Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC HẢI QUAN
CỤC GSQL VỀ HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 442/GSQL-GQ1
V/v thủ tục xuất trả hàng và NK hàng mới thay thế

Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 2021

 

Kính gửi: Công ty TNHH Thiết bị y tế Olympus Việt Nam.
(Địa chỉ: Lầu 2, 86 Tản Đà, Phường 11, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh)

Trả lời công văn số 01-21/OVN ngày 22/01/2021 của Công ty TNHH Thiết bị y tế Olympus Việt Nam (Olympus VN) về việc hướng dẫn thủ tục xuất trả thiết bị y tế đã qua sử dụng bị thu hồi vì lỗi kỹ thuật và thủ tục nhập khẩu hàng mới để thay thế cho hàng lỗi, Cục Giám sát quản lý về Hải quan có ý kiến như sau:

1. Trường hợp xuất trả hàng bị lỗi kỹ thuật

1.1. Thủ tục hải quan

Căn cứ Điều 48 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 21 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ quy định về thủ tục hải quan, giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất thì:

“1. Các hình thức tái xuất hàng hóa nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan bao gồm:

a) Tái xuất để trả cho khách hàng;

b) Tái xuất sang nước thứ ba hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan.

2. Hồ sơ hải quan:

a) Tờ khai hàng hóa xuất khẩu;

b) Văn bản chấp nhận nhận lại hàng của chủ hàng nước ngoài (nếu hàng xuất khẩu trả lại cho chủ hàng bán lô hàng này): nộp 01 bản chụp;

c) Quyết định buộc tái xuất của cơ quan có thẩm quyền (nếu có): 01 bản chụp;

3. Thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Mục 5 Chương này (trừ giấy phép nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành).

Trường hợp người khai hải quan nộp đủ hồ sơ không thu thuế khi làm thủ tục xuất khẩu, cơ quan hải quan không thu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu trả lại hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan và quyết định việc thông quan theo quy định.”

Theo hướng dẫn tại công văn số 2765/TCHQ-GSQL ngày 01/4/2015 của Tổng cục Hải quan, trường hợp hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất để trả lại cho khách hàng nước ngoài thì khi xuất khẩu sử dụng mã loại hình B13 - Xuất khẩu hàng đã nhập khẩu.

Địa điểm làm thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 22 Luật Hải quan năm 2014.

1.2. Chính sách thuế

a) Về thuế nhập khẩu

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 19 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, khoản 1 Điều 34 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ thì người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu nhưng hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu.

Căn cứ khoản 2 Điều 19 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 thì: “Hàng hóa quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này được hoàn thuế khi chưa qua sử dụng, gia công, chế biến”.

Như vậy, trường hợp người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu nhưng hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu nếu chưa qua sử dụng, gia công, chế biến tại Việt Nam.

b) Về thuế GTGT

Căn cứ Điều 60 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa;

Căn cứ khoản 2 Điều 1 Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ;

Căn cứ Điều 131 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 64 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định thủ tục xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa.

Trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu nhưng sau đó phải xuất khẩu trả lại chủ hàng nước ngoài, tờ khai xuất khẩu đăng ký từ ngày 01/02/2018 thì cơ quan hải quan thực hiện xử lý tiền thuế GTGT nộp thừa theo đúng quy định.

2. Trường hợp nhập khẩu hàng mới thay thế hàng lỗi

2.1. Thủ tục hải quan

Thủ tục hải quan nhập khẩu đối với các thiết bị y tế mới thay thế cho các thiết bị y tế cũ bị lỗi tương tự như thủ tục nhập khẩu các thiết bị y tế cũ ban đầu. Theo đó, căn cứ hướng dẫn tại công văn số 2765/TCHQ-GSQL, trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa là hàng mẫu không thanh toán thì sử dụng mã loại hình H11 - Hàng nhập khẩu khác. Địa điểm làm thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 22 Luật Hải quan năm 2014. Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

2.2. Chính sách mặt hàng

Hiện nay việc quản lý trang thiết bị y tế (TTBYT) xuất nhập khẩu được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ; Nghị định số 169/2018/NĐ-CP ngày 31/12/2018 của Chính phủ; Nghị định số 03/2020/NĐ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo đó,

- Đối với TTBYT được phân Loại A: khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài hồ sơ hải quan theo quy định thì người khai hải quan nộp Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng của Sở Y tế cấp để thông quan hàng hóa.

- Đối với TTBYT được phân loại B, C, D:

Trường hợp thuộc danh mục Phụ lục I Thông tư số 30/2015/TT-BYT ngày 30/5/2015 của Bộ Y tế thì phải xin Giấy phép nhập khẩu do Bộ Y tế cấp; khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài hồ sơ hải quan theo quy định thì người khai hải quan nộp bản phân loại trang thiết bị y tế và Giấy phép nhập khẩu do Bộ Y tế cấp để thông quan quan hàng hóa.

Trường hợp không thuộc danh mục Phụ lục I Thông tư số 30/2015/TT-BYT thì không phải xin Giấy phép nhập khẩu; khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài hồ sơ hải quan theo quy định thì người khai hải quan nộp bản phân loại trang thiết bị y tế để thông quan quan hàng hóa.

2.3. Chính sách thuế

a) Về thuế nhập khẩu

Căn cứ Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 thì hàng hóa nhập khẩu do đối tác nước ngoài gửi bù (thay thế) cho hàng hóa bị lỗi đã nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu. Việc xác định số tiền thuế phải nộp cho hàng hóa nhập khẩu thực hiện theo quy định tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu.

Căn cứ khoản 9 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 sửa đổi, bổ sung Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu không có hợp đồng mua bán và hóa đơn thương mại là trị giá khai báo; trường hợp cơ quan hải quan có căn cứ xác định trị giá khai báo không phù hợp thì xác định trị giá hải quan theo phương pháp xác định trị giá quy định tại Thông tư này, phù hợp với thực tế hàng hóa nhập khẩu.

Như vậy, trường hợp Công ty Olympus VN nhập khẩu hàng hóa là thiết bị y tế nhập bù để thay thế, không thanh toán cho hàng hóa đã nhập khẩu và đã qua sử dụng thì phải nộp thuế nhập khẩu và phải xác định trị giá hải quan theo quy định nêu trên.

b) Về thuế GTGT

Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính thì:

- Điều 2 quy định đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư này.

- Điều 4 quy định đối tượng không chịu thuế GTGT.

Theo đó, trường hợp Công ty Olympus VN nhập khẩu hàng hóa mới về để thay thế cho hàng hóa bị lỗi đã nhập khẩu thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.

Đề nghị Công ty căn cứ thực tế hàng hóa bị lỗi xuất trả và hàng hóa nhập khẩu thay thế, hồ sơ, chứng từ có liên quan, đối chiếu với hướng dẫn tại các văn bản nêu trên để nghiên cứu, thực hiện; trường hợp vướng mắc, đề nghị liên hệ Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để được hướng dẫn cụ thể./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, GQ1 (3b).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Trần Đức Hùng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 442/GSQL-GQ1 năm 2021 hướng dẫn thủ tục xuất trả thiết bị y tế đã qua sử dụng bị thu hồi vì lỗi kỹ thuật và thủ tục nhập khẩu hàng mới để thay thế cho hàng lỗi do Cục Giám sát quản lý về Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 442/GSQL-GQ1
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 19/03/2021
  • Nơi ban hành: Cục Giám sát quản lý về hải quan
  • Người ký: Trần Đức Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/03/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản