Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 486/TCT-TNCN
V/v: Hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2010.

Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 2011

 

Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Qua việc thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2010, Tổng cục Thuế hướng dẫn rõ thêm một số nội dung liên quan đến thu nhập chịu thuế, cách xác định số thuế phải nộp, số thuế còn phải nộp hoặc nộp thừa, tờ khai quyết toán thuế phục vụ cho việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2010 như sau:

I. Đối tượng phải kê khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2010:

1. Các tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập phải khấu trừ thuế, không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không có khấu trừ thuế, có trách nhiệm khai quyết toán thuế TNCN và quyết toán thay thuế TNCN cho các cá nhân có uỷ quyền.

Đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp hoạt động do Ngân sách Nhà nước cấp kinh phí, hàng tháng không phát sinh khấu trừ thuế thì tạm thời không phải nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN năm 2010.

2. Tổ chức trả thu nhập hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chấm dứt hoạt động thì trước khi chấm dứt hoạt động phải quyết toán số thuế TNCN đã khấu trừ và cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN cho người lao động để làm cơ sở cho người lao động thực hiện quyết toán thuế TNCN cuối năm.

Trường hợp khi hợp nhất hoặc sáp nhập, tổ chức hợp nhất hoặc sáp nhập chưa cấp chứng từ khấu trừ thuế cho người lao động mà tổ chức hợp nhất hoặc tổ chức nhận sáp nhập kế thừa toàn bộ nghĩa vụ tài chính, lao động của tổ chức hợp nhất hoặc sáp nhập thì tổ chức hợp nhất hoặc tổ chức nhận sáp nhập phải quyết toán số thuế đã khấu trừ (kể cả của tổ chức bị hợp nhất hoặc tổ chức bị sáp nhập) và quyết toán thay thuế TNCN cho người lao động của tổ chức hợp nhất hoặc tổ chức sáp nhập nếu uỷ quyền.

3. Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công, thu nhập từ kinh doanh phải khai quyết toán thuế TNCN trong các trường hợp:

+ Có số thuế phải nộp lớn hơn số thuế đã khấu trừ hoặc tạm nộp;

+ Có yêu cầu hoàn số thuế nộp thừa.

4. Cá nhân cư trú có thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán đã đăng ký thuế với cơ quan thuế nộp thuế TNCN theo thuế suất 20% tính trên thu nhập phải quyết toán thuế trong trường hợp:

+ Có chứng từ, hoá đơn xác định được thu nhập tính thuế từ việc chuyển nhượng chứng khoán;

+ Số thuế phải nộp tính theo thuế suất 20% lớn hơn số thuế đã tạm khấu trừ theo thuế suất 0,1% trong năm;

+ Có yêu cầu hoàn số thuế nộp thừa.

5. Cá nhân cư trú là người nước ngoài khi kết thúc Hợp đồng làm việc tại Việt Nam trước khi xuất cảnh phải thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế. Trường hợp, người nước ngoài trong năm dương lịch, là cá nhân cư trú tại Việt Nam thì phải quyết toán thuế từ đầu năm dương lịch đến tháng rời khỏi Việt Nam và được trừ số thuế thu nhập cá nhân đã nộp tại nước ngoài theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân, trừ trường hợp Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa hai nước có quy định khác.

II. Xác định thu nhập chịu thuế và thu nhập tính thuế TNCN:

1. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương tiền công được xác định bằng tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà đối tượng nộp thuế nhận được trong năm 2010 theo hướng dẫn tại khoản 2 mục II phần A Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008. Trường hợp thu nhập từ tiền lương, tiền công tháng 12/2009 được trả trong năm 2010 đã được tính vào thu nhập để xác định thu nhập chịu thuế của 6 tháng cuối năm 2009 để quyết toán thuế thì không phải kê khai vào thu nhập chịu thuế năm 2010 để quyết toán lại.

Ví dụ: Thu nhập từ tiền lương, tiền công tháng 12/2009 của Ông A được trả trong năm 2010 thì được tính vào thu nhập chịu thuế năm 2010. Trường hợp thu nhập này ông A đã tính vào thu nhập để xác định thu nhập chịu thuế của 6 tháng cuối năm 2009 để quyết toán thuế TNCN thì không phải kê khai vào thu nhập chịu thuế năm 2010 để quyết toán lại.

2. Cá nhân là người nước ngoài đồng thời làm việc ở Việt Nam và ở nước ngoài có thu nhập được xác định là thu nhập toàn cầu (không tách riêng được phần thu nhập trả cho công việc làm tại Việt Nam) thì tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam được xác định như sau:

- Đối với trường hợp cá nhân người nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam:

Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam

=

Số ngày làm việc cho công việc tại Việt Nam

x

Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế)

+

Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam

Tổng số ngày làm việc trong năm (*)

(*) Tổng số ngày làm việc trong năm tính theo chế độ quy định tại Bộ luật Lao động của Việt Nam.

- Đối với các trường hợp khác:

Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam

=

Số ngày có mặt ở Việt Nam

x

Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế)

+

Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam

365 ngày

Trong đó: thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam là các khoản lợi ích khác bằng tiền hoặc không bằng tiền mà người lao động được hưởng ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả hoặc trả hộ cho người lao động

3. Đối với thu nhập chuyển nhượng chứng khoán:

Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định bằng giá bán chứng khoán (CK) trừ giá mua, các chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng.

Trong đó: giá mua đơn vị bình quân được xác định như sau:

Giá mua đơn vị bình quân

=

Trị giá thực tế CK tồn đầu kỳ + Trị giá thực tế CK mua trong kỳ

Số lượng CK tồn đầu kỳ + Số lượng CK mua trong kỳ

III. Các khoản giảm trừ được tính khi quyết toán thuế như sau:

Việc xác định các khoản giảm trừ gia cảnh thực hiện theo hướng dẫn tại Mục I, Phần B Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính; Điều 2, Điều 3 Thông tư số 62/2009/TT-BTC ngày 27/3/2009 hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính; Điều 04 Thông tư số 02/2010/TT-BTC ngày 11/01/2010 hướng dẫn bổ sung Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính. Trường hợp khi quyết toán thuế cá nhân mới nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc thì không được tính giảm trừ gia cảnh.

Cá nhân được giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ tháng có nghĩa vụ nuôi dưỡng và thay đổi người phụ thuộc (không phân biệt ngày có nghĩa vụ nuôi dưỡng hoặc thay đổi người phụ thuộc là ngày đầu tháng hay cuối tháng). Đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam được tính giảm trừ gia cảnh từ tháng đến Việt Nam đến tháng rời khỏi Việt Nam.

Ví dụ: Ông A có con sinh ngày 27/7/2010 thì ông A được tính giảm trừ gia cảnh từ tháng 7/2010 với mức tiền được tính giảm trừ gia cảnh là 1,6 triệu đồng/tháng.

Ví dụ: Ông A là cá nhân nước ngoài đến Việt Nam ngày 27/1/2010 và rời Việt Nam ngày 05/10/2010 thì ông A được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 1/2010 đến tháng 10/2010.

IV. Xác định số thuế phải nộp:

1. Số thuế TNCN phải nộp đối với tiền lương, tiền công được xác định như sau:

- Xác định thu nhập tính thuế bình quân tháng bằng (=) tổng thu nhập tính thuế cả năm 2010 chia (:) cho 12 tháng;

- Xác định số thuế TNCN phải nộp từng tháng bằng (=) thu nhập tính thuế bình quân tháng và mức thuế suất thuế TNCN luỹ tiến tương ứng từng phần thu nhập tính thuế;

- Xác định được số thuế TNCN phải nộp của cả năm 2010 bằng (=) số thuế TNCN phải nộp từng tháng nhân (x) với 12 tháng;

- Xác định số thuế còn phải nộp hay nộp thừa bằng (=) số thuế TNCN phải nộp của cả năm 2010 trừ (-) số thuế đã khấu trừ (nếu có).

Ví dụ: Sau khi giảm trừ gia cảnh cho bản thân 48 triệu đồng và 2 người phụ thuộc 38,4 triệu đồng (1,6 triệu đồng × 2 người × 12 tháng), bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế 20 triệu đồng. Ngoài ra, không có các khoản giảm trừ gia cảnh khác. Thu nhập tính thuế của ông A trong năm 2010 là 240 triệu:

Trong đó: tháng 1: 25triệu (trong đó thu nhập từ tiền lương, tiền công và tiền thưởng năm 2009 trả trong tháng 01/2010 là 15 triệu); tháng 2 nghỉ việc không có thu nhập; tháng 3 đến tháng 9: 15 triệu/tháng; tháng 10 nghỉ việc không có thu nhập, tháng 11, tháng 12: 55 triệu/tháng. Thuế TNCN của ông A được xác định như sau:

Thu nhập tính thuế bình quân tháng là:

240 triệu đồng : 12 tháng = 20 triệu đồng/1tháng

Thuế thu nhập cá nhân 1 tháng là:

20% × 20 triệu đồng - 1,65 = 2,35 triệu đồng

Thuế thu nhập cá nhân năm 2010 là:

2,35 triệu × 12 = 28,2 triệu đồng

2. Xác định số thuế TNCN phải nộp đối với người nước ngoài là đối tượng cư trú Việt Nam trong năm 2010 như sau:

- Xác định thu nhập tính thuế bình quân tháng bằng (=) tổng thu nhập tính thuế tính từ đầu năm đến tháng rời khỏi Việt Nam chia (:) cho số tháng tính từ đầu năm đến thời điểm rời khỏi Việt Nam;

- Xác định số thuế TNCN phải nộp từng tháng bằng (=) thu nhập tính thuế bình quân tháng và mức thuế suất thuế TNCN luỹ tiến tương ứng từng phần thu nhập tính thuế;

- Xác định được số thuế TNCN phải nộp bằng (=) số thuế TNCN phải nộp từng tháng nhân (x) với số tháng tính từ đầu năm đến thời điểm rời khỏi Việt Nam;

- Xác định số thuế còn phải nộp hay nộp thừa bằng (=) số thuế TNCN phải nộp trừ (-) số thuế đã khấu trừ (nếu có).

Ví dụ:

Trong năm 2010, Ông A là người nước ngoài đến Việt Nam ngày 28/3 và rời Việt Nam ngày 31/10, tháng 01 và 02, ông A có thu nhập chịu thuế TNCN là 500 triệu đồng và Ông A đã nộp thuế TNCN tại nước ngoài đối với thu nhập này 150 triệu đồng. Từ tháng 03 đến hết tháng 10, ông A có thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công tại Việt Nam là 700 triệu. Ông A được giảm trừ gia cảnh cho bản thân: 4triệu đồng/1 tháng; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp là: 20triệu đồng. Ngoài ra, không có các khoản giảm trừ khác (Quốc gia nơi Ông A mang quốc tịch đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam). Trong trường hợp này, số thuế TNCN phải nộp ở Việt Nam được xác định như sau:

+ Tổng số tháng tính thuế TNCN tại Việt Nam: 10 tháng.

+ Tổng thu nhập tính thuế:

700 triệu + 500 triệu - 40 triệu - 20 triệu = 1140 triệu đồng

+ Thu nhập tính thuế bình quân tháng:

1140 triệu đồng : 10 tháng = 114 triệu đồng

+ Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp mỗi tháng (theo pháp luật về thuế của Việt Nam) là:

35% × 114 triệu đồng – 9,85 triệu đồng =30,05 triệu đồng

+ Số thuế ông A phải nộp bình quân tháng theo pháp luật về thuế của Việt Nam là:

30,05 triệu đồng × 10 tháng = 300,5 triệu đồng

+ Số thuế được trừ tính phân bổ cho phần thu nhập phát sinh tại nước ngoài theo tỷ lệ phân bổ giữa số thu nhập phát sinh tại nước ngoài và tổng thu nhập chịu thuế là:

(500 triệu đồng/1200 triệu đồng) × 300,5 triệu đồng = 125,21 triệu đồng

Do số tiền ông A đã nộp thuế TNCN ở nước ngoài là 150 triệu đồng lớn hơn ( >) 125,21 triệu đồng nên số tiền Ông A được tính trừ do đã nộp thuế TNCN ở nước ngoài là 125,21 triệu đồng.

+ Số thuế TNCN ông A còn phải nộp tại Việt Nam là:

300,5 triệu đồng – 125,21 triệu đồng = 175,29 triệu đồng.

3. Đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán:

a. Số thuế phải nộp bằng (=) thu nhập tính thuế nhân (x) thuế suất 20%.

b. Xác định số thuế còn phải nộp hoặc nộp thừa bằng (=) số thuế phải nộp trong năm trừ (-) số thuế đã nộp.

V. Thủ tục kê khai quyết toán thuế TNCN:

1. Về kê khai quyết toán thuế của tổ chức chi trả thu nhập:

1.1. Hồ sơ khai quyết toán thuế:

a. Hồ sơ khai quyết toán thuế đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công:

- Tờ khai quyết toán thuế TNCN theo mẫu số 05/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 20/2010/TT-BTC ngày 05/02/2010 của Bộ Tài chính và các bảng kê chi tiết ban hành kèm theo Thông tư này, cụ thể như sau:      

+ Bảng kê thu nhập từ tiền lương, tiền công trả cho cá nhân có ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên theo mẫu số 05A/BK-TNCN, không phân biệt thu nhập đã đến mức phải nộp thuế hay chưa phải nộp thuế.

+ Bảng kê thu nhập từ tiền lương, tiền công trả cho cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc có ký hợp đồng ít hơn 3 tháng theo mẫu số 05B/BK-TNCN.

b. Hồ sơ khai quyết toán thuế đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng chứng khoán, bản quyền, nhượng quyền thương mại, trúng thưởng cho cá nhân và trả thu nhập từ kinh doanh cho cá nhân không cư trú gồm tờ khai quyết toán thuế TNCN theo mẫu số 06/KK-TNCN và bảng kê chi tiết theo mẫu số 06B/BK-TNCN áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán ban hành kèm theo Thông tư số 20/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính.

c. Đối với các cơ sở giao đại lý bảo hiểm phải kê khai quyết toán số thuế TNCN đã khấu trừ của các đại lý bảo hiểm theo mẫu số 02/KK-BH và lập Bảng kê kèm theo mẫu số 02A/BK-BH ban hành kèm theo Thông tư số 20/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính.

d. Đối với các cơ sở giao đại lý xổ số phải khai quyết toán số thuế TNCN đã khấu trừ của các đại lý xổ số theo mẫu số 02/KK-XS và lập Bảng kê kèm theo mẫu số 02A/BK-XS ban hành kèm theo Thông tư số 20/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính.

e. Các Bảng kê chi tiết kèm theo Tờ khai quyết toán phải kê khai tất cả các cá nhân nhận thu nhập, không phân biệt đến mức khấu trừ thuế TNCN hay chưa.

1.2. Nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế:

- Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh: nộp hồ sơ khai quyết toán thuế tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh. Trường hợp cơ quan thuế thực hiện uỷ nhiệm thu thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập nộp hồ sơ cho tổ chức được uỷ nhiệm.

- Đối với các trường hợp khác.

+ Cơ quan Trung ương, cơ quan thuộc, trực thuộc Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan cấp tỉnh nộp hồ sơ khai thuế tại Cục Thuế.

+ Cơ quan thuộc, trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cơ quan cấp huyện nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế.

+ Cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, Văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài,... nộp hồ sơ khai thuế tại Cục Thuế nơi cơ quan đóng trụ sở chính hoặc tổ chức được uỷ nhiệm thu.

1.3. Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế: chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm 2010.

2. Kê khai quyết toán thuế đối với cá nhân, nhóm cá nhân kinh doanh nộp thuế theo kê khai:

2.1. Đối với cá nhân kinh doanh

- Cá nhân kinh doanh thực hiện khai quyết toán thuế theo mẫu số 09/KK-TNCN, phụ lục theo mẫu số 09B/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 20/2010/TT-BTC , mẫu số 09C/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 84/2008/TT-BTC (nếu có đăng ký giảm trừ gia cảnh) và các chứng từ chứng minh số thuế đã tạm nộp trong năm.

- Nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế là Chi cục Thuế trực tiếp quản lý.

- Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm 2010.

2.2. Đối với nhóm cá nhân kinh doanh

- Cá nhân đứng tên đại diện cho nhóm cá nhân kinh doanh lập hồ sơ khai quyết toán theo mẫu số 08B/KK-TNCN (ban hành kèm theo Thông tư số 20/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính) để xác định thu nhập chịu thuế chung của cả nhóm và thu nhập chịu thuế riêng của từng cá nhân trong nhóm kinh doanh.

- Mỗi cá nhân trong nhóm kinh doanh được nhận 01 bản chính của tờ khai quyết toán của nhóm và thực hiện khai quyết toán thuế của cá nhân. Hồ sơ khai quyết toán thuế đối với từng cá nhân trong nhóm kinh doanh gồm:

+ Tờ khai quyết toán thuế của nhóm cá nhân kinh doanh (theo mẫu số 08B/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 20/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính).

+ Tờ khai thuế theo mẫu số 09/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 20/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính, phụ lục theo mẫu số 09C/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 84/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính (nếu có đăng ký giảm trừ gia cảnh).

+ Các chứng từ đã tạm nộp thuế TNCN trong kỳ.

- Nơi nộp hồ sơ khai quyết toán thuế là Chi cục Thuế nơi nhóm cá nhân kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh.

- Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm 2010.

2.3. Đối với các hộ kinh doanh có nhiều cửa hàng, cửa hiệu, trong đó có cửa hàng, cửa hiệu có mã số thuế 10 số và cửa hàng, cửa hiệu có mã số thuế 13 số khi quyết toán thuế phải tổng hợp vào tờ khai quyết toán thuế của cửa hàng, cửa hiệu có mã số thuế 10 số.

3. Kê khai quyết toán thuế đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công:

3.1. Hồ sơ khai quyết toán thuế:

- Tờ khai quyết toán thuế theo mẫu số 09/KK-TNCN, phụ lục theo mẫu số 09A/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 20/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính, phụ lục theo mẫu số 09C/PL-TNCN (nếu có đăng ký giảm trừ gia cảnh) ban hành kèm theo Thông tư số 84/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính;

- Các chứng từ chứng minh số thuế đã khấu trừ, đã tạm nộp trong kỳ, việc kê khai căn cứ các chứng từ khấu trừ thuế do đơn vị chi trả cấp;

- Trường hợp nhận thu nhập từ các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán và nhận thu nhập từ nước ngoài phải có tài liệu chứng minh hoặc xác nhận về số tiền đã trả của đơn vị, tổ chức trả thu nhập ở nước ngoài và kèm theo thư xác nhận thu nhập năm theo mẫu số 20/TXN-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 84/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính.

3.2. Nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế:

a. Trường hợp cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công tại một nơi thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý đơn vị trả thu nhập.

b. Trường hợp cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng đã bị khấu trừ thuế 10% thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế nơi cá nhân đó cư trú.

c. Trường hợp cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai nơi trở lên:

- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai nơi trở lên thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế quản lý tổ chức, cá nhân trả thu nhập mà cá nhân có ký hợp đồng lao động trên 3 tháng và đăng ký giảm trừ gia cảnh cùng với các chứng từ khấu trừ thuế ở nơi khác;

- Nếu cá nhân đã đăng ký giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một tổ chức trả thu nhập thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế quản lý đơn vị trả thu nhập đó;

- Nếu cá nhân chưa đăng ký giảm trừ gia cảnh cho bản thân ở tổ chức trả thu nhập thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế nơi cá nhân cư trú.

d. Trường hợp cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai thuế hàng tháng thì nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế là cơ quan thuế nơi cá nhân đang nộp hồ sơ khai thuế tháng.

Ví dụ: Ông X là Trưởng văn phòng đại diện cho một công ty nước ngoài tại Việt Nam và nhận thu nhập từ nước ngoài. Từ ngày 01/01/2010 đến ngày 15/9/2010 ông X làm việc tại Hà Nội và khai thuế tháng tại Cục Thuế Hà Nội. Từ 01/10/2010 ông X chuyển đến làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và khai thuế tháng tại Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế năm 2010 của ông X là Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh.

3.3. Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất một nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công tại một tổ chức trả thu nhập thì có thể uỷ quyền quyết toán thuế cho tổ chức trả thu nhập. Cá nhân uỷ quyền quyết toán thông qua tổ chức trả thu nhập phải nộp cho tổ chức trả thu nhập các loại giấy tờ sau:

- Giấy uỷ quyền quyết toán thuế TNCN theo mẫu số 04-2/TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính;

- Các hoá đơn, chứng từ chứng minh các khoản được tính giảm trừ như: chứng từ thu tiền đóng từ thiện, nhân đạo, khuyến học; chứng từ thu tiền đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định (nếu cá nhân tự đóng); ....

Cá nhân đã được tổ chức trả thu nhập quyết toán thay thì không phải thực hiện các thủ tục quyết toán thuế TNCN theo hướng dẫn tại Thông tư số 84/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trường hợp cá nhân đã được tổ chức, cá nhân trả thu nhập cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN thì không được uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế TNCN (trừ trường hợp đã thu hồi và huỷ chứng từ khấu trừ thuế TNCN đã cấp cho cá nhân).

4. Kê khai quyết toán thuế đối với cá nhân vừa có thu nhập từ tiền lương, tiền công, vừa có thu nhập từ kinh doanh:

4.1. Hồ sơ quyết toán thuế bao gồm:

- Tờ khai quyết toán thuế theo mẫu số 09/KK-TNCN; Phụ lục theo mẫu số 09A/PL-TNCN; 09B/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 20/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính, 09C/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 84/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính (nếu có đăng ký giảm trừ gia cảnh).

- Các chứng từ chứng minh số thuế đã khấu trừ, đã tạm nộp trong năm.

4.2. Nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế

Nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế là Chi cục Thuế nơi cá nhân có hoạt động kinh doanh. Trường hợp cá nhân có hoạt động kinh doanh ở nhiều nơi thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại Chi cục Thuế nơi cá nhân đăng ký có đăng ký giảm trừ gia cảnh hoặc nơi cư trú.

5. Khai quyết toán thuế đối với cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán:

5.1. Hồ sơ quyết toán thuế

- Tờ khai quyết toán thuế theo mẫu số 13/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 20/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính;

- Bảng kê chi tiết chứng khoán đã chuyển nhượng trong năm theo mẫu số 13A/BK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 84/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính;

- Các hoá đơn, chứng từ theo chế độ quy định chứng minh chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng chứng khoán;

- Các chứng từ chứng minh số thuế đã khấu trừ trong năm.

5.2. Nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế là cơ quan thuế trực tiếp quản lý công ty chứng khoán mà cá nhân đăng ký giao dịch hoặc Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú.

5.3. Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.

6. Kê khai quyết toán thuế đối với cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng phải tự khai thuế tại Việt Nam

Cá nhân nước ngoài (bao gồm cả cư trú, không cư trú và không hiện diện) nhận thu nhập tại nước ngoài nếu thuộc đối tượng phải khai thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam thì có thể trực tiếp kê khai thuế TNCN hoặc uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác khai tại cơ quan thuế nơi quản lý tổ chức, cá nhân được uỷ quyền. Cá nhân uỷ quyền phải tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ khai thuế và tổ chức, cá nhân nhận uỷ quyền phải chịu trách nhiệm nộp thuế vào ngân sách nhà nước, hoàn lại số thuế nộp thừa cho cá nhân uỷ quyền.

VI. Hoàn thuế:

1.Việc hoàn thuế TNCN chỉ áp dụng đối với những cá nhân đã có mã số thuế.

Đối với cá nhân đã uỷ quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện quyết toán thay thì việc hoàn thuế của cá nhân được thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân trả thu nhập.

“Cá nhân có thu nhập tại một tổ chức, cá nhân, hàng tháng sau khi tổ chức, cá nhân chi trả khấu trừ tiền thuế đã cung cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập không được nhận uỷ quyền quyết toán thay, mà cá nhân phải tự quyết toán với cơ quan thuế, nếu nhận uỷ quyền thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập phải làm thủ tục thu hồi chứng từ khấu trừ trước khi nhận giấy uỷ quyền.”

Việc bù trừ, hoàn thuế cho các cá nhân uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thay thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 4283/BTC-TCT ngày 08/4/2010 của Bộ Tài chính. Trường hợp tổ chức, cá nhân trả thu nhập đã bù trừ số thuế nộp thừa, nộp thiếu của các cá nhân mà có số thuế nộp thừa, nếu đề nghị cơ quan thuế hoàn trả thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập nộp hồ sơ hoàn thuế đồng thời với hồ sơ quyết toán thuế TNCN bao gồm:

- Công văn đề nghị hoàn thuế;

- Tờ khai quyết toán thuế TNCN theo mẫu số 05/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 20/2010/TT-BTC ngày 05/02/2010 của Bộ Tài chính và các bảng kê chi tiết ban hành kèm theo Thông tư này, cụ thể như sau:      

+ Bảng kê thu nhập từ tiền lương, tiền công trả cho cá nhân có ký hợp đồng lao động theo mẫu số 05A/BK-TNCN, không phân biệt thu nhập đã đến mức phải nộp thuế hay chưa phải nộp thuế.

+ Bảng kê thu nhập từ tiền lương, tiền công trả cho cá nhân không ký hợp đồng lao động theo mẫu số 05B/BK-TNCN.

- Bản sao chứng từ, biên lai nộp thuế TNCN.

2. Đối với cá nhân chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công tự làm thủ tục quyết toán thuế với cơ quan thuế nếu có số thuế đề nghị hoàn thì cá nhân không phải nộp hồ sơ hoàn thuế mà chỉ cần ghi số thuế đề nghị hoàn vào chỉ tiêu “Tổng số thuế đề nghị hoàn” tại tờ khai quyết toán thuế theo mẫu số 09/KK-TNCN khi quyết toán thuế. Cơ quan thuế xem xét thực hiện hoàn, không xử lý bù trừ số thuế nộp thừa. Đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công, để đảm bảo thời gian hoàn thuế theo quy định của Luật quản lý thuế thì cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau và tạm thời không phải qua bộ phận xác định nợ thuế, bộ phận thẩm định quy định trong quy trình hoàn thuế.

3. Việc hoàn thuế cho các cá nhân kinh doanh được thực hiện Quy trình hoàn thuế ban hành kèm theo Quyết định số 1458/QĐ-TCT ngày 14/10/2009 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

4. Đối với cá nhân vừa có thu nhập từ tiền lương, tiền công, vừa có thu nhập từ cho thuê nhà thì cơ quan thuế xem xét thực hiện hoàn, không xử lý bù trừ số thuế nộp thừa.

5. Nơi nộp hồ sơ hoàn thuế: là nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế theo hướng dẫn tại Công văn này.

VII. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quyết toán thuế TNCN và phương thức nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN năm 2010:

Thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 451/TCT-TNCN ngày 08/02/2010 về việc quyết toán thuế TNCN năm 2009. File dữ liệu sẽ được xử lý như sau:

+ Đối với các Cục Thuế đã triển khai ứng dụng Quản lý thuế TNCN (PIT): File dữ liệu nhận được từ trung tâm xử lý được đẩy tự động vào hệ thống PIT để hạch toán. Các mẫu tờ khai quyết toán chưa hỗ trợ nhận qua trang điện tử http://www.tncnonline.com.vn thì cơ quan thuế nhập vào hệ thống.

+ Đối với các Cục Thuế khác: Thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 2766/TCT-CNTT ngày 27/07/2010 hướng dẫn xử lý hạch toán dữ liệu quyết toán thuế TNCN năm 2009, theo đó các Cục Thuế thực hiện kết xuất dữ liệu quyết toán thuế TNCN từ trung tâm xử lý ra file excel làm căn cứ để nhập vào hệ thống Quản lý thuế hiện hành. Các mẫu tờ khai quyết toán chưa hỗ trợ nhận qua trang điện tử http://www.tncnonline.com.vn thì cơ quan thuế nhập vào hệ thống.

Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế căn cứ vào quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luât Thuế Thu nhập cá nhân và nội dung hướng dẫn tại công văn này để triển khai tốt công tác quyết toán thuế TNCN trên địa bàn.

Trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc, đề nghị các Cục Thuế phản ánh kịp thời về Tổng cục Thuế để có hướng dẫn xử lý kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ Pháp chế(2b);
- Đại diện VPTCT tại TP HCM;
- Lưu VT, TNCN (3b)

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Phạm Duy Khương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 486/TCT-TNCN hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2010 do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 486/TCT-TNCN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 11/02/2011
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Phạm Duy Khương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/02/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản