Hệ thống pháp luật

UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5184/SLĐTBXH-VLATLĐ
V/v hướng dẫn một số nội dung khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 2021

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã

Thực hiện Quyết định 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Quyết định 3642/QĐ-UBND); trong quá trình triển khai thực hiện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nhận được văn bản của một số quận, huyện, thị xã đề nghị hướng dẫn một số nội dung khó khăn, vướng mắc trong việc xác định người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) để thực hiện hỗ trợ.

Sau khi xem xét nội dung đề nghị của các quận, huyện, thị xã; Căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND Thành phố và các văn bản quy định pháp luật có liên quan, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải đáp một số nội dung, cụ thể như sau:

I. Đối với người lao động không có giao kết HĐLĐ (lao động tự do) làm việc tại các hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, hộ kinh doanh thuộc diện đăng ký kinh doanh theo quy định nhưng không đăng ký kinh doanh.

Khoản 1, Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định về Hộ kinh doanh: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.”

Theo đó, tất cả hộ kinh doanh đều phải đăng ký kinh doanh trừ một số trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp như sau “Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.”

Căn cứ danh mục 227 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp Chi cục thuế rà soát, xác nhận các hộ kinh doanh thuộc diện đăng ký kinh doanh hoặc không thuộc diện đăng ký kinh doanh gửi UBND cấp xã để thực hiện xét duyệt theo quy định.

Căn cứ vào kết quả danh sách hộ kinh doanh do Phòng Kế hoạch - tài chính cấp huyện gửi, UBND cấp xã thực hiện như sau:

- Đối với hộ kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh.

Người lao động tự làm hoặc làm trong các hộ kinh doanh này được xét duyệt hỗ trợ nếu đáp ứng đúng các quy định tại Điều 5 Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND Thành phố.

- Đối với hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và hộ kinh doanh thuộc diện đăng ký kinh doanh nhưng không đăng ký kinh doanh. Người lao động làm việc trong các hộ kinh doanh này không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND Thành phố.

Đề nghị UBND cấp xã hướng dẫn người lao động để được hỗ trợ theo quy định tại Văn bản số 1371/MTTQ-BTT ngày 09/9/2021 của Ủy ban MTTQ Việt Nam về việc hỗ trợ các đối tượng khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 không đủ điều kiện hưởng theo các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Thành phố.

II. Giải đáp một số nội dung cụ thể theo câu hỏi của các quận, huyện, thị xã

1. Câu hỏi: UBND Thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó quy định nhiều lần giãn cách xã hội, vậy các trường hợp mất việc làm từ 02 lần trở lên thì số lần được hỗ trợ như thế nào? Người lao động tự do chỉ được hỗ trợ 01 lần duy nhất là 1.500.000 đồng hay được hỗ trợ nhiều lần, mỗi lần 1.500.000 đồng.

Trả lời: Theo quy định tại điểm c khoản 2 phần I Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ quy định về mục tiêu, nguyên tắc, trong đó quy định: Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Do đó, người lao động bị mất việc làm trong khoảng thời gian từ ngày 01/5/2021 đến ngày 31/12/2021, không tính số lần mất việc làm thì mỗi người lao động tự do chỉ được hỗ trợ 01 lần là 1.500.000 đồng.

2. Câu hỏi: Lái xe gia đình nhận chở khách, chở hàng tự do, taxi gia đình, xe du lịch gia đình, xe taxi truyền thống không ký HĐLĐ có thuộc diện xét hỗ trợ không?

Trả lời:

Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc liên quan đến kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Tại khoản 2, Điều 3, Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 quy định “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi”

Mục số 71 phụ lục số IV danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2020 quy định “kinh doanh vận tải đường bộ” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Như vậy, người lao động lái xe gia đình nhận chở khách, chở hàng tự do, taxi gia đình, xe du lịch gia đình, xe taxi truyền thống thuộc đối tượng phải đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật. Do đó, người lao động này không thuộc diện hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND Thành phố.

Nếu những người lao động này có đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký thuế, phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 thì thuộc đối tượng hỗ trợ đối với hộ kinh doanh theo quy định tại Điều 35 Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

3. Câu hỏi: Người lao động giúp việc, trông trẻ cho các gia đình có thuộc đối tượng xem xét hỗ trợ đối với lao động tự do? Giúp việc theo giờ có được coi là lao động tự do để xem xét hỗ trợ?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 161, Khoản 1 Điều 162 Bộ Luật lao động năm 2019 quy định Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại; Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình.

Căn cứ quy định nêu trên, đề nghị Hội đồng xét duyệt cấp xã xét duyệt đối với từng trường hợp cụ thể:

- Nếu có đầy đủ các điều kiện như quy định trên thì người lao động giúp việc, người trông trẻ phải có giao kết hợp đồng lao động do đó không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND Thành phố.

- Nếu người lao động thực hiện công việc giúp việc theo giờ là công việc không thường xuyên trong một gia đình thì được coi là tự làm và thực hiện hỗ trợ nếu đáp ứng đúng các quy định tại Điều 5 Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND Thành phố.

4. Câu hỏi: Gia sư có được hỗ trợ như lao động tự do không?

Trả lời:

- Gia sư hoạt động độc lập kèm cặp dạy thêm cho học sinh tại các hộ gia đình là đối tượng không phát sinh quan hệ lao động thuộc diện hỗ trợ nếu đáp ứng đúng các quy định tại Điều 5 Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND Thành phố.

- Gia sư làm việc tại các Trung tâm (thông qua Trung tâm để đi dạy thêm) phát sinh quan hệ lao động do đó đối tượng này không thuộc diện hỗ trợ theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND Thành phố.

5. Câu hỏi: Người lao động tự do bán các mặt hàng thiết yếu tại chợ dân sinh (mặt hàng được phép bán theo Chỉ thị số 17/CT-UBND). Tuy nhiên, do các chợ dân sinh không thuộc nơi cư trú của người lao động nên khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 17/CT-UBND và các Công điện của UBND thành phố người lao động không được phép ra khỏi nơi cư trú thì có được xem xét hỗ trợ với nhóm người lao động tự do?

Trả lời:

Người lao động tự do bán các mặt hàng thiết yếu tại chợ dân sinh, theo quy định các mặt hàng này được phép hoạt động theo Chỉ thị số 17/CT-UBND. Tuy nhiên, khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 17/CT-UBND và các Công điện của UBND Thành phố thì người lao động không được phép ra khỏi nơi cư trú “ai ở đâu ở đó”, như vậy những người lao động tự do này bị mất việc làm; nếu đáp ứng đúng các điều kiện theo quy định tại Điều 5 Quyết định 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND Thành phố thì được xem xét hỗ trợ.

6. Câu hỏi: Lao động là thợ may tự làm hoặc nhận hàng về may gia công và may gia công tại cơ sở sản xuất không bị dừng sản xuất theo quy định nhưng do giãn cách nên cơ sở sản xuất không nhập được hàng, người lao động không có việc làm thì có được hỗ trợ không?

Trả lời: Đề nghị Hội đồng xét duyệt cấp xã xét duyệt đối với từng trường hợp cụ thể:

- Lao động là thợ may tự làm tại nhà và nhận hàng về may gia công tại nhà là đối tượng lao động tự làm, không phát sinh quan hệ lao động thuộc diện được hỗ trợ nếu đáp ứng đúng quy định tại Điều 5 Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND Thành phố.

- Đối với trường hợp may gia công tại cơ sở sản xuất thuộc diện đăng ký kinh doanh thì không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND Thành phố.

7. Câu hỏi: Lao động làm việc tại các làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh, lao động là chủ và nhân viên trong lĩnh vực cho thuê dịch vụ cưới hỏi như Thuê phông bạt, âm thanh ánh sáng, MC đám cưới, do giãn cách và dịch bệnh nên bị mất việc làm, thì đối tượng này có hỗ trợ không?

Trả lời: Đề nghị Hội đồng xét duyệt cấp xã xét duyệt đối với từng trường hợp cụ thể:

- Đối với người lao động làm việc tại các hộ gia đình trong các làng nghề và các cơ sở sản xuất kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh thì thuộc đối tượng hỗ trợ nếu đáp ứng đúng các điều kiện theo quy định tại Điều 5 Quyết định 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND Thành phố.

- Đối với người lao động làm việc tại các hộ gia đình trong các làng nghề và các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc diện đăng ký kinh doanh thì không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND Thành phố.

- Đối với người lao động tự làm hoặc làm trong các hộ kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh (theo hướng dẫn tại mục I văn bản số 4899/SLĐTBXH-VLATLĐ ngày 26/8/2021 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) nếu đáp ứng đúng các điều kiện theo quy định tại Điều 5 Quyết định 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND Thành phố thì được xem xét hỗ trợ.

- Đối với người lao động là chủ, nhân viên làm trong các hộ kinh doanh thuộc diện đăng ký kinh doanh thì không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND Thành phố

8. Câu hỏi: Thợ xây tự làm hoặc hoạt động theo nhóm nhận xây dựng công trình riêng lẻ tư nhân, thợ cơ khí, điện nước, nhôm kính, lăn sơn, quét vôi, thợ mộc, làm nón... tự làm hoặc đi làm lưu động nhiều nơi... có được hỗ trợ là lao động tự do không? Thợ xây làm theo nhóm thợ có người cai thầu có được hỗ trợ lao động tự do không?

Trả lời: Đề nghị Hội đồng xét duyệt cấp xã xét duyệt đối với từng trường hợp cụ thể:

- Đối với người lao động là thợ xây, thợ cơ khí, điện nước, nhôm kính, lăn sơn, quét vôi, thợ mộc... làm việc cá nhân riêng lẻ hoặc làm việc theo nhóm tại công trình xây dựng riêng lẻ tư nhân không có quan hệ chủ - thợ, không phát sinh quan hệ lao động được coi là đối tượng tự làm thuộc đối tượng được hỗ trợ nếu đáp ứng đúng các điều kiện theo quy định tại Điều 5 Quyết định 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND Thành phố.

- Đối với người lao động là thợ xây làm việc theo nhóm thợ (có người cai thầu, chấm công, trả lương hàng tháng cho người lao động) là phát sinh quan hệ lao động do đó đối tượng này không thuộc diện hỗ trợ theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND Thành phố.

9. Câu hỏi:

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trên địa bàn huyện Thanh Trì có nhiều chợ yêu cầu tạm dừng hoặc dừng hoạt động của chính quyền địa phương do liên quan đến ca F0, F1.

Vậy các tiểu thương (buôn bán nhỏ lẻ, không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như bán rau, bán thịt, tôm, cua cá, hoa quả,...) tại các chợ đó có được hỗ trợ theo nhóm lao động tự do được không?

Người lao động buôn bán các mặt hàng không thiết yếu tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, chợ cóc, chợ tạm do trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 17/CT-UBND của UBND thành phố phải ở nhà thì có thuộc diện hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm không?

Trả lời: Các tiểu thương (buôn bán nhỏ lẻ, không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như bán rau, bán thịt, tôm, cua cá, hoa quả,...) tại các chợ bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của chính quyền địa phương hoặc người lao động buôn bán các mặt hàng không thiết yếu tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, chợ cóc, chợ tạm khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 17/CT-UBND và các Công điện của UBND Thành phố thì người lao động không được phép ra khỏi nơi cư trú, như vậy những người lao động tự do này bị mất việc làm; nếu đáp ứng đúng các điều kiện theo quy định tại Điều 5 Quyết định 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND Thành phố thì được xem xét hỗ trợ.

10. Câu hỏi: Trên địa bàn huyện Mê Linh có làng nghề trồng hoa Cúc xã Đại Thịnh, hoa Hồng xã Mê Linh. Người dân của các làng nghề này trồng hoa và thu hoạch trực tiếp rồi đi bán hoa và mua thêm hoa của các hộ gia đình khác để đi bán tại các điểm chợ hoa nội thành Hà Nội. Thực hiện chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/07/2021 của UBND thành phố Hà Nội, người dân không đi bán hoa được. Vậy đối với người dân trồng hoa đồng thời trực tiếp đi buôn bán hoa có được hỗ trợ theo nhóm đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) không?

Làng nghề trồng hoa Tây Tựu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị, Công điện của Chính phủ, Thành phố “Ai ở đâu ở đấy”, người lao động không ra ngoài chăm sóc, thu hoạch và bán được hoa có được hỗ trợ theo chính sách đặc thù của Nghị quyết 15/NQ-HĐND thành phố Hà Nội không? (đặc biệt những người lao động tự do đi bán hoa).

Trả lời:

Đối với những người lao động vừa trồng hoa đồng thời đi bán hoa hàng ngày và công việc bán hoa là công việc tạo ra thu nhập chính của người lao động, bị mất việc làm thì Căn cứ quy định tại Điều 5 Quyết định 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 và phụ lục cách thức tổ chức thực hiện (ban hành kèm theo QĐ 3642/QĐ-UBND), đề nghị Hội đồng xét duyệt cấp xã tổ chức họp, xét duyệt hồ sơ đối với từng trường hợp cụ thể, trong đó cần xét duyệt đến công việc chính (công việc tạo ra thu nhập chính) của người lao động. Nếu đáp ứng đúng quy định tại Điều 5 Quyết định 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND Thành phố thì được xem xét hỗ trợ.

* Trên thực tế, những người lao động không thuộc diện hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND Thành phố gặp nhiều khó khăn, do đó đề nghị UBND cấp xã rà soát, lập danh sách và hướng dẫn người lao động để được hỗ trợ theo quy định tại Văn bản số 1371/MTTQ-BTT ngày 09/9/2021 của Ủy ban MTTQ Việt Nam về việc hỗ trợ các đối tượng khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 không đủ điều kiện hưởng theo các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Thành phố.

Trên đây là hướng dẫn, giải đáp một số nội dung khó khăn, vướng mắc về thực hiện chi trả hỗ trợ cho đối tượng lao động tự do theo Quyết định 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND Thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, nếu tiếp tục có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, xem xét giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- UBND Thành phố; (để b/cáo)
- Đ/c Giám đốc Sở; (để b/cáo)
- Các Đ/c Phó Giám đốc Sở;
- VP S; LĐTL&BHXH; TTra;
- Phòng LĐTB&XH Q.H.TX (để t/hiện);
- Lưu: VT, VLATLĐ.

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Nguyễn Hồng Dân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5184/SLĐTBXH-VLATLĐ năm 2021 hướng dẫn một số nội dung khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 do Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 5184/SLĐTBXH-VLATLĐ
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 14/09/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Hồng Dân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/09/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản