Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4463/UBND-NC
V/v chấn chỉnh công tác ban hành văn bản.

Tiền Giang, ngày 01 tháng 10 năm 2013

 

Kính gửi:

- Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công.

 

Thực hiện Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 27 tháng 3 năm 2013 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh về việc kiểm tra công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2013 trên địa bàn tỉnh; trong các ngày từ 07 tháng 8 đến 23 tháng 8 năm 2013, Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra tại 10 huyện, thành phố, thị xã và 03 Sở (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội).

Qua kiểm tra cho thấy, việc ban hành các văn bản QPPL được cấp huyện chú trọng thực hiện, các văn bản được ban hành đảm bảo về trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân. Công tác kiểm tra văn bản được quan tâm thực hiện, từ đó kịp thời chấn chỉnh những sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản. Các quyết định xử phạt vi phạm hành chính ở các ngành, các cấp được ban hành đảm bảo về thời hạn xử phạt, thẩm quyền ban hành và nội dung văn bản; về mức phạt áp dụng theo quy định của pháp luật.

Nhìn chung, các đơn vị được kiểm tra rất chú trọng công tác phòng ngừa vi phạm hành chính, nhất là trong các lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đất đai, xây dựng, quản lý và bảo vệ rừng… đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan và chính quyền cơ sở phối hợp với lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát địa bàn, kịp thời phát hiện, đình chỉ, xử lý các trường hợp vi phạm ngay từ đầu. Từ đó, góp phần ổn định, duy trì trật tự an toàn xã hội và tính nghiêm minh của pháp luật. Việc tổ chức triển khai thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quan tâm thực hiện; đa số tổ chức, cá nhân bị xử phạt tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, do đó số lượng vụ việc phải cưỡng chế thi hành không nhiều.

Tuy nhiên, vẫn còn một vài địa phương chưa thực hiện tốt việc gửi văn bản QPPL đến cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra; văn bản QPPL của cấp xã ban hành còn sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản; công tác ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại cấp huyện và các sở, ngành thời gian qua còn một số hạn chế nhất định, như: việc ủy quyền ra quyết định xử phạt, về thời hạn ra quyết định xử phạt, biên bản vi phạm hành chính, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính; một vài địa phương và sở chưa kịp thời áp dụng các biện pháp theo quy định để đảm bảo thực hiện nghiêm quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Để chấn chỉnh kịp thời công tác ban hành văn bản trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nề nếp, mang lại hiệu quả, đảm bảo các văn bản được ban hành mang tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi và đúng theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công thực hiện các việc sau:

1. Đối với công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật:

- Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị cần thường xuyên quan tâm, chỉ đạo công tác ban hành văn bản QPPL. Tập huấn công tác xây dựng, thẩm định, ban hành, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; Nghị định số 91/2006/NĐ-CP , Nghị định số 40/2010/NĐ-CP và Nghị định số 16/2013/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 20/2010/TT-BTP và Thông tư số 09/2013/TT-BTP của Bộ Tư pháp; Quyết định số 32/2005/QĐ-UBND , Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND , Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND và Quyết định số 25/2011/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL và Công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã. Hình thức, nội dung tập huấn, hướng dẫn phải rõ ràng, cụ thể; thiết thực, dễ vận dụng thực hiện.

- Công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục ban hành, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản (trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân như việc soạn thảo, lấy ý kiến của đối tượng bị tác động đối với ban hành văn bản, thẩm định của cơ quan Tư pháp đối với văn bản QPPL của UBND cấp huyện,…); khắc phục những sai sót về việc ghi số, ký hiệu văn bản, lỗi chính tả, viết tắt trong văn bản. Nội dung văn bản phải đảm bảo tính pháp lý, phù hợp với văn bản cấp trên, chú trọng đảm bảo tính khả thi của văn bản. Văn bản ban hành phải đầy đủ căn cứ pháp lý. Văn bản QPPL sau khi được ban hành phải gửi cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra theo quy định tại Công văn số 468/UBND-NC ngày 14/02/2012 của UBND tỉnh.

Trong việc kiểm tra văn bản QPPL do cấp xã ban hành, các Phòng Tư pháp phải kiểm tra cả về hình thức, thể thức và nội dung văn bản, trường hợp phát hiện các văn bản có sai sót hoặc vi phạm về nội dung phải kịp thời thông báo yêu cầu cơ quan ban hành văn bản tự kiểm tra và xử lý theo quy định hoặc báo cáo UBND cấp huyện xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch số 47/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 16/3/2012 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp, Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND ngày 15/12/2011 của HĐND tỉnh, Công văn số 262/UBND-NC ngày 01/02/2012 của UBND tỉnh về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND ngày 15/12/2011 của HĐND tỉnh, Công văn số 1985/UBND-NC ngày 15/5/2012 của UBND tỉnh về việc tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch số 47/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 16/3/2012 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp.

2. Đối với công tác ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính:

- Việc ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian tới phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nội dung và thời hạn xử phạt theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực chuyên ngành. Việc giao quyền cho cấp phó ra Quyết định xử phạt phải thực hiện bằng văn bản giao quyền; căn cứ ban hành Quyết định xử phạt phải ghi đầy đủ, chính xác; trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải ghi đầy đủ thông tin của người vi phạm, như: nghề nghiệp, chứng minh nhân dân, địa chỉ; thời hạn ban hành Quyết định xử phạt phải theo đúng quy định; nếu có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ phải ghi các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; các hành vi vi phạm đều phải được xử phạt, các hành vi vi phạm hành chính phải được ghi tóm tắt; ghi cụ thể Điều, Khoản, Điểm của văn bản pháp luật được áp dụng trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; việc xử phạt phải đảm bảo đúng đối tượng; hồ sơ xử phạt phải đảm bảo đầy đủ; mức tiền phạt phải đảm bảo theo quy định; biên bản vi phạm hành chính có từ 02 tờ trở lên phải có chữ ký của người lập biên bản, người vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại trong từng tờ biên bản; biên bản vi phạm hành chính phải có chữ ký và họ tên người lập biên bản, người vi phạm; biên bản vi phạm hành chính phải ghi ý kiến của tổ chức hoặc cá nhân vi phạm.

- Trong việc triển khai thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cần chú trọng đến việc thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả trong các lĩnh vực như đảm bảo trật tự an toàn giao thông, môi trường; kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết kể cả biện pháp cưỡng chế thi hành nhằm đảm bảo việc chấp hành nghiêm các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đảm bảo trật tự, kỷ cương của pháp luật.

- Chủ tịch UBND cấp huyện thường xuyên quan tâm theo dõi, kiểm tra để chỉ đạo thực hiện đúng pháp luật, kịp thời khắc phục những hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý vi phạm hành chính ở địa phương.

- Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị thường xuyên triển khai, quán triệt sâu rộng Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, cho các đối tượng là thủ trưởng các đơn vị thuộc sở, ngành tỉnh; phòng, ban, đoàn thể cấp huyện, cấp xã, báo cáo viên pháp luật cấp huyện, thành viên Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật cấp xã, Công an, lực lượng tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân. Nội dung triển khai cần chú trọng nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính, đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính, thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, quy định về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác, các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, quy định đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính.

3. Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật:

a) Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị quan tâm triển khai thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị, địa phương nắm vững các quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP. Xây dựng Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật hoặc phối hợp với các sở, ngành thực hiện việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, trong đó cần chú trọng đến công tác phối hợp, cơ chế phối hợp, chất lượng, hiệu quả của theo dõi thi hành pháp luật.

4. Đối với việc thành lập Phòng Pháp chế của các sở, ngành tỉnh:

Thủ trưởng các sở (14 sở được thành lập Phòng Pháp chế theo Quyết định số 3709/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Thành lập tổ chức pháp chế và nâng cao chất lượng hoạt động pháp chế”) kịp thời phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập Phòng Pháp chế; trong đó chú ý bố trí nguồn cán bộ pháp chế hợp lý và đúng theo tiêu chuẩn của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Đối với các sở, ngành còn lại, thủ trưởng các sở, ngành bố trí ít nhất 01 cán bộ pháp chế chuyên trách.

5. Về việc ban hành văn bản: Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện xây dựng Quy chế phối hợp trong hoạt động quản lý xây dựng trên địa bàn tỉnh (trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã nếu để xảy ra xây dựng trái phép, không phép hoặc lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ).

Nhận được Công văn này, yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công kịp thời chấn chỉnh và triển khai thực hiện tốt các nội dung trên./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Kim Mai

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4463/UBND-NC năm 2013 chấn chỉnh công tác ban hành văn bản do tỉnh Tiền Giang ban hành

  • Số hiệu: 4463/UBND-NC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 01/10/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Trần Kim Mai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/10/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản