Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5236/BNN-CBTTNS
 V/v trả lời kiến nghị cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Long An do Ban Dân nguyện - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV tại Công văn số 487/BDN ngày 14/6/2022, nội dung kiến nghị như sau:

Nội dung kiến nghị (Câu số 22)

Kiến nghị nghiên cứu, có chính sách thu hút đầu tư Trung tâm giao dịch nông sản tại các tỉnh phía Bắc giáp biên với Trung Quốc để giúp cho việc giao dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc được thuận lợi và chủ động hơn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin trả lời như sau:

Thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các Bộ ngành, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc triển khai các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm tạo thuận lợi xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc. Trong đó có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển xây dựng hạ tầng thương mại trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, cụ thể:

1. Về chính sách thu hút đầu tư việc thành lập Trung tâm phân phối sản phẩm nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực phối hợp với các Bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện các chính sách thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng thương mại nông sản: Quyết định số 259/QĐ- TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030; Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030. Mục tiêu chung của chương trình, đề án này: (i) Thúc đẩy hợp tác phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới với các nước có chung đường biên giới nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương hai bên biên giới; (ii) Tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh biên giới xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác phát triển hạ tầng thương mại biên giới với các tỉnh có chung đường biên giới; (iii) Thu hút các nhà đầu tư, khuyến khích xã hội hoá đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại biên giới; (iv) Từng bước phát triển hạ tầng thương mại biên giới của các địa phương biên giới Việt Nam tương xứng với hệ thống hạ tầng thương mại biên giới của địa phương nước có chung đường biên giới.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030: (i) Xây mới, cải tạo, nâng cấp hạ tầng thương mại biên giới; (ii) Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp chợ biên giới; (iii) Phát triển hệ thống kho hàng hoá; (iii) Phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại; (iv) Phát triển các trung tâm logistics phục vụ xuất khẩu hàng hoá.

2. Vừa qua, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành triển khai xây dựng “Đề án Phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại giai đoạn 2020 - 2030” nhằm xây dựng hệ thống cung ứng nông sản hiện đại trên cả nước, kết nối sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu dùng nông sản tại thị trường nội địa và phục vụ xuất khẩu, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm (bao gồm: Các Trung tâm cung ứng nông sản quy mô cấp vùng đặt tại các tỉnh, thành phố lớn; Các Trung tâm thu gom nông sản đặt tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm; Các Trung tâm cung ứng nông sản biên giới tại các tỉnh có cửa khẩu xuất khẩu lớn; Mạng lưới các chợ an toàn thực phẩm cấp xã). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy ý kiến các Bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

3. Bên cạnh đó, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, việc tổ chức lại sản xuất gắn liền với đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông sản và hệ thống phân phối là rất cần thiết. Qua khảo sát thực tiễn tại các tỉnh biên giới phía Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai, trong đó điển hình như Dự án Trung tâm giao dịch hàng hóa, nông, lâm, thủy sản Châu Á-Thái Bình Dương tại Km 3-4, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Đây là Dự án lớn với các mục tiêu: Đầu tư Trung tâm giao dịch hàng hóa, nông, lâm, thủy sản có tính chất như một trung tâm đầu mối để tập kết, giao dịch hoa quả, nông sản, lâm sản, hải sản trực tiếp sang thị trường Trung Quốc với lượng hàng hóa thông quan khoảng hơn 3.000.000 tấn/năm, tương đương khoảng 8.220 tấn/ngày. Triển khai Dự án này cũng là mô hình thực tiễn để các tỉnh tham khảo trong định hướng phát triển, thu hút đầu tư, đặc biệt là tại các tỉnh khu vực biên giới.

Trên đây là trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Long An, trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng;
- TT. Trần Thanh Nam;
- Ban Dân nguyện;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ QHĐP);
- VP Bộ (Phòng Tổng hợp);
- Lưu: VT, CBTTNS (CS).

BỘ TRƯỞNG




Lê Minh Hoan

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5236/BNN-CBTTNS năm 2022 về chính sách thu hút đầu tư Trung tâm giao dịch nông sản tại các tỉnh phía Bắc giáp biên với Trung Quốc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 5236/BNN-CBTTNS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 10/08/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Lê Minh Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản