Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4870/LĐTBXH-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2021

 

Kính gửi:

- Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng do Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến tại Công văn số 418/BDN ngày 02/11/2021, nội dung như sau:

“Cử tri đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để chăm lo cho những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương như: người già không có lương hưu, trợ cấp phải sống dựa vào con cháu, người thân hoặc trực tiếp phải lao động để mưu sinh; nâng mức trợ cấp đối với người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của đại dịch Covid-19.” (Kiến nghị số 50);

“Cử tri phản ảnh, hiện nay đã có chính sách hỗ trợ khó khăn do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cho các đối tượng theo quy định như hộ nghèo, hộ cận nghèo; tuy nhiên, vẫn còn nhiều đối tượng thuộc diện khó khăn khác nhưng chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể. Cử tri đề nghị cần xem xét, rà soát có chính sách hỗ trợ đầy đủ cho tất cả các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. (Kiến nghị số 83)

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Để bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống của người dân, trong đó có người cao tuổi, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 15/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong đó có nhóm đối tượng bảo trợ xã hội được hỗ trợ; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, điểm 12, Mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 quy định đối với nhóm đối tượng: “lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác” thì căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành nhiều văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; chủ động các phương án chi trả hỗ trợ cho người dân, trong đó ưu tiên người cao tuổi, người neo đơn, trường hợp người cao tuổi khó khăn trong đi lại, chính quyền địa phương tổ chức chi trả hỗ trợ, cấp phát túi an sinh xã hội tại nhà, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, an toàn trong phòng, chống dịch bệnh.

Ngày 15/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó đã nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 270.000 đồng lên 360.000 đồng. Việc nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội là một cố gắng lớn của Chính phủ trong bối cảnh cả nước đang tập trung nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, Điều 4 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP đã quy định tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn, bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này. Trên cơ sở đó, căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định mức chuẩn trợ giúp xã hội đặc thù của địa phương.

Trên đây là trả lời của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng để trả lời kiến nghị của cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Đoàn Chủ tịch UBTWMTTQVN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Chủ nhiệm VPQH;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP;
- Bộ LĐTBXH: Lãnh đạo Bộ, Cục BTXH;
- Thường trực HĐND, UBND Tp Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng;
- Sở LĐTBXH Tp Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng;
. Lưu: VT, TH((L).

BỘ TRƯỞNG




Đào Ngọc Dung

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4870/LĐTBXH-VP năm 2021 về giải pháp để chăm lo cho những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 4870/LĐTBXH-VP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 23/12/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Đào Ngọc Dung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/12/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản