Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5056/TCT-KTNB
V/v thông báo và hướng dẫn xây dựng kế hoạch KTNB năm 2015.

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2014

 

Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Căn cứ Quyết định số 1721/QĐ-TCT ngày 08/10/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về quy chế kiểm tra nội bộ ngành thuế và Quyết định số 1722/QĐ-TCT ngày 08/10/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về Quy trình kiểm tra nội bộ ngành thuế.

Để việc triển khai thực hiện công tác kiểm tra nội bộ năm 2015 đảm bảo các nội dung theo yêu cầu quản lý của ngành và đảm bảo tính thống nhất trong phạm vi toàn ngành, Tổng cục Thuế thông báo kế hoạch và hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ (KTNB) năm 2015 với một số nội dung và yêu cầu cụ thể như sau:

I. NỘI DUNG VÀ THỜI KỲ KIỂM TRA

Năm 2015 toàn ngành thuế sẽ tập trung thực hiện kiểm tra nội bộ ngành với các nội dung cụ thể sau:

1. Kiểm tra theo bộ tiêu chí đánh giá rủi ro

Các Cục Thuế cần tập trung thực hiện phân tích, đánh giá rủi ro đối với 04 nội dung: Thanh tra thuế, Kiểm tra thuế, Hoàn thuế, Quản lý nợ thuế theo Quyết định số 1925/QĐ-TCT ngày 24/10/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc ban hành bộ tiêu chí đánh giá rủi ro, để lập kế hoạch kiểm tra nội bộ năm 2015, cụ thể:

1.1. Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra thuế của cơ quan Thuế thực hiện

1.1.1. Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kiểm tra thuế tại trụ sở của cơ quan Thuế (chủ yếu Hồ sơ khai thuế):

Lưu ý các nội dung chủ yếu phải kiểm tra:

- Xác định kết quả kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế của cơ quan thuế đã thực hiện trong thời kỳ kiểm tra:

+ Tổng số hồ sơ khai thuế được kiểm tra, trong đó: Tổng số hồ sơ khai thuế GTGT; tổng số hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN;... từ đó xác định tỉ lệ so với số hồ sơ khai thuế phải kiểm tra.

+ Tổng số doanh nghiệp được kiểm tra, trong đó: Tổng số doanh nghiệp thuộc danh sách phải kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế; từ đó xác định tỉ lệ hoàn thành kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt; nguyên nhân không hoàn thành (nếu có).

+ Kết quả xử lý: Tổng số thuế yêu cầu doanh nghiệp khai bổ sung tăng thêm hoặc giảm lỗ, giảm số thuế còn được khấu trừ; Tổng số tiền thuế cơ quan thuế ấn định phải nộp tăng thêm so với kê khai của doanh nghiệp;

+ Tổng số hồ sơ khai thuế theo kế hoạch chưa được kiểm tra; xác định rõ nguyên nhân, lý do, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Kiểm tra việc chấp hành quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn liên quan đến kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế theo quy định tại Quy trình kiểm tra thuế (ban hành kèm theo Quyết định số 528/QĐ-TCT ngày 29/5/2008 của Tổng cục Thuế):

+ Kiểm tra việc chấp hành quy định về lập bản nhận xét kết quả kiểm tra: Kết thúc kiểm tra hồ sơ khai thuế công chức kiểm tra có lập bản nhận xét theo quy định?

+ Kiểm tra việc chấp hành quy định về trình tự, thủ tục thông báo yêu cầu người nộp thuế giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu trong hồ sơ khai thuế; Trường hợp người nộp thuế giải trình trực tiếp tại cơ quan thuế có thực hiện lập biên bản theo quy định?

+ Kiểm tra, đánh giá chất lượng công tác kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan thuế thông qua việc kiểm tra các hồ sơ kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan thuế, đối chiếu với hồ sơ khai thuế của người nộp thuế để xác định những nội dung người nộp thuế khai sai, gian lận nhưng chưa được công chức thuế đã thực hiện kiểm tra hồ sơ khai thuế yêu cầu người nộp thuế giải trình, cung cấp tài liệu hoặc khai bổ sung (đây là nội dung chính của việc kiểm tra công tác kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan thuế).

- Thời kỳ kiểm tra: Năm 2013, năm 2014 và các thời kỳ liên quan. Lưu ý nếu đơn vị được chọn mà nội dung kiểm tra đã được các cơ quan chức năng kiểm tra năm 2013 thì không tiến hành kiểm tra lại.

1.1.2. Kiểm tra việc chấp hành các quy định về thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế do các đoàn thanh tra thuế, kiểm tra thuế của cơ quan Thuế thực hiện:

- Nội dung kiểm tra:

+ Kiểm tra, đánh giá việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra (bao gồm cả điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra).

+ Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra thuế.

+ Kiểm tra việc thực hiện các quy định của Quy trình thanh tra thuế, Quy trình kiểm tra thuế.

Trong công tác quản lý thuế thời gian qua đã phát hiện tình trạng một số trường hợp doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng về đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký sử dụng hóa đơn tự in... đã thành lập doanh nghiệp “ma”, doanh nghiệp “đen” mua - bán hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức chứng từ đầu vào nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT của Nhà nước. Vì vậy, đề nghị Cục Thuế các địa phương tập trung kiểm tra nội dung việc chấp hành các quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế đối với các cuộc thanh tra, kiểm tra do các đoàn thanh tra thuế, kiểm tra thuế của cơ quan Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế đối với những đơn vị kinh doanh xuất khẩu qua biên giới đất liền, xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy, hải sản, bách hóa tổng hợp, công nghệ phẩm... có phát sinh số tiền khấu trừ, hoàn thuế GTGT; thanh tra, kiểm tra những doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế; những doanh nghiệp mới thành lập có địa điểm kinh doanh không cố định.

Kiểm tra việc thực hiện quy trình thanh tra thuế, kiểm tra thuế của các đoàn thanh tra, kiểm tra thuế đã thực hiện tại trụ sở người nộp thuế; kiểm tra hồ sơ cụ thể của các cuộc thanh tra, kiểm tra.

Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc có nghi vấn thì phải trình người ký quyết định kiểm tra quyết định việc thanh tra lại theo quy định.

- Thời kỳ kiểm tra: Năm 2013, năm 2014 và các thời kỳ liên quan. Lưu ý nếu đơn vị được chọn mà nội dung kiểm tra đã được các cơ quan chức năng kiểm tra năm 2013 thì không tiến hành kiểm tra lại.

1.2. Kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về hoàn thuế GTGT

- Nội dung kiểm tra:

+ Kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về hoàn thuế GTGT (hồ sơ; điều kiện khấu trừ, hoàn thuế; đối tượng, trường hợp hoàn thuế; căn cứ xác định số thuế GTGT được hoàn). Lưu ý: tập trung kiểm tra việc phân loại hồ sơ hoàn thuế (thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau hoặc kiểm tra trước, hoàn thuế sau), trường hợp hoàn thuế (trường hợp xuất khẩu, hoàn thuế cho đầu tư, hoàn thuế trường hợp trong ba tháng liên tục có số thuế đầu vào chưa được khấu trừ hết; trong mười hai tháng liên tục có số thuế đầu vào chưa được khấu trừ hết); các trường hợp xác định hồ sơ, vụ việc, đối tượng có nghi vấn rủi ro cao phải thực hiện kiểm tra toàn diện (hồ sơ, thủ tục hoàn thuế và kiểm tra tại doanh nghiệp có hồ sơ hoàn thuế) để phát hiện các doanh nghiệp có gian lận trong việc hoàn thuế, kịp thời thu hồi về cho NSNN và xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật. Đặc biệt tập trung kiểm tra các hồ sơ giải quyết hoàn thuế đối với việc hoàn thuế cho hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền chủ yếu phát sinh ở các địa phương tiếp giáp biên giới, những đơn vị kinh doanh xuất khẩu hàng nông lâm thủy hải sản, bách hóa tổng hợp, công nghệ phẩm... có phát sinh số tiền khấu trừ, hoàn thuế GTGT lớn, đột biến, các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động 1 - 2 năm gần đây với lượng vốn đăng ký kinh doanh thấp hơn nhiều lần so với giá trị xuất khẩu hàng tháng, với số tiền hoàn thuế hàng năm vượt qua lượng vốn đăng ký của doanh nghiệp, thanh toán qua tài khoản vãng lai mở tại ngân hàng thương mại ở Việt Nam,...

+ Kiểm tra việc chấp hành các quy định về thủ tục hành chính đối với hoàn thuế GTGT của cơ quan thuế các cấp. Lưu ý: yêu cầu công chức thuế phải thực hiện nghiêm túc quy định về thủ tục hành chính, không yêu cầu thêm bất kỳ các giấy tờ nào khác theo quy định.

Yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố ngay từ đầu năm 2015 tập trung lực lượng xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ tiến hành rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các hồ sơ đã giải quyết hoàn thuế GTGT năm 2014, đối với hồ sơ hoặc đơn vị nào có nghi vấn rủi ro cao phải được kiểm tra toàn diện (về thủ tục tiếp nhận, phân loại, kiểm tra, thẩm định, ban hành quyết định, lưu trữ hồ sơ...) của các trường hợp hoàn thuế nêu trên để đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật thuế và quy trình của ngành; đảm bảo kịp thời phát hiện và xử lý, khắc phục các sai phạm (nếu có).

- Thời kỳ kiểm tra: Năm 2013, năm 2014 và các thời kỳ liên quan. Lưu ý nếu đơn vị được chọn mà nội dung kiểm tra đã được các cơ quan chức năng kiểm tra năm 2013 thì không tiến hành kiểm tra lại.

1.3. Kiểm tra công tác quản lý nợ thuế

- Nội dung kiểm tra: Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý nợ thuế tại Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành và kiểm tra việc chấp hành các quy trình, thủ tục quản lý nợ, thu nợ thuế theo quy định tại Quy trình quản lý nợ thuế ban hành kèm theo Quyết định số 1395/QĐ-TCT ngày 14/10/2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Lưu ý một số nội dung cần kiểm tra sau đây:

+ Kiểm tra hồ sơ để phân loại nợ thuế.

+ Kiểm tra việc ban hành thông báo tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp (Thông báo 07/QLN) đối với người nộp thuế có khoản nợ trên 30 ngày.

+ Kiểm tra việc thực hiện cưỡng chế nợ thuế đối với người nộp thuế có khoản nợ trên 90 ngày, người nộp thuế có hành vi tẩu tán tài sản, các khoản tiền nợ đã hết thời gian gia hạn nộp thuế.

+ Kiểm tra việc thẩm định, xử lý hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế, xóa nợ tiền thuế, miễn phạt chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

+ Kiểm tra và đánh giá việc xây dựng và giao chỉ tiêu thu tiền nợ thuế cho các Phòng thuộc Văn phòng Cục Thuế, Chi cục Thuế và công chức thuế quản lý thu nợ thuế.

- Thời kỳ kiểm tra: Năm 2013, năm 2014 và các thời kỳ liên quan. Lưu ý nếu đơn vị được chọn mà nội dung kiểm tra đã được các cơ quan chức năng kiểm tra năm 2013 thì không tiến hành kiểm tra lại.

2. Kiểm tra nội dung có liên quan khác

Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; Chỉ thị số 03/CT-BTC ngày 20/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; Chỉ thị số 01/CT-TCT ngày 19/8/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc tăng cường kỷ cương kỷ luật, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ, tác phong ứng xử của công chức thuế với người nộp thuế và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế; các Cục Thuế thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định về thủ tục hành chính của cơ quan thuế các cấp theo các nội dung chủ yếu sau:

2.1. Kiểm tra việc thực hiện công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Trong đó chú ý vào các nội dung:

2.1.1. Kiểm tra việc thực hiện quy chế “một cửa” và việc chấp hành một số quy định tiêu chuẩn văn hóa công sở và đạo đức cán bộ, công chức tại Văn phòng Cục Thuế và Chi cục Thuế.

Trong đó, lưu ý kiểm tra việc thực hiện quy chế “một cửa” cần phải kiểm tra các nội dung chủ yếu sau đây:

+ Kiểm tra việc cơ quan thuế bố trí địa điểm thuận tiện, lịch sự để người nộp thuế đến cơ quan thuế thực hiện các yêu cầu, thủ tục hành chính thuế được dễ dàng, thuận lợi.

+ Kiểm tra việc cơ quan thuế niêm yết công khai các quy định thủ tục hành chính thuế tại địa điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết các yêu cầu, thủ tục hành chính thuế của người nộp thuế. (Nội dung niêm yết bao gồm: hồ sơ thuế, thời hạn nộp hồ sơ, nơi nộp hồ sơ, thời hạn giải quyết của cơ quan thuế, quyền và trách nhiệm của người nộp thuế, quyền và trách nhiệm của cơ quan thuế, mức thu phí, lệ phí (nếu có)).

+ Kiểm tra việc cơ quan thuế thông báo công khai địa điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết các yêu cầu, thủ tục hành chính thuế của người nộp thuế, số điện thoại liên hệ, hộp thư điện tử của bộ phận Tuyên truyền - Hỗ trợ của cơ quan thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng để người nộp thuế, người dân được biết và liên hệ.

+ Kiểm tra việc thực hiện các quy định về trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ hành chính, kết quả giải quyết hồ sơ hành chính (bao nhiêu hồ sơ chậm; kết quả giải quyết đúng, sai bao nhiêu hồ sơ).

+ Kiểm tra việc cán bộ công chức thuế có thực hiện tuân thủ theo đúng quy định của Quy chế hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về chính sách thuế, quản lý thuế và giải quyết các thủ tục hành chính thuế của người nộp thuế theo cơ chế “một cửa” và các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế của ngành thuế. Trong đó, kiểm tra việc tiếp nhận các yêu cầu, thủ tục hành chính thuế của người nộp thuế; Giải quyết các yêu cầu, thủ tục hành chính thuế của người nộp thuế tại cơ quan Cục Thuế và Chi cục Thuế.

+ Thực hiện đúng nội quy, quy chế làm việc của cơ quan; Có phong cách ứng xử văn minh, lịch sự, tận tình, tôn trọng người nộp thuế; Không được yêu cầu người nộp thuế nộp các loại giấy tờ, hồ sơ không có trong quy định thủ tục hành chính thuế; Không được nhận bất kỳ một khoản tiền nào của người nộp thuế nếu không có quy định; không được nhận quà biếu, quà tặng của người nộp thuế.

+ Kiểm tra việc quản lý, sử dụng hệ thống báo biểu, sổ sách... phục vụ công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính.

Phương pháp thực hiện: Kiểm tra đột xuất, không thông báo trước cho đơn vị được chọn kiểm tra về nội dung 1 này.

2.1.2. Kiểm tra về việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, quy trình quản lý thuế đối với cơ quan Thuế và người nộp thuế (NNT).

2.2. Kiểm tra công tác quản lý kê khai, kế toán thuế, việc tính thuế, nộp thuế.

2.3. Kiểm tra công tác văn thư, lưu trữ; Kiểm tra việc chấp hành các quy định về thủ tục hành chính đối với hồ sơ thuế của NNT do cơ quan thuế các cấp thực hiện tiếp nhận, giải quyết. (Lưu ý: yêu cầu công chức thuế phải thực hiện nghiêm túc quy định về thủ tục hành chính, không yêu cầu thêm bất kỳ các giấy tờ nào khác theo quy định); Kiểm tra về việc chấp hành quy trình, thời gian giải quyết hồ sơ thuế và việc phối hợp giữa các bộ phận tại cơ quan thuế trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính thuế. (Lưu ý trong quá trình kiểm tra cần tập trung xem xét việc quá thời hạn giải quyết là do nguyên nhân nào?, trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân khi thực hiện các bước công việc liên quan đến việc: Đôn đốc NNT hoặc Đại lý thuế nộp hồ sơ khai thuế; Việc ấn định số thuế phải nộp đối với NNT không nộp hồ sơ khai thuế; Việc đóng mã số thuế đối với NNT bỏ địa chỉ kinh doanh; Trình tự, thủ tục xử lý và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo;...)

2.4. Kiểm tra việc công khai, minh bạch trong hoạt động của đơn vị (theo Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13, yêu cầu về hình thức công khai? Nội dung cần công khai?).

2.5. Kiểm tra việc thực hiện cải cách hệ thống quản lý thuế và các vấn đề có liên quan khác.

2.6. Kiểm tra việc thực hiện công tác xây dựng cơ bản ngành

2.7. Kiểm tra công tác quản lý ấn chỉ

2.8. Kiểm tra các nội dung khác: Đăng ký, cấp mã số thuế; Ấn định thuế; Miễn thuế, giảm thuế; Xóa nợ tiền thuế, tiền phạt; Xử lý vi phạm về thuế; Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế; Việc thực hiện công tác kiểm tra nội bộ ngành (cơ quan thuế cấp trên kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm tra nội bộ ngành của cơ quan thuế cấp dưới).

…..

Thời kỳ kiểm tra: Năm 2013, năm 2014 và các thời kỳ liên quan. Lưu ý nếu đơn vị được chọn mà nội dung kiểm tra đã được các cơ quan chức năng kiểm tra năm 2013 thì không tiến hành kiểm tra lại. Riêng đối với nội dung 2.1.1 kiểm tra và ghi nhận tại thời điểm đoàn kiểm tra xuống kiểm tra trực tiếp tại đơn vị được kiểm tra.

Tùy tình hình và yêu cầu quản lý cũng như nguồn nhân lực, thời gian thực tế (trừ ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ) các Cục Thuế chủ động xây dựng kế hoạch hướng dẫn và chọn một trong các nội dung nêu trên để kiểm tra và hướng dẫn các Chi cục Thuế xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ cho phù hợp với yêu cầu quản lý và đặc điểm, tình hình, những vấn đề nổi cộm của địa phương mình.

Để sát với những vấn đề thuộc mục tiêu của kế hoạch tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế chỉ đạo; nhằm mục đích thông qua kiểm tra để phát hiện những trường hợp cán bộ, công chức thuế vi phạm kỷ luật hành chính, gây khó khăn, phiền hà, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu đối với người nộp thuế trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và kiến nghị những nội dung về thủ tục hành chính thuế cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, hoặc bãi bỏ.

II. KẾ HOẠCH VÀ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KIỂM TRA NĂM 2015

1. Tổng cục Thuế sẽ trực tiếp kiểm tra

Tổng cục Thuế áp dụng việc phân tích rủi ro theo Quyết định số 1925/QĐ-TCT ngày 24/10/2014 và các Chỉ thị nêu trên để lập kế hoạch kiểm tra nội bộ năm 2015, Tổng cục Thuế sẽ thông báo các đơn vị do Tổng cục Thuế trực tiếp kiểm tra theo quy định.

2. Tại Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ năm 2015 của cơ quan thuế các cấp theo nội dung hướng dẫn nêu trên. Đồng thời, kế hoạch kiểm tra nội bộ năm 2015 của Cục thuế phải đảm bảo kiểm tra tối thiểu 25% (hai mươi lăm phần trăm) số phòng chuyên môn thuộc Văn phòng Cục thuế, tối thiểu 25% (hai mươi lăm phần trăm) số Chi cục thuế trực thuộc; Chi cục thuế kiểm tra tối thiểu 25% (hai mươi lăm phần trăm) số Đội thuế thuộc Chi cục Thuế.

3. Nguyên tắc xây dựng kế hoạch, xử lý chồng chéo và thời gian kiểm tra

Nguyên tắc xây dựng kế hoạch, xử lý chồng chéo và thời gian kiểm tra thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1721/QĐ-TCT ngày 08/10/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về quy chế kiểm tra nội bộ ngành thuế và Quyết định số 1722/QĐ-TCT ngày 08/10/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về Quy trình kiểm tra nội bộ ngành thuế. Lưu ý các cuộc kiểm tra nội bộ thực hiện đột xuất theo chỉ đạo của cơ quan cấp trên được tính vào kế hoạch kiểm tra nội bộ đã xây dựng.

Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện; trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, báo cáo kịp thời về Tổng cục Thuế (Vụ Kiểm tra nội bộ) để xem xét giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thanh tra Bộ Tài chính (để báo cáo);
- Lãnh đạo Tổng cục Thuế (để báo cáo);
- Các Vụ, đơn vị thuộc TCT;
- Lưu: VT, KTNB (2b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Phi Vân Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5056/TCT-KTNB năm 2014 thông báo và hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ năm 2015 do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 5056/TCT-KTNB
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 14/11/2014
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Phi Vân Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/11/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản