Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4718/BNN-QLCL
V/v trả lời kiến nghị cử tri trước Kỳ họp thứ 3, QH khóa XV

Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Sóc Trăng do Ban Dân nguyện - Ủy ban thường vụ Quốc hội chuyển đến theo công văn số 487/BDN ngày 14/6/2022, nội dung kiến nghị như sau:

Nội dung kiến nghị (Câu số 47):

Cử tri kiến nghị tăng cường thanh, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, để có biện pháp xử lý mạnh đối với tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, tình trạng trữ hàng, đẩy giá tăng cao,…

Bộ Nông nghiệp và PTNT xin trả lời như sau:

1. Để tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN), đảm bảo quyền lợi của người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn sản xuất, kinh doanh, có các chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm, cụ thể:

- Bộ đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; phối hợp với Bộ Tư pháp trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

- Bộ cũng chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) để quản lý chất lượng VTNN (lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, phân bón, giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật…). Các chế tài xử lý trong các văn bản này đã đưa ra hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm.

- Để có các căn cứ kỹ thuật xử lý vi phạm, đến hết tháng 6/2022 Bộ đã xây dựng 955 tiêu chuẩn và 227 quy chuẩn về chất lượng, VTNN, sản phẩm nông sản.

2. Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, Bộ Nông nghiệp và PTNT ưu tiên bố trí nguồn lực, tập trung chỉ đạo tăng cường thực thi pháp luật, cụ thể:

- Quản lý chặt chẽ chất lượng VTNN, đặc biệt tại khâu đăng ký vào danh mục, nhập khẩu, buôn bán, lưu thông, sử dụng sản phẩm VTNN trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

- Đẩy mạnh thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh VTNN. Trong 06 tháng đầu năm 2022, Bộ đã phối hợp với các địa phương tổ chức đã tổ chức 2.574 hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn (trực tuyến và trực tiếp) phổ biến quy định về đảm bảo chất lượng, ATTP cho 121.758 lượt cán bộ, doanh nghiệp, người dân tham dự; xây dựng và phát sóng 16.261 lượt bản tin trên đài phát thanh, truyền hình, loa đài địa phương, 1.047 lượt tin, bài trên báo điện tử và báo giấy; sản xuất và phát 526.453 tờ gấp, tờ rơi, tờ dán, áp phích, sách, ấn phẩm truyền thông về ATTP, số lượng tăng so với cùng kỳ năm 2021.

- Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, trong đó chuyển mạnh sang thanh tra đột xuất các cơ sở có dấu hiệu vi phạm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong 06 tháng đầu năm 2022, toàn Ngành đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 9.029 cơ sở, xử phạt 910 cơ sở (chiếm 10,1%) với số tiền 5,2 tỷ đồng; tăng so với 7,87% cùng kỳ năm 2021 với tổng số tiền phạt là 4,32 tỷ đồng. Bộ đã và đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành, địa phương trong việc ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng nhập lậu, buôn bán VTNN không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng; chuyển hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xử lý theo Bộ luật Hình sự.

3. Bộ cũng đã phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương trong việc kiểm tra, quản lý chi phí VTNN và giá đầu ra nông sản, cụ thể:

- Phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết các mặt hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp và PTNT thực hiện bình ổn giá và kê khai giá tại Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BNNPTNT-BTC ngày 03/3/2015, trong đó bao gồm mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

- Phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đề xuất giải pháp để bình ổn thị trường, chủ động nguồn cung phục vụ sản xuất nông nghiệp.

- Phối hợp các lực lượng chức năng, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường, chủ động nguồn cung VTNN, chống các hành vi gian lận thương mại, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng đầu cơ, tích trữ, đẩy giá để trục lợi góp phần từng bước bình ổn thị trường.

- Tổ chức vận động mạnh mẽ phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, trong đó có VTNN.

Trên đây là trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với kiến nghị cử tri tỉnh Sóc Trăng; trân trọng cảm ơn cử tri tỉnh Sóc Trăng đã quan tâm đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn; xin gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng để trả lời cử tri./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng;
- Thứ trưởng Trần Thanh Nam;
- Ban Dân nguyện;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ QHĐP);
- VP Bộ (Phòng Tổng hợp);
- Lưu: VT, QLCL.

BỘ TRƯỞNG




Lê Minh Hoan

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4718/BNN-QLCL năm 2022 tăng cường thanh, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 4718/BNN-QLCL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 21/07/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Lê Minh Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/07/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản