Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5576/BGDĐT-GDTH
V/v hướng dẫn biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục “Địa phương em” trong Chương trình môn Lịch sử và Địa lí lớp 4 cấp tiểu học

Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2021

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Luật Giáo dục 2019 và Chương trình giáo dục phổ thông ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về nội dung giáo dục của địa phương (Chương trình giáo dục phổ thông 2018), Bộ GDĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn1 về việc biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục của địa phương cấp tiểu học.

Chương trình môn Lịch sử và Địa lí cấp tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định mạch nội dung “Địa phương em (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương)” của lớp 4 (sau đây gọi tắt là “Địa phương em”) với hai chủ đề là “Thiên nhiên và con người địa phương” và “Lịch sử và văn hóa truyền thống địa phương”. Bộ GDĐT hướng dẫn biên soạn, thẩm định, phê duyệt nội dung giáo dục “Địa phương em” như sau:

1. Mục đích, yêu cầu

- Bảo đảm biên soạn tài liệu và việc tổ chức dạy học nội dung giáo dục “Địa phương em” đáp ứng yêu cầu cần đạt được quy định tại Chương trình môn Lịch sử và Địa lí lớp 4 trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018; việc thẩm định và phê duyệt tài liệu về nội dung giáo dục “Địa phương em” được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 33/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ GDĐT về Quy định việc thẩm định tài liệu giáo dục địa phương.

- Việc tổ chức dạy học nội dung giáo dục “Địa phương em” là một yêu cầu bắt buộc để thực hiện Chương trình môn Lịch sử và Địa lí lớp 4, có vị trí tương đương các mạch nội dung khác của Chương trình môn Lịch sử và Địa lí lớp 4 trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

2. Nội dung và thời lượng mạch nội dung “Địa phương em”

a) Nội dung

Mạch nội dung “Địa phương em” bao gồm hai chủ đề “Thiên nhiên và con người địa phương” và “Lịch sử và văn hóa truyền thống địa phương” với yêu cầu cần đạt như sau:

Nội dung

Yêu cầu cần đạt

ĐỊA PHƯƠNG EM (TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG)

Thiên nhiên và con người địa phương

- Xác định được vị trí địa lí của địa phương trên bản đồ Việt Nam.

- Mô tả được một số nét chính về tự nhiên (ví dụ: địa hình, khí hậu,...) của địa phương có sử dụng lược đồ hoặc bản đồ.

- Trình bày được một số hoạt động kinh tế ở địa phương.

- Thể hiện được tình cảm với địa phương và sẵn sàng hành động bảo vệ môi trường xung quanh.

Lịch sử và văn hóa truyền thống địa phương

- Mô tả được một số nét về văn hóa (ví dụ: nhà ở, phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, ẩm thực,...) của địa phương.

- Lựa chọn và giới thiệu được ở mức độ đơn giản một món ăn, một loại trang phục hoặc một lễ hội tiêu biểu,... ở địa phương.

- Kể lại được câu chuyện về một trong số các danh nhân ở địa phương.

b) Thời lượng: 6% trong tổng thời lượng 70 tiết của Chương trình môn Lịch sử và Địa lí lớp 4.

3. Tổ chức biên soạn, thẩm định và phê duyệt tài liệu về mạch nội dung “Địa phương em”

- Việc biên soạn tài liệu về mạch nội dung “Địa phương em” do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện. Các địa phương căn cứ vào yêu cầu cần đạt theo quy định của Chương trình môn Lịch sử và Địa lí lớp 4 trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để xây dựng nội dung dạy học cụ thể phù hợp với đặc trưng của từng địa phương.

- Việc thẩm định và phê duyệt tài liệu về mạch nội dung “Địa phương em” thực hiện theo Thông tư số 33/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ GDĐT về Quy định việc thẩm định tài liệu giáo dục địa phương.

- Tài liệu về mạch nội dung “Địa phương em” có thể được biên soạn độc lập hoặc tích hợp trong tài liệu Giáo dục địa phương lớp 4 trên cơ sở kế thừa, kết nối với các nội dung, mạch kiến thức đã có ở các tài liệu Giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 3.

- Thời điểm trình Bộ GDĐT phê duyệt tài liệu về mạch nội dung: “Địa phương em” phải đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 4 theo lộ trình quy định.

4. Tổ chức dạy học, đánh giá

Tổ chức dạy học mạch nội dung “Địa phương em” theo các hình thức và phương pháp đặc trưng của môn học Lịch sử và Địa lí cấp tiểu học, trong đó coi trọng việc kết hợp dạy học trên lớp với tổ chức học tập tại thực địa, tham quan thực tế, sưu tầm tư liệu...

Thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả học tập mạch nội dung “Địa phương em” thực hiện như các mạch nội dung khác trong Chương trình môn Lịch sử và Địa lí lớp 4.

Bộ GDĐT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện và kịp thời lập hồ sơ trình Bộ GDĐT xem xét phê duyệt tài liệu đảm bảo chất lượng và tiến độ theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
- Lưu: VT, Vụ GDTH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hữu Độ

 



1 Công văn số 3536/BGDĐT-GDTH ngày 19/8/2019; Công văn số 3036/BGDĐT-GDTH ngày 20/7/2021; Thông tư số 33/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5576/BGDĐT-GDTH năm 2021 hướng dẫn biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục Địa phương em trong Chương trình môn Lịch sử và Địa lí lớp 4 cấp tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 5576/BGDĐT-GDTH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 02/12/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Hữu Độ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản