Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5045/VPCP-KSTT
V/v hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025

Hà Nội, ngày 09 tháng 8 năm 2022

 

Kính gửi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại khoản 1 Điều 2 Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thực hiện tiêu chí số 15.3 phụ lục II Quyết định này, cụ thể như sau:

1. Công khai 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết và các nội dung hướng dẫn thực hiện phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức theo đúng quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính, Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính và Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính.

2. 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết được tổ chức tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và áp dụng quy trình theo dõi việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ, trả kết quả giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Đã tổ chức thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ, đáp ứng mục tiêu số hóa đối với cấp xã được giao tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ và khoản 2 mục III Điều 1 về cải cách thủ tục hành chính tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

4. Trong 03 (ba) năm liên tục liền kề trước năm xét công nhận, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của xã được giải quyết đúng hoặc sớm hạn đạt tối thiểu từ 98% trở lên đối với hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã và 95% trở lên đối với hồ sơ thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông tại bước tiếp nhận, xử lý ở cấp xã; các hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết quá hạn phải thực hiện xin lỗi theo đúng quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ; không có kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải sửa đổi, bổ sung do lỗi của cơ quan nhà nước hoặc bị phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, khiếu kiện; không có ý kiến phản ánh, kiến nghị về hành vi, thái độ nhũng nhiễu, gây phiền hà, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định pháp luật trong giải quyết thủ tục hành chính, trừ trường hợp phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, khiếu kiện được cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý, kết luận là không đúng hoặc vu cáo.

5. Chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của năm liền kề trước năm xét công nhận và tại thời điểm xét công nhận theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ được xếp tối thiểu từ loại tốt trở lên.

6. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt mục tiêu được giao tại khoản 2 mục III Điều 1 về cải cách thủ tục hành chính của Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ.

Trên đây là hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ về thực hiện tiêu chí số 15.3 phụ lục II Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Công văn này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì được thực hiện theo văn bản mới ban hành. Đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ, chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ NNPTNT (để phối hợp);
- VPCP: BTCN, các Vụ: PL, NN;
- Lưu: VT, KSTT (3).

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Trần Văn Sơn

 

TỔNG HỢP GÓP Ý DỰ THẢO

Hướng dẫn thực hiện tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025

I. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

II. Địa phương (60/63)

- Hoàn toàn nhất trí (30): Sơn La; Ninh Bình; Đắk Lắk; Hà Nam; Phú Thọ; Bến Tre; Quảng Bình; Lào Cai; An Giang; Quảng Nam; Thái Nguyên; Sóc Trăng; Phú Yên; Thừa Thiên Huế; Vĩnh Long; Cần Thơ; Cao Bằng; Lâm Đồng; Bình Thuận; Hậu Giang; Tây Ninh; Bắc Kạn; Ninh Thuận; Bạc Liêu; Bà Rịa - Vũng Tàu; Vĩnh Phúc; Đồng Nai; Hải Dương; Thái Bình; Kiên Giang

- Cơ bản nhất trí và có góp ý thêm (30): Nam Định; Gia Lai; Thanh Hóa; Trà Vinh; Lạng Sơn; Cà Mau; Yên Bái; Điện Biên; Quảng Ngãi; Tiền Giang; Hòa Bình; Tuyên Quang; Bắc Giang; Hà Nội; Đà Nẵng; Đồng Tháp; Nghệ An; Kon Tum; Khánh Hòa; Quảng Ninh; Bắc Ninh; Hà Tĩnh; Hải Phòng; Long An; Quảng Trị; Hà Giang; Lai Châu; Đắk Nông; Bình Định; Hưng Yên

III. Ý kiến góp ý cụ thể

STT

Tên Mục

Ý kiến góp ý

Tiếp thu, giải trình

1

Mục 1

Nam Định: Thường xuyên cập nhật, bổ sung bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

- Nội dung này ngoài phạm vi hướng dẫn tiêu chí đánh giá

Trà Vinh: Đề nghị bổ sung nội dung “và nội dung hướng dẫn thực hiện phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính” sau cụm từ “Công khai 100% TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết”. Lý do: Cho đầy đủ, phù hợp với quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính; và đây cũng là một trong những nội dung cần thiết, có liên quan tới khoản 4 của dự thảo.

- Tiếp thu.

Điện Biên:

Đề nghị bỏ cụm từ “Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ” vì nghị định này không quy định về việc công khai thủ tục hành chính

- Tiếp thu

Hòa Bình

“1. Công khai 100% thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết theo đúng quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát TTHC đã được sửa đổi, bổ sung, Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ…” (có file ảnh kèm theo).

- NĐ 63/2010/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định số 48/2013/NĐ-CP, 92/2017/NĐ-CP.

Tuyên Quang

Đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung “Công khai 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết theo đúng quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 06 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính, Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính và Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính” thành “Công khai 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị tại nơi giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính (có file ảnh kèm theo)

- Thông tư 02/2017/TT-VPCP hướng dẫn nghiệp vụ KSTTHC căn cứ trên Nghị định số 63/2010/NĐ-CP; 92/2017/NĐ-CP; đồng thời quy định cả TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận để phù hợp với NĐ 61/2018/NĐ-CP đối với TTHC không thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng được giao tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận một cửa.

Nghệ An

Tại khoản 1 dự thảo đề nghị chỉnh sửa cơ quan ban hành Thông tư số 01/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 thành: “Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ” đề chính xác hơn

- Tiếp thu

Hà Tĩnh

Tại mục 1: về hướng dẫn thực hiện nội dung “Công khai 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết” chưa cụ thể, chưa rõ các hình thức công khai thủ tục hành chính (TTHC) mà đang hướng dẫn chung là thực hiện đúng quy định tại văn bản quy phạm pháp luật liên quan, nên khi thực hiện hay đánh giá phải tra cứu các nội dung yêu cầu từ nhiều văn bản quy định. Vì vậy đề nghị cần hướng dẫn cụ thể, rõ ràng nội dung công khai TTHC trong Văn bản hướng dẫn, để thuận lợi cho việc triển khai thực hiện ở cơ sở, cũng như việc kiểm tra, đánh giá của các sở, ngành phụ trách tiêu chí.

- Quy định cụ thể nội dung công khai, tiêu chuẩn công khai TTHC đã được hướng dẫn cụ thể nên không cần nhắc lại tại đây.

2

Mục 2

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Đề nghị xem xét, chỉnh sửa “100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết đã được tổ chức tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa...” thành “Có từ 90% trở lên thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết đã được tổ chức tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa...”, để phù hợp hơn với điều kiện thực tế và đảm bảo tính khả thi.

- Điều 14 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) đã quy định cụ thể về phạm vi tiếp nhận thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết và việc áp dụng quy trình theo dõi việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ, trả kết quả giải quyết. Do đó, tiêu chuẩn này là phù hợp và thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP.

Lạng Sơn:

Tại mục 2 có ghi: “100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết đã được tổ chức tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa và áp dụng quy trình theo dõi việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ, trả kết quả giải quyết...”, đề nghị bổ sung và sửa như sau: “100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết đủ điều kiện đã được tổ chức tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa và áp dụng quy trình theo dõi việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ, trả kết quả giải quyết...”

- Dự thảo quy định “theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP” đã bao hàm “đủ điều kiện”.

Quảng Ngãi

- Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung tại khoản 2 dự thảo hướng dẫn “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ”. Vì có một số thủ tục hành chính (TTHC) được tiếp nhận, giải quyết trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

- Đề nghị xem xét lại tiêu chí “100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết đã được tổ chức tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa” được quy định tại khoản 2 của dự thảo vì lý do sau:

Việc quy định nội dung này sẽ trùng với nội dung tiêu chí số 5 của dự thảo quy định: “trong 03 năm liên tục trước năm xét công nhận, chỉ số đánh giá chất lượng giải quyết TTHC theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ, Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn các Nghị định trên được xếp tối thiểu từ loại tốt trở lên”.

Vì trong quá trình thực hiện đánh giá chất lượng giải quyết TTHC của một cơ quan, đơn vị thì cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng đánh giá các chỉ số theo quy định tại Điều 13, Điều 14, Điều 15 của Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Tại khoản 5 Điều 13 của Thông tư số 01/2018/TT-VPCP (quy định chi tiết việc đánh giá chấm điểm thực hiện tổ chức tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, trả kết quả tại Bộ phận Một cửa) có nêu rõ một trong các chỉ số đánh giá việc giải quyết TTHC tại cấp xã là: “Bộ phận Một cửa cấp xã tiếp nhận, xem xét, thẩm định hồ sơ, phê duyệt kết quả đối với 100% thủ tục hành chính thuộc danh mục tiếp nhận của cấp xã”.

Do đó, để tránh trùng lặp về nội dung các tiêu chí. Đề nghị xem xét lại việc quy định nội dung tại khoản 2 của dự thảo hướng dẫn.

- Nội dung này thực hiện theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, NĐ 107/2021/NĐ-CP.

- Dự thảo quy định cả điều kiện cần và đủ: (1) các TTHC phải thực hiện tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa; (2) Chỉ số đánh giá chất lượng giải quyết TTHC đạt loại tốt (việc tiếp nhận, giải quyết 100% TTHC chỉ là một tiêu chí thành phần).

Hòa Bình

“2. 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết đã được tổ chức tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và áp dụng quy trình theo dõi việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ, trả kết quả giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ…”

- Tiếp thu.

Tuyên Quang

Đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung “100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết đã được tổ chức tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa và áp dụng quy trình theo dõi việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ, trả kết quả giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính” thành “100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh theo quy định”.

- Tiêu chí này thực hiện theo đúng quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP

Nghệ An

Đề nghị bỏ 01 từ “ngày” để tránh trùng lặp trong dự thảo

Tiếp thu

3

Mục 3

Thanh Hóa:

- Theo quy định tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 thì đến năm 2022, UBND xã phải “Hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực đạt tối thiểu 35% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã ...”. Hiện tại nội dung này chưa được Văn phòng Chính phủ hướng dẫn.

Theo quy định tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 (Đề án 06) “Thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành...” thì đến ngày 01/6/2023, Bộ phận một cửa cấp xã mới phải triển khai việc số hóa. Nội dung này đã được hướng dẫn tại Công văn số 9318/VPCP-KSTT ngày 21/12/2021 của Văn phòng Chính phủ.

Như vậy việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC ở cấp xã đến 01/6/2023 mới được triển khai thực hiện, cơ sở đánh giá tiêu chí nông thôn mới nâng cao cho các xã trong 6 tháng cuối năm 2022 về số hóa hồ sơ, kết quả không thể thực hiện được, do đó đề nghị Văn phòng Chính phủ xem xét lại nội dung này.

Lạng Sơn:

Tại mục 3 có ghi: “...đáp ứng mục tiêu số hóa được giao tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ và khoản 2 mục III Điều 1 về cải cách thủ tục hành chính tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ...” đề nghị bổ sung và sửa như sau: “...đáp ứng mục tiêu số hóa được giao tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và khoản 2 mục III Điều 1 về cải cách thủ tục hành chính tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ...”.

- Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 nên các tiêu chí này được xây dựng cho cả giai đoạn. Bên cạnh đó, đối với cấp xã việc thực hiện số hóa đối với các TTHC thiết yếu đã phải thực hiện từ 01/7/2022 theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2022 của Chính phủ.

Bắc Giang

Đề nghị cụ thể hóa các “mục tiêu số hóa” và “mục tiêu khoản 2 mục III Điều 1 về cải cách thủ tục hành chính tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021” vì: mục tiêu số hóa quy định tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/2/2021 có rất nhiều mục tiêu trong đó có mục tiêu của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phải thực hiện; mục tiêu quy định tại khoản 2 mục III Điều 1 Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 cũng bao gồm các mục tiêu của các cấp, các ngành phải thực hiện, do đó để thuận tiện trong việc chấm điểm, đánh giá các chỉ tiêu, đề nghị hướng dẫn cụ thể, chi tiết chỉ tiêu này để áp dụng đối với cấp xã.

- Tiếp thu

Đà Nẵng

Đề nghị bổ sung nội dung: “… đáp ứng mục tiêu số hóa được giao tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đúng tỷ lệ quy định theo lộ trình của từng năm...”

Tiếp thu bổ sung số hóa đối với cấp xã

Đồng Tháp

Đối với tiêu chí tại khoản 3, đề nghị bổ sung thời điểm áp dụng đối với tiêu chí này là vào cuối năm 2023. Lý do, theo khoản 2, Điều 4, Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định hiệu lực thi hành việc tổ chức thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp xã chính thức thực hiện từ ngày 01 tháng 6 năm 2023.

- Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 nên các tiêu chí này được xây dựng cho cả giai đoạn. Bên cạnh đó, đối với cấp xã việc thực hiện số hóa đối với các TTHC thiết yếu đã phải thực hiện từ 01/7/2022 theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2022 của Chính phủ.

Nghệ An

Khoản 3 dự thảo đề nghị bỏ ngày, tháng, năm ban hành của Nghị định số 107/2021/NĐ-CP để đúng với quy định tại điểm b khoản 6 Phụ lục I kèm theo Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020

Tiếp thu

4

Mục 4

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Đề nghị xem xét, chỉnh sửa “Trong 03 (ba) năm liên tục trước năm xét công nhận, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của xã đạt tối thiểu từ 99% đối với hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã và 95% đối với hồ sơ thủ tục hành chính liên thông được giải quyết đúng hoặc sớm hạn;...” thành “Trong 03 (ba) năm liên tục liền kề trước năm xét công nhận, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của xã đạt tối thiểu 90% đối với hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã và 85% đối với hồ sơ thủ tục hành chính liên thông được giải quyết đúng hoặc sớm hạn;...”, để phù hợp hơn với điều kiện thực tế và đảm bảo tính khả thi

- Tiêu chí này đã được quy định và thực hiện từ 2017 đến nay (Công văn số 9787/VPCP-KSTT ngày 09/10/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc hướng dẫn thực hiện tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020). Bên cạnh đó, Theo tổng hợp số liệu báo cáo cải cách hành chính của Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ (báo cáo số 2915/BC-BNV ngày 29/6/2022 và báo cáo số 1145/BC-BNV ngày 25/3/2022), tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn trung bình cả nước là 97,37%, trong đó cấp tỉnh đạt 98,21%, cấp huyện 97,97%, cấp xã đạt 98,9%. Do đó, tiếp thu một phần điều chỉnh mức tỷ lệ là 98%; và bổ sung quy định với TTHC liên thông thì chỉ tính đối với bước tiếp nhận, xử lý ở cấp xã.

Nam Định: Xã triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, dịch vụ bưu chính công ích đối với thủ tục hành chính đủ điều kiện thuộc thẩm quyền giải quyết. Trong đó, từ khi triển khai đến khi nộp hồ sơ đề nghị xét, công nhận tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trong tổng số hồ sơ của thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến đạt tối thiểu 10% trở lên đối với các xã, thị trấn; hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

- Nội dung số hóa đã được xem xét ở tiêu chí mục 3

Gia Lai:

- Đề nghị bổ sung cụm từ “trở lên” sau cụm từ “kết quả giải quyết thủ tục hành chính của xã đạt tối thiểu từ 99%” nhằm đảm bảo logic trong văn bản.

- Đề nghị bổ sung thêm điều kiện đối với các xã về những hồ sơ giải quyết quá hạn thì thực hiện văn bản xin lỗi theo đúng quy định tại khoản 9 Điều 19 của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ. Lý do: Ngoài nội dung kết quả giải quyết thủ tục hành chính của xã đạt tối thiểu từ 99% thì việc bổ sung điều kiện trên nhằm tránh tình trạng gây bức xúc cho tổ chức, cá nhân trong trường hợp cơ quan cấp xã giải quyết hồ sơ quá hạn nhưng không thực hiện văn bản xin lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả.

- Cụm từ tối thiểu đã bao hàm.

- Tiếp thu

Thanh Hóa:

Hiện nay trên cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính không thể hiện riêng biệt danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã và thủ tục hành chính liên thông, do đó để thuận lợi cho việc triết xuất các thông tin xử lý hồ sơ từ phần mềm một cửa cấp tỉnh, đề nghị Văn phòng Chính phủ gộp 02 mức kết quả giải quyết TTHC (mức 99% và mức 95%) lại thành 98%, cụ thể: “Trong 03 năm liên tục trước năm xét công nhận, kết quả giải quyết TTHC của xã đạt tối thiểu từ 98% được giải quyết đúng hạn hoặc sớm hạn; không có kết quả giải quyết TTHC phải...”

- TTHC liên thông có đặc điểm riêng, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị (không chỉ cấp xã) nên để tiêu chí tách riêng phù hợp hơn.

Yên Bái

- Tại mục số 4 bản dự thảo quy định: “Trong 03 (ba) năm liên tục trước năm xét công nhận, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của xã đạt tối thiểu từ 99% đối với hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã và 95% đối với hồ sơ thủ tục hành chính liên thông được giải quyết đúng hoặc sớm hạn; không có kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải sửa đổi, bổ sung...”: đề nghị Văn phòng Chính phủ xem xét một số quy định sau:

+ Bỏ nội dung “và 95% đối với hồ sơ thủ tục hành chính liên thông” vì hiện tại Thông tư số 01/2020/TT-VPCP ngày 21/10/2020 của Văn phòng Chính phủ quy định chế độ báo cáo định kỳ và quản lý, sử dụng, khai thác hệ thống thông tin báo cáo của Văn phòng Chính phủ, không có mẫu biểu báo cáo về số lượng hồ sơ thủ tục hành chính liên thông, do vậy, không có tài liệu kiểm chứng làm cơ sở để đánh giá cho tiêu chí này.

+ Bỏ nội dung “không có kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải sửa đổi, bổ sung” vì trường hợp kết quả sau khi trả cho tổ chức, cá nhân mà phải sửa đổi, bổ sung thì việc sửa đổi, bổ sung do cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện, không thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa, do vậy, không có tài liệu kiểm chứng nội dung này nên khó khăn trong việc đánh giá.

+ Bổ sung nội dung sau vào mục số 4: “Thực hiện đầy đủ và đúng quy định việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.

- Tiếp thu một phần về bổ sung việc xin lỗi đối với trường hợp trễ hẹn. Đối với các trường hợp nêu về không có tài liệu kiểm chứng là chưa chính xác vì theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP các hồ sơ phải thực hiện kiểm soát quy trình, trạng thái xử lý qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC.

Điện Biên

Đề nghị sửa thành: “Trong 03 (ba) năm liên tục trước năm xét công nhận, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng và sớm hạn đạt tối thiểu 99% đối với hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã và 95% đối với hồ sơ thủ tục hành chính liên thông (trong đó tối thiểu 80% hồ sơ được giải quyết sớm hạn); không có kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải sửa đổi, bổ sung hoặc bị phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, khiếu kiện, không có ý kiến phản ánh, kiến nghị về hành vi, thái độ nhũng nhiễu, gây phiền hà, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định pháp luật trong giải quyết thủ tục hành chính, trừ trường hợp phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, khiếu kiện được cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý, kết luận là không đúng hoặc vu cáo.”

- Việc giải quyết sớm hạn là khuyến khích, không phải là quy định bắt buộc nên đề nghị giữ nguyên như dự thảo.

Tiền Giang

- Đề nghị xem xét lại nội dung “... 95% đối với thủ tục hành chính liên thông được giải quyết đúng hoặc sớm hạn”, do đa số thủ tục liên thông, ở cấp xã chỉ phụ trách tiếp nhận mà không giải quyết hoặc chỉ giải quyết một bước, cấp giải quyết là cấp huyện hoặc cấp tỉnh, nên việc đưa tiêu chí này yêu cầu cấp xã phải thực hiện đảm bảo 95% là chưa phù hợp.

- Đề nghị bỏ hoặc sửa đổi nội dung: “.... không có kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải sửa đổi, bổ sung”, do trong thực tế giải quyết thủ tục hành chính vẫn có thể xảy ra trường hợp người dân cung cấp thông tin chưa chính xác nên kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải sửa đổi, bổ sung, do đó nội dung này chưa phù hợp với trường hợp trên hoặc chỉ quy định không có kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải sửa đổi, bổ sung do lỗi của cơ quan hành chính nhà nước.

- Đề nghị xem xét lại nội dung “... không có kết quả giải quyết thủ tục hành chính ... bị khiếu kiện”, do việc khiếu kiện thường kéo dài, qua nhiều cấp, khó xác định thời gian kết thúc vụ kiện, vì vậy sẽ không có kết quả để xác định đúng sai trong trường hợp này, nhất là đối với năm trước năm xét công nhận.

Tiếp thu.

Hòa Bình

Đề nghị bổ sung vào khoản 4 dự thảo nội dung sau: “Thực hiện việc xin lỗi người dân, tổ chức khi giải quyết hồ sơ quá hạn theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP”.

Tiếp thu

Tuyên Quang

Đề nghị bổ sung vào khoản 4 của dự thảo văn bản nội dung sau: “Kịp thời xin lỗi người dân, tổ chức khi có hồ sơ trễ hẹn thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của Văn phòng Chính phủ”.

Tiếp thu

 

Bắc Giang

Đề nghị gộp tỷ lệ “kết quả giải quyết thủ tục hành chính của xã đạt tối thiểu từ 99% đối với hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã và 95% đối với hồ sơ thủ tục hành chính liên thông được giải quyết đúng hoặc sớm hạn” vào một tỷ lệ chung là 95% kết quả giải quyết TTHC được giải quyết đúng hạn hoặc sớm hạn (không nên để mức 99%)

Theo tổng hợp số liệu báo cáo cải cách hành chính của Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ (báo cáo số 2915/BC-BNV ngày 29/6/2022 và báo cáo số 1145/BC-BNV ngày 25/3/2022), tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn trung bình cả nước là 97,37%, trong đó cấp tỉnh đạt 98,21%, cấp huyện 97,97%, cấp xã đạt 98,9%. Do đó, việc quy định tỷ lệ đối với xã nông thôn mới nâng cao mức như dự thảo là phù hợp.

Đà Nẵng

Đề nghị bổ sung nội dung:

- 100% hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết không đúng hạn phải có thư xin lỗi tổ chức, công dân;

- Trường hợp có khiếu nại thì 100% khiếu nại của tổ chức, công dân được xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền quy định, không có khiếu nại vượt cấp.

Tiếp thu

Nghệ An

Trong đoạn “Trong 03 năm liên tục trước năm xét công nhận... đúng hoặc sớm hạn...” khoản 4 dự thảo đề nghị chỉnh sửa lại như sau “Trong 03 năm liên tục trước năm xét công nhận, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã đạt tối thiểu từ 99% và kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông đạt tối thiểu từ 95% giải quyết đúng hoặc trước hạn...” để chính xác và rõ ràng, cụ thể hơn.

Tiếp thu

Quảng Ninh

Tại mục 4 “trong 03 (ba) năm liên tục trước năm xét công nhận, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp xã đạt tối thiểu từ 99% đối với hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của cấp xã và 95% đối với hồ sơ thủ tục hành chính liên thông được giải quyết đúng hoặc sớm hạn...” đề nghị sửa đổi thành “trong 3 (ba) năm liên tục trước năm xét công nhận, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của xã đạt tối thiểu từ 99% đối với hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của cấp xã và 95% đối với hồ sơ thủ tục hành chính liên thông tại bước giải quyết thuộc thẩm quyền của cấp xã được giải quyết đúng hoặc sớm hạn...”

Lý do, thực tế, trong thời gian qua hồ sơ liên thông cấp xã vẫn còn tỷ lệ nhỏ hồ sơ giải quyết quá hạn tại một số xã trên địa bàn tỉnh đó là: Thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu. Đây là thủ tục hành chính có quá trình giải quyết qua nhiều bước, phần lớn bị trễ hẹn tại bước giải quyết tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, ngoài những nguyên nhân chủ quan, có nguyên nhân khách quan như: vướng mắc về chính sách, công dân chậm thực hiện nghĩa vụ nộp thuế... Tuy nhiên hồ sơ giải quyết TTHC đó sẽ bị báo chậm cả ở cấp xã và cấp huyện, vì vậy, nếu tính tỷ lệ giải quyết hồ sơ liên thông cả giai đoạn thì sẽ ảnh hưởng đến xã trong việc xét tiêu chí đánh giá đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Tiếp thu

Bắc Ninh

Đối với nội dung hướng dẫn tại mục 4 với nội dung “Trong 03 (ba) năm liên tục trước năm xét công nhận.... không có kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải sửa đổi, bổ sung hoặc bị phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, khiếu kiện” cần xem xét, loại trừ đối với những trường hợp phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, khiếu kiện nhưng có kết luận của cơ quan có thẩm quyền là không đúng.

Đã có nội dung loại trừ tại dự thảo.

Hải Phòng

Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét điều chỉnh chỉ tiêu hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã được giải quyết đúng hạn hoặc sớm hạn từ 99% thành 97% tại mục 4 của dự thảo văn bản, cụ thể: “Trong 03 năm liên tục trước năm xét công nhận, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của xã đạt tối thiểu từ 97% đối với hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã...”

Lý do: Do mốc thời gian đánh giá tương đối dài 03 năm liên tục, mặt khác, theo quy định tại mục 3.4.1 phụ lục kèm theo Quyết định số 1149/QĐ-BNV ngày 30/12/2020 về phê duyệt đề án “xác định chỉ số cải cách hành chính của Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” thì yêu cầu đối với tỷ lệ thủ tục hành chính giải quyết đúng hạn là từ 95% trở lên là được tính đạt điểm cải cách hành chính. Do vậy, thành phố Hải Phòng đề xuất mức chỉ tiêu 97% nêu trên để đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo tổng hợp số liệu báo cáo cải cách hành chính của Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ (báo cáo số 2915/BC-BNV ngày 29/6/2022 và báo cáo số 1145/BC-BNV ngày 25/3/2022), tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn trung bình cả nước là 97,37%, trong đó cấp tỉnh đạt 98,21%, cấp huyện 97,97%, cấp xã đạt 98,9%. Do đó, việc quy định tỷ lệ đối với xã nông thôn mới nâng cao mức như dự thảo là phù hợp.

Long An

Tại mục 4 đề nghị điều chỉnh thành: “Trong năm xét công nhận, kết quả giải quyết TTHC của xã đạt tối thiểu từ 98% đối với hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã và 95% đối với hồ sơ TTHC liên thông được giải quyết đúng hạn hoặc sớm hạn; không có kết quả giải quyết TTHC bị phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, khiếu kiện; không có ý kiến phản ánh, kiến nghị về hành vi, thái độ nhũng nhiễu, gây phiền hà, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật trong giải quyết thủ tục hành chính, trừ trường hợp phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, khiếu kiện được cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý, kết luận là không đúng hoặc vu cáo”.

Theo tổng hợp số liệu báo cáo cải cách hành chính của Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ (báo cáo số 2915/BC-BNV ngày 29/6/2022 và báo cáo số 1145/BC-BNV ngày 25/3/2022), tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn trung bình cả nước là 97,37%, trong đó cấp tỉnh đạt 98,21%, cấp huyện 97,97%, cấp xã đạt 98,9%. Do đó, việc quy định tỷ lệ đối với xã nông thôn mới nâng cao mức như dự thảo là phù hợp.

5

Mục 5

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Đề nghị xem xét, chỉnh sửa thành “Trong 03 (ba) năm liên tục liền kề trước năm xét công nhận,...”, để rõ hơn nội hàm của nội dung yêu cầu và để các cơ quan, địa phương có liên quan thống nhất áp dụng thực hiện, tránh việc hiểu theo các cách khác nhau.

Tiếp thu

Cà Mau:

Điều chỉnh thời gian thực hiện tại nội dung số 5 văn bản dự thảo hướng dẫn nêu trên như sau: “Trong 02 (hai) năm liên tục trước năm xét công nhận, chỉ số đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ, Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn các Nghị định trên được xếp tối thiểu từ loại tốt trở lên”

Đánh giá 03 năm liên tục để xem xét cả quá trình đầy đủ, thống nhất với mục 4.

Hòa Bình

“5. Trong 03 (ba) năm liên tục trước năm xét công nhận, chỉ số đánh giá chất lượng giải quyết TTHC theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn các Nghị định trên được xếp tối thiểu từ loại tốt trở lên” thành “Trong 03 (ba) năm liên tục trước năm xét công nhận, trên 90% số phiếu phát ra được người dân, tổ chức đánh giá hài lòng đối với việc giải quyết TTHC theo quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của Văn phòng Chính phủ và các quy định của pháp luật hiện hành”.

Phát phiếu chỉ là một hình thức đánh giá. Do đó, đề nghị giữ nguyên như dự thảo.

Tuyên Quang

Đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung “Trong 03 (ba) năm liên tục trước năm xét công nhận, chỉ số đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn các Nghị định trên được xếp tối thiểu từ loại tốt trở lên” thành “Trong 03 (ba) năm liên tục trước năm xét công nhận, trên 90% số phiếu phát ra được người dân, tổ chức đánh giá hài lòng đối với việc giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Thông tư Thông tư số 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của Văn phòng Chính phủ và các quy định của pháp luật hiện hành”.

 

Nghệ An

Đề nghị bỏ ngày, tháng, năm ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP để đúng với quy định tại điểm b khoản 6 Phụ lục I Nghị định số 30/2020/NĐ-CP

Tiếp thu.

IV. Ý kiến khác

1. Quảng Trị

- Đề nghị bổ sung thêm tiêu chí quy định về Tỷ lệ hồ sơ thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Lý do: Việc triển khai chứng thực bản sao điện tử từ bản chính là cơ sở để tiến tới thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP góp phần phát huy hiệu quả việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trên toàn quốc.

VPCP: Nội dung này chỉ là một phần trong chỉ tiêu số hóa ở mục 3. Đồng thời, việc thực hiện chứng thực điện tử phụ thuộc vào nhu cầu của người dân.

2. Thanh Hóa

- Trong dự thảo chưa đề cập đến việc hướng dẫn tiêu chí 15.2 “Có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên”. Hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tất cả các xã trên toàn quốc đều đã có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, nếu tiêu chí để chung chung thế này thì không phân biệt được xã nông thôn mới nâng cao khác biệt như thế nào với xã chưa đạt nâng cao. Đề nghị Văn phòng Chính phủ hướng dẫn chi tiết hơn tiêu chí này để địa phương triển khai.

VPCP: Khoản 4 Điều 11 Nghị định số 42/2022/NĐ-CP quy định “Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn tiêu chí kỹ thuật để đánh giá, xếp loại mức độ của dịch vụ công trực tuyến”; đồng thời, khoản 2 Điều 16 Nghị định này quy định “Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng hướng dẫn kỹ thuật chi tiết về công cụ đánh giá hiệu quả, mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước”. Do đó, nội dung hướng dẫn này thuộc trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông.

3. Lạng Sơn

Tại phần trích yếu của dự thảo văn bản có ghi: “V/v hướng dẫn thực hiện tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao”, đề nghị bổ sung và sửa như sau: “V/v hướng dẫn thực hiện tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025”.

VPCP: Tiếp thu

4. Yên Bái

Về tên gọi tiêu chí số 15.3: Đề nghị bổ sung cụm từ “và không để xảy ra khiếu nại vượt cấp” sau cụm từ “Giải quyết các thủ tục hành chính....” theo đúng quy định tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ

VPCP: Tiếp thu chỉnh sửa.

5. Hà Nội

- Niêm yết công khai đầy đủ nội dung hướng dẫn thực hiện phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức theo quy định tại Thông tư số 02/2017/NĐ-CP ngày 31/10/2017 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính (công khai niêm yết số điện thoại đường dây nóng, email, địa chỉ tiếp nhận phản ánh kiến nghị của công dân về quy định hành chính cả 03 cấp: Thành phố, cấp huyện, cấp xã; đường link tiếp nhận phản ánh kiến nghị của công dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia)

VPCP: Tiếp thu.

- Hằng năm, định kỳ 6 tháng tổ chức đối thoại với cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính; kịp thời có biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn theo quy định tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính.

VPCP: Nội dung này không thuộc phạm vi hướng dẫn này.

- Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét đối với các đơn vị có những đề xuất sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính tại đơn vị làm điểm cộng, điểm thưởng trong Bộ Tiêu chí.

VPCP: Nội dung này không thuộc phạm vi giải quyết TTHC của hướng dẫn này.

6. Nghệ An

Đoạn cuối dự thảo đề nghị chỉnh sửa lại như sau: “Trên đây là hướng dẫn về thực hiện tiêu chí 15.3 Phụ lục II Quyết định số 318/QĐ-TTg. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu...căn cứ chỉ đạo triển khai thực hiện./.” để ngắn gọn hơn và tránh trùng lặp trong dự thảo.

VPCP: Tiếp thu.

7. Kon Tum

Đề nghị cơ quan chủ trì nghiên cứu xây dựng dự thảo xem xét bổ sung thêm tiêu chí quy định về Tỷ lệ hồ sơ thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ ban hành Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Lý do Việc triển khai và thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính là cơ sở để tiến tới thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP, góp phần phát huy hiệu quả của việc triển khai dịch vụ công trực tuyến.

VPCP: Nội dung này đã được đánh giá trong chỉ tiêu số hóa.

8. Khánh Hòa

Dự thảo hướng dẫn áp dụng cho cả giai đoạn 2021-2025; theo đó hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cũng được sửa đổi, bổ sung. Do đó, để thống nhất cho các địa phương thực hiện, đề nghị Văn phòng Chính phủ quan tâm hướng dẫn cụ thể đối với các xã đã được cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2021 thì không phải thực hiện việc lập hồ sơ đề nghị xét, thẩm định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo quy định tại hướng dẫn mới này.

VPCP: Hiệu lực theo quy định tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

9. Đắk Nông

Đề nghị Văn phòng Chính phủ (Cục kiểm soát thủ tục hành chính) hướng dẫn thêm về mức độ đạt của chỉ tiêu theo từng vùng, Phương pháp đánh giá và các Hồ sơ tài liệu minh chứng khi thực hiện đánh giá tại cấp xã.

VPCP: Phương pháp đánh giá có quy định riêng về thủ tục đánh giá. Đồng thời, tài liệu chứng minh đáp ứng các yêu cầu trên theo quy định pháp luật chuyên ngành.

10. Bình Định

Theo văn bản số 1522/BNN-VPĐP ngày 15/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành văn bản công bố chỉ tiêu cụ thể và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí nông thôn mới và Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao cấp huyện, xã giai đoạn 2021-2025; theo đó, Văn phòng Chính phủ ban hành hướng dẫn thực hiện đối với các chỉ tiêu thuộc tiêu chí số 15 về Hành chính công, gồm:

“15.1. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.”

“15.3. Giải quyết các thủ tục hành chính đảm bảo đúng quy định và không để xảy ra khiếu nại vượt cấp.”

Do đó, kiến nghị Văn phòng Chính phủ xem xét, ban hành hướng dẫn thực hiện đối với chỉ tiêu 15.1. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính (Dự thảo văn bản hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ mới chỉ có chỉ tiêu 15.3 về “Giải quyết các thủ tục hành chính đảm bảo đúng quy định”).

VPCP: Tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ giao UBND cấp tỉnh quy định cụ thể về tiêu chí “15.1. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.”

11. Hưng Yên

Để tạo thuận lợi cho các địa phương thực hiện nội dung 15.3 về “Giải quyết các thủ tục hành chính đảm bảo đúng quy định và không để xảy ra khiếu nại vượt cấp” trong phụ lục số II, ban hành kèm theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục hướng dẫn nội dung “không để xảy ra khiếu nại vượt cấp” trong nội dung 15.3 nêu trên.

VPCP: Nội dung này đã được bổ sung, quy định cụ thể tại mục 4 dự thảo hướng dẫn/.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5045/VPCP-KSTT năm 2022 hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 5045/VPCP-KSTT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 09/08/2022
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Trần Văn Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản