Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
THANH TRA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 441/TTR- TTCN

Hà Nội, ngày 14 tháng 8 năm 2012

 

Kính gửi: Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh

Phúc đáp Công văn số 2569/STP-TTra ngày 08/06/2012 của Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh đề nghị hướng dẫn về hiệu lực của quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Thanh tra Bộ Tư pháp trả lời như sau: Điều 53 Nghị định 60/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vục tư pháp và Điều 56 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 quy định: “4. Quyết định xử phạt có hiệu lực kể từ ngày ký, trừ trường hợp trong quyết định quy định ngày có hiệu lực khác”. Như vậy, về nguyên tắc quyết định xử phạt có hiệu lực kể từ ngày ký, việc tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề chỉ là thủ tục, trong trường hợp nếu tạm giữ thì tính thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép từ thời điểm tạm giữ, các trường hợp không tạm giữ được thì tính thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép theo quyết định xử phạt.

Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định 60/2009/NĐ-CP ngày 23/07/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp quy định về việc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc không thời hạn như sau: “Trong trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm hành chính được quy định tại Chương II Nghị định này bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng chứng chỉ, giấy phép hành nghề, giấy đăng ký hoạt động, giấy đăng ký tham gia, giấy phép thành lập, thẻ thì cá nhân, tổ chức đó không được phép hành nghề, hoạt động trong thời gian bị tước quyền sử dụng chứng chỉ, giấy phép thành nghề, giấy đăng ký, giấy phép thành lập hoặc thẻ đó”. Theo đó, khi công chứng viên bị tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên thì sẽ không được phép hoạt động hành nghề trong thời gian bị tước quyền sử dụng thẻ đối với tất cả các trường hợp sau:

- Công chứng viên đã được cấp thẻ và Người có thẩm quyền xử phạt đã thu giữ thẻ;

- Công chứng viên đã được cấp thẻ nhưng Người có thẩm quyền xử phạt không thu giữ được thẻ vì nhiều lý do như: Công chứng viên không mang theo hoặc bị mất hoặc thẻ đã hỏng hoặc đổi thẻ…;

- Công chứng viên đã được Bộ Tư pháp cấp thẻ nhưng chưa nhận được thẻ (như trường hợp của ông Lương Chấn Thành-Trưởng Văn phòng công chứng Việt Chương);

- Ngoài các trường hợp trên thì bất kể trong tình huống nào trong thực tế xảy ra thì Quyết định vẫn có hiệu lực kể từ ngày ký trừ trường hợp trong quyết định quy định ngày có hiệu lực khác (Điều 59 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002).

Trên đây là ý kiến của Thanh tra Bộ, đề nghị Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh và các Sở Tư pháp trên toàn quốc cùng tham khảo, thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ (để báo cáo);
- Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính (để báo cáo);
- Chánh Thanh tra (để báo cáo);
- Vụ Bổ trợ tư pháp (để phối hợp);
- Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử (để đăng trang Web);
- Lưu VTTTR., PTTCN.

KT. CHÁNH THANH TRA
PHÓ CHÁNH THANH TRA




Hoàng Quốc Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 441/TTR-TTCN năm 2012 về hiệu lực của quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Thanh tra Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 441/TTR-TTCN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 14/08/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Hoàng Quốc Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản