Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5608/BYT-KH-TC | Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 2024 |
Kính gửi: | - Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; |
Trong thời gian qua, để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm, đấu thầu và tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế; Quốc hội, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế đã ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về công tác đấu thầu nói chung và đấu thầu mua thuốc, thiết bị y tế; tạo dựng khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, đặc biệt là hoạt động mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế. Bộ Y tế đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền quy định mới của pháp luật về đấu thầu cho các địa phương, cơ sở y tế dưới nhiều hình thức (tổ chức hội nghị phổ biến, ban hành các văn bản hướng dẫn...).
Ngày 29/7/2024 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu. Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg và bảo đảm thuốc, vật tư xét nghiệm, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu:
1. Các đơn vị khẩn trương phổ biến, triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, hàng hóa, dịch vụ... tại đơn vị.
2. Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế
2.1. Vụ Kế hoạch - Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung (nếu có) cho phù hợp hơn với thực tế công tác mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế.
- Chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, Cục Quản lý dược, Cục Quản lý y dược cổ truyền rà soát quy định tại Thông tư số 07/2024/TT-BYT để sửa đổi, bổ sung (nếu có) cho phù hợp hơn với thực tế.
- Chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, Cục Quản lý dược, Cục Quản lý y dược cổ truyền, Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế nghiên cứu xây dựng, trình Bộ Y tế ban hành Sổ tay hướng dẫn quy trình đấu thầu nội bộ mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, bảo đảm xác định rõ trình tự, thủ tục, thời gian và trách nhiệm thực hiện để áp dụng chung cho các bệnh viện thuộc quản lý của Bộ Y tế và để các bệnh viện khác tham khảo, áp dụng.
- Chủ trì tham mưu Bộ Y tế các giải pháp tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia vào công tác đấu thầu của ngành và của các đơn vị do Bộ quản lý.
- Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về đấu thầu thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục sơ hở, bất cập; thực hiện giám sát thường xuyên đối với hoạt động đấu thầu khi phát hiện có dấu hiệu không bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế để có các biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
- Chủ trì xây dựng kế hoạch và thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát công tác đấu thầu đối với các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
- Thực hiện công tác tổng hợp, xây dựng Báo cáo công tác đấu thầu hàng năm, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.
2.2. Vụ Pháp chế:
Tăng cường phổ biến pháp luật, hướng dẫn tập huấn nhằm nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác đấu thầu trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu thầu.
2.3. Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế
- Xây dựng và trình Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm trong trường hợp cần thiết (hướng dẫn điểm a, khoản 2, Điều 53 Luật Đấu thầu).
- Trình Bộ Y tế ban hành hướng dẫn về phân nhóm thiết bị y tế theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng để thực hiện nhiệm vụ được giao tại điểm d khoản 2 Điều 135 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP; hoàn thành trong Quý III/2025.
- Quản lý, giám sát chặt chẽ việc công khai, kê khai, kê khai lại giá vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế phù hợp với mặt bằng giá thị trường nhằm ngăn ngừa nâng giá bất hợp lý.
2.4. Cục Quản lý dược và Cục Quản lý y dược cổ truyền
- Quản lý, giám sát chặt chẽ việc công khai, kê khai, kê khai lại giá thuốc, thuốc dược liệu, vị thuốc cổ truyền phù hợp với mặt bằng giá thị trường nhằm ngăn ngừa nâng giá bất hợp lý.
- Rà soát, đề xuất chỉnh sửa các Mẫu hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đối với đấu thầu thuốc, thuốc dược liệu, vị thuốc cổ truyền cho phù hợp hơn với thực tế; hoàn thành trong Quý IV/2024.
2.5. Cục Quản lý khám, chữa bệnh
Chủ trì, phối hợp với Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia và các đơn vị liên quan hướng dẫn việc sử dụng, thay thế thuốc (ví dụ: sử dụng thuốc Nhóm 2 thay cho Nhóm 1; thuốc có nồng độ, hàm lượng thấp thay cho thuốc có nồng độ, hàm lượng cao) để phục vụ công tác tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; hoàn thành trong Quý I/2025.
2.6. Văn phòng Bộ
Rà soát, tham mưu Bộ Y tế cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà, khó khăn cho việc thực hiện thủ tục mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế.
2.7 Thanh tra Bộ
- Tăng cường tổ chức thanh tra về công tác đấu thầu theo quy định. Các cuộc thanh tra phải bảo đảm yêu cầu, chất lượng, nhằm phát hiện các hạn chế, thiếu sót, vi phạm để đề xuất biện pháp xử lý kịp thời.
- Tăng cường vai trò của cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các kết luận kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo trách nhiệm được quy định tại khoản 3 Điều 87 Luật Đấu thầu, bảo đảm chấn chỉnh kịp thời, triệt để những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu thầu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
- Thường xuyên nắm bắt các thông tin, phản ánh, kiến nghị về các hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu để kịp thời xác minh, xử lý. Trường hợp cần thiết hoặc phát hiện vi phạm nghiêm trọng cần chủ động đề xuất thanh tra, kiểm tra đột xuất hoặc chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
2.8. Các đơn vị mua sắm tập trung thuốc cấp quốc gia
- Chủ động, kịp thời mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia và các trường hợp cần mua sắm tập trung khác theo quy định tại khoản 5 Điều 53 Luật Đấu thầu (thuốc kháng HIV/AIDS, thuốc điều trị lao...), bảo đảm không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế.
- Chủ động, kịp thời tổ chức đàm phán giá đối với thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế theo danh mục đàm phán giá theo nhiệm vụ được Bộ Y tế giao tại Quyết định số 2331/QĐ-BYT ngày 07/8/2024.
- Thông báo thường xuyên kế hoạch, tiến độ mua sắm tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá, bảo đảm đáp ứng yêu cầu điều trị theo quy định tại khoản 2 Điều 94 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.
2.9. Người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người có thẩm quyền (đối với trường hợp được phân cấp), trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, bảo đảm đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan khác phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh; không đẩy trách nhiệm cho Bộ Y tế, các cơ quan cấp trên giải quyết các vấn đề thuộc trách nhiệm của mình (như xử lý tình huống, kiến nghị trong đấu thầu).
- Đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan tại các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý.
- Đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, tận dụng các tính năng của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để tăng cường tính công khai, minh bạch, bảo đảm thuận lợi trong hoạt động lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hoá chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế.
- Có biện pháp, cơ chế xử lý kịp thời các tình huống phát sinh trong đấu thầu tại các cơ sở y tế; không để chậm trễ kéo dài, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, hoá chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh".
- Tăng cường công tác tập huấn, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đấu thầu cho các cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động đấu thầu, mua sắm.
- Thực hiện việc đăng tải thông tin xử lý vi phạm của nhà thầu, nhà đầu tư theo đúng trách nhiệm, gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi.
3. Sở Y tế báo cáo và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 29/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu trong lĩnh vực y tế và thực hiện nghiêm túc các biện pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị y tế, hàng hóa, dịch vụ... trong lĩnh vực y tế tại địa phương.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 29/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ, tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật liên quan trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời bằng văn bản về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế để hướng dẫn theo thẩm quyền./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Công văn 6818/BYT-KH-TC năm 2023 của Bộ Y tế về rà soát và đề xuất các nội dung cần sửa đổi của Thông tư quy định việc đấu thầu thuốc do Bộ Y tế ban hành
- 2Thông báo 183/TB-VPCP năm 2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc đấu thầu mua sắm thuốc tại Bộ Y tế và các địa phương do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 3964/BYT-VPB1 năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV về giải pháp khắc phục tình trạng sợ sai phạm trong đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị y tế do Bộ Y tế ban hành
Công văn 5608/BYT-KH-TC năm 2024 thực hiện Chỉ thị 24/CT-TTg về đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu do Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 5608/BYT-KH-TC
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 20/09/2024
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Lê Đức Luận
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra