- 1Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012
- 2Thông tư 05/2015/TT-BYT về Danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 3Thông tư 20/2022/TT-BYT về Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4735/BYT-VPB1 | Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 2024 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận
Bộ Y tế nhận được Công văn số 499/BDN ngày 14/6/2024 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận.
Bộ Y tế xin trả lời đối với từng kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:
1. Hiện nay việc khám, chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế cơ bản đảm bảo. Tuy nhiên, ở các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh và tuyến huyện lại cấp thuốc chữa bệnh có chất lượng khác nhau, danh mục thuốc bệnh viện tuyến Trung ương thì có chất lượng tốt hơn ở bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Cử tri kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh và cấp thuốc ở tuyến tỉnh, huyện.
Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế.
- Về danh mục thuốc tân dược: Thông tư số 20/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 của Bộ Y tế ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế gồm 1037 hoạt chất/thuốc hóa dược và sinh phẩm chia làm 27 nhóm lớn và 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu. Trong đó, thuốc hầu hết được sử dụng tại bệnh viện hạng II trở lên, bệnh viện hạng III sử dụng khoảng 795 thuốc chiếm khoảng 77%. Trạm y tế xã được sử dụng khoảng 262 thuốc chiếm 25,26% và một số thuốc điều trị các bệnh mãn tính cấp tại Trạm theo hướng dẫn chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế.
- Về danh mục thuốc y học cổ truyền: Thông tư số 05/2015/TT-BYT ngày 17/3/2015 của Bộ Y tế ban hành và hướng dẫn danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế gồm 229 thuốc đông y, thuốc từ dược liệu chia thành 11 nhóm tác dụng và 349 vị thuốc cổ truyền chia thành 30 nhóm tác dụng theo y lý y học cổ truyền. Trong đó, các thuốc được sử dụng tại gần như tất cả các tuyến, hạng bệnh viện, chỉ một số rất ít thuốc đông y, thuốc từ dược liệu chỉ sử dụng tại bệnh viện hạng III trở lên.
Bên cạnh đó, danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại Việt Nam được ghi dưới dạng tên hoạt chất/thành phần, không ghi hàm lượng, dạng bào chế và tên thương mại nên việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại. Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám chữa bệnh, năng lực chuyên môn và khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế, cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm lựa chọn thuốc thành phẩm phù hợp.
Về chuyên môn, việc sử dụng thuốc tại cơ sở khám, chữa bệnh phải phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật, phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh (phụ thuộc vào nhân lực hành nghề, trang thiết bị y tế, danh mục kỹ thuật có thể thực hiện được, cơ sở vật chất...). Do đó, việc sử dụng và cấp phát thuốc không thể tương tự nhau ở tất cả các tuyến trung ương, tỉnh, huyện vì liên quan đến năng lực hành nghề, điều kiện kê đơn, chỉ định sử dụng thuốc, các điều kiện bảo đảm an toàn, phòng ngừa tai biến, rủi ro cho người bệnh trong quá trình sử dụng thuốc. Các thuốc mới, thuốc phát minh, thuốc chuyên khoa cần có nhân lực chuyên môn sâu khi chỉ định sử dụng, cần có trang thiết bị kỹ thuật cao, hiện đại để chẩn đoán, theo dõi phản ứng bất lợi trong quá trình điều trị nên chỉ được sử dụng ở các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, hạng II, hạng II. Các thuốc sử dụng tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện thường là các thuốc cơ bản, thuốc thiết yếu để điều trị, chăm sóc ban đầu. Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám chữa bệnh và khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế, cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để đấu thầu mua sắm lựa chọn thuốc thành phẩm phù hợp. Theo quy định thì việc đấu thầu mua sắm thuốc được thực hiện cụ thể như sau:
- Đối với các thuốc được mua sắm tập trung cấp quốc gia hoặc các thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá thì chất lượng và giá thuốc trúng thầu là thống nhất trên phạm vi toàn quốc
- Đối với các thuốc được mua sắm tập trung cấp địa phương thì chất lượng và giá thuốc trúng thầu là thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố.
- Đối với các thuốc không thuộc danh mục được áp dụng hình thức đàm phán giá hoặc mua sắm tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương thì do cơ sở khám, chữa bệnh tự mua sắm, đấu thầu.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiến hành rà soát, sửa đổi và bổ sung danh mục thuốc bảo hiểm y tế, trong đó đặc biệt chú trọng việc mở rộng danh mục thuốc cho tuyến dưới, nhất là tuyến tỉnh, huyện, xã phù hợp với sự phát triển năng lực chuyên môn; tăng phạm vi cấp phát thuốc đối với một số bệnh mãn tính tại y tế cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, khám chữa bệnh và bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
2. Cử tri phản ánh, hiện nay thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử đang được người dân sử dụng khá nhiều, trong đó có cả thanh thiếu niên. Cử tri tán thành chủ trương của Bộ Y tế và kiến nghị nên cấm tuyệt đối đối với thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử, vì các loại thuốc lá này có tỷ lệ gây nghiện và tỷ lệ ảnh hưởng sức khỏe cao, nhất là đối với người trẻ tuổi.
1. Về tác hại của thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá nung nóng (TLNN): Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều nghiên cứu khoa học, TLĐT và TLNN chứa nicotine và nhiều hợp chất hóa học độc hại, gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, bệnh tim mạch và các bệnh hô hấp. Việc sử dụng nicotine đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ của thanh thiếu niên, có thể dẫn đến nghiện, rối loạn nhận thức và giảm khả năng học tập. WHO đã cảnh báo rằng tất cả các loại thuốc lá, bao gồm TLĐT và TLNN, đều có hại cho sức khỏe con người.
2. Về quy định pháp luật liên quan đến TLĐT và TLNN: Hiện nay, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) chưa có khái niệm rõ ràng về TLĐT và TLNN. Do đó, việc quản lý và kiểm soát các sản phẩm này gặp nhiều khó khăn. Bộ Y tế đã đề xuất sửa đổi Luật PCTHTL để bổ sung quy định về các sản phẩm này và dạng phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý các vi phạm liên quan đến TLĐT và TLNN.
3. Về giải pháp hạn chế nhập khẩu và xử lý vi phạm:
Bộ Y tế đang tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về tác hại của TLĐT và TLNN, đặc biệt tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên đồng thời thực hiện nhiều đợt thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu TLĐT và TLNN. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành là rất quan trọng để quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm này.
4. Về các biện pháp quản lý nhà nước:
Công tác phòng, chống tác hại của TLĐT và TLNN cần có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành. Bộ Y tế chịu trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của TLĐT, TLNN, phát hiện, quản lý, điều trị các bệnh do sử dụng các sản phẩm này và tổ chức cai nghiện. Bộ Công Thương quản lý, xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu TLĐT, TLNN. Bộ Công an thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm liên quan đến sử dụng chất ma túy và chất cấm trong TLĐT, TLNN. Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, giáo dục về tác hại của TLĐT, TLNN đối với học sinh, sinh viên. Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, phát hiện và xử lý thông tin không chính xác về tác hại của TLĐT, TLNN. Các Bộ khác cũng có vai trò hỗ trợ thông tin, nghiên cứu, quản lý và giáo dục về tác hại của TLĐT, TLNN.
Bộ Y tế đã triển khai nhiều chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của TLĐT và TLNN, xây dựng và đề xuất các văn bản pháp luật để quản lý và kiểm soát các sản phẩm này. Hiện tại, Bộ Y tế đang tăng cường hợp tác liên ngành, nghiên cứu và cập nhật thông tin về tác hại của TLĐT và TLNN, đồng thời triển khai các chương trình giáo dục trong trường học. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy nghiên cứu về tác hại của TLĐT và TLNN và mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và áp dụng các biện pháp kiểm soát hiệu quả.
Bộ Y tế cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với TLĐT và TLNN, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Bộ Y tế rất mong nhận được sự ủng hộ và phối hợp từ phía cử tri và toàn xã hội để cùng nhau đẩy lùi tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới.
Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận liên quan đến lĩnh vực Y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận để biết, thông tin tới cử tri.
Xin trân trọng cảm ơn./.
| BỘ TRƯỞNG |
- 1Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012
- 2Thông tư 05/2015/TT-BYT về Danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 3Thông tư 20/2022/TT-BYT về Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
Công văn 4735/BYT-VPB1 năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV do Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 4735/BYT-VPB1
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 13/08/2024
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Đào Hồng Lan
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/08/2024
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết