên quan sức khỏe.

2. Các quy định pháp luật liên quan đến công tác quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Các cơ sở có thực phẩm chức năng trước khi tiến hành quảng cáo phải được thẩm định nội dung, các cơ quan phát hành quảng cáo chỉ được phát hành quảng cáo đúng nội dung đã được thẩm định. Như vậy, về hệ thống pháp luật đã đầy đủ.

- Liên quan đến quản lý hoạt động quảng cáo, gồm Bộ Y tế (cơ quan quản lý cơ sở có sản phẩm thực phẩm), Bộ Thông tin và Truyền thông (cơ quan quản lý phương tiện quảng cáo), Bộ Công Thương (cơ quan quản lý các sàn thương mại điện tử) cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa. Về cơ bản ý thức chấp hành của tổ chức, cá nhân về cơ bản đã được nâng cao. Các báo, đài Trung ương nhìn chung đã tuân thủ tốt quy định về quảng cáo thực phẩm; thực hiện chỉ quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi có xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan y tế có thẩm quyền. Tuy nhiên, một số đài truyền hình địa phương, đặc biệt các trang mạng xã hội vẫn xảy ra tình trạng quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung, quảng cáo không đúng với nội dung đã được thẩm định, sử dụng hình ảnh bác sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng.

Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) đã chuyển 47 công văn tới Cục phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông để yêu cầu xử lý các đường link vi phạm trong đó có các đường link facebook; gửi 24 công văn tới Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương để xử lý đường link của trang thương mại điện tử và sàn giao dịch thương mại điện tử quảng cáo vi phạm; gửi 05 công văn cho Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để xử lý vi phạm của diễn viên, người nổi tiếng trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Từ 2020 đến nay, Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) đã xử lý xử phạt vi phạm về quảng cáo đối với 104 cơ sở (với 271 hành vi vi phạm), tổng số tiền phạt: 5.309.000.000 đồng; đăng cảnh báo trên website của Cục (https://vfa.gov.vn) và thông báo để các báo đăng tin 340 bài cảnh báo.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông về việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên Youtube và Facebook và với Công ty Facebook Inc về việc một số sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo trên facebook vi phạm quy định về quảng cáo. Kết quả của các cuộc họp thống nhất khi phát hiện vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên trang facebook phải gửi qua Bộ TT& TT đồng thời gửi cho đại diện quản lý Facebook khu vực để kịp thời xử lý.

3. Khi vi phạm pháp luật về quảng cáo, mọi công dân, tổ chức bao gồm các cơ quan phát hành quảng cáo, các nghệ sỹ/người chuyển tải quảng cáo đều phải chịu sự xử lý của pháp luật. Chế tài xử lý vi phạm liên quan đến lĩnh vực quảng cáo (trong đó có thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe/thuốc) được quy định cụ thể về hành vi vi phạm, mức phạt tiền, hình phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định về hành vi, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo; Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo.

Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai liên quan đến lĩnh vực y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội để thông tin tới cử tri.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - UBTVQH;
- VPCP: QHĐP, TH;
- VPQH;
- Các đ/c Thứ trưởng BYT;
- BYT: ATTP, QLD;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế (để đăng tải);
- Lưu: VT, VPB1.

BỘ TRƯỞNG




Đào Hồng Lan

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5667/BYT-VPB1 năm 2023 trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 5667/BYT-VPB1
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 07/09/2023
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Đào Hồng Lan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản