Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4722/BNN-TY
V/v tăng cường phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên thuỷ sản nuôi.

Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 2022

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo báo cáo của các địa phương và kết quả kiểm tra thực tế của Cục Thú y tại các địa phương trọng điểm về nuôi trồng thủy sản, trong hơn 06 tháng đầu năm 2022, cả nước có trên 14.800 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, tăng 1,42 lần so với cùng kỳ năm 2021, ngoài ra có trên 1.000 lồng bè, ao, bể nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại, gây tổn thất hàng trăm tỷ đồng cho người nuôi; các cơ quan thú y đã triển khai giám sát chủ động, lấy mẫu xét nghiệm, xác định dịch bệnh nguy hiểm chiếm khoảng 20% tổng diện tích thiệt hại, bao gồm: Bệnh Đốm trắng (trên 1.100 ha), Hoại tử gan tụy cấp tính (khoảng 1.000 ha); bệnh trên cá tra (xuất huyết, gan thận mủ trên 200 ha). Bên cạnh đó, có khoảng 10.000 ha nuôi tôm (chủ yếu nuôi quảng canh) bị thiệt hại nhưng không được các cơ quan chuyên môn của địa phương lấy mẫu xét nghiệm, không xác định được nguyên nhân.

Thời gian qua, thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan, làm môi trường sống thủy sinh thay đổi, khắc nghiệt hơn; trong khi hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, nuôi truyền thống, quảng canh, khó kiểm soát môi trường, dịch bệnh dễ phát sinh, diễn biến phức tạp và gây thiệt hại lớn về kinh tế. Số liệu thiệt hại, dịch bệnh thực tế có thể cao hơn nhiều so với báo cáo, chưa phản ánh đúng diễn biến dịch trong thực tiễn sản xuất (lý do hiện nay, hàng tuần chỉ có 7/28 tỉnh nuôi tôm, 3/12 tỉnh nuôi cá tra báo cáo dịch bệnh, chưa theo đúng quy định). Mặt khác, công tác thú y thủy sản tại các địa phương gặp nhiều khó khăn do: (i) Bộ máy tổ chức trong hệ thống thú y bị thay đổi, không đồng bộ, chưa tuân thủ theo chỉ đạo của Trung ương, một số nơi không có Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện, không bố trí nhân viên thú y cấp xã, việc tuyển dụng, quản lý và sử dụng nhân viên thú y xã nhưng không ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ thú y đặc biệt công tác thú y thủy sản. Thiếu nhân lực, đặc biệt nhân lực có chuyên môn về thú y, thủy sản nên hoạt động thú y thủy sản nhiều nơi hầu như không có, không nắm được tình hình dịch bệnh trên địa bàn và không thực hiện báo cáo dịch bệnh; (ii) Kinh phí hàng năm bố trí cho công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản chưa đầy đủ, kịp thời (31/63 tỉnh có kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh thủy sản, trong đó chỉ có 17 tỉnh có dự toán kinh phí kèm theo), chưa đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch trong thực tiễn, đặc biệt là hoạt động lấy mẫu, xét nghiệm, xác định nguyên nhân dịch bệnh, điều tra ổ dịch, giám sát chủ động dịch bệnh để dự báo, cảnh báo sớm dịch bệnh và tổ chức xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; (iii) Công tác thú y thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu, việc thống kê, báo cáo cập nhật số liệu dịch bệnh còn nhiều bất cập; công tác điều tra ổ dịch xác định nguyên nhân, giám sát chủ động dịch bệnh chưa được triển khai đồng bộ để kịp thời cảnh báo, ứng phó và phòng chống dịch bệnh có hiệu quả; công tác kiểm dịch thủy sản giống còn nhiều kẽ hở, chủ yếu tập trung vào kiểm dịch tôm giống; công tác quản lý buôn bán, sử dụng thuốc thú y thủy sản chưa triệt để, còn hiện tượng bán, sử dụng thuốc thú y ngoài danh mục, thuốc cấm sử dụng và nguyên liệu kháng sinh...; (iv) Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến quy định, hướng dẫn kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh cho người nuôi chưa được chú trọng; dẫn đến nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản hầu như không báo cáo dịch bệnh cho cơ quan chuyên môn thú y, nhiều hộ nuôi xử lý động vật thủy sản chết, nghi mắc bệnh, xử lý chất thải, nước thải chưa bảo đảm theo quy định của pháp luật về thú y, thủy sản và bảo vệ môi trường.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ thực trạng nuôi trồng thủy sản, tình hình dịch bệnh thủy sản tại địa phương, chỉ đạo các Sở, ngành liên quan và UBND các cấp tổ chức thực hiện một số nội dung sau đây:

1. Bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả “Kế hoạch quốc gia phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 - 2030” ban hành kèm theo Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 2635/BNN-TY ngày 07/5/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

2. Tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung và cấp đủ kinh phí bảo đảm triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản; đẩy mạnh giám sát chủ động kịp thời cảnh báo nguy cơ xảy ra dịch bệnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, xây dựng vùng, chuỗi sản xuất thủy sản, cơ sở sản xuất thủy sản giống an toàn dịch bệnh.

3. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thú y, thuỷ sản của địa phương, phối hợp với chính quyền cơ sở chủ động bám sát địa bàn, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh, phương châm “phòng bệnh chủ động từ sớm, từ xa” để chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi, kiểm soát các mối nguy (sử dụng con giống chất lượng, đã được kiểm dịch thú y; xử lý nước cấp, nước thải theo quy trình kỹ thuật; quản lý tốt ao nuôi; bổ sung vitamin, khoáng chất, sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học được phép lưu hành để tăng sức đề kháng cho động vật thủy sản và đảm bảo môi trường nuôi an toàn); tổ chức lấy mẫu xét nghiệm mầm bệnh, gắn với công tác kiểm dịch con giống và xây dựng an toàn dịch bệnh để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; thống kê, báo cáo, đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; chấn chỉnh công tác thống kê, báo cáo số liệu dịch bệnh thủy sản, đặc biệt tại cấp thôn/ấp, cấp xã và cấp huyện.

4. Tiếp tục thành lập các Đoàn công tác trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm về nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt những nơi bị thiệt hại, dịch bệnh hoặc khu vực có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi.

5. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức và ý thức về phòng chống dịch bệnh thủy sản cho người nuôi, đặc biệt là về chất lượng con giống, xử lý nguồn nước, lấy mẫu giám sát xét nghiệm bệnh trong cơ sở nuôi, các biện pháp tiêu độc, khử trùng và xử lý khi có dịch bệnh trong cơ sở, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.

6. Khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp, đặc biệt là cấp xã và cấp huyện theo quy định tại Điều 6 Luật Thú y; Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 và Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030.

Giao Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục Thú y: (i) Khẩn trương phối hợp với các địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên động vật thủy sản giai đoạn 2022 - 2025 theo Quyết định số 3143/QĐ-BNN-TY ngày 16/7/2021; (ii) Chủ động kiểm tra, đánh giá tình hình dịch bệnh, giám sát dịch bệnh và hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh sáu tháng cuối năm 2022; (iii) Tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thủy sản đặc biệt trên tôm nước lợ; (iv) Hoàn thiện và nâng cấp hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật thủy sản trực tuyến.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo thực hiện các nội dung nêu trên; thường xuyên thông báo về Bộ Nông nghiệp và PTNT để phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTg Lê Văn Thành (để b/c);
- Bộ trưởng Lê Minh Hoan (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Tổng cục Thủy sản (để t/h);
- Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục (để t/h);
- Sở NN&PTNT, Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thuỷ sản các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để t/h);
- Lưu: VT, TY.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phùng Đức Tiến

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4722/BNN-TY năm 2022 về tăng cường phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên thuỷ sản nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 4722/BNN-TY
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 21/07/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Phùng Đức Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/07/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản