Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 4467/TCT-CS
V/v lập hóa đơn GTGT đối với hoạt động kinh doanh siêu thị bán lẻ.

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2012

 

Kính gửi:

Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel.
(Số 1 Giang Văn Minh, Ba Đình, Hà Nội).

 

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 1458/XNK-PTC ngày 16/10/2012 của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel (sau đây gọi tắt là Công ty) nêu vướng mắc về việc lập hóa đơn GTGT đối với hoạt động kinh doanh siêu thị bán lẻ. Về việc này, sau khi báo cáo xin ý kiến Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Tại Khoản 6, Điều 15 Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 của Chính phủ quy định lập hóa đơn như sau:

“6. Bộ Tài chính quy định việc lập hóa đơn đối với các trường hợp cụ thể khác”

Tại Tiết b, Khoản 2, Điều 14 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/09/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hóa đơn như sau:

“Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.

Riêng đối với các đơn vị bán lẻ xăng dầu, nếu người mua không yêu cầu lấy hóa đơn, cuối ngày đơn vị phải lập chung một hóa đơn cho tổng doanh thu người mua không lấy hóa đơn phát sinh trong ngày.”

Tại Điều 16 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/09/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc phải lập hóa đơn như sau:

“1. Bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.

2. Khi bán hàng hóa, dịch vụ không phải lập hóa đơn hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, người bán phải lập Bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ. Bảng kê phải có tên, mã số thuế và địa chỉ của người bán, tên hàng hóa, dịch vụ, giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra, ngày lập, tên và chữ ký người lập Bảng kê. Trường hợp người bán nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì Bảng kê bán lẻ phải có tiêu thức “thuế suất giá trị gia tăng” và “tiền thuế giá trị gia tăng”. Hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên Bảng kê theo thứ tự bán hàng trong ngày (mẫu số 5.7 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này).

3. Cuối mỗi ngày, cơ sở kinh doanh lập một hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng ghi số tiền bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong ngày thể hiện trên dòng tổng cộng của bảng kê, ký tên và giữ liên giao cho người mua, các liên khác luân chuyển theo quy định. Tiêu thức “Tên, địa chỉ người mua” trên hóa đơn này ghi là “bán lẻ không giao hóa đơn”."

Theo công văn đề nghị của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel và công văn trả lời số 24229/CT-QLAC ngày 19/09/2012 của Cục Thuế thành phố Hà Nội về việc lập hóa đơn của các siêu thị bán lẻ các thiết bị viễn thông và công nghệ thông tin thuộc các Chi nhánh là đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel, hiện Công ty đã xây dựng được một hệ thống phần mềm quản lý bán hàng được sử dụng ổn định từ năm 2006 đến nay, đáp ứng được yêu cầu quản lý hơn 130 siêu thị trên toàn quốc. Phần mềm bán hàng Công ty đang sử dụng tích hợp các phân hệ quản lý doanh thu, công nợ, thu nộp tiền hàng, xuất nhập tồn hàng hóa, quản lý hóa đơn, phần mềm kế toán; đáp ứng được yêu cầu quản lý trực tiếp trên toàn quốc với đầy đủ các tính năng để lưu trữ, theo dõi, kiểm tra và báo cáo đầy đủ, chính xác các số liệu liên quan đến các giao dịch phát sinh hàng ngày trên toàn quốc.

Căn cứ hướng dẫn tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC và đặc điểm kinh doanh siêu thị bán lẻ, trường hợp Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel và các Chi nhánh đã được cơ quan thuế kiểm tra thực tế tại đơn vị nếu đáp ứng các điều kiện nêu trên thì:

- Đối với khách hàng mua hàng tại siêu thị (các siêu thị được thành lập theo quy định của pháp luật) thuộc các Chi nhánh hạch toán phụ thuộc với Công ty có yêu cầu lấy hóa đơn (không phân biệt tổng giá trị thanh toán trên 200.000 đồng hay dưới 200.000 đồng), Chi nhánh phải lập hóa đơn GTGT cho từng khách hàng theo quy định.

- Đối với khách hàng mua hàng tại siêu thị (các siêu thị được thành lập theo quy định của pháp luật) thuộc các Chi nhánh hạch toán phụ thuộc với Công ty không yêu cầu lấy hóa đơn (không phân biệt tổng giá trị thanh toán trên 200.000đồng hay dưới 200.000đồng), cuối ngày Chi nhánh lập chung một (01) hóa đơn GTGT cho tổng doanh thu người mua không lấy hóa đơn phát sinh trong ngày, chỉ tiêu người mua trên hóa đơn ghi rõ là khách hàng mua lẻ không lấy hóa đơn. Chi nhánh phải lập Bảng kê bán lẻ hàng hóa theo hướng dẫn tại Điều 16 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/09/2010 của Bộ Tài chính.

Công ty TNHH nhà nước một thành viên Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của số liệu về hàng bán ra với doanh số lập hóa đơn GTGT và hàng tồn kho, đảm bảo toàn bộ giá trị bán hàng đều được hạch toán ghi sổ kế toán và kê khai thuế. Dữ liệu bán hàng phải đảm bảo lưu trữ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế và cơ quan chức năng khác.

Tổng cục Thuế trả lời để Công ty TNHH nhà nước một thành viên Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel biết.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Vụ PC-BTC;
- Vụ PC, TVQT (AC);
- Trang Website Tổng cục Thuế;
- Lưu VT, CS (3).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4467/TCT-CS về lập hóa đơn giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh siêu thị bán lẻ do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 4467/TCT-CS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 13/12/2012
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Cao Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản