Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5107/TCT-QLN
V/v vướng mắc về cưỡng chế

Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 2024

 

Kính gửi: Cục Thuế TP Hồ Chí Minh

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 8338/CTTPHCM-QLN ngày 22/8/2024 của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh về việc vướng mắc liên quan đến sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh trong thời gian NNT bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn mà CQT thực hiện áp dụng cưỡng chế thu bên thứ 3 của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh. Về việc này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

- Khoản 2 Điều 134 Luật Quản lý thuế quy định về nguyên tắc thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế từ bên thứ ba được như sau:

“a) Bên thứ ba có khoản nợ đến hạn phải trả cho đối tượng bị cưỡng chế hoặc giữ tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thì có trách nhiệm nộp tiền thuế nợ thay cho đối tượng bị cưỡng chế;

b) Trường hợp tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do bên thứ ba đang nắm giữ là đối tượng của các giao dịch bảo đảm hoặc thuộc trường hợp giải quyết phá sản thì việc thu tiền, tài sản khác từ bên thứ ba được thực hiện theo quy định của pháp luật;

c) Số tiền bên thứ ba nộp vào ngân sách nhà nước thay cho đối tượng bị cưỡng chế được xác định là số tiền đã thanh toán cho đối tượng bị cưỡng chế.”

- Tiết d khoản 4 Điều 34 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế về cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn: “d) Trường hợp đang áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn mà người nộp thuế có văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn để có nguồn thanh toán tiền lương công nhân, thanh toán các khoản chi phí đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục thì cơ quan thuế tiếp tục cho người nộp thuế sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh với điều kiện người nộp thuế phải nộp ngay ít nhất 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng vào ngân sách nhà nước.”

Căn cứ quy định trên, trường hợp bên thứ ba đang nắm giữ tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thì phải thực hiện nộp tiền thuế nợ thay cho đối tượng bị cưỡng chế. Trường hợp đối tượng bị cưỡng chế đang bị áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn thì việc sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh được thực hiện theo tiết d khoản 4 Điều 34 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ (cơ quan thuế cho người nộp thuế sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh với điều kiện số tiền nộp vào ít nhất 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng vào ngân sách nhà nước đã bao gồm số tiền bên thứ ba nộp thay cho đối tượng bị cưỡng chế) và nếu đủ điều kiện để cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh thì thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế TP Hồ Chí Minh biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTCTrg Đặng Ngọc Minh (để b/cáo);
- Vụ/đơn vị: PC, CS, KK, TTKT, DNNCN- TCT;
- Website TCT;
- Lưu: VT, QLN (2b)

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ QUẢN LÝ NỢ VÀ CCNT
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Trần Xuân Linh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5107/TCT-QLN năm 2024 vướng mắc về cưỡng chế do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 5107/TCT-QLN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 08/11/2024
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Trần Xuân Linh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/11/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản