Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5544/TCHQ-PC
V/v trả lời vướng mắc của doanh nghiệp Hàn Quổc sau Hội nghị đối thoại

Hà Nội, ngày 19 tháng 09 năm 2013

 

Kính gửi: Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam.

Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kính chào Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và trân trọng phúc đáp văn bản KVE-13-608 ngày 22/7/2013 của Đại sứ quán về việc trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp Hàn Quốc sau Hội nghị đối thoại thuế và hải quan kỳ thứ 6.

Tổng cục Hải quan kính gửi Đại sứ quán nội dung trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp Hàn Quốc (tài liệu đính kèm theo) để thông báo cho các doanh nghiệp biết và thực hiện.

Nhân dịp này, Tổng cục Hải quan Việt Nam gửi tới Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam lời chào trân trọng./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, PC (02b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Hoàng Việt Cường

 

GIẢI ĐÁP

VƯỚNG MẮC SAU HỘI NGHỊ ĐỐI THOẠI VỚI DOANH NGHIỆP HÀN QUỐC

Câu hỏi 1

Công ty Posco Việt Nam hiện đang nhập khẩu dòng sản phẩm “Thép tấm cuộn cán nóng hợp kim” có chứa nguyên tố Boron (Bo) với HS code: 7225 và thuế suất thuế nhập khẩu là 0% (Thuế suất ưu đãi theo MFN-WTO) để làm nguyên liệu sản xuất. Đây là dòng sản phẩm trong nước chưa sản xuất được cho nên các Doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ đồng nguyên liệu này đều phải nhập khẩu 100% nguyên liệu.

Doanh nghiệp chúng tôi xin kiến nghị không áp dụng quy định “Phải kiểm thực tế và giám định” đối với tất cả (100%) các lô hàng nhập Thép tấm cuộn cán nóng hợp kim có chứa nguyên tố (Bo) với HS code: 7225.

Trả lời

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp thường xuyên nhập khẩu mặt hàng thép có mức thuế suất thuế nhập khẩu cao nhưng khai báo là thép cuộn cán nóng hợp kim có chứa nguyên tố Bo để được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu là 0%. Kiểm tra bằng mắt thường, cơ quan Hải quan không thể phân biệt được giữa thép cuộn cán nóng hợp kim có chứa nguyên tố Bo và các loại thép khác có mức thuế suất thuế nhập khẩu cao. Do vậy, việc cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra thực tế và giám định đối với các lô hàng thép nhập khẩu để ngăn chặn việc gian lận thương mại, đảm bảo không để các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng thép có mức thuế suất thuế nhập khẩu cao nhưng khai báo với cơ quan Hải quan là thép cuộn cán nóng hợp kim có chứa nguyên tố Bo để được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu là 0%.

Về đề nghị của Công ty, Tổng cục Hải quan sẽ nghiên cứu để có phương pháp quản lý phù hợp, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý vừa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật và thực tế nhập khẩu hàng hóa là thép cuộn cán nóng hợp kim có chứa nguyên tố Bo

Câu hỏi 2

Dựa theo tình trạng sản xuất thực tế của nhà máy, có một số đơn hàng sau khi sản xuất có định mức hao hụt nguyên liệu lên đến con số 10%.

dụ: Nguyên liệu nhập vào để sản xuất: 110 MT, thành phẩm (bao gồm hàng loại 1 và loại 2): 100 MT, như vậy lượng hao hụt là 10 MT, lượng này làm hàng rác hay phế liệu, tỷ lệ hao hụt là: 10/100=10%

Hiện tại, Hải quan chỉ cho phép tỷ lệ hao hụt tối đa là 5%. Với 1 tỷ lệ giới hạn như trên, chúng tôi sẽ gặp phải một số khó khăn khi khai hải quan và làm thủ tục hoàn thuế trong trường hợp đơn hàng có mức hao hụt trên 5%. Chính vì vậy công ty chúng tôi đề nghị cơ quan Hải quan tăng định mức này lên.

Trả lời

Điểm d, khoản 2 Điều 33, Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính quy định: “Định mức nguyên liệu, vật tư là định mức thực tế sử dụng để sản xuất sản phẩm xuất khẩu, bao gồm cả phần tỷ lệ phế liệu, phế phẩm nằm trong định mức tiêu hao thu được trong quá trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu. Giám đốc doanh nghiệp tự khai và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc nhập khẩu, sử dụng nguyên liệu vật tư nhập khẩu sản xuất hàng hóa xuất khẩu vành chính xác của định mức đã thông báo. Trường hợp kê khai không đúng thì ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế thiếu người nộp thuế còn bị xử phạt vi phạm theo quy định.”

Căn cứ quy định trên, định mức sử dụng nguyên vật liệu do doanh nghiệp xây dựng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sử dụng đúng mục đích. Như vậy, định mức doanh nghiệp thông báo với cơ quan Hải quan là định mức thực tế sử dụng để sản xuất một đơn vị sản phẩm xuất khẩu. Hiện tại, không có văn bản quy phạm pháp luật quy định tỷ lệ hao hụt tối đa là 5%. Đề nghị doanh nghiệp căn cứ tình hình sản xuất thực tế của doanh nghiệp để thông báo định mức sử dụng nguyên vật liệu (bao gồm cả tỉ lệ hao hụt) với cơ quan Hải quan.

Trường hợp có đơn vị Hải quan chỉ chấp nhận tỉ lệ hao hụt 5% thì đề nghị Công ty nêu cụ thể tên đơn vị Hải quan này để Tổng cục Hải quan kiểm tra, xác định.

u hỏi 3

Xem xét áp dụng hệ thống quản lý giấy chứng nhận xuất xứ FTA của Hàn Quốc:

- Nếu Việt Nam ký FTA ASEAN, TPP, FTA với EU... thì không thể quản lý giấy chứng nhận xuất xứ & FTA bằng thủ công?

- Hiện Hàn Quốc đã ký và đang thực thi FTA với 9 vùng lãnh thổ và 46 quốc gia như ASEAN, EFTA, EU, Mỹ, Ấn Độ... Do đó, Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm về FTA và cũng đã xây dựng hệ thống ICT (công nghệ thông tin) nhằm quản lý FTA. Do đó, việc Việt Nam được hỗ trợ kỹ thuật về tư vấn FTA và hệ thống ICT từ Hàn Quốc sẽ rất hữu ích.

(Công ty Koica)

Trả lời

Về việc xem xét áp dụng hệ thống quản lý giấy chứng nhận xuất xứ FTA của Hàn Quốc, nếu đây là câu hỏi đề cập đến hệ thống cấp C/O thì vấn đề này liên quan đến chức năng và nhiệm vụ của Bộ Công thương. Do vậy, đề nghị doanh nghiệp liên hệ và gửi ý kiến này tới Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương.

Việt Nam luôn mong muốn nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật về tư vấn FTA và hệ thống ICT từ Hàn Quốc. Hai bên cần có buổi làm việc để trao đổi trực tiếp các nội dung liên quan.

Câu hỏi 4

Công ty tôi đang dùng hóa đơn giá trị gia tăng để viết cho khách hàng ở trong khu phi thuế quan và xuất khẩu tại chỗ có đúng không?

Chúng tôi có phải chuyển sang viết hóa đơn xuất khẩu cho trường hợp bán hàng vào khu phi thuế quan và xuất khẩu tại chỗ không?

Nếu bây giờ thay đổi thì chúng tôi có phải thông báo với cơ quan thuế chúng tôi và cơ quan Hải quan, nơi khách hàng chúng tôi làm thủ tục nhập khẩu không?

(Công ty Vina Pioneer)

Trả lời

1. Đối với trường hợp bán hàng cho khách hàng trong khu phi thuế quan:

Theo quy định tại điểm a, điểm b, khoản 2 Điều 3 Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 của Bộ Tài chính thì:

Nếu Công ty là doanh nghiệp khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khu trừ bán hàng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan thì Công ty sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng cho hoạt động bán hàng trong khu phi thuế quan.

Nếu Công ty là doanh nghiệp khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp, khi bán hàng hàng hóa dịch vụ trong nước và cho khu phi thuế quan thì Công ty sử dụng hóa đơn bán hàng.

Hóa đơn sản phẩm bán trong khu phi thuế quan phải nộp cho cơ quan Hải quan được quy định tại điểm a, khoản 10 Điều 44 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính.

2. Đối với trường hợp Công ty là doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ xuất khẩu cho đối tác nước ngoài nhưng được đối tác nước ngoài chỉ định giao hàng cho doanh nghiệp khác tại Việt Nam:

Theo quy định tại điểm c, khoản 4 Điều 41 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 và công văn số 7200/BTC-TCHQ ngày 02/6/2011 của Bộ Tài chính thì trong hồ sơ hải quan, doanh nghiệp xuất trình “hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn xuất khẩu (liên giao cho khách hàng) do doanh nghiệp xuất khẩu lập: 01 bản sao”.

Đề nghị Công ty căn cứ quy định trên và liên hệ với Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục để được hướng dẫn.

Câu hỏi 5

Tuân thủ ưu đãi thuế suất FTA giữa Hải quan và ASEAN

- Tại một số địa điểm thông quan (cơ quan Hải quan) không áp dụng mức thuế suất được bãi bỏ hoặc được cắt giảm theo thỏa thuận về đàm phán thương mại hàng hóa FTA khiến cho việc thực hiện FTA không được đảm bảo hoặc hiệu quả thực tế thấp.

- Do đó, đề nghị Tổng cục Hải quan có biện pháp thúc đẩy để FTA được thực hiện đúng theo đàm phán.

(Công ty Koica)

Trả lời

Về nguyên tắc, trường hợp hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc, nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 2 Thông tư số 163/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 của Bộ Tài chính, được áp dụng thuế suất AKFTA quy định tại Biểu thuế ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư này.

Theo đó, cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu có trách nhiệm thực hiện đúng quy định của Bộ Tài chính hoặc giải thích để doanh nghiệp biết lý do không áp dụng mức thuế ưu đãi đặc biệt theo thỏa thuận FTA đối với trường hợp hàng hóa không đáp ứng đủ điều kiện.

Trường hợp cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu chưa thực hiện đúng quy định về áp dụng các mức thuế ưu đãi đặc biệt, đề nghị Công ty phản ánh cụ thể Chi cục Hải quan để Tổng cục Hải quan chấn chỉnh kịp thời.

Tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra thực hiện văn bản hướng dẫn chính sách tại các đơn vị Hải quan, đảm bảo thực hiện đúng cam kết.

Câu hỏi 6

Áp dụng (chính sách) chế độ (Local L/C) thư tín dụng trong nước:

- Được biết hiện nay Việt Nam chưa áp dụng chế độ này

Theo như kinh nghiệm của Hàn Quốc, chế độ này có hiệu quả lớn thúc đẩy xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước nên Việt Nam cũng cần xem xét áp dụng chế độ này (do các doanh nghiệp trung gian cung cấp nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp xuất khẩu sau cùng cũng có thể được hưởng hoàn trả xuất khẩu nên sẽ tích cực cung cấp nguyên vật liệu cho doanh nghiệp xuất khẩu sau cùng).

- Đặc biệt đối với chế độ hoàn trả sau xuất khẩu, chế độ thuế GTGT, đây là chế độ rất hữu ích thúc đẩy xuất khẩu.

- Nếu áp dụng chế độ này, doanh nghiệp xuất khẩu trung gian có thể sử dụng L/C này thế chấp để vay tín dụng xuất khẩu lãi suất thấp từ ngân hàng, góp phần giảm bớt gánh nặng về vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu. (Công ty Koica)

Trả lời

Nội dung kiến nghị của Công ty nêu tại câu hỏi chưa rõ. Do đó đề nghị Công ty có văn bản nêu cụ thể về việc áp dụng chế độ thư tín dụng trong nước trong hoạt động xuất nhập khẩu để Tổng cục Hải quan nghiên cứu áp dụng nếu thấy phù hợp.

Câu hỏi 7

Công ty Vina Dual nhập khẩu xe tải 5 tấn từ Korea để phục vụ cho việc vận chuyển hàng của công ty cho khách hàng. Vậy khi làm thủ tục nhập khẩu công ty có phải trả thuế nhập khẩu không? (doanh nghiệp 100% vốn Korea và không nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất)

(Công ty Vina Dual)

Trả lời

- Theo quy định tại Điều 4 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì: "Tổ chức, cá nhân có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 2 của Luật này là đối tượng nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu".

- Theo quy định tại Điều 2 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì: "Trừ hàng hóa quy định tại Điều 3 của Luật này, hàng hóa trong các trường hợp sau đây là đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:

1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam;

2. Hàng hóa được đưa từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan và từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước".

Trường hợp của Công ty nhập khẩu xe tải 5 tấn từ Korea để phục vụ cho việc vận chuyển hàng thuộc đối tượng phải nộp thuế nhập khẩu theo quy định.

u hỏi 8

Công ty chúng tôi có nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất hàng xuất khẩu ra nước ngoài và xuất cho Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam.

Trong quá trình sản xuất chúng tôi tìm được khách hàng cũng là nhà cung cấp của Samsung - Công ty Dream Tech VN (địa chỉ: Khu công nghiệp Tiên Sơn, Bắc Ninh). Công ty Dream Tech sử dụng để sản xuất sản phẩm và cung cấp cho công ty TNHH Samsung Electronics VN, sau đó Samsung sẽ xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Vậy phần nguyên liệu công ty chúng tôi sử dụng để sản xuất sản phẩm bán cho công ty Dream Tech VN có được miễn thuế không, nếu không chúng tôi có thể sử dụng tài liệu chứng minh rằng nguyên vật liệu này sẽ được công ty Dream Tech VN sản xuất sản phẩm cung cấp cho công ty Samsung để xuất khẩu ra nước ngoài không?

(Công ty TNHH Em-Tech Việt Nam, Khu công nghiệp Yên Phong - huyện Yên Phong - Tỉnh Bắc Ninh)

Trả lời

- Về việc miễn thuế: Theo quy định tại Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Điều 12 Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/08/2010 của Chính phủ thì hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu không thuộc đối tượng miễn thuế theo quy định.

- Về việc xét hoàn thuế: Theo quy định tại điểm c.5 khoản 5 Điều 113 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính thì: doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư sản xuất sản phẩm sau đó bán sản phẩm (sản phẩm hoàn chỉnh hoặc sản phẩm chưa hoàn chỉnh) cho doanh nghiệp khác để trực tiếp sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu thì sau khi doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài; doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư được hoàn thuế nhập khẩu tương ứng với phần doanh nghiệp khác dùng sản xuất sản phẩm và đã thực xuất khẩu nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại điểm c.5.1, c.5.2, c.5.3 điểm c khoản 5 Điều 113 Thông tư 194/2010/TT-BTC.

Trường hợp Công ty TNHH Em-Tech Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất sản phẩm bán cho Công ty Dream Tech VN để sản xuất sản phẩm bán cho Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam thì Công ty TNHH Em-Tech Việt Nam không thuộc đối tượng được xét hoàn thuế đối với nguyên liệu nhập khẩu theo quy định (do Công ty Dream Tech VN không trực tiếp xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài).

Câu hỏi 9

- Trường hợp hoàn thuế trước, kiểm tra sau là trường hợp rất hiếm. Vậy trường hợp này áp dụng khi nào?

- Để được hoàn thuế nhập khẩu mất rất nhiều thời gian. Tại Hàn Quốc, khoảng 80-90% trường hợp sau khi kê khai là được hoàn thuế nhập khẩu ngay, ngay cả với trường hợp cần kiểm tra thì cũng chỉ mất 2-3 ngày. Hàn Quốc áp dụng chế độ đặc biệt là chế độ hoàn thuế ấn định đơn giản (simplified fìxed drawback system). Việt Nam có kế hoạch áp dụng chế độ nhằm rút ngắn thời gian hoàn thuế hay không?

Trả lời

- Về trường hợp được hoàn thuế trước, kiểm tra sau:

Việc phân loại hồ sơ hoàn thuế trước, kiểm tra sau đã được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 60 Luật quản lý thuế (được sửa đổi bổ sung tại khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế) và được quy định chi tiết tại khoản 1 Điều 41 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ. Theo đó: Hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau là hồ sơ của người nộp thuế có quá trình chấp hành tốt pháp luật về thuế, các giao dịch được thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật và không thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau đã được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 41 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn.

- Về thời gian hoàn thuế:

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế (có hiệu lực từ 1/7/2013) đã sửa đổi quy định về thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế, theo đó: rút ngắn thời hạn giải quyết đối với trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” từ 60 ngày xuống còn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và trường hợp “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” từ 15 ngày làm việc xuống còn 06 ngày làm việc (khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế).

Tổng cục Hải quan xin ghi nhận ý kiến đóng góp của Công ty để có các quy định về thời hạn thanh khoản, hoàn thuế, không thu thuế phù hợp hơn trong thời gian tới.

Câu hỏi 10

Công ty Posco Việt Nam nhập khẩu mặt hàng “Thép tấm cuộn cán nóng” trên chứng từ nhập khẩu gồm: Hợp đồng ngoại thương, Invoice, Packing list, C/O, tài liệu kỹ thuật của lô hàng đều thể hiện tên hàng là thép tấm cuộn cán nóng hợp kim có chứa nguyên tố Bo. Doanh nghiệp đã kê khai hải quan với tên hàng giống như trên và HS code: 7225.

Giả sử Hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa và lấy mẫu đem đi phân tích, các mẫu đưa vào phân tích cho ra kết quả là không có nguyên tố Boron trong đó.

Nếu trong trường hợp nêu trên doanh nghiệp nhập khẩu có bị áp dụng biện pháp xử phạt hay không?

Trả lời

Việc xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Nghị định 97/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 18/2009/NĐ-CP ngày 18/2/2009) của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan. Theo đó:

- Khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 9 Nghị định 97/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 18/2009/NĐ-CP ngày 18/2/2009) quy định chế tài xử phạt đối với trường hợp Công ty có hành vi không khai hoặc khai sai so với thực tế về tên hàng;

- Trường hợp không khai hoặc khai sai tên hàng, mã số hàng hóa dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, được hoàn, không thu tùy từng trường hợp cụ thể sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 4 Điều 9 hoặc Điều 14 Nghị định 97/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 18/2009/NĐ-CP ngày 18/2/2009).

- Tuy nhiên, Công ty khai đúng tên hàng hóa thực xuất khẩu, nhập khẩu nhưng khai sai mã số thuế suất lần đầu thì thuộc trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 7 Nghị định 97/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 18/2009/NĐ-CP ngày 18/2/2009).

Câu hỏi 11

Xây dựng hành chính hải quan liêm chính đồng bộ;

- Mỗi cán bộ phụ trách có cách thực hiện hoặc phân tích quy định khác nhau, hoặc sau khi sự thay đổi về nhân sự, những thủ tục mới phát sinh khiến việc thông quan bị chậm trễ hoặc doanh nghiệp phải thực hiện phương án khác

- Do đó, đề nghị các cơ quan Chính phủ tăng cường kiểm tra, giám sát để hành chính hải quan được thực hiện minh bạch, đồng bộ, không có hành vi tiêu cực

(Công ty Koica)

Trả lời

Trong thời gian qua, ngành Hải quan đã tích cực triển khai thực hiện rất nhiều các biện pháp cải cách, hiện đại hóa vào công tác quản lý hải quan, kiểm tra, giám sát và thực hiện công khai, minh bạch nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được thể hiện trên các lĩnh vực sau:

1. Công tác kiểm tra, giám sát được duy trì thường xuyên từ Tổng cục đến các đơn vị cơ sở: Thời gian qua, việc triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra của Tổng cục Hải quan và việc tự thanh tra, kiểm tra của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố chủ yếu theo chương trình, kế hoạch được lập sẵn; nội dung, thời kỳ thanh tra, kiểm tra được thông báo công khai trước. Tuy nhiên, nhằm tăng cường kỷ luật, phòng ngừa, chấn chỉnh và xử lý sai phạm đối với công chức của ngành Hải quan, lực lượng thanh tra Hải quan sẽ bắt đầu thực hiện quy chế giám sát, kiểm tra bí mật, đột xuất bằng nhiều hình thức nghiệp vụ đặc biệt thay thế cho hình thức kiểm tra công khai theo kế hoạch.

Việc áp dụng hình thức kiểm tra này sẽ được triển khai khi có thông tin tố cáo sai phạm tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu của bất kỳ cán bộ, công chức nào trong ngành Hải quan. Các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan phải coi việc giám sát, kiểm tra đột xuất trong đơn vị mình là một trong những nội dung quan trọng thường xuyên trong công tác quản lý công chức để giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương khi thi hành công vụ. Tổng cục Hải quan sẽ xử lý kỷ luật trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của đơn vị Hải quan nếu để sai phạm xảy ra trong đơn vị, lĩnh vực mình quản lý.

2. Đẩy mạnh cải cách hành chính: ngành Hải quan đã thực hiện nhiều biện pháp đơn giản hóa thủ tục hải quan như quy định chủ hàng tự khai, tự tính, tự nộp thuế, kiểm tra sau thông quan, thông tin tình báo, quản lý rủi ro; hiện đại hóa quản lý hải quan, chuyển đổi phương thức quản lý từ quản lý truyền thống sang phương pháp quản lý hiện đại dựa vào kỹ thuật quản lý rủi ro, thực hiện thông quan điện tử nhằm hạn chế tới mức cao nhất công chức Hải quan tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp; triển khai các đề án ứng dụng công nghệ thông tin vào hầu hết các khâu, quy trình nghiệp vụ và đang chuẩn bị các điều kiện để triển khai hệ thống VNACCS/VCIS, Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế hải quan một cửa quốc gia.

3. Công khai, minh bạch các chính sách và các quy định: Tất cả các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và ngành Hải quan đều được tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng: Báo Hải quan, Website Hải quan, được niêm yết công khai tại các địa điểm làm thủ tục hải quan nhằm giúp cho người dân và doanh nghiệp nắm được chế độ chính sách cũng như có các động tác phản hồi khi công chức Hải quan gây phiền hà, sách nhiễu, có biểu hiện vòi vĩnh hoặc thông đồng với một số đối tượng để làm trái các quy định của Nhà nước. Các biện pháp triển khai đồng bộ nêu trên nhằm mục đích tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp và thực hiện liêm chính hải quan.

Mong rằng người dân và cộng đồng doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu trên lãnh thổ Việt Nam hãy tìm hiểu kỹ về chính sách quản lý của Chính phủ và các Bộ, Ngành, Ngành Hải quan đề nghị các doanh nghiệp góp ý về những vấn đề đang là vướng mắc với hoạt động của mình. Cụ thể: những quy định, hướng dẫn nào không hợp lý, gây cản trở, khó khăn, phiền hà, tăng chi phí hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, nên sửa như thế nào; trong các khâu thủ tục hải quan thì khâu nào doanh nghiệp gặp khó khăn nhất, thường hay bị gây phiền hà nhất...Về thời gian làm thủ tục hải quan, khâu nào đang làm các doanh nghiệp mất nhiều thời gian nhất, công chức Hải quan làm tại khâu thủ tục nào, đơn vị Hải quan nào còn yếu về nghiệp vụ dẫn đến phiền hà, chậm trễ trong việc làm thủ tục cho hàng hóa của doanh nghiệp.

Các công chức Hải quan này cần được tăng cường, bổ sung thêm về mặt nghiệp vụ, kiến thức gì; việc gây phiền hà, sách nhiễu của nhân viên Hải quan thường diễn ra ở khâu nghiệp vụ nào, hành vi gây phiền hà là gì để Ngành tiếp tục có những biện pháp quản lý minh bạch trong thời gian tới./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5544/TCHQ-PC năm 2013 trả lời vướng mắc của doanh nghiệp Hàn Quốc sau Hội nghị đối thoại do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 5544/TCHQ-PC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 19/09/2013
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Hoàng Việt Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/09/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản