Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4968/BYT-DP
V/v tăng cường công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2022

 

Kính gửi:

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur;
- Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự đoán với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới. Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục khẳng định đến thời điểm hiện tại, chiến lược tiêm vắc xin phòng COVID-19 vẫn hết sức quan trọng trong bối cảnh các biến thể lây lan nhanh hơn, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.

Trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường; tuy nhiên số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có chiều hướng gia tăng; thời gian gần đây, cả nước ghi nhận trung bình hơn 2.000 ca mắc mới mỗi ngày; nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1) với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc; tỷ lệ tiêm vắc xin cho các nhóm đối tượng đã tăng sau một thời gian chững lại nhưng vẫn chưa bảo đảm yêu cầu tại một số nơi, tiến độ tiêm chủng còn chậm, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin nhất là cho trẻ em còn thấp. Cùng với đó là nguy cơ xâm nhập từ nước ngoài của các dịch bệnh truyền nhiễm như đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...

Tiếp tục quán triệt mục tiêu đặt tính mạng của người dân lên trên hết trước hết; triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch trên quan điểm phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại nhằm góp phần tạo điều kiện cho việc phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, khắc phục và hạn chế hậu quả của dịch bệnh tác động đến sức khỏe, tâm lý, đời sống người dân và kinh tế xã hội của đất nước, Bộ Y tế kính đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường chỉ đạo, tập trung triển khai các nhiệm vụ như sau:

1. Quán triệt các quan điểm chỉ đạo và tập trung thực hiện các mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Thông báo 246/TB-VPCP ngày 12/8/2022 của Văn phòng Chính phủ; tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các Công điện của Thủ tướng Chính phủ: Công điện 680/CĐ-TTg ngày 01/8/2022, Công điện 755/CĐ-TTg ngày 25/8/2022 và các hướng dẫn của Bộ Y tế: Công văn số 4163/BYT-DP ngày 04/8/2022; Công văn 4619/BYT-DP ngày 25/8/2022; Quyết định số 2265/QĐ-BYT ngày 22/8/2022 về việc tăng cường công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 và công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ;

2. Khẳng định vắc xin là biện pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch COVID-19 để đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vắc xin và hoàn thành để hoàn thành sớm nhất việc tiêm vắc xin cho các lứa tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chỉ đạo thành lập các Tổ công tác đặc biệt với sự tham gia của chính quyền địa phương, ngành y tế và các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc vận động và rà soát đối tượng tiêm chủng; tăng cường tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động, tại nhà, tổ chức tiêm vét tại vùng có tỷ lệ tiêm thấp, tổ chức đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để vận động tiêm vắc xin và phòng, chống dịch; tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền về tiêm vắc xin với các hình thức, thời lượng, thời điểm phù hợp và chỉ đạo thực hiện cập nhật cơ sở dữ liệu tiêm chủng đảm bảo thường xuyên, kịp thời, đầy đủ;

3. Chỉ đạo Sở Y tế tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản đáp ứng, diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực giám sát, chẩn đoán, điều trị; tăng cường giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch; đẩy mạnh giám sát tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị hiệu quả các ca mắc bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong.

4. Chỉ đạo các đơn vị tiếp tục bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế cho công tác phòng, chống dịch; kiện toàn các lực lượng phòng, chống dịch và tiếp tục động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ với các cán bộ y tế trên địa bàn; chỉ đạo Sở Y tế và Sở Tài chính phối hợp thực hiện đúng, đầy đủ các hướng dẫn của Bộ Tài chính về kinh phí chi cho các hoạt động phòng, chống dịch.

5. Chỉ đạo các tổ chức, đơn vị, chính quyền địa phương các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực quyết tâm lớn và hành động quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch và tiêm vắc xin phòng COVID-19. Chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn để tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ, chỉ đạo tuyến; định kỳ phối hợp tổ chức giao ban và kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Để tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch và hỗ trợ các địa phương, Bộ Y tế đề nghị các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tập trung triển khai các nhiệm vụ như sau:

1. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19; thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống dịch; tiếp tục đảm bảo phân bổ đủ, phù hợp vắc xin trên cơ sở nhu cầu của các địa phương;

2. Chủ động tăng cường công tác giám sát, hỗ trợ các địa phương trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, hiệu quả các ca bệnh, ổ dịch, đặc biệt là công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19.

3. Tiếp tục tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị kịp thời các ca mắc bệnh, đặc biệt chú ý đối với nhóm nguy cơ cao, hạn chế thấp nhất tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị;

4. Chủ động tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ tuyến dưới trong tổ chức phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly, chẩn đoán, chăm sóc điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế.

5. Các đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ, chỉ đạo tuyến; định kỳ phối hợp tổ chức giao ban và kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trân trọng cảm ơn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- PTTg Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Q. BT Đào Hồng Lan (để báo cáo);
- Các đồng chí Thứ trưởng BYT;
- BYT: VPB, YTDP, KCB, MTYT, KHTC TT-KT;
- SYT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Lưu: VT, DP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Liên Hương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4968/BYT-DP năm 2022 về tăng cường công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 4968/BYT-DP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 13/09/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Nguyễn Thị Liên Hương
  • Ngày công báo: Không có
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/09/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản