Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4914/BNN-VPĐP
V/v xây dựng “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm”

Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2017

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 04/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23/11/2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 1804/QĐ- BNN-VPĐP ngày 12/5/2017 về việc Kế hoạch triển khai Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 04/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2277/QĐ-BNN-VPĐP ngày 05/6/2017 phê duyệt Đề cương Đề án “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 và bộ công cụ điều tra, khảo sát.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để sớm hoàn thành xây dựng “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

1. Xác định xây dựng và triển khai “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm” là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Trên cơ sở Đề cương Đề án “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, UBND các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng và triển khai “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” cấp tỉnh ngay trong năm 2017.

2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp tỉnh và các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, khảo sát số liệu về sản phẩm, các tổ chức kinh tế, quy hoạch định hướng phát triển sản phẩm... để phục vụ cho việc xây dựng Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” tại địa phương và cung cấp số liệu phục vụ xây dựng Đề án cấp quốc gia (trên cơ sở hệ thống biểu mẫu được ban hành theo Quyết định số 2277/QĐ-BNN-VPĐP ngày 05/6/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hướng dẫn điều tra, khảo sát đính kèm Công văn này).

3. Bố trí kinh phí để phục vụ công tác điều tra, khảo sát số liệu và xây dựng Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” của địa phương từ nguồn ngân sách hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và các nguồn khác.

Báo cáo tổng hợp (theo mẫu gửi kèm) và hệ thống số liệu điều tra, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tổng hợp, gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương), số 02 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội), trước ngày 30/6/2017; bản mềm, gửi theo địa chỉ email: vpdptw@mard.gov.vn và thieudq.vpdp@mard.gov.vn

(Chi tiết, xin liên hệ ông Đồng Quốc Thiều, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, ĐT: 0918.233.656)

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (để báo cáo);
- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (để báo cáo);
- BCĐ các Chương trình MTQG các tỉnh, thành phố (để phối hợp chỉ đạo);
- Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố (để thực hiện);
- Văn phòng Điều phối NTM các tỉnh, thành phố (để thực hiện);
- Lưu: VT, VPĐP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Thanh Nam

 

HƯỚNG DẪN

QUY TRÌNH XÂY DỰNG ĐỀ ÁN “CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM” GIAI ĐOẠN 2017-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Công văn số 4914/BNN-VPĐP ngày 15/6/2017 của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn quy trình điều tra, khảo sát, thu thập dữ liệu phục vụ xây dựng Đề án “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm”, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Chương trình OCOP), cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xây dựng Đề án Chương trình OCOP cấp tỉnh và Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu về Chương trình OCOP phục vụ cho công tác quản lý, triển khai Chương trình ở mỗi địa phương và Trương ương.

2. Yêu cầu: Cơ quan được giao tổ chức thực hiện đảm bảo thu thập thông tin, dữ liệu đầy đủ, trung thực, khách quan.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1.1. Phạm vi áp dụng: 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

1.2. Đối tượng áp dụng: Cơ quan được giao chủ trì tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát, thu thập dữ liệu tại địa phương là Sở Nông nghiệp và PTNT; các sở, ngành khác tham gia phối hợp.

- Thành phần Đoàn điều tra, khảo sát gồm: Lãnh đạo sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Điều phối nông thôn mới, Chi cục Phát triển nông thôn. Mời đại diện chuyên môn các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Khoa học và Công nghệ.

- Chi cục Phát triển nông thôn là đầu mối tham mưu, triển khai, tổng hợp.

2. Giải thích từ ngữ

Trong Hướng dẫn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

- “Mỗi xã một sản phẩm”, bao gồm xã, phường và thị trấn. Một xã có ít nhất một sản phẩm, hoặc nhiều xã có chung một sản phẩm;

- Cấp huyện: Bao gồm huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh;

- Sản phẩm: Các sản phẩm sản xuất tại địa phương (bao gồm cả sản phẩm dịch vụ du lịch), sử dụng nguyên liệu địa phương (phạm vi trong tỉnh), do người địa phương làm chủ;

- VPĐP NTM: Văn phòng Điều phối nông thôn mới;

- CP: Cổ phần;

- TNHH: TNHH;

- SMEs: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ;

- HTX: Hợp tác xã;

- THT: Tổ hợp tác;

- DN: Doanh nghiệp;

- Cơ sở SX- KD: Cơ sở sản xuất kinh doanh (quy mô hộ gia đình).

III. QUY TRÌNH THỰC HIỆN

A. ĐIỀU TRA KHẢO SÁT

1. Hội nghị tập huấn triển khai cấp tỉnh

1.1. Thành phần

- Mời lãnh đạo tỉnh chủ trì;

- Lãnh đạo Sở NN-PTNT, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Công thương, Sở Khoa học công nghệ, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Phụ trách khởi nghiệp tỉnh (nếu có) và các đơn vị liên quan;

- Lãnh đạo UBND cấp huyện, Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT (hoặc Phòng Kinh tế);

- Lãnh đạo một số DN, HTX (Giám đốc và/hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị), chủ hộ sản xuất kinh doanh (có đăng ký kinh doanh) đang sản xuất các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh

1.2. Nội dung

1) Phiên 1: Hội nghị giới thiệu “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm”

- Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT hoặc chuyên gia giới thiệu về “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm”; Phong trào OVOP Nhật Bản, Chương trình OTOP Thái Lan và Tổng quan Chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2013 - 2017 và Đề cương Đề án "Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm" (Phụ lục 1). Nội dung: Tham khảo Phụ lục 2, có file điện tử kèm theo;

(Cơ quan chủ trì là Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện, trên cơ sở được tập huấn tại tỉnh Quảng Nam ngày 06/6/2017)

- Thảo luận, giải đáp thắc mắc.

2) Phiên 2: Hướng dẫn khảo sát xây dựng Đề án

- Hướng dẫn bộ công cụ: Nội dung và quy trình triển khai. Nội dung: Xem Phụ lục 3, (có file điện tử kèm theo);

- Đầu ra: Các cán bộ cấp huyện có thể triển khai thu thập dữ liệu tại cấp huyện.

2. Thu thập thông tin tại huyện

Đoàn công tác của tỉnh đến từng huyện thu thập thông tin theo thứ tự và nội dung sau:

(1) Phiên 1: Hội nghị triển khai cấp huyện (Hội nghị toàn thể)

- Thành phần:

+ Lãnh đạo cấp huyện chủ trì;

+ Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT, Phòng Kinh tế - Hạ tầng (hoặc Phòng Kinh tế), Phòng Văn hóa “Thông tin, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Văn phòng HĐND - UBND, Chi cục thống kê;

+ Lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn;

+ Lãnh đạo các DN, HTX, THT, hộ SX - KD.

- Nội dung:

+ Trưởng Đoàn công tác của tỉnh giới thiệu về “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm”: Lý do, mục tiêu, chu trình,... (tương tự như trình tự ở cấp tỉnh, tập trung vào chu trình OCOP);

+ Thông tin chung về tiềm năng của địa phương (tự nhiên - kinh tế - xã hội).

(2) Phiên 2: Thu thập dữ liệu về sản phẩm, tổ chức kinh tế

Một thành viên trong Đoàn công tác cùng một lãnh đạo/chuyên viên Phòng NN-PTNT thu thập dữ liệu về các DN, HTX, THT, hộ SX - KD có đăng ký kinh doanh.

- Thành phần:

+ Chủ trì: Lãnh đạo/chuyên viên Phòng Nông nghiệp & PTNT (hoặc Phòng Kinh tế);

+ Lãnh đạo các DN, HTX, THT, hộ SX - KD có đang sản xuất sản phẩm phù hợp với tiêu chí OCOP trong huyện.

- Thời gian: 01 ngày làm việc.

- Phương pháp:

+ Các DN, HTX, THT, Hộ SX-KD có mang theo hồ sơ pháp lý, hồ sơ dự án sản xuất (nếu có).

+ Nhập dữ liệu tại chỗ.

- Công cụ: Mẫu biểu số 1, 4 (Phụ lục 3).

- Đầu ra: File digital (bản dữ liệu số), chuyển về VPĐP NTM cấp tỉnh.

(3) Phiên 3: Thảo luận nhóm

Ít nhất 02 thành viên Đoàn công tác chủ trì buổi thảo luận, gồm 01 thành viên hướng dẫn thảo luận, 01 thành viên ghi biên bản thảo luận.

- Thành phần: Phòng Nông nghiệp & PTNT, Phòng Kinh tế - Hạ tầng (hoặc Phòng Kinh tế), Phòng Văn hóa - Du lịch, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Văn phòng HĐNH-UBND, Chi cục thống kê.

- Nội dung: Bảng kiểm số 2

- Thảo luận nhóm tại huyện (Phụ lục 3)

- Đầu ra: Biên bản thảo luận

(4) Thu thập tài liệu thứ cấp

Một thành viên Đoàn công tác gặp gỡ và yêu cầu thu thập thông tin, gồm:

- Báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 của cấp huyện;

- Báo cáo KT-XH năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 của cấp huyện;

- Đầu ra: 2 báo cáo, bản dữ liệu số: Chuyển về VPĐP NTM cấp tỉnh (kiểm tra, rà soát số liệu), sau đó gửi về VPĐP NTM Trung ương.

3. Thu thập thông tin tại xã

Đoàn công tác triển khai khảo sát thực địa tại DN, HTX, THT, hộ SX-KD (đăng ký kinh doanh), mỗi loại hình ít nhất một đại diện.

- Nội dung: Phỏng vấn và quan sát. Nội dung: Bảng kiểm số 3 (Phụ lục 3);

- Đầu ra: Các biên bản phỏng vấn và quan sát tại chỗ, ảnh chụp tại các cơ sở sản xuất, ảnh chụp sản phẩm hàng hóa.

4. Thu thập thông tin cấp tỉnh

Được thực hiện sau khi đã triển khai các bước 1, 2, 3.

- Tổ chức Hội nghị thảo luận các chủ đề liên quan đến “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh”, thành phần gồm: Lãnh đạo tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương, Sở Khoa học công nghệ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Phụ trách khởi nghiệp tỉnh (nếu có) và các đơn vị liên quan;

- Công cụ: Bảng kiểm số 1; Biểu số 2, 3, 5, 6 (Phụ lục 3);

- Đầu ra: Biên bản thảo luận.

B. XỬ LÝ DỮ LIỆU

1. Tổng hợp, báo cáo kết quả

- Tổng hợp dữ liệu thu thập được (theo biểu tương ứng);

- Gửi Báo cáo tổng hợp và biểu kèm theo về VPĐP NTM Trung ương.

2. Xử lý và phân tích dữ liệu

Đoàn công tác của tỉnh hợp, phân công các thành viên thực hiện các công việc sau:

2.1. Xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về sản phẩm và các chủ thể sản xuất của tỉnh từ các Biểu 1, 2, 3, 4 của cấp huyện, từ đó trích rút lấy các dữ liệu cần thiết (như danh mục sản phẩm tiềm năng, doanh thu hiện tại các sản phẩm tiềm năng,...)

2.2. Tập hợp các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất sản phẩm OCOP vào Biểu 5.

2.3. Tập hợp các đề xuất chính sách, giải pháp thu thập được vào Biểu 6.

2.4. Phân tích hiện trạng các HTX, SMEs, hộ gia đình kinh doanh (cơ cấu tổ chức, nhân lực, vốn, tài sản, công nghệ, sản phẩm, bán hàng và tiếp thị,...)

2.5. Phân tích chuỗi giá trị của một số sản phẩm tiềm năng, sản phẩm OCOP có doanh thu lớn (phân tích ngắn gọn các hoạt động theo từng khâu sản xuất, chế biến, thương mại; các tác nhân ảnh hưởng: các nhà sản xuất trong từng khâu, nhà cung cấp nguyên liệu, vật tư, vốn,..) để xác định các vấn đề còn hạn chế trong phát triển sản phẩm.

2.6. Phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ/thách thức trong việc phát triển và thương mại hóa các sản phẩm OCOP tại tỉnh, từ đó xác định các chiến lược phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP của tỉnh.

2.7. Phân tích cây vấn đề: Xác định các vấn đề tồn tại trong việc phát triển và thương mại hóa các sản phẩm OCOP tại tỉnh và các nguyên nhân gốc rễ dẫn đến các vấn đề tồn tại này, từ đó xác định các giải pháp.

C. XÂY DỰNG ĐỀ ÁN CHƯƠNG TRÌNH OCOP CẤP TỈNH

1. Xây dựng bản thảo thuyết minh Đề án Chương trình OCOP của tỉnh

Sở Nông nghiệp và PTNT phân công Nhóm công tác có khả năng và kinh nghiệm xây dựng Đề án, chủ trì xây dựng Bản thảo Đề án, dựa trên Đề cương Đề án được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt (tại Quyết định 2277/QĐ-BNN-VPĐP ngày 05/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và tham khảo các dữ liệu đã điều tra, khảo sát tại các địa phương trong tỉnh (Phụ lục 1). Các nội dung của thuyết minh cần sát thực với điều kiện thực tiễn của tỉnh, như ở phần "xử lý và phân tích dữ liệu".

- Các mục tiêu về sản phẩm OCOP, các tổ chức OCOP cần bám sát và phù hợp hiện trạng sản phẩm OCOP, các tổ chức OCOP (các mục 2.1, 2.4, 2.5 ở phần xử lý và phân tích dữ liệu).

- Nội dung của Đề án: Tham khảo các mục 2.2, 2.4, 2.6, 2.7 ở phần xử lý và phân tích dữ liệu.

- Các giải pháp thực hiện: Tham khảo các mục 2.3, 2.5, 2.6, 2.7

2. Hoàn thiên Đề án

- Họp nhóm công tác: Thành viên chịu trách nhiệm xây dựng bản thảo Đề án, trình bày nội dung Đề án, các thành viên góp ý và phân công hoàn thiện.

- Trình bày Đề án lần 1: Nhóm công tác tổ chức cuộc hội thảo xin ý kiến trong nội bộ Chi cục Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới, hoàn thiện bản Đề án lần 1.

- Trình bày Đề án lần 2: Sở Nông nghiệp và PTNT gửi Đề án xin ý kiến bằng văn bản đối với các Sở, ban ngành, UBND các huyện; Tổ chức hội nghị/ hội thảo lấy ý kiến các Sở, ban ngành, UBND các huyện, các chuyên gia (có thể mở rộng thành phần tham gia như Hội nghị tập huấn triển khai cấp tỉnh), hoàn thiện bản Đề án lần 2.

3. Trình phê duyệt Đề án

Sau khi hoàn thiện, chỉnh sửa theo yêu cầu, Đề án (lần 2) được trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, xem xét, phê duyệt.

Trên đây là Hướng dẫn Quy trình xây dựng Đề án “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 cấp tỉnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện./.

(Thông tin chi tiết, đề nghị liên hệ với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương theo địa chỉ: Ông Đồng Quốc Thiều, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ, điện thoại: 0918233656; email:quocthieu22@gmail.com/ thieudq.vpdp@mard.gov.vn).

 

(ĐƠN VỊ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ………./BC-…..

……………, ngày      tháng      năm 2017

 

MẪU BÁO CÁO

KẾT QUẢ TRA, KHẢO SÁT THU THẬP DỮ LIỆU PHỤC VỤ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN “CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM”

Căn cứ Quyết định số 2277/QĐ-BNN-VPĐP, ngày 05 tháng 6 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề cương Đề án “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm”, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 và bộ công cụ tra khảo sát (phục vụ xây dựng đề án);

Căn cứ Công văn số:      /BNN-VPĐP ngày       tháng 6 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xây dựng “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm”, UBND tỉnh/thành phố…………. báo cáo tổng hợp thông tin, dữ liệu điều tra, khảo sát xây dựng Đề án Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh/ thành phố như sau:

I. THÔNG TIN, DỮ LIỆU

1. Sản phẩm địa phương

Toàn tỉnh/thành phố hiện có ... sản phẩm thế mạnh, thuộc ... nhóm sản phẩm. Trong đó, nhóm Thực phẩm có ... sản phẩm; nhóm Đồ uống có ... sản phẩm; nhóm Thảo dược có ... sản phẩm; nhóm Vải và may mặc có ... sản phẩm; nhóm Lưu niệm - nội thất - trang trí có ... sản phẩm; nhóm Dịch vụ du lịch nông thôn có ... sản phẩm.

Có ... sản phẩm có đăng ký công bố chất lượng,... sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Tổng sản lượng sản xuất các sản phẩm .... đơn vị sản phẩm. Tổng doanh thu trung bình của các sản phẩm .... triệu đồng/năm. Trong đó, ... triệu/năm 2014, ... triệu/năm 2015, ...triệu/năm 2016.

Thị trường tiêu thụ chính của các sản phẩm gồm: (nêu tên các thị trường chính, trong tỉnh, ngoài tỉnh)...

Bảng 1: Số lượng sản phẩm phân theo nhóm

TT

Nhóm sản phẩm

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Ghi chú

1

Thực phẩm

 

 

 

2

Đồ uống

 

 

 

3

Thảo dược

 

 

 

4

Vải và may mặc

 

 

 

5

Lưu niệm - nội thất - trang trí

 

 

 

6

Dịch vụ du lịch nông thôn

 

 

 

 

Tổng

 

 

 

(Số liệu tổng hợp theo Biểu số 1; Tỷ lệ (%): Số lượng sản phẩm trong từng nhóm/tổng số lượng sản phẩm)

2. Các chủ thể sản xuất

- Tổng có ... tổ chức/cá nhân đang sản xuất sản phẩm địa phương. Trong đó, có ... Công ty Cổ phần, ... HTX, ... DNTN, ... THT,... Hộ sản xuất - kinh doanh.

- Tổng vốn điều lệ của các chủ thể sản xuất ... triệu đồng. Vốn huy động sản xuất ... triệu đồng (vốn tự có ... triệu đồng, vốn vay ngân hàng ... triệu đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ ... triệu đồng).

- Trình độ công nghệ: Có ... chủ thể sản xuất có trình độ công nghệ tự động hóa, ... chủ thể có trình độ cơ khí, ... chủ thể trình độ thủ công.

- Tổng số lao động tham gia sản xuất tại các chủ thể sản xuất là ... người. Trong đó, trình độ ĐH/CĐ ... người, nghệ nhân ... người, có chứng chỉ nghề … người, lao động phổ thông ... người. Thu nhập bình quân của lao động ... triệu đồng/tháng.

- Tổng số ... người đại diện theo pháp luật của các tổ chức/cá nhân sản xuất sản phẩm địa phương có ... người trình độ ĐH/CĐ.

Bảng 2: Loại hình tổ chức của các chủ thể sản xuất sản phẩm địa phương

TT

Loại hình

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Ghi chú

1

Công ty Cổ phần

 

 

 

2

Công ty TNHH

 

 

 

3

Hợp tác xã

 

 

 

4

Tổ hợp tác

 

 

 

5

DNTN

 

 

 

6

Hộ SX-KD

 

 

 

 

Tổng

 

 

 

(Số liệu tổng hợp theo Biểu số 2; Tỷ lệ (%): số lượng chủ thể trong từng loại hình/tổng số chủ thể)

3. Nguồn lực và cơ chế, chính sách cho Chương trình xây dựng nông thôn mới

3.1. Nguồn lực

- Tổng ngân sách cho Chương trình xây dựng NTM tại tỉnh trung bình ... triệu đồng/năm. Trong đó, ngân sách TW ... triệu đồng, ngân sách tỉnh ... triệu đồng, ngân sách huyện ... triệu đồng.

- Tổng ngân sách cho hỗ trợ phát triển sản xuất tại tỉnh trung bình ... triệu đồng/năm (chiếm ...% tổng ngân sách cho Chương trình xây dựng NTM). Trong đó, ngân sách TW ... triệu đồng, ngân sách tỉnh ... triệu đồng, ngân sách huyện ... triệu đồng.

(chi tiết theo Phụ lục 1)

3.2. Cơ chế, chính sách

- Hiện có ... văn bản chính sách liên quan đến hỗ trợ hỗ trợ phát triển sản xuất cấp tỉnh (chi tiết theo Phụ lục 2)

- Các thủ tục hành chính thực hiện cơ chế, chính sách tại tỉnh:

4. Công tác xúc tiến các sản phẩm tại địa phương (năm 2016)

- Trên toàn tỉnh có ... điểm giới thiệu và bán sản phẩm địa phương (sản phẩm nông sản, dịch vụ,...).

- Tổ chức ... Hội chợ xúc tiến thương mại, ... triển lãm giới thiệu sản phẩm.

- Các hoạt động xúc tiến trên các phương tiện truyền thông đại chúng gồm: ... phóng sự,... bản tin truyền thanh, ... lượt báo, ... pano, ... tờ rơi, ...ấn phẩm.

- Tổ chức ... khóa đào tạo về nghiệp vụ xúc tiến thương mại cho ... học viên.

5. Đánh giá chung

5.1. Điểm mạnh

-….

5.2. Tồn tại, hạn chế

1) Sản phẩm

2) Tổ chức kinh tế

3) Tổ chức bộ máy cán bộ

II. DỰ KIẾN PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CHO CHƯƠNG TRÌNH OCOP TẠI ĐỊA PHƯƠNG

1. Nhiệm vụ đến hết năm 2017

-…

2. Nhiệm vụ giai đoạn 2018-2020

- Phát triển/nâng cấp ... sản phẩm. Trong đó, có ... sản phẩm mới (Biểu số 3), ... sản phẩm chủ lực (Biểu số 4).

-….

III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

1. Các đề xuất kiến nghị chung của chính quyền địa phương

- Vốn, cơ cấu nguồn vốn; cơ chế, chính sách phân bổ vốn; ...(khó khăn, thuận lợi khi phân bổ vốn về cấp huyện,...) cho Chương trình NTM và Chương trình OCOP

- Nhân sự, đào tạo (Nhu cầu học tập kinh nghiệm trong nước và quốc tế,...)

-…

2. Tổng hợp chung kiến nghị của các chủ thể sản xuất sản phẩm địa phương

-…

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- UBND tỉnh;
- VPĐPNTM Trung ương;
- …

TM…………
(ký tên, đóng dấu)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4914/BNN-VPĐP năm 2017 xây dựng Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 4914/BNN-VPĐP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 15/06/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Trần Thanh Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/06/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản