Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 500/BTP-BTTP | Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2014 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày 5 tháng 9 năm 2013, Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã tổ chức Phiên giải trình về tình hình quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng, chứng thực trên phạm vi toàn quốc trong thời gian kể từ khi Luật công chứng có hiệu lực thi hành (tháng 7/2007 đến nay). Ngày 10 tháng 10 năm 2013, Ủy ban pháp luật có Báo cáo số 2070/BC-UBPL13 gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả Phiên giải trình nêu trên, theo đó Ủy ban pháp luật đánh giá cao về việc Phiên giải trình đã diễn ra đúng nội dung, phạm vi, kế hoạch và đảm bảo chất lượng; đánh giá cao về nội dung các báo cáo giải trình và các kết quả đã đạt được trong hoạt động công chứng, Ủy ban pháp luật và các vị đại biểu tham dự Phiên giải trình cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự cố gắng của Chính phủ, cụ thể là của Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai thi hành Luật công chứng, tạo điều kiện để các tổ chức hành nghề công chứng phát triển đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng vẫn còn một số tồn tại như việc thống kê về sai phạm và bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng dường như chưa phản ánh đúng thực tế; các Văn phòng công chứng phát triển không theo Quy hoạch dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây khó khăn cho công tác quản lý, các quy định về miễn đào tạo, miễn tập sự hành nghề công chứng còn những điểm chưa phù hợp dẫn đến hậu quả là 80% các vi phạm trong hoạt động công chứng tập trung ở nhóm đối tượng được miễn đào tạo, miễn tập sự hành nghề công chứng... Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, hiện nay, tình trạng tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến giao dịch về bất động sản ngày càng gia tăng và phức tạp mà có một phần nguyên nhân từ sự hạn chế trong hiểu biết, nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân, một phần do sự gian dối, lừa đảo của một số đối tượng khi tham gia giao dịch. Do đó, việc để các tổ chức hành nghề công chứng với sự chuyên nghiệp, có quan hệ ngày càng được tăng cường với các tổ chức tín dụng, các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đảm nhiệm việc công chứng các hợp đồng, giao dịch sẽ bảo đảm tốt hơn tính pháp lý cho các hợp đồng giao dịch; đồng thời cũng đưa ra một số kiến nghị để nâng cao hiệu quả công chứng (xin gửi kèm theo Báo cáo số 2070/BC-UBPL13).
Trên cơ sở đánh giá, nhận xét và kiến nghị của Ủy ban pháp luật Quốc hội, Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, phối hợp chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công chứng tập trung vào một số nội dung sau đây:
1. Tiếp tục xem xét, quyết định chuyển giao việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch mà Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện đang thực hiện sang các tổ chức hành nghề công chứng ở địa bàn cấp huyện mà tổ chức hành nghề công chứng đáp ứng được yêu cầu công chứng của người dân, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương theo tinh thần của Luật Công chứng, Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Sớm xây dựng hệ thống cơ sở chia sẻ dữ liệu thông tin chung về bất động sản trên phạm vi địa phương mình để tăng cường an toàn pháp lý cho các giao dịch về bất động sản, công chứng viên hạn chế tình trạng gian dối, lừa đảo của một số đối tượng khi tham gia giao dịch bất động sản. Trong thời gian chưa xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin chung về bất động sản, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp chỉ đạo các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chia sẻ, cung cấp thông tin về bất động sản đầy đủ, kịp thời cho các tổ chức hành nghề công chứng để việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch đảm bảo an toàn pháp lý, từ đó góp phần hạn chế tình trạng tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến giao dịch về bất động sản, gây mất trật tự an toàn xã hội.
3. Chỉ đạo việc tăng cường thanh tra, kiểm tra trên diện rộng đối với lĩnh vực công chứng để phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm trong lĩnh vực này; chỉ đạo Giám đốc Sở Tư pháp phối hợp với Chánh Thanh tra nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đề xuất kế hoạch thanh tra chuyên ngành đối với các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn; khi thành lập đoàn thanh tra cần phối hợp với cơ quan thuế để thanh tra toàn diện về tổ chức và hoạt động của các Văn phòng công chứng, hạn chế tối đa tình trạng thanh tra chồng chéo trong hoạt động thanh tra công chứng như một số địa phương thời gian qua (Thanh tra của Sở Tư pháp vừa thanh tra toàn diện về tổ chức và hoạt động của các Văn phòng công chứng xong, lại đoàn Thanh tra của cơ quan Thuế thanh tra về chế độ tài chính của các Văn phòng công chứng đã gây ra những bức xúc của các Văn phòng công chứng).
4. Cho phép thành lập các Hội công chứng ở địa phương mình, tiến tới thành lập tổ chức công chứng toàn quốc để phát huy vai trò tự quản của các công chứng viên, nhất là trong việc giám sát việc tuân theo pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên trong hành nghề công chứng.
5. Triển khai có hiệu quả Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020” và Quyết định số 1953/QĐ-BTP ngày 30/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai “Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020” trên địa phương mình.
Kết quả thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của công chứng đề cập ở trên cần được nêu trong nội dung báo cáo chung hàng năm về công tác tư pháp của Ủy ban nhân dân gửi Bộ Tư pháp để Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Quốc Hội.
Trên đây là một số biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động công chứng, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, phối hợp chỉ đạo thực hiện.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Luật Công chứng 2006
- 2Nghị định 79/2007/NĐ-CP về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký
- 3Nghị định 88/2009/NĐ-CP về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
- 4Quyết định 2104/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 1953/QĐ-BTP năm 2013 về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 6Công văn 4800/BTP-BTTP năm 2014 về công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất do Bộ Tư pháp ban hành
- 7Công văn 1246/BTP-BTTP năm 2023 tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng do Bộ tư pháp ban hành
Công văn 500/BTP-BTTP năm 2014 phối hợp thực hiện giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của công chứng do Bộ Tư pháp ban hành
- Số hiệu: 500/BTP-BTTP
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 24/02/2014
- Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
- Người ký: Hoàng Thế Liên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra