Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5349/BNN-TY | Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 2021 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Hiện nay, nhiều địa phương trên phạm vi cả nước đã và đang tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, bao gồm giải pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quy định của ngành Y tế. Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là rất quan trọng, cấp bách, tất cả vì sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 có thể tiếp tục kéo dài ở nhiều địa phương.
Trong bối cảnh nêu trên, từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật đã, đang xảy ra và có chiều hướng gia tăng mạnh, gây tổn thất hàng nghìn tỷ đồng và hàng chục người chết vì bệnh Dại, cụ thể: (i) Dịch Cúm gia cầm xảy ra tại 28 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 350.000 con gia cầm, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2020; đặc biệt xuất hiện chủng vi rút CGC A/H5N8 lần đầu tiên xâm nhiễm vào Việt Nam và đã lây lan tại 9 tỉnh, thành phố; (ii) Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục xảy ra ở 48 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy khoảng 70.000 con lợn; (iii) Bệnh Viêm da nổi cục mới xâm nhiễm vào Việt Nam từ tháng 10/2020, đến nay đã lây lan tại 48 tỉnh, thành phố, làm hơn 170.000 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có hơn 20.000 con chết, buộc tiêu hủy; (iv) Dịch bệnh Lở mồm long móng ở gia súc xảy ra tại 17 tỉnh, làm gần 4.000 con gia súc mắc bệnh, buộc tiêu hủy; (v) Bệnh Dại đã làm 36 người tử vong tại 21 tỉnh, thành phố; có trên 11.700 con chó nghi mắc bệnh Dại buộc xử lý tiêu hủy tại 22 tỉnh, thành phố; (vi) Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, dịch bệnh trên 16.000 ha, hiện đang có chiều hướng gia tăng mạnh.
Nguy cơ các loại dịch bệnh động vật nêu trên tiếp tục xảy ra, lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao, nhất là trong điều kiện: (i) Tổng đàn vật nuôi rất lớn (hơn 500 triệu con gia cầm, gần 30 triệu con lợn, khoảng 10 triệu con trâu, bò, dê, cừu,..), nhưng nhiều nơi chưa bán được, bán giá thấp, chủ vật nuôi có thể ít quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc biệt do tập trung phòng, chống dịch bệnh COVID-19; (ii) Tình hình sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, cung ứng các loại thuốc, vắc xin thú y, hóa chất cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật (nhiều doanh nghiệp, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phản ánh không vận chuyển, cung ứng, không mua được các loại thuốc, vắc xin thú y cho động vật), cũng như công tác quản lý vận chuyển, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, sát trùng, tiêu độc nhiều nơi bị ảnh hưởng rất lớn, vật gặp nhiều khó khăn.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa bảo đảm phục vụ sản xuất, đặc biệt trong công tác thú y cần bảo đảm phòng, chống dịch bệnh động vật kịp thời, hiệu quả, không để lây lan diện rộng gây tổn thất lớn về kinh tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, cụ thể như sau:
1. Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật
- Ưu tiên bố trí tiêm vắc xin COVID-19 cho lực lượng thú y các cấp, nhất là lực lượng thú y phải tham gia tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật; tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia triển khai pháp phòng, chống dịch, điều trị bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, cung ứng các loại thuốc, vắc xin thú y, hóa chất cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.
- Chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh động vật nguy hiểm nêu trên để kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ổ dịch mới phát sinh, ưu tiên sử dụng nguồn lực tại chỗ của địa phương trong xử lý ổ dịch.
- Khi có dịch bệnh động vật xảy ra, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, đồng thời bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định và chỉ đạo của ngành Y tế; trong đó lưu ý, tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, trong trường hợp cơ quan thú y không thể đến cơ sở để chẩn đoán và lấy mẫu xét nghiệm bệnh động vật, có thể áp dụng công nghệ hình ảnh để kiểm tra triệu chứng lâm sàng điển hình của động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh; hướng dẫn từ xa để thú y cơ sở hoặc chủ vật nuôi tự thực hiện việc lấy mẫu và gửi phòng xét nghiệm tác nhân gây bệnh; trường hợp không thể gửi mẫu đến phòng thí nghiệm, căn cứ triệu chứng, bệnh tích điển hình để quyết định áp dụng, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật.
- Yêu cầu triển khai báo cáo dịch bệnh động vật trên hệ thống trực tuyến VAHIS, email bảo đảm kịp thời, đầy đủ phục vụ công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật.
- Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống trực tuyến, truyền hình, phát thanh, điện thoại, mạng xã hội,... về tính chất, nguy cơ phát sinh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.
2. Đối với công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh
Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố phía Nam, vì vậy công tác kiểm tra, đánh giá trực tiếp tại cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh gặp nhiều khó khăn, dẫn đến không bảo đảm về thời gian giải quyết thủ tục hành chính; trong trường hợp này, các cơ quan thú y tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra, đánh giá trực tuyến qua hình ảnh; hướng dẫn, giám sát việc tự lấy mẫu, niêm phong của cơ sở, vùng gửi đến Phòng xét nghiệm có thẩm quyền để xét nghiệm bệnh đăng ký an toàn dịch bệnh; như vậy vừa đảm bảo có kết quả kiểm tra, đánh giá điều kiện của cơ sở, vùng và có kết quả xét nghiệm bệnh đăng ký an toàn dịch bệnh.
3. Phòng, chống lây nhiễm vi rút SARS-Cov2 lây truyền trên động vật
Theo thông tin của các tổ chức quốc tế (OIE, FAO, CDC Hoa Kỳ), đến nay đã có hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ phát hiện động vật nuôi (như chó, mèo tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ), động vật hoang dã nhiễm vi rút SARS-Cov2 (có thể do nguồn lây từ người mắc bệnh COVID-19). Tuy nhiên, chưa có bất kỳ báo cáo nào về lây nhiễm vi rút SARS-Cov2 từ chó, mèo sang người. Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm vi rút SARS-Cov2 ở động vật (nhất là đối với chó, mèo), đề nghị các địa phương hướng dẫn các hộ, cơ sở quản lý, nuôi nhốt chó, mèo, thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc để tiêu diệt các loại mầm bệnh, nhất là nguy cơ có vi rút SARS-Cov2 ở môi trường, nhất là ở các vùng đang có dịch bệnh COVID-19; trường hợp nghi ngờ động vật nhiễm vi rút SARS-Cov2, tổ chức lấy mẫu gửi đến phòng thí nghiệm của Cục Thú y (đã được Bộ Y tế chỉ định xét nghiệm khẳng định vi rút SARS-Cov2) để xét nghiệm.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp của địa phương tổ chức thực hiện; nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị thông báo về Bộ Nông nghiệp và PTNT để phối hợp xử lý kịp thời./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Công văn 5983/BNN-TY năm 2018 về chỉ đạo chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Công văn 8442/BNN-TY năm 2018 về chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2019 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Công văn 467/BNN-TY năm 2020 về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý do Bộ Nông nghiệp vả phát triển nông thôn
- 4Thông báo 897/TB-BNN-VP về ý kiến kết luận của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5Công điện 1039/CĐ-BNN-CN năm 2022 về phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điện
- 6Công văn 17/CTVN-HTQT năm 2020 về phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp corona virus do Cơ quan quản lý CITES Việt Nam ban hành
- 7Công văn 4516/BNN-TY năm 2022 về tăng cường triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1Luật thú y 2015
- 2Công văn 5983/BNN-TY năm 2018 về chỉ đạo chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Công văn 8442/BNN-TY năm 2018 về chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2019 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Công văn 467/BNN-TY năm 2020 về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý do Bộ Nông nghiệp vả phát triển nông thôn
- 5Thông báo 897/TB-BNN-VP về ý kiến kết luận của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6Công điện 1039/CĐ-BNN-CN năm 2022 về phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điện
- 7Công văn 17/CTVN-HTQT năm 2020 về phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp corona virus do Cơ quan quản lý CITES Việt Nam ban hành
- 8Công văn 4516/BNN-TY năm 2022 về tăng cường triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Công văn 5349/BNN-TY năm 2021 thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 5349/BNN-TY
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 23/08/2021
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Phùng Đức Tiến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 23/08/2021
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra