Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4686/TCT-DT
V/v Tăng cường công tác thu NSNN những tháng cuối năm 2014.

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2014

 

Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhiệm vụ thu NSNN năm 2014 được triển khai trong bối cảnh kinh tế tiếp tục có những chuyển biến tích cực: Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, GDP bình quân 9 tháng tăng 5,62%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước; Lạm phát được kiểm soát; Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp ổn định; Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, liên tục có xuất siêu, góp phần giữ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối; Lãi suất ổn định và có xu hướng giảm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh;... Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Tài chính và UBND các cấp đã tập trung chỉ đạo điều hành có hiệu quả các nhóm giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2014, kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; cùng với sự nỗ lực của công chức, viên chức toàn ngành thuế, nên công tác thuế nói chung và nhiệm vụ thu NSNN nói riêng đã đạt được kết quả quan trọng.

Theo báo cáo nhanh của các Cục Thuế, tổng thu nội địa (không kể dầu thô) 10 tháng năm 2014 ước đạt 90% dự toán, bằng 82% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2013; số thu nội địa không kể tiền SD đất, cổ tức và lợi nhuận còn lại ước đạt 88,5% dự toán, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Trong đó hầu hết các khoản thu, sắc thuế đều đạt khá so với dự toán và cùng kỳ; có 49/63 địa phương đạt được tiến độ dự toán.

Tuy nhiên, so với chỉ tiêu phấn đấu năm 2014, tổng thu nội địa (không kể dầu thô) 10 tháng chưa đảm bảo tiến độ thực hiện (đạt 82%); một số địa phương kết quả thu còn đạt thấp so với dự toán pháp lệnh, dự kiến đến cuối năm nếu không phấn đấu quyết liệt thì khó có khả năng hoàn thành được dự toán pháp lệnh. Ngoài nguyên nhân về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi chậm và áp dụng chính sách thuế mới, còn do: (i) Một bộ phận người nộp thuế lợi dụng sự thông thoáng trong chính sách quản lý để trục lợi và chiếm dụng tiền thuế của NSNN. (ii) Một số cơ quan thuế chưa triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu, dẫn đến số nợ thuế tăng cao; kết quả thực hiện kế hoạch thanh tra kiểm tra và tỷ lệ nộp vào ngân sách trên tổng số thuế phát hiện tăng thêm còn đạt thấp, (iii) Công tác phối hợp giữa cơ quan thuế với các cơ quan chức năng trong quản lý thuế chưa được thường xuyên, liên tục; công tác kiểm soát kê khai thuế, khai thác nguồn thu có nơi còn làm chưa tốt;...

Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế phải phấn đấu thu vượt từ 8-10% dự toán pháp lệnh. Với kết quả thu 10 tháng nêu trên thì nhiệm vụ thu 2 tháng cuối năm 2014 của toàn ngành còn rất nặng nề, nhất là trong điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, ngành Thuế phải triển khai các giải pháp về thuế để hỗ trợ thị trường, cải cách thủ tục hành chính và thực hiện các chính sách thuế mới. Để hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ, Bộ Tài chính giao, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế trong những tháng cuối năm tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và cấp ủy, chính quyền các cấp để triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu và giảm số thuế nợ đọng,... trong đó cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau đây:

1. Tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả các giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và nâng cao kỷ luật kỷ cương trong thi hành công vụ nêu tại các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 03/CT-BTC ngày 20/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chi thị số 01/CT-TCT ngày 19/8/2014 và Quyết định số 1201/QĐ-TCT ngày 6/8/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách thuế mới, đặc biệt tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính về cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế và Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế.

2. Rà soát, nắm chắc nguồn thu và số lượng người nộp thuế trên địa bàn. Phân tích, đánh giá cụ thể nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu theo địa bàn, lĩnh vực thu để có giải pháp thích hợp. Đối với các địa phương đã hoàn thành hoặc có khả năng hoàn thành sớm dự toán pháp lệnh thì phải tiếp tục đôn đốc thu nộp kịp thời các khoản thuế, phí phát sinh vào ngân sách để hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phấn đấu thu năm đã được giao tại Quyết định số 222/QĐ-TCT ngày 13/3/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế; đối với những địa phương tỷ lệ thực hiện nhiệm vụ thu 10 tháng đạt thấp, phải tập trung triển khai các biện pháp quản lý thu để đạt được kết quả thu ở mức cao nhất, nhằm góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách của toàn ngành.

3. Tham mưu kịp thời với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, các quận, huyện trên địa bàn tích cực đề ra các giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đẩy mạnh việc quy hoạch đất đai, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, phí, lệ phí; phối hợp với cơ quan Tài nguyên - Môi trường trong việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản;... để kịp thời thu những khoản thu từ nhà, đất và phí, lệ phí vào ngân sách nhà nước; tiếp tục duy trì Ban chỉ đạo chống thất thu và thu nộp NSNN để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc đôn đốc thu thuế, chống thất thu, thu hồi nợ đọng, khai thác tăng thu,... để bù đắp hụt thu ngân sách.

4. Tăng cường theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai, nộp thuế, hoàn thuế của các tổ chức, cá nhân nộp thuế. Thực hiện tốt công tác quản lý kê khai thuế thông qua việc phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đối chiếu để xác định chính xác số đơn vị đang hoạt động, ngừng, nghỉ kinh doanh, bỏ trốn, mất tích, đảm bảo 100% số lượng người nộp thuế hoạt động phải kê khai thuế. Tập trung rà soát, đôn đốc việc kê khai, nộp thuế của các tổ chức, cá nhân, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước để có biện pháp thu hồi kịp thời. Tổ chức thu đầy đủ, thu kịp thời các khoản thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra vào ngân sách nhà nước theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Chỉ thị số 05/CT-BTC ngày 21/12/2011. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế GTGT, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật, trong hạn mức được giao.

5. Đẩy mạnh công tác chống thất thu ngân sách và chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong công tác thanh tra, kiểm tra theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế tại công văn số 3256/TCT-TTr ngày 14/8/2014, trong đó: Đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu định lượng về đối tượng được thanh tra, kiểm tra, số thuế truy thu, truy hoàn và phạt. Tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về hoàn thuế, đưa vào kế hoạch và thanh tra, kiểm tra đối với những doanh nghiệp có giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ. Mở rộng việc triển khai công tác chống các hành vi vi phạm về hóa đơn thông qua ứng dụng "Đối chiếu bảng kê hóa đơn". Tham mưu cho UBND chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong công tác ngăn chặn hành vi trốn thuế, lậu thuế. Nắm bắt thông tin về các vụ việc vi phạm pháp luật thuế bị điều tra, khởi tố hình sự để phối hợp cung cấp thông tin, rà soát số thuế phải thu hồi và phối hợp với các ngành liên quan thu hồi tiền thuế vào NSNN. Thống kê hành vi vi phạm pháp luật thuế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra để báo cáo theo quy định. Tập trung nguồn lực để phấn đấu hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2014 (đạt tỷ lệ 14,65% trên số doanh nghiệp đang hoạt động thuộc địa bàn quản lý thuế); đôn đốc thu nộp vào NSNN các khoản tiền thuế phải nộp sau thanh tra, kiểm tra, phấn đấu tỷ lệ nộp vào ngân sách đạt tối thiểu 70-75% số kiến nghị truy thu, truy hoàn và phạt qua thanh tra, kiểm tra.

6. Tập trung triển khai thực hiện các giải pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, chỉ tiêu thu nợ thuế tại các công văn số 1038/TCT-QLN ngày 25/3/2014 và 4308/TCT-QLN ngày 03/10/2014 của Tổng cục Thuế, phấn đấu đến 31/12/2014 tổng số tiền nợ không quá 5% tổng thu ngân sách năm 2014. Trong đó hàng tháng chú trọng xây dựng kế hoạch thu tiền thuế nợ chi tiết đối với từng người nộp thuế; ban hành thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp (Thông báo 07/QLN) chính xác, kịp thời; phân loại tiền thuế nợ theo đúng quy định để tham mưu các biện pháp đôn đốc phù hợp để thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN đối với từng người nộp thuế, phấn đấu đến tháng 12/2014 phải xử lý hết các trường hợp cơ quan thuế đang theo dõi là nợ nhưng thực tế người nộp thuế đã nộp NSNN. Bộ phận quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế chủ động phối hợp với các bộ phận thanh tra, kiểm tra thuế, ấn chỉ và cơ quan liên quan trong việc xác minh thông tin của đối tượng thuộc diện cưỡng chế nợ thuế để triển khai các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo Luật Quản lý thuế có hiệu quả. Tham mưu cho UBND các cấp chỉ đạo cơ quan, ban ngành có liên quan phối hợp với cơ quan thuế trong việc thu hồi tiền thuế nợ và thực hiện cưỡng chế đối với người nộp thuế.

7. Đổi mới công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế một cách hiệu quả, thiết thực, xuất phát từ yêu cầu của người nộp thuế bằng những hình thức phù hợp với đặc điểm vùng, miền, người nộp thuế. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn để tăng thời lượng, tần suất phát sóng các vấn đề về thuế, trong đó tập trung vào các chuyên đề về cải cách thủ tục hành chính, giảm giờ khai, nộp thuế; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong quản lý thuế. Tổ chức tuyên truyền, giới thiệu nội dung các chính sách thuế mới như Thông tư số 119/2014/TT-BTC, Thông tư số 151/2014/TT-BTC,... Thực hiện tốt công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ theo đúng quy định, đúng thời gian cho người nộp thuế; nâng cao chất lượng hướng dẫn, giải đáp, trả lời vướng mắc chính sách thuế. Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các hành vi vi phạm pháp luật thuế nhằm tạo sự đồng thuận và ủng hộ của xã hội về công tác thuế.

8. Yêu cầu cơ quan thuế các cấp phối hợp chặt chẽ với Kho bạc nhà nước để đối chiếu số thu nộp ngân sách thường xuyên; chấp hành đúng quy định chế độ báo cáo nhanh về số thu hàng tháng. Nâng cao công tác tổng hợp, phân tích, đánh giá, dự báo số thu hàng tháng và đánh giá lại khả năng thực hiện cả năm 2014 theo từng thời điểm, đảm bảo thông tin về tình hình thu ngân sách trên địa bàn được cung cấp kịp thời và sát thực tế...

9. Triển khai có hiệu quả, thiết thực phong trào thi đua trong những tháng cuối năm 2014 theo những nội dung phát động của Tổng cục Thuế tại công văn số 4522/TCT-TCCB ngày 15/10/2014. Giao nhiệm vụ cụ thể đến từng đơn vị, từng cá nhân theo từng tuần, từng tháng. Theo dõi, giám sát, kiểm tra tiến độ thực hiện đối với từng đơn vị, cá nhân để kịp thời chỉ đạo đôn đốc thu, đảm bảo tiến độ thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách.

Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế nỗ lực phấn đấu để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách năm 2014./.

 

 

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Trần Văn Phu

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4686/TCT-DT tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước những tháng cuối năm 2014 do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 4686/TCT-DT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 23/10/2014
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Trần Văn Phu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/10/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản