- 1Công điện 639/CĐ-TTg về chủ động phòng ngừa dịch cúm lợn A (H1N1), bảo vệ sức khỏe nhân dân do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 1440/QĐ-BYT năm 2009 Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm lợn A (H1N1) ở người do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 3Công văn số 6285/BTC-HCSN về việc bố trí kinh phí thực hiện phòng, chống dịch cúm A(H1N1) do Bộ Tài chính ban hành
- 4Công điện 732/CĐ-TTg về việc phòng, chống dịch tiêu chảy cấp và dịch cúm A(H1N1) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4593/BGTVT-CYT | Hà Nội, ngày 07 tháng 07 năm 2009 |
Kính gửi: | - Các Cục quản lý vận tải chuyên ngành |
Thực hiện công điện số 639/CĐ-TTg ngày 29/04/2009 và công điện số 732/CĐ-TTg ngày 14/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch cúm A (H1N1); đồng thời để tạo sự thống nhất trong hành động, hướng dẫn, phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan trong ngành, Bộ Giao thông vận tải ban hành Kế hoạch hành động phòng chống đại dịch cúm A (H1N1) của ngành giao thông vận tải.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị và thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống, ứng phó theo kế hoạch.
| BỘ TRƯỞNG |
KẾ HOẠCH
HÀNH ĐỘNG PHÒNG CHỐNG ĐẠI DỊCH CÚM A (H1N1) CỦA NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
(Ban hành kèm theo công văn số 4593/BGTVT-CYT ngày 7/07/2009 của Bộ Giao thông vận tải)
Nhằm triển khai thực hiện:
- Công điện số 639/CĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch cúm A (H1N1);
- Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 14/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống dịch cúm A, tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả;
- Công văn số 4035/BYT-DPMT ngày 24/6/2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người về việc xây dựng kế hoạch hành động phòng chống đại dịch cúm A (H1N1);
Đồng thời để tạo sự thống nhất trong hành động, hướng dẫn, phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan trong ngành, Bộ Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch hành động phòng chống đại dịch cúm A (H1N1) của ngành giao thông vận tải như sau:
Phần 1.
GIỚI THIỆU CHUNG
1. Bệnh cúm A (H1N1)
Bệnh cúm A (H1N1) là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm do một vi rút cúm A (H1N1) mới, chưa từng được ghi nhận trước đây gây ra. Bệnh cúm A (H1N1) là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng qua ho, hắt hơi của người bệnh. Bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người, có nhiều trường hợp nặng, tiến triển nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Tổ chức Y tế Thế giới đã báo động xảy ra đại dịch ở cấp độ 6/6 (cấp độ cao nhất).
Tính đến 17h00 ngày 2/7/2009, Việt Nam đã ghi nhận 181 trường hợp dương tính (miền Nam: 157; miền Trung: 9 và miền Bắc: 15 trường hợp)
2. Công tác phục vụ vận chuyển và những vấn đề liên quan:
Công tác phục vụ vận chuyển có vai trò quan trọng phối hợp với các cơ quan như y tế trong việc phòng chống dịch cúm A (H1N1).
Cần xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động duy trì dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa, người bệnh trong trường hợp xảy ra đại dịch, đảm bảo việc vận tải được thông suốt. Tăng cường giám sát hành khách trên các phương tiện vận tải, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, tổ chức cách ly, cấp cứu kịp thời đồng thời có kế hoạch phòng bệnh cho hành khách và nhân viên.
3. Ước tính tác động của dịch cúm A (H1N1)
Vi rút cúm A (H1N1) có thể tái tổ hợp với vi rút cúm A (H5N1) ở trên gia cầm, lợn hay ở người hình thành một chủng vi rút mới. Vi rút mang gien tái tổ hợp này sẽ có khả năng lây truyền nhanh và tỷ lệ chết cao ở người, gây tổn thất to lớn đến kinh tế, xã hội, sức khỏe con người. WHO ước tính nếu đại dịch cúm tới xảy ra có thể làm chết từ 2 đến 7,4 triệu người trên toàn thế giới và đại dịch cúm có thể xảy ra vào bất kỳ thời gian nào. Nếu xảy ra đại dịch, sẽ có rất nhiều người lao động bị mắc bệnh cúm phải nghỉ việc, dẫn đến nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ thiết yếu cho xã hội có thể ngừng hoạt động, các cửa hàng thương nghiệp, dịch vụ thiếu người phục vụ, cơ sở sản xuất bị ngừng trệ; hoạt động giao thông công cộng bị đình đốn; hoạt động du lịch bị giảm sút; bệnh nhân đông gây quá tải bệnh viện, thuốc men và các vật tư y tế dùng cho cấp cứu và điều trị bệnh bị tiêu hao nhiều và khan hiếm...
Phần 2.
HỆ THỐNG CHỈ ĐẠO, CƠ CHẾ ĐIỀU HÀNH PHÒNG CHỐNG ĐẠI DỊCH CÚM A (H1N1)
1. Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm A (H1N1) ngành Giao thông vận tải gồm có:
- Trưởng Ban chỉ đạo: Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải;
- Phó trưởng Ban thường trực: Lãnh đạo Cục Y tế Giao thông vận tải
- Phó trưởng ban: Lãnh đạo Vụ Vận tải
- Thành viên Ban chỉ đạo: Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam
Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam
Lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam
Lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa
Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam
Lãnh đạo Văn phòng Bộ GTVT
Lãnh đạo Vụ Tài chính Bộ GTVT
Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT
Bí thư Đoàn TNCSHCM
2. Các Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thành lập tiểu Ban phòng chống dịch cúm A (H1N1) để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong ngành:
- Căn cứ chức năng nhiệm vụ, các cơ quan chủ động lập kế hoạch của cơ quan, kế hoạch phối hợp giữa các cơ quan và triển khai các hoạt động phòng chống dịch theo từng lĩnh vực: phục vụ vận chuyển.
- Trên cơ sở kết luận của Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A (H1N1) ngành giao thông vận tải, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan có trách nhiệm chủ động triển khai trong đơn vị mình; báo cáo kết quả hoạt động về Ban Chỉ đạo cũng như đề xuất các giải pháp cho hoạt động tiếp theo.
4. Lịch hoạt động
Tùy diễn biến tình hình dịch cụ thể Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A (H1N1) ngành Giao thông vận tải triệu tập họp định kỳ hay đột xuất theo đề nghị của Phó trưởng ban thường trực.
Trong thời gian bùng phát đại dịch các cơ quan có Thủ trưởng là thành viên Ban chỉ đạo bố trí ứng trực chỉ đạo giải quyết các tình huống vận chuyển và y tế phát sinh tại các địa phương theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn.
Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A (H1N1) ngành Giao thông vận tải, Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng và triển khai kế hoạch hành động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc để có các biện pháp chỉ đạo kịp thời.
Phần 3.
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÒNG CHỐNG ĐẠI DỊCH CÚM A (H1N1)
1. Mục tiêu:
1.1. Phòng ngừa lây lan dịch bệnh tại các đơn vị ngành giao thông vận tải và trên các phương tiện giao thông.
1.2. Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thiết bị vận chuyển sẵn sàng ứng phó huy động kịp thời khi có đại dịch xảy ra.
1.3. Ngành y tế giao thông vận tải có trách nhiệm bảo vệ tốt sức khỏe của cán bộ công nhân viên trong ngành cũng như sức khỏe cộng đồng.
2. Trách nhiệm của các đơn vị
- Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo phòng chống dịch, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp phòng, chống không để dịch xuất hiện từ cơ quan, đơn vị, gia đình mình.
- Quán triệt đến toàn thể cán bộ viên chức lao động thuộc cơ quan, đơn vị về diễn biến tình hình dịch, nguy cơ lây lan, tính phức tạp và sự nguy hiểm của dịch cúm A (H1N1)
- Có các biện pháp chủ động phòng ngừa trong cơ quan, đơn vị nhất là với đội ngũ những người trực tiếp tiếp xúc với mầm dịch như: lái xe, thanh tra giao thông, cán bộ công nhân viên tại bến xe, nhà ga, sân bay, cảng và những người khác được phân công thực hiện nhiệm vụ.
- Sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng chống và dập tắt dịch khi có yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
- Nâng cao ý thức trách nhiệm của các cán bộ viên chức lao động khi phát hiện tại khu vực ở, nơi làm việc có người có biểu hiện cúm phải thông báo kịp thời cho cơ quan y tế.
3. Trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, đơn vị (sau đây gọi chung là cơ quan thuộc ngành) trong việc phòng chống dịch cúm A (H1N1)
3.1. Cục Y tế Giao thông vận tải
- Là cơ quan thường trực tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải về công tác phòng chống dịch cúm A (H1N1) ngành giao thông vận tải.
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch, báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A (H1N1) ngành Giao thông vận tải về diễn biến tình hình dịch.
- Thực hiện kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A (H1N1) và các bệnh dịch nguy hiểm khác (kế hoạch ban hành tại công văn số 288/KH-CYT ngày 30/6/2009 của Cục Y tế Giao thông vận tải).
- Hướng dẫn đôn đốc kiểm tra các đơn vị ngành giao thông vận tải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
- Chỉ đạo các cơ sở y tế ngành giao thông vận tải thành lập các đội phòng chống dịch lưu động, đội cấp cứu có đầy đủ trang thiết bị, thuốc, hóa chất sẵn sàng phòng chống dịch; Thường trực 24/24h; Chủ động phối hợp với y tế địa phương phòng chống dịch hiệu quả khi có dịch xảy ra.
- Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng các phương án cấp cứu, thu dung, điều trị, cách ly, chăm sóc người bệnh với đầy đủ trang thiết bị, thuốc, hóa chất, các phương tiện cần thiết để xử lý và điều trị theo đúng hướng dẫn tại Quyết định số 1440/QĐ-BYT ngày 29/4/2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A (H1N1) ở người.
- Hướng dẫn các đơn vị triển khai các biện pháp phòng hộ cho cán bộ có nguy cơ cao tiếp xúc với hành khách, người bệnh có khả năng nhiễm cúm A (H1N1)
- Phối hợp với các cơ quan có liên quan của ngành giao thông vận tải trong các hoạt động chỉ đạo phòng chống dịch và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền khi cần thiết.
- Tham mưu cho Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A (H1N1) ngành Giao thông vận tải các biện pháp phòng chống có liên quan đến ngành.
3.2. Các Vụ chức năng của Bộ
- Tùy theo chức năng nhiệm vụ của mình tham mưu cho Lãnh đạo Bộ các biện pháp đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn phục vụ vận chuyển phòng chống dịch, hợp tác quốc tế, kinh phí cho hoạt động đó.
- Vụ Vận tải là cơ quan tham mưu cho Lãnh đạo Bộ về công tác phục vụ vận chuyển; phối hợp hoạt động của các Cục quản lý vận tải chuyên ngành.
- Vụ Tài chính: Hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện công văn số 6285/BTC-HCSN ngày 4/5/2009 của Bộ Tài chính về việc bố trí kinh phí thực hiện phòng chống dịch cúm A (H1N1).
3.3. Các Cục: Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Đường bộ Việt Nam; Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; các Tổng công ty cảng hàng không:
- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế ngành, y tế địa phương, cơ quan kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, sân bay, cảng biển trong việc tổ chức và thực hiện các biện pháp kiểm dịch y tế đối với hành khách nhập cảnh; Khi phát hiện những trường hợp nghi ngờ cúm A (H1N1) phải tổ chức cách ly, theo dõi y tế, kiểm tra sức khỏe và xử lý kịp thời theo đúng quy định của Bộ Y tế.
- Phối hợp cung cấp đầy đủ danh sách, địa chỉ, số điện thoại và các thông tin cần thiết của tất cả các hành khách nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng có dịch đến, phối hợp với y tế địa phương theo dõi, giám sát.
- Phối hợp thực hiện kiểm dịch y tế tại các cảng biển theo đúng yêu cầu của y tế đối với tàu biển nhập cảnh từ vùng dịch.
- Xử lý triệt để chất thải của hành khách trên các phương tiện giao thông và nhà ga, bến tàu, bến xe, sân bay, cảng biển; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng phòng chống dịch của ngành y tế, công an, thú y, quản lý thị trường để kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm tại các đầu mối giao thông, trên các tuyến giao thông.
3.4. Các Sở Giao thông vận tải
Căn cứ vào văn bản chỉ đạo điều hành của Ban Bí thư Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm A (H1N1) ngành giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể tại địa phương; có các biện pháp ứng phó kịp thời; huy động người và phương tiện vận chuyển khi xảy ra tình trạng khẩn cấp theo đúng các quy định của pháp luật.
3.5. Các Tổng công ty vận tải, các doanh nghiệp vận tải
Xây dựng kế hoạch và thực hiện việc dự trữ đầy đủ phương tiện thiết bị vận chuyển, nhân lực để hỗ trợ cho các đơn vị y tế vận chuyển bệnh nhân, hàng hóa cứu trợ theo sự chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người. Có kế hoạch phòng ngừa cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao như lái, phụ xe, nhân viên phục vụ trên xe, công nhân bốc vác.
3.6. Khối trường học:
Các trường đại học, cao đẳng, trung học, dạy nghề chủ động theo dõi diễn biến dịch và triển khai triệt để các biện pháp phòng chống dịch theo đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia.
3.6. Lực lượng thanh tra giao thông
Phối hợp chặt chẽ có hiệu quả với các lực lượng chức năng kiểm tra tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch cúm A (H1N1) trên các phương tiện, thiết bị vận chuyển. Kiên quyết không để phương tiện vận tải hàng vận chuyển gia súc, gia cầm khi không có giấy kiểm dịch.
3.7. Cơ quan báo chí tuyên truyền
Báo Giao thông vận tải, Tạp chí Giao thông vận tải, Báo Bạn đường và các cơ quan thông tin, tuyên truyền khác của ngành có trách nhiệm dành một thời lượng thích hợp hoặc một trang chuyên đề để thường xuyên thông tin tuyên truyền tới toàn thể cán bộ công nhân viên của ngành về sự nguy hiểm của dịch, diễn biến tình hình dịch, biện pháp phòng tránh, các quy định về phòng chống dịch nhất là công tác phục vụ vận chuyển.
4. Tổ chức thực hiện:
- Các cơ quan đơn vị căn cứ kế hoạch chung khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể cho cơ quan đơn vị mình; kế hoạch phối hợp với các cơ quan trong và ngoài ngành; dự trù kinh phí cần thiết để tổng hợp đề nghị Bộ Tài chính
- Các Cục quản lý vận tải chuyên ngành, các Tổng công ty vận tải lập danh sách các doanh nghiệp chủ đạo, số lượng phương tiện dự trữ, để trưng dụng ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu của cơ quan chức năng. Thông báo tới các doanh nghiệp để có các kế hoạch, biện pháp chuẩn bị.
- Trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc kịp thời báo cáo với cơ quan cấp trên để giải quyết kịp thời.
Phần 4.
CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO
1. Công tác tuyên truyền:
Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý của mình các cơ quan thuộc ngành giao thông vận tải có trách nhiệm tuyên truyền sâu rộng diễn biến tình hình dịch, mối nguy hiểm, các biện pháp phòng chống, các chỉ đạo, quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các Hiệp hội nghề nghiệp có liên quan... có trách nhiệm tuyên truyền vận động sâu rộng tới các đoàn viên, hội viên về công tác phòng chống dịch.
2. Chế độ thông tin, báo cáo
Định kỳ và đột xuất báo cáo tình hình phục vụ vận chuyển, dự trữ phương tiện thiết bị ứng phó trong tình huống khi đại dịch phát sinh.
Nếu không có các tình huống đột xuất, Ban chỉ đạo ngành định kỳ họp vào ngày đầu tuần sau giao ban của Ban Chỉ đạo quốc gia. Thời gian cụ thể do Văn phòng Bộ Giao thông vận tải thông báo.
Mọi thông tin trong quá trình phòng chống dịch cúm A (H1N1) xin gửi về:
1. Cục Y tế Giao thông vận tải: các thông tin về diễn biến dịch bệnh
+ Địa chỉ: 73 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội.
+ Điện thoại: 04.38453251
+ Fax: 04.38233054
+ Thư điện tử: cucytegiaothong@mt.gov.vn
2. Vụ Vận tải: các thông tin về vận chuyển
+ Địa chỉ: 80 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
+ Điện thoại: 04.39420259; 04.39423069
+ Fax: 04.39423291
+ Thư điện tử: vuvantai@mt.gov.vn
Trong quá trình xây dựng kế hoạch chi tiết của cơ quan, đơn vị và quá trình triển khai thực hiện kế hoạch này, nếu có phát sinh hoặc vướng mắc cần phản ánh bằng văn bản về Ban chỉ đạo ngành (qua Cục Y tế Giao thông vận tải) để giải quyết kịp thời./.
- 1Quyết định 4631/QĐ-BGDĐT năm 2009 về Kế hoạch hành động phòng chống đại dịch cúm A(H1N1) trong các cơ sở giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2Công văn số 6132/BGDĐT-CTHSSV về việc đẩy mạnh công tác phòng chống đại dịch cúm A(H1N1) trong các cơ sở giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 3Công văn số 4985/BYT-PC về việc tăng cường chỉ đạo tuyên truyền phòng chống đại dịch cúm A (H1N1) do Bộ Y tế ban hành
- 4Quyết định 4088/QĐ-BGTVT năm 2013 Kế hoạch hành động của Bộ Giao thông vận tải về phát triển bền vững giai đoạn 2013 - 2020
- 1Công điện 639/CĐ-TTg về chủ động phòng ngừa dịch cúm lợn A (H1N1), bảo vệ sức khỏe nhân dân do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 1440/QĐ-BYT năm 2009 Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm lợn A (H1N1) ở người do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 3Công văn số 6285/BTC-HCSN về việc bố trí kinh phí thực hiện phòng, chống dịch cúm A(H1N1) do Bộ Tài chính ban hành
- 4Công điện 732/CĐ-TTg về việc phòng, chống dịch tiêu chảy cấp và dịch cúm A(H1N1) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 4631/QĐ-BGDĐT năm 2009 về Kế hoạch hành động phòng chống đại dịch cúm A(H1N1) trong các cơ sở giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 6Công văn số 6132/BGDĐT-CTHSSV về việc đẩy mạnh công tác phòng chống đại dịch cúm A(H1N1) trong các cơ sở giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 7Công văn số 4985/BYT-PC về việc tăng cường chỉ đạo tuyên truyền phòng chống đại dịch cúm A (H1N1) do Bộ Y tế ban hành
- 8Quyết định 4088/QĐ-BGTVT năm 2013 Kế hoạch hành động của Bộ Giao thông vận tải về phát triển bền vững giai đoạn 2013 - 2020
Công văn 4593/BGTVT-CYT về kế hoạch hành động phòng chống đại dịch cúm A (H1N1) do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Số hiệu: 4593/BGTVT-CYT
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 07/07/2009
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Hồ Nghĩa Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/07/2009
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực