Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4509/BVHTT-KHTC | Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2005 |
Kính gửi: | - Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương |
Căn cứ vào kết quả thực hiện Nghị quyết 90/CP ngày 21/8/1997 của Chính phủ, Nghị định 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực văn hoá và triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin đã có Quyết định số 61/2005/QĐ-BVHTT ngày 04 tháng 11 năm 2005 phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển xã hội hoá hoạt động văn hoá đến năm 2010.
Để giúp triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch đã được phê duyệt, Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn cụ thế như sau:
I- KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 90/CP VÀ NGHỊ ĐỊNH 73 VỀ XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ
Xã hội hoá các hoạt động văn hoá bước đầu đã được thực hiện rộng khắp trong phạm vi cả nước. Ngành Văn hoá - Thông tin đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, nhất là với các Hội Văn học - Nghệ thuật, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nên đã huy động được nhiều lực lượng xã hội tham gia, tạo được nhiều nguồn lực cho phát triển văn hoá. Nhiều sản phẩm văn hoá, nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều mô hình văn hoá thông tin cơ sở hoạt động có hiệu quả, có 24.401 đội văn nghệ quần chúng ở khu vực dân cư và hàng chục ngàn đội văn nghệ quần chúng ở khu vực cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị quân đội; có 12.091.222/17.978.782 hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá; 31.494/88.477 làng, ấp và 6.002/17.047 khu phố được công nhận làng, ấp, khu phố về xây dựng văn hoá; 392/10.752 xã phường được công nhận xã phường văn hoá và 29.492/32.582 đơn vị, cơ quan được công nhận là đơn vị, cơ quan văn hoá…
Xã hội hoá các hoạt động văn hoá chuyên ngành diễn ra khá mạnh, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, như xuất bản-in-phát hành có tốc độ xã hội hoá cao, phát triển khá đa dạng, số lượng xuất bản phẩm tăng nhanh, từ 2923 đầu sách (1990), với 38.208 triệu bản, lên tới 18.641 đầu sách (2003), với 243,830 triệu bản…Một số hãng phim tư nhân đã được thành lập, đã bỏ vốn sản xuất được nhiều bộ phim phục vụ xã hội với tổng trị giá gần 10 tỷ đồng, góp phần tăng mức hưởng thụ về nghệ thuật điện ảnh cho nhân dân. Lĩnh vực thư viện thực hiện xã hội hoá được thông qua các hình thức liên kết, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức trong nước từ trung ương đến địa phương và sự tham gia đóng góp của nhân dân, đến nay cả nước có gần 7000 thư viện, phòng đọc sách ở cơ sở do ngành VHTT quản lý, gần 7.500 Điểm Bưu điện - Văn hoá xã, 10.000 tủ sách pháp luật, 400 tủ sách đồn biên phòng. Các lĩnh vực khác đều có sự tham gia, đóng góp của tư nhân, như nghệ thuật biểu diễn có Khoảng 100 đoàn, nhóm tư nhân, 150 rạp hát tư nhân; mỹ thuật nhiếp ảnh có 150 Gallery mỹ thuật của tư nhân; di sản văn hoá, từ 1999 - 2003 đã huy động được từ xã hội 460 tỷ đồng để chống xuống cấp di tích. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ văn hoá phát triển mạnh, hình thành một mạng lưới các cơ sở bán, cho thuê băng đĩa hình, đĩa nhạc rộng khắp. Đối với các đơn vị sự nghiệp ở Trung ương, khối nghệ thuật tự đảm bảo 23,87% kinh phí; khối văn hoá 10,21%; khối đào tạo 12,55%, khối bảo tàng 4,42%; khối thông tin 16,89%. Ở địa phương, khối nhà văn hoá tự đảm bảo 5,64% kinh phí; khối nghệ thuật 5,40%; khối thư viện 4,21%; khối bảo tồn di tích 4,42%.
Những khuyết Điểm và tồn tại:
- Việc sắp xếp, đổi mới, cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp theo hướng xã hội hoá còn chậm và gặp nhiều khó khăn.
- Công tác xã hội hoá hoạt động văn hoá phát triển không đồng đều ở các vùng miền, lĩnh vực, tập trung vào các lĩnh vực và hoạt động dễ thu lợi nhuận.
- Một số lĩnh vực như in, phát hành, hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hoá thì công tác xã hội hoá phát triển mạnh. Tuy nhiên, đã nẩy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, thiếu lành mạnh, làm ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Nguyên nhân chính của những vấn đề tồn tại trên đây là:
- Trước hết, nhận thức của các ngành, các cấp nhất là lãnh đạo các địa phương, đơn vị cơ sở chưa thật sâu sắc, chỉ đạo thiếu kiên quyết; còn mang nặng tư duy, thói quen bao cấp. Mặt khác, văn hoá là lĩnh vực nhạy cảm, mang tính định hướng tư tưởng nên còn lúng túng trong chỉ đạo, chưa lường hết được những mặt trái nảy sinh trong quá trình thực hiện và phức tạp của cơ chế thị trường.
- Thiếu quy hoạch, kế hoạch tổng thể để định hướng và xác định bước đi phù hợp cho từng vùng, từng lĩnh vực; còn mang tính tự phát, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.
- Công tác quản lý, chỉ đạo còn bị động, chậm đổi mới, lúng túng, còn nhiều bất cập. Còn thiếu nhiều cơ chế, chế độ chính sách đặc thù để tạo hành lang pháp lý cho phát triển xã hội hoá các hoạt động văn hoá.
II. MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC XÃ HỘI HOÁ ĐẾN NĂM 2010.
1. Mục tiêu
Huy động, thu hút mọi nguồn lực vật chất, trí tuệ, tinh thần thuộc các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống; sáng tạo, cung cấp, phổ biến và tạo ra nhiều sản phẩm, tác phẩm, công trình văn hoá có chất lượng, phong phú, đa dạng, dân tộc và hiện đại nhằm nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Đến năm 2010 các cơ sở ngoài công lập và các lực lượng tham gia xã hội hoá đảm bảo từ 40-60% nhu cầu dịch vụ văn hoá và huy động nguồn vốn từ xã hội chiếm Khoảng 49%. Chuyển đổi 100% số đơn vị sự nghiệp ngành văn hoá thông tin sang cơ chế cung ứng dịch vụ (đơn vị cung ứng dịch vụ văn hoá) khi cơ chế mới được ban hành. Năm 2006 bắt đầu lựa chọn Điểm trong số đơn vị được dự kiến chuyển đổi hướng dẫn xây dựng đề án, chuẩn bị các Điều kiện về cơ sở vật chất - con người - cơ chế chính sách, khi có đủ diều kiện thực hiện chuyển đổi thí Điểm sang hình thức ngoài công lập và rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện chuyển đổi trên diện rộng. Đối với các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức nhà nước liên doanh, liên kết với nước ngoài thuộc ngành văn hoá thông tin quản lý được tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và các quy định hiện hành.
2. Nguyên tắc phát triển xã hội hoá các hoạt động văn hoá
- Tăng nguồn lực đầu tư cho văn hoá, đồng thời đổi mới Mục tiêu, phương thức, cơ cấu và nguồn vốn đầu tư; tập trung nguồn lực cho các Mục tiêu ưu tiên và cho chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hoá; ưu tiên hỗ trợ, đầu tư cho các vùng nghèo, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập dưới hai hình thức dân lập và tư nhân: Ưu tiên, khuyến khích thành lập và có chính sách ưu đãi cho những hoạt động văn hoá thông tin then chốt góp phần định hướng chính trị - tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ và giá trị xã hội; bảo tồn và phát triển giá trị di sản văn hoá; các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân gian, phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc. Khuyến khích thành lập và tạo Điều kiện ưu đãi về cơ sở vật chất, chính sách thuế cho các cơ sở vật chất, chính sách thuế cho các cơ sở ngoài công lập hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận.
- Có bước đi thích hợp cho từng loại hình, từng vùng, miền; chú trọng phát triển mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá ở các thành phố lớn, đô thị và ở các vùng kinh tế phát triển. Tạo mọi Điều kiện để nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của toàn xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng đến các đối tượng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hoá. Giao quyền tự chủ cho Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét để từng bước chuyển sang loại hình ngoài công lập các đoàn nghệ thuật, các trường đào tạo văn hoá nghệ thuật trình độ trung cấp. Khuyến khích tách một số khoa hoặc ngành đào tạo không chuyên sâu, có tính phổ thông, quần chúng để thành lập các cơ sở văn hoá nghệ thuật ngoài công lập. Khuyến khích các đơn vị, tổ chức ngoài công lập xây dựng các thiết chế văn hoá thông tin cơ sở theo nguyên tắc tự tổ chức, tự quản lý và chịu sự quản lý nhà nước của cơ quan có thẩm quyền.
- Tăng cường quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách về xã hội hoá nhằm phát triển sự nghiệp văn hoá - thông tin theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.
III. NỘI DUNG QUY HOẠCH ĐẾN NĂM 2010
1. Các đơn vị sự nghiệp hiện có của ngành văn hoá thông tin
a) Trung ương
- Tiếp tục duy trì dưới hình thức công lập 10 đoàn nghệ thuật truyền thống và tiêu biểu như: Tuồng chèo, cải lương, xiếc, ca múa nhạc dân tộc, giao hưởng, múa cổ điển châu Âu (ballet), múa rối, nhạc-vũ kịch. Dự kiến chuyển Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương thành đơn vị ngoài công lập.
- Khối trường, tiếp tục duy trì và phát triển dưới hình thức công lập 16/16 trường đào tạo cán bộ văn học nghệ thuật và trường dạy nghề chuyên môn kỹ thuật đặc thù.
- Khối bảo tàng - thư viện, báo chí, viện nghiên cứu, các trung tâm và khối sự nghiệp khác tiếp tục được duy trì và phát triển dưới hình thức công lập. Riêng Trung tâm Kỹ thuật điện ảnh Việt Nam, dự kiến từng bước chuyển thành đơn vị ngoài công lập; Ban quản lý Làng văn hoá du lịch Việt Nam sẽ hoạt động theo cơ chế riêng.
Sau sắp xếp, số đơn vị cung ứng dịch vụ văn hoá thông tin trực thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin là 49. Số đơn vị dự kiến chuyển đổi thành đơn vị ngoài công lập là 3/tổng số 52 đơn vị sự nghiệp hiện có và chỉ thực hiện chuyển đổi khi có đủ Điều kiện xã hội hoá.
b) Ở địa phương quy hoạch, sắp xếp theo hướng
- Ở mỗi tỉnh chỉ duy trì một đoàn nghệ thuật truyền thống và tiêu biểu. Tỉnh, thành phố có nhiều đoàn nghệ thuật công lập, Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét giảm còn tối thiểu số đoàn ( chuyển đổi thành ngoài công lập hoặc sát nhập), chỉ giữ lại những đoàn nghệ thuật công lập truyền thống, tiêu biểu của địa phương. Từng bước chuyển đổi các đơn vị nghệ thuật còn lại thành các đơn vị ngoài công lập, do tập thể, cá nhân quản lý trên cơ sở hoàn trả vốn nhà nước.
- Tiếp tục duy trì công lập số trường đào tạo cán bộ văn hoá nghệ thuật có trình độ trung cấp, cao đẳng ở địa phương và Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét chuyển đổi thành trường dân lập, tư thục khi có đủ các Điều kiện chuyển đổi.
- Tiếp tục được duy trì và phát triển dưới hình thức công lập các bảo tàng, ban quản lý di tích, thư viện tỉnh, thành phố, quận, huyện trong cả nước.
- Hệ thống các Nhà xuất bản, cơ quan báo chí; trung tâm văn hoá thông tin (bao gồm cả trung tâm triển lãm, văn hoá, văn hoá - thể thao, thông tin; nhà văn hoá, nhà triển lãm); trung tâm phát hành phim ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa; các đội thông tin lưu động ở địa phương được tiếp tục duy trì và phát triển dưới hình thức công lập. Nhà nước khuyến khích và giao Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét chuyển đổi các trung tâm văn hoá thông tin ở các thành phố lớn, đô thị và ở các vùng kinh tế phát triển thành các đơn vị ngoài công lập khi có đủ các Điều kiện. Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định thuộc thẩm quyền hình thức chuyển đổi các trung tâm phát hành phim không thuộc vùng miền núi, vùng sâu, vung xa sang hình thức ngoài công lập. Quá trình chuyển đổi phải có bước đi thích hợp phù hợp với đặc Điểm vùng, miền và chỉ chuyển đổi khi có đủ các Điều kiện cho phép.
Nhanh chóng chuyển đổi toàn bộ số đơn vị công lập hoạt động trong lĩnh vực văn hoá thông tin ở trung ương và địa phương sang cơ chế cung ứng dịch vụ khi cơ chế mới có hiệu lực thi hành.
2. Xã hội hoá các hoạt động văn hoá thông tin cơ sở
- Khuyến khích các cá nhân, đơn vị, tổ chức ngoài công lập được thành lập thiết chế văn hoá thông tin cơ sở; Nhà văn hoá ở tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã, phường, thị trấn, thôn, làng, ấp, bản; cụm kinh tế - văn hoá, cụm văn hoá - thể thao; Điểm sáng văn hoá; Điểm vui chơi cho trẻ em ở xã, phường, làng, ấp, thôn bản; nhà văn hoá thanh thiếu nhi, nhà văn hoá các ngành khác…
- Các cá nhân, đơn vị, tổ chức ngoài công lập được đầu tư, tham gia hoạt động, phối hợp với các tổ chức công lập xây dựng đời sống văn hoá cơ sở; được tham gia xây dựng quy ước, hương ước không trái với các quy định của pháp luật; được đăng ký, tổ chức lễ hội (trừ lễ hội có tính quốc gia), đám cưới, đám tang.
- Các cá nhân, đơn vị, tổ chức ngoài công lập được đầu tư, tham gia hoạt động trong lĩnh vực văn hoá văn nghệ quần chúng ở xã, phường, cơ quan, đơn vị gồm: Liên hoan - Hội diễn Ngành văn hoá và các ngành khác; lớp tập huấn, lớp năng khiếu, bồi dưỡng nghiệp vụ; nhóm - câu lạc bộ sở thích, nhóm - câu lạc bộ truyền thống và các loại hình văn nghệ dân gian khác…
Các cá nhân, đơn vị, tổ chức tham gia các hoạt động nêu trên phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật, trên nguyên tắc tự tổ chức, quản lý, nghĩa vụ đóng góp thuế và chịu sự quản lý về mặt nhà nước. Nhà nước sẽ xem xét tài trợ một phần hoặc toàn bộ cơ sở vật chất ban đầu cho các hoạt động văn hoá thông tin cơ sở được tổ chức, thực hiện và phục vụ tại các địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đặc thù, dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
3. Xã hội hoá hoạt động văn hoá chuyên ngành
- Khuyến khích các cá nhân, gia đình, tập thể, đơn vị và các thành phần kinh tế khác được thành lập các đoàn nghệ thuật, đơn vị tổ chức biểu diễn, cơ sở sản xuất và phát hành băng đĩa nhạc, sân khấu.
- Được thành lập các trường văn hoá nghệ thuật dân lập, tư thục. Khuyến khích các trường văn hoá nghệ thuật công lập tách một số khoa (hoặc ngành) để thành lập trường dân lập, tư thục văn hoá nghệ thuật. Khuyến khích các Hội trung ương và địa phương liên kết hoặc thành lập các trường đào tạo văn hoá nghệ thuật ngoài công lập. Cho phép các tổ chức đào tạo của nước ngoài hoặc người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài thành lập các trường đào tạo văn hoá nghệ thuật tại Việt Nam.
- Được thành lập hãng phim tư nhân, hãng phim cổ phần tại các tại các trung tâm tỉnh, thành phố theo quy định hiện hành và không có sự phân biệt giữa công và tư; thành lập cơ sở phát hành phim, xây dựng rạp chiếu phim, thuê lại rạp chiếu phim của Nhà nước, được thành lập đội chiếu phim phục vụ nông thôn, miền núi, hải đảo và được tài trợ buổi chiếu như đơn vị công lập. Đơn vị có rạp được phép nhập khẩu phim nhựa, băng đĩa hình phát hành tại rạp và trong phạm vi toàn quốc theo quy định.
- Được thành lập bảo tàng, sưu tập tư nhân ở các địa phương. Khuyến khích, vận động nhân dân, các thành phần kinh tế góp vốn, sức người, sức của để gìn giữ, tôn tạo các di tích cách mạng, lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh; gìn giữ, truyền dạy và phát huy giá trị các di sản văn hoá phi vật thể của đất nước. Khu vực có di tích, thắng cảnh nổi tiếng, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, khai thác các giá trị theo quy hoạch để tạo nguồn kinh phí bảo vệ, tôn tạo các di tích, thắng cảnh. Khuyến khích, vận động nhân dân thành lập Ban quản lý bảo vệ di tích ở địa phương có di tích, thắng cảnh; thành lập các Hội, Câu lạc bộ nghề thủ công, truyền thống, văn hoá văn nghệ dân gian ở các địa phương.
- Chủ sở hữu tác phẩm, cá nhân, tổ chức có tư cách pháp nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về in hoặc phát hành xuất bản phẩm được liên kết với nhà xuất bản dưới hình thức đầu tư vốn, tổ chức bản thảo, in và phát hành xuất bản phẩm. Các cơ sở in tư nhân được hoạt động chế bản in, in catalog, tờ rời, tờ gấp giới thiệu sản phẩm hàng hoá, hướng dẫn sử dụng thiết bị; in biểu mẫu, giấy tờ giao dịch hành chính của các doanh nghiệp; in giấy kẻ, vở học sinh. Từ 01/7/2005 cơ sở in có đủ Điều kiện theo quy định của Luật Xuất bản, phù hợp với quy hoạch của Bộ, ngành, địa phương thì được cấp phép in xuất bản phẩm. Cơ sở in nội bộ có đủ Điều kiện, được mở rộng chức năng in như doanh nghiệp. Các cơ sở in được nhập khẩu trực tiếp thiết bị ngành in.
- Mở rộng các hình thức triển lãm về mỹ thuật, nhiếp ảnh. Cho phép các thành phần kinh tế đầu tư cho việc sáng tác, triển lãm, công bố tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh (kể cả tranh tượng ngoài trời) và tổ chức các dịch vụ giới thiệu và bán sản phẩm mỹ thuật theo quy định hiện hành. Được thành lập các bảo tàng mỹ thuật, nhiếp ảnh tư nhân; thành lập, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực mỹ thuật-nhiếp ảnh. Phát triển các lớp học tư nhân về hội hoạ, nhiếp ảnh. Thành lập các Câu lạc bộ những người yêu thích mỹ thuật - nhiếp ảnh, tổ chức bán đấu giá các tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh để gây quỹ. Phát triển hình thức phổ biến tranh, ảnh bằng mạng lưới Gallery tư nhân.
- Đề nghị Nhà nước sửa đổi Pháp lệnh Thư viện cho phép thành lập thư viện tư nhân; khuyến khích thành lập câu lạc bộ bạn đọc, câu lạc bộ những người yêu thích sách và thành lập Hội Thư viện Việt Nam…
- Thành lập Hiệp hội Bản quyền tác giả âm nhạc, Hiệp hội Xuất bản… và tiến tới thành lập Hiệp hội Bản quyền trong lĩnh vực văn hoá, thông tin; được tổ chức cơ sở hoạt động tư vấn và dịch vụ bản quyền tác giả.
4. Xã hội hoá đối với các doanh nghiệp nhà nước
Các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức liên doanh, liên kết với nước ngoài thuộc ngành văn hoá thông tin quản lý tiếp tục được sắp xếp, đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động hoặc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần theo Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ; Quyết định số 103/2003/QĐ-TTg ngày 27/5/2003, Quyết định số 226/2005/QĐ-TTg ngày 15/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ; các quy định hiện hành của Nhà nước và Đề án tiếp tục sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp của Bộ Văn hoá - Thông tin và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dưới hình thức doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (đối với một số doanh nghiệp trực thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin); doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn ở trung ương và địa phương quản lý được chuyển sang loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu (công ty cổ phần) trên cơ sở đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp; số doanh nghiệp không cổ phần hoá được thì chủ động chuyển sang một trong các hình thức: giao, khoán kinh doanh, bán đấu giá, giải thể, phá sản.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tiến độ thực hiện
a) Giai đoạn 2005 - 2006: Phổ biến, hướng dẫn, triển khai Quy hoạch phát triển xã hội hoá hoạt động văn hoá trong toàn ngành. Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng, bổ sung sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích. Thực hiện chuyển đổi 100% số đơn vị công lập sang cơ chế cung ứng dịch vụ (đơn vị cung ứng dịch vụ văn hoá) khi cơ chế mới có hiệu lực. Lựa chọn số đơn vị dự kiến chuyển đổi (chọn số đơn vị có tỷ lệ % tự đảm bảo kinh phí hoạt động cao) để tiến hành xây dựng đề án chuyển đổi sang hình thức ngoài công lập (chủ yếu là dân lập). Đẩy nhanh tốc độ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các công trình văn hoá, thiết chế văn hoá ở khu vực, vùng, miền, kinh tế chưa phát triển. Cuối năm 2006 tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm.
b) Giai đoạn 2007 - 2010: Tiếp tục xây dựng, chỉnh lý, bổ sung các văn bản pháp quy đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động về văn hoá. Thực hiện chuyển đổi thí Điểm (số đơn vị có đề án) khi có đủ Điều kiện và rút kinh nghiệm để tổ chức chuyển đổi trên diện rộng. Thực hiện sơ kết hàng năm và tổng kết đánh giá kết quả sau 5 năm thực hiện, đồng thời chú trọng đúc rút kinh nghiệm về xây dựng, phát triển các mô hình xã hội hoá tiêu biểu ở vùng, miền, lĩnh vực để nhân rộng trên phạm vi cả nước. Phấn đấu đến năm 2010 hoàn thành 100% chỉ tiêu đề ra. Sau 2010 sẽ xem xét Điều chỉnh, định hướng xã hội hoá các hoạt động văn hoá theo thực tế.
2. Trách nhiệm của các cấp, các ngành
- Ban chỉ đạo ở trung ương do Bộ Văn hoá - Thông tin thành lập giúp Bộ trưởng chỉ đạo Điểm, chỉ đạo nhân rộng, chỉ đạo toàn ngành tổ chức thực hiện chủ trương xã hội hoá hoạt động văn hoá theo Nghị quyết 05 và Quy hoạch phát triển xã hội hoá hoạt động văn hoá đến năm 2010 trên phạm vi toàn quốc; phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài ngành xây dựng và ban hành thuộc thẩm quyền các văn bản về cơ chế chính sách thực hiện Quy hoạch phát triển xã hội hoá hoạt động văn hoá trên phạm vi toàn quốc. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo địa phương và hệ thống ngành dọc (các Sở Văn hoá - Thông tin) thực hiện.
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ vào Điều kiện kinh tế - văn hoá - xã hội, chỉ đạo các Sở Văn hoá - Thông tin xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển xã hội hoá hoạt động văn hoá đến năm 2010 của địa phương và có nội dung phù hợp với đề án quy hoạch đã phê duyệt của Bộ Văn hoá - Thông tin.
-Sở Văn hoá - Thông tin là thành viên Ban chỉ đạo do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thành lập, đồng thời thành lập Tiểu ban giúp Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển xã hội hoá hoạt động văn hoá đến năm 2010 trên địa bàn. Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện ở địa phương với Ban chỉ đạo ở trung ương theo hệ thống ngành dọc và phối hợp với Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh…tham gia xã hội hoá hoạt động văn hoá.
V. CÁC GIẢI PHÁP VỀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH
1. Các cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hoá
- Phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ bổ sung sửa đổi Nghị định 10/2002/NĐ-CP để chuyển sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ; Nghị định 73/1999/NĐ-CP theo hướng mở rộng, bổ sung thêm các chính sách khuyến khích xã hội hoá.
- Rà soát, bổ sung sửa đổi một số văn bản hiện hành. Có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ ban đầu có thời hạn về cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ người lao động ở tổ chức công lập khi chuyển đổi sang tổ chức ngoài công lập.
- Tập trung xây dựng các văn bản pháp quy để phân định rõ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ xã hội của các nhân, thành phần kinh tế của xã hội khi tham gia xã hội hoá các hoạt động văn hoá theo cơ chế cung ứng dịch vụ văn hoá, cơ chế lợi nhuận hoặc cơ chế phi lợi nhuận.
- Xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch ngành văn hoá - thông tin. Hoàn thiện các mô hình, quy chế hoạt động của các đơn vị công lập, chế độ tài chính của các đơn vị cung ứng dịch vụ văn hoá.
- Đổi mới cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước như: Xây dựng và trình Nhà nước chính sách đấu thầu cung cấp dịch vụ do Nhà nước đặt hàng để có thể khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia; đổi mới cơ chế hỗ trợ người được hưởng thụ văn hoá thông qua các cơ sở công lập sang cấp trực tiếp cho người được hưởng thụ. Đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước theo hướng cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.
2. Các cơ chế chính sách đặc thù khuyến khích xã hội hoá (ban hành thuộc thẩm quyền hoặc đề xuất ban hành).
- Về đào tạo: Cơ chế, chính sách đào tạo ngoài chỉ tiêu được giao hàng năm; đào tạo kèm cặp tại đoàn nghệ thuật truyền thống; đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ và nâng cao trình độ; đào tạo lại và trẻ hoá đội ngũ và đào tạo giải quyết quá độ xã hội hoá các đơn vị sự nghiệp.
- Về huy động nguồn lực: Cơ chế, chính sách huy động và đa dạng hoá các hình thức đóng góp trong và ngoài nước; miễn hoặc giảm đóng góp đối với các đối tượng chính sách, khó khăn; tài trợ chi phí cho các tổ chức, cá nhân hoặc miễn trừ công lao động nghĩa vụ khi phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng sâu vùng xa.
- Ưu đãi về tài chính: Được vay vốn dài hạn, trung hạn ưu đãi; được trực tiếp nhận kinh phí hỗ trợ trong nước và ngoài nước; ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các sản phẩm văn hoá truyền thống; được bổ sung vốn lưu động từ thuế thu nhập doanh nghiệp cho một số loại hình; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ở các địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khó khăn; đảm bảo chính sách trợ cước vận chuyển sách, văn hoá phẩm lên miền núi; tăng cường sách tài trợ cho thư viện, vùng sâu, vùng xa, miền núi.
- Về sử dụng đất đai: Mở rộng đối tượng ưu đãi được miễn thuế đất và tiền sử dụng đất; mở rộng thêm đối tượng sử dụng đất cho Mục đích hoạt động văn hoá không phải trả tiền sử dụng đất và được miễn thuế đất, nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm văn hoá, bảo tàng, thư viện…đề nghị nhà nước ưu tiên bố trí xây dựng trụ sở ở những vị trí thuận lợi, có mặt tiền, ở khu dân cư.
- Chính sách xã hội: Đãi ngộ công bằng giữa các đơn vị công lập và ngoài công lập; bình đẳng hưởng thụ văn hoá giữa các dân tộc, vùng miền; ưu đãi văn nghệ sĩ lão thành, tài năng, kinh nghiệm, có nhiều đóng góp; ưu đãi hưởng thụ văn hoá cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, vùng nghèo.
- Khen thưởng: Mọi người có công đều được Nhà nước biểu dương và khen thưởng; chế độ khen thưởng đối với nghệ sĩ đoạt giải thưởng Quốc tế; khen thưởng, nuôi dưỡng các văn nghệ sĩ lão thành có nhiều đóng góp; công nhận, trao tặng danh hiệu cao quý cho các nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực nghề thủ công truyền thống, văn hoá văn nghệ dân gian…; trợ cấp, giúp đỡ các nghệ nhân gìn giữ, trình diễn, trao tặng, lưu truyền di sản văn hoá phi vật thể cho các thế hệ sau./.
Nơi nhận: | KT.BỘ TRƯỞNG |
- 1Công văn số 5806/VPCP-VX về việc tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, dạy nghề và thể dục thể thao do văn phòng chính phủ ban hành
- 2Thông báo số 16/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp về soạn thảo nghị định sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa và thể thao do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Báo cáo số 3325/BC-BNV về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao do Bộ Nội vụ ban hành
- 1Quyết định 226/2005/QĐ-TTg điều chỉnh phương án sắp xếp, đổi mới một số công ty nhà nước thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định số 61/2005/QĐ-BVHTT phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa đến năm 2010 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin ban hành
- 3Nghị quyết số 90-CP về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá do Chính phủ ban hành
- 4Nghị định 73/1999/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao
- 5Pháp Lệnh thư viện năm 2000
- 6Nghị định 10/2002/NĐ-CP về Chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu
- 7Quyết định 103/2003/QĐ-TTg phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới Doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin đến năm 2005 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Nghị định 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần
- 9Luật Xuất bản 2004
- 10Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục, thể thao do Chính Phủ ban hành
- 11Công văn số 5806/VPCP-VX về việc tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, dạy nghề và thể dục thể thao do văn phòng chính phủ ban hành
- 12Thông báo số 16/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp về soạn thảo nghị định sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa và thể thao do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 13Báo cáo số 3325/BC-BNV về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao do Bộ Nội vụ ban hành
Công văn 4509/BVHTT-KHTC năm 2005 hướng dẫn thực hiện đề án quy hoạch phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa đến năm 2010
- Số hiệu: 4509/BVHTT-KHTC
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 07/11/2005
- Nơi ban hành: Bộ Văn hóa thể thao và du lịch
- Người ký: Người ký:
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/11/2005
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra