Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 459/CP-KG

Hà Nội, ngày 29 tháng 4 năm 2002

 

CÔNG VĂN

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 459/CP-KG NGÀY 29 THÁNG 4 NĂM 2002 VỀ TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
- Các Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết số 40/2000/QH-10 ngày 09 tháng 12 năm 2000 của Quốc hội, Chỉ thị số 14/2001/CT-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chương rình giáo dục phổ thông, trong hai ngày 17 và 18 tháng 4 năm 2002 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Trên cơ sở kết quả của Hội nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội cần quán triệt sâu sắc tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn, tính cấp thiết của công việc này. Việc triển khai phải được chỉ đạo nghiêm túc, khoa học, cẩn trọng song phải khẩn trương nhất quán; trong quá tình triển khai Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp để kịp thời có các giải pháp chỉ đạo cần thiết.

Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới phải bảo đảm đồng bộ bốn khâu cơ bản:

- Đổi mới nội dung, chương trình, sách giáo khoa.

- Đổi mới phương pháp giảng dạy gắn liền với đổi mới và xây dựng đội ngũ giáo viên.

- Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị giảng dạy.

- Đổi mới công tác quản lý giáo dục.

2. Để triển khai thành công chương trình giáo dục phổ thông mới, yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương thực hiện các nhiệm vụ sau:

a. Bộ Giáo dục và Đào tạo:

- Sớm hoàn chỉnh kế hoạch tổng thể đổi mới nội dung chương trình giáo dục của các cấp phổ thông để làm cơ sở vững chắc cho triển khai đổi mới ở từng cấp học, từng môn học, làm cho toàn ngành giáo dục thống nhất cao, cho xã hội hiểu rõ, đồng tình và hỗ trợ cho quá trình triển khai.

- Rà soát lại toàn bộ các nhiệm vụ và kế hoạch triển khai đại trà sách lớp 1, lớp 6 và có biện pháp chỉ đạo chung cho cả nước và tập trung cho các tỉnh có khó khăn để:

+ Cung cấp đủ, kịp thời sách giáo khoa, sách giáo viên cho giáo viên và cho học sinh, nhất là bảo đảm sách giáo khoa cho học sinh các vùng khó khăn, các đối tượng chính sách, các gia đình nghèo.

+ Tổ chức tốt việc bồi dưỡng giáo viên; bảo đảm các giáo viên phải được bồi dưỡng đủ các nội dung cần thiết khi thực hiện giảng dạy theo chương trình mới, sách mới; khẩn trương có đề án cụ thể đổi mới đào tạo giáo viên trong hệ thống trường sư phạm để đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

+ Triển khai việc đánh giá, phân loại chất lượng, trên cơ sở đó có giải pháp để sắp xếp, bồi dưỡng, đổi mới đội ngũ giáo viên và giải quyết các chế độ chính sách liên quan.

+ Ban hành ngay quy định danh mục các đồ dùng dạy học tối thiểu phải có để các địa phương có căn cứ mua sắm, phục vụ việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.

- Cùng với công việc trên cần chỉ đạo sát sao việc biên soạn, thẩm định, in ấn sách giáo khoa, tập huấn giáo viên đối với các bộ môn còn lại của các lớp thuộc bậc tiểu học, bậc phổ thông. Nghiên cứu kỹ và tiếp thu các ý kiến đóng góp của nhân dân, đặc biệt của các nhà giáo dục, các nhà khoa học để hoàn thiệt được bộ sách giáo khoa tốt, có thể sử dụng lâu dài.

- Chỉ đạo thực hiện tốt đổi mới một bước công tác thi vào đại học cao đẳng năm nay; đồng thời tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện đề án đổi mới toàn bộ công tác thi cử ở các cấp theo hướng nâng cao chất lượng, công bằng, giảm tốn kém và căng thẳng cho học sinh và xã hội.

- Chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng đề án thực hiện chương trình kiên cố hoá trường lớp để trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 2002. Đề án phải làm rõ thực trạng ở từng địa phương; huy động các nguồn lực, kiến nghị các cơ chế chính sách, giải pháp và bước đi cụ thể; Nhà nước ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho các tỉnh, các vùng có nhiều khó khăn. Phấn đấu để đến khoảng năm 2005 có thể xoá bỏ hoàn toàn các lớp học tranh tre, nứa lá.

b. Bộ Tài chính bảo đảm ngân sách cho giáo dục, bố trí đủ kinh phí cho các yêu cầu cần thiết, tối thiểu của việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới; bảo đảm kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi đối với nhà giáo theo tinh thần Nghị định số 35/2001/NĐ-CP của Chính phủ; nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách để huy động các nguồn tài chính cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đặc biệt là trang thiết bị và đồ dùng dạy học, cho việc xây dựng và đổi mới đội ngũ giáo viên; nghiên cứu thống nhất cơ chế tài chính đối với giáo dục nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành giáo dục, các địa phương chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ.

c. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với từng tỉnh rà soát lại tình hình đội ngũ giáo viên của từng địa phương, giải quyết vấn đề giáo viên theo tinh thần Chỉ thị số 18/2001/CT-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ; cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng các cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể cho việc sắp xếp, bồi dưỡng, đổi mới và xây dựng đội ngũ giáo viên.

d. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất cơ chế huy động các nguồn lực cho phát triển giáo dục, cho việc thực hiện chương trình kiên cố hoá trường lớp học; nghiên cứu, đề xuất cơ chế thích hợp cho việc triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.

đ. Uỷ ban nhân dân các tỉnh

- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể về triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và báo cáo tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân để có sự lãnh đạo thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ này; Uỷ ban nhân dân tỉnh phải bảo đảm về kinh phí cho việc triển khai bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, thay sách, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và đồ dùng dạy học, đặc biệt là đối với các vùng khó khăn.

- Xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể của địa phương về thực hiện chương trình kiên cố hoá trường lớp; giải quyết đất cho xây dựng trường lớp học, chỉ đạo thực hiện các giải pháp để giải toả các nơi bị lấn chiếm, cải tạo, mở rộng các cơ sở trường lớp hiện có nhằm bảo đảm môi trường học tập theo quy định.

- Chỉ đạo để đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá giáo dục; thực hiện tốt việc sơ kết xã hội hoá theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 889/CP-KG, ngày 28 tháng 9 năm 2001 về thực hiện chủ trương xã hội hoá hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao để tiến tới tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác này.

- Chỉ đạo để tăng cường quản lý nhà nước về giáo dục tại địa phương, ngăn chặn và đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.

e. Hội Khuyến học tham gia huy động các tầng lớp nhân dân đóng góp nguồn lực, trí tuệ, phối hợp giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội góp phần tạo điều kiện triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông mới và phát triển giáo dục nói chung.

g. Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin báo chí đưa tin để toàn xã hội nhận thức rõ tính cấp thiết và tầm quan trọng của việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, thay sách giáo khoa; đồng thời đóng góp ý kiến, kiến nghị các mô hình, các giải pháp tốt để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

 

Phạm Gia Khiêm

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 459/CP-KG của Chính phủ về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

  • Số hiệu: 459/CP-KG
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 29/04/2002
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phạm Gia Khiêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản