Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5363/CHHVN-ATANHH
V/v báo cáo tổng kết tai nạn hàng hải năm 2021

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2021

 

Kính gửi:

- Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia;
- Bộ Giao thông vận tải.

Cục Hàng hải Việt Nam báo cáo tình hình tai nạn hàng hải năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022 như sau:

1. Thống kê tai nạn hàng hải

Năm 2021 (từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/12/2021) toàn quốc đã xảy ra 09 vụ tai nạn hàng hải. So với năm 2020, số vụ tai nạn hàng hải trong năm 2021 giảm 05 vụ (09/14); số người chết và mất tích tăng 01 người (11/10); số người bị thương không đổi (00/00).

Các vụ tai nạn hàng hải có đặc điểm như sau:

- Về mức độ nghiêm trọng: có 08 vụ tai nạn hàng hải đặc biệt nghiêm trọng, 01 vụ tai nạn hàng hải nghiêm trọng.

- Về vị trí địa lý: 03 vụ tai nạn hàng hải xảy ra trong vùng nước cảng biển, 06 vụ tai nạn hàng hải xảy ra ngoài biển.

- Về phương tiện liên quan: có 06 tàu biển nước ngoài, 04 tàu biển Việt Nam, 02 phương tiện thủy nội địa và 03 tàu cá liên quan đến các vụ tai nạn hàng hải.

- Về loại tai nạn:

+ Đâm va: 07 vụ trong đó liên quan đến 04 tàu biển nước ngoài, 04 tàu biển Việt Nam 02 phương tiện thủy nội địa và 03 tàu cá

+ Chìm đắm: 02 vụ trong đó cả 02 vụ liên quan đến tàu biển tàu biển nước ngoài.

- Thiệt hại:

+ Số người chết: 06

+ Số người mất tích: 05

+ Tài sản (thiệt hại toàn bộ): 02 tàu biển nước ngoài, 01 tàu biển Việt Nam, 03 tàu cá, 02 phương tiện thủy nội địa, 01 cần cẩu thi công trụ cầu.

(Bổ sung 01 vụ tai nạn hàng hải sau khi được xác minh vào tháng 08/2021, chi tiết tại phụ lục kèm theo)

2. Nguyên nhân chính của các vụ tai nạn hàng hải xảy ra trong năm 2021

2.1. Yếu tố con người (thuyền viên):

- Chưa tuân thủ Quy tắc phòng ngừa đâm va trên biển (Colreg 72) cụ thể: không tiến hành các biện pháp cảnh giới phù hợp khi tàu hành trình, không sử dụng tín hiệu âm thanh, ánh sáng khi hành trình trong tầm nhìn xa hạn chế, không duy trì tốc độ an toàn.

- Không tuân thủ đầy đủ các quy định tại Nội quy cảng biển.

2.2. Yếu tố kỹ thuật: tình trạng kỹ thuật của một số tàu biển không đảm bảo yêu cầu dẫn đến các sự cố hỏng máy.

2.3. Trình độ ngư dân và thuyền viên làm việc trên phương tiện thủy nội địa còn hạn chế. Tàu cá không đủ định biên an toàn, ngư dân thiếu các Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn theo quy định; không tuân thủ quy định về đèn hiệu, tín hiệu khi hoạt động trên biển và quy định về hoạt động trên luồng hàng hải; lơ là trong cảnh giới, không tổ chức trực canh.

3. Một số biện pháp giảm thiểu các tồn tại, hạn chế

Trong năm 2021, Cục Hàng hải Việt Nam đã triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu những tồn tại, hạn chế cụ thể như sau:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền về Quy tắc phòng ngừa đâm va trên biển cho thuyền viên tàu biển, thuyền viên phương tiện thủy nội địa và ngư dân dưới hình thức tổ chức các cuộc Hội nghị tuyên truyền tại các khu vực Bắc, Trung, Nam.

- Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra tàu biển, phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển, kiên quyết không cấp phép rời cảng cho những tàu không đủ điều kiện an toàn. Giám sát chặt chẽ hoạt động của các tàu biển mang cấp hạn chế, phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB hoạt động trên biển.

- Nâng cao công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ Nội quy cảng biển tại các vùng nước cảng biển của các Cảng vụ hàng hải.

- Nâng cao ý thức thực thi công vụ và ứng dụng hiệu quả hệ thống VTS, AIS và LRIT trong giám sát hoạt động của tàu biển.

- Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đào tạo, các Công ty quản lý tàu tuyên truyền nâng cao chất lượng công tác đào tạo thuyền viên.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 11/CT-BGTVT ngày 21/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, thực hiện kiểm tra, giám sát hiệu quả các tàu biển hoạt động tuyến nội địa và phương tiện VR-SB về bố trí thuyền bộ và hàng hóa trước khi cho tàu rời cảng.

4. Kế hoạch thực hiện năm 2022

Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện một số biện pháp để nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của người tham gia giao thông trên biển như sau:

a) Tăng cường vai trò của cấp ủy Đảng trong công tác chỉ đạo, thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông để nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước.

b) Hoàn thiện các quy định của pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, đề án về bảo đảm trật tự an toàn giao thông hàng hải.

c) Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-BGTVT ngày 21/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn hàng hải và an toàn giao thông đường thủy nội địa.

d) Chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tàu biển, phương tiện thủy nội địa hoạt động trong khu vực vùng nước cảng biển, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Nội quy cảng biển. Đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, giám sát:

- Điều kiện an toàn kỹ thuật của tàu và phương tiện.

- Định biên an toàn tối thiểu và chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên.

- Công tác xếp dỡ, chằng buộc hàng hóa.

- Số lượng thuyền viên, hành khách đi trên phương tiện theo đúng số lượng khai báo khi làm thủ tục đến, đi và phù hợp với bố trí trang thiết bị cứu sinh của phương tiện.

- Việc tuân thủ các quy định tại Nội quy cảng biển.

Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không cho phương tiện rời cảng khi có các khiếm khuyết nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn chưa được khắc phục.

đ) Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đón trả và dẫn tàu của hoa tiêu tại khu vực (đúng người, đúng thời gian, đúng địa điểm, đúng tốc độ), việc bố trí sử dụng tàu lai hỗ trợ; tổ chức thực hiện tốt kế hoạch điều động tàu hàng ngày; kiên quyết xử lý các cá nhân, đơn vị vi phạm.

e) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở đào tạo. Cương quyết đình chỉ hoạt động đối với các đơn vị, cơ sở vi phạm về đào tạo, sát hạch cấp chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và hoa tiêu hàng hải.

g) Xây dựng kế hoạch và tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Quy tắc phòng ngừa đâm va trên biển, Nội quy cảng biển cho thuyền viên tàu biển, thuyền viên phương tiện thủy nội địa và ngư dân.

h) Tổ chức Hội nghị chuyên đề về an toàn giao thông trên biển với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về tàu cá và phương tiện thủy nội địa để bàn các giải pháp giảm thiểu tai nạn đâm va giữa tàu biển và tàu cá, tàu biển và phương tiện thủy nội địa.

i) Kiểm tra, giám sát chặt chẽ vận tải hành khách trên các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo, bảo đảm an toàn cho nhân dân đi lại.

k) Thực hiện tốt công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường sử dụng các trang thiết bị hỗ trợ, giám sát (VTS, AIS, LRIT ...) trong công tác quản lý an toàn giao thông hàng hải.

l) Hoàn thiện và thực hiện quy định trách nhiệm cá nhân đối với lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đẩy mạnh chống tiêu cực trong các lĩnh vực: đào tạo, sát hạch, cấp chứng chỉ chuyên môn; quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý đầu tư, xây dựng công trình giao thông, hoạt động thanh tra, kiểm tra.

m) Kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc thực thi các nhiệm vụ được giao nhằm bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong vùng nước cảng biển và trên vùng biển Việt Nam. Tiếp tục nâng cao chất lượng, trình độ của các cán bộ thực thi công vụ về công tác an toàn, an ninh hàng hải.

n) Tiếp tục triển khai thực hiện theo kế hoạch đối với: Đề án duy trì đội tàu biển Việt Nam trong danh sách trắng và xám của Tokyo MOU, Đề án nâng cao năng lực công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải của các lực lượng ngành Giao thông vận tải Việt Nam; Đề án nâng cao năng lực bảo đảm an ninh hàng hải.

Trên đây là tổng hợp tình hình tai nạn hàng hải năm 2021, các nguyên nhân, giải pháp và phương hướng hoạt động năm 2022, Cục Hàng hải Việt Nam kính báo cáo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Bộ Giao thông vận tải./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục trưởng (để b/c);
- VP Cục (để đưa lên website);
- Lưu: VT, ATANHH (2).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG





Nguyễn Hoàng

 

PHỤ LỤC

SỐ LIỆU TAI NẠN HÀNG HẢI THEO TỪNG THÁNG NĂM 2021
(Kèm theo văn bản số 5363/CHHVN-ATANHH ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Cục hàng hải Việt Nam)

 

Số vụ

Số người chết và mất tích

Số người bị thương

Tháng 1

01

04

00

Tháng 2

01

01

00

Tháng 3

02

02

00

Tháng 4

00

00

00

Tháng 5

01

01

00

Tháng 6

00

00

00

Tháng 7

00

00

00

Tháng 8

02

03

00

Tháng 9

01

00

00

Tháng 10

00

00

00

Tháng 11

00

00

00

Tháng 12

01

00

00

Tổng

09

11

00

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5363/CHHVN-ATANHH về báo cáo tổng kết tai nạn hàng hải năm 2021 do Cục Hàng hải Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 5363/CHHVN-ATANHH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 28/12/2021
  • Nơi ban hành: Cục Hàng hải Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Hoàng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/12/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản