Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5649/UBND-CNN
Về việc huy động vốn đóng góp của dân để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 10 năm 2014

 

Kính gửi:

- Thành viên Ban Chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới;
- Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới 5 huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh và Cần Giờ;
- Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới 56 xã trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1447/TTg-KTN ngày 13 tháng 8 năm 2014 về việc huy động vốn đóng góp của dân để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện, Ủy ban nhân dân huyện, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã về việc huy động vốn đóng góp của dân để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như sau:

1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Thành phố Hồ Chí Minh, đây là giải pháp quan trọng thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, Khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Chương trình hành động số 43-Ctr/TU ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Do vậy, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

2. Trên cơ sở Đề án xây dựng nông thôn mới tại 56 xã đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt; căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, các nguồn huy động và khả năng đóng góp của doanh nghiệp, người dân để xác định lộ trình xây dựng nông thôn mới phù hợp, không nóng vội chạy theo thành tích. Việc huy động đóng góp phải tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh cụ thể của từng xã trong huyện, không quy định cứng nhắc tỷ lệ hỗ trợ của nhà nước và đóng góp của dân. Việc huy động đóng góp của người dân phải được bàn bạc dân chủ và phải được sự đồng tình của người dân.

- Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền sâu rộng, đạt hiệu quả cao bằng nhiều hình thức thích hợp nhằm quán triệt sâu sắc tầm quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới, để cộng đồng hiểu và tự nguyện tham gia đóng góp nguồn lực theo phương châm “nhân dân thực hiện, nhà nước hỗ trợ”. Nâng cao hơn nữa vai trò, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nhất là người đứng đầu các tổ chức trong việc triển khai công tác huy động nguồn lực cộng đồng chung sức cùng nhau xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Thành phố.

- Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở ngành, địa phương liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố bổ sung, điều chỉnh Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010-2020.

3. Đối với các công trình có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản thì giao cho cộng đồng dân cư tại xã thực hiện dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của xã theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ. Các dự án xây dựng hạ tầng của xã do các chủ đầu tư thực hiện, cần có sự giám sát của nhân dân thông qua tổ chức Mặt trận và các hội đoàn thể của xã.

4. Xây dựng nông thôn mới phải chú trọng đến công tác giảm nghèo; gắn với phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân; tuyệt đối không để tình trạng xây dựng nông thôn mới làm tăng gánh nặng, tăng nghèo cho người dân; chú trọng hướng dẫn, tổ chức, hỗ trợ người dân thực hiện các nội dung về phát triển y tế, văn hóa, xã hội, tạo cảnh quan môi trường nông thôn; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội, đảm bảo sự bình yên cho cuộc sống của người dân nông thôn.

5. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Địa phương nào để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, gây khó khăn trong việc xác nhận và giải quyết quyền lợi chính đáng của nhân dân theo chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước,... thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và phải được kiểm điểm để xử lý kỷ luật nghiêm khắc.

6. Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới và Ủy ban nhân dân 5 huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các nội dung nêu trên tại 56 xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh. Kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới và Ủy ban nhân dân Thành phố các vấn đề phát sinh, vướng mắc (nếu có) để xin ý kiến chỉ đạo, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thường trực Thành ủy;
- TTUB: CT, các PCT;
- Văn phòng Thành ủy;
- VPUB: CPVP;
- Phòng CNN, VX, TH-KH;
- Lưu VT, (CNN.M) MH

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tất Thành Cang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5649/UBND-CNN năm 2014 về huy động vốn đóng góp của dân để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 5649/UBND-CNN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 30/10/2014
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Tất Thành Cang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản