Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4361/NHNN-QLNH
V/v giải đáp câu hỏi công dân

Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2020

 

Kính gửi: Ông Nguyễn Quang Đạo

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nhận được 02 câu hỏi của Ông về việc phân biệt khoản nợ vay nước ngoài nào là giao dịch vốn và khoản nào là giao dịch vãng lai; và Thông tư số 06/2019/TT-NHNN. Liên quan đến các câu hỏi này, NHNN có ý kiến như sau:

Câu 1. Đề nghị quý cơ quan hướng dẫn phân biệt khoản nợ vay nước ngoài nào là giao dịch vốn và khoản nào là giao dịch vãng lai, vì:

(1) Điểm c khoản 4 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối quy định hoạt động giao dịch vốn có nội dung “vay và trả nợ nước ngoài”.

(2) Điểm đ khoản 6 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối quy định hoạt động giao dịch vãng lai có nội dung “...và trả dần nợ gốc của khoản vay nước ngoài”.

Đối với câu hỏi này, NHNN trả lời như sau:

Điểm đ Khoản 6 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định “Thanh toán và chuyển tiền đối với các giao dịch vãng lai bao gồm:...đ)Các khoản thanh toán tiền lãi và trả dần nợ gốc của khoản vay nước ngoài.”

Điều 4 Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17/07/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối quy định “Trên lãnh thổ Việt Nam, tất cả các giao dịch thanh toán và chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai của người cư trú và người không cư trú được tự do thực hiện phù hợp với các quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật có liên quan.[...]”.

Căn cứ các quy định nêu trên, các khoản thanh toán tiền lãi và trả dần nợ gốc của khoản vay nước ngoài thuộc đối tượng thanh toán và chuyển tiền đối với các giao dịch vãng lai, do đó, các khoản thanh toán này được tự do thực hiện trên cơ sở phù hợp với các quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Các quy định của pháp luật có liên quan đến việc thực hiện các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp bao gồm:

- Nghị định số 219/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.

- Thông tư số 12/2014/TT-NHNN ngày 31/03/2014 của Ngân hàng Nhà nước quy định điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.

- Thông tư số 03/2016/TT-NHNN ngày 26/02/2016 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

- Thông tư số 05/2016/TT-NHNN ngày 15/04/2016 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2016/TT-NHNN.

- Thông tư số 05/2017/TT-NHNN ngày 30/06/2017 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2016/TT-NHNN.

Trên cơ sở các quy định nêu trên, khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến khoản vay nước ngoài (bao gồm việc thanh toán lãi và trả dần nợ gốc cho các khoản vay nước ngoài), Bên đi vay phải tuân thủ các quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài nêu trên và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Câu 2. Thông tư số 06/2019/TT-NHNN ngày 26/06/2019 của Ngân hàng Nhà nước quy định:

Điều 8. Chuyển tiền thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư

1. Trước khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Thông báo việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, Giấy phép thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành, ký kết hợp đồng PPP, nhà đầu tư nước ngoài được phép chuyển tiền từ nước ngoài hoặc từ tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài đó mở tại ngân hàng được phép tại Việt Nam để thanh toán các chi phí hợp pháp trong giai đoạn thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam.

Như vậy quy định “nhà đầu tư nước ngoài được phép chuyển tiền từ nước ngoài...để thanh toán các chi phí hợp pháp trong giai đoạn thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam” được hiểu là Nhà đầu tư nước ngoài được chuyển tiền từ tài khoản của mình ở nước ngoài vào Việt Nam cho các chi phí chuẩn bị đầu tư mà không phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại Việt Nam phải không? Quy định này có mâu thuẫn với Điều 8 nghị định số 70/2014/NĐ-CP không?

Đối với câu hỏi này, NHNN trả lời như sau:

Điều 8 Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối (Nghị định 70) quy định: “1. Người cư trú là doanh nghiệp có vn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ tại 01 (một) tổ chức tín dụng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.”

Điều 8 Thông tư 06/2019/TT-NHNN ngày 26/6/2019 của Thống đốc NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (Thông tư 06) quy định: 1. Trước khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, Giấy phép thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành, ký kết hợp đồng PPP, nhà đầu tư nước ngoài được phép chuyn tiền từ nước ngoài hoặc từ tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài đó mở tại ngân hàng được phép tại Việt Nam để thanh toán các chi phí hợp pháp trong giai đoạn thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam.”

Như vậy, quy định tại Điều 8 Nghị định 70 áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh sau khi nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các thủ tục về đầu tư với cơ quan quản lý đầu tư. Trong khi đó, Điều 8 Thông tư 06 quy định về việc chuyển tiền để thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài.

Căn cứ quy định tại Điều 8 Thông tư 06, nhà đầu tư nước ngoài được chuyển tiền từ tài khoản ở nước ngoài hoặc từ tài khoản thanh toán của nhà đầu tư đó mở tại ngân hàng được phép tại Việt Nam để thanh toán các chi phí hợp pháp trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xin gửi quý Ông để biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- VP NHNN (để biết);
- Lưu Vụ QLNH1 (3).

TL.THỐNG ĐỐC
KT.VỤ TRƯỞNG VỤ QUẢN LÝ NGOẠI HỐI

PHÓ VỤ TRƯỞNG




Đào Xuân Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4361/NHNN-QLNH năm 2020 về giải đáp câu hỏi công dân do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 4361/NHNN-QLNH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 16/06/2020
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
  • Người ký: Đào Xuân Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/06/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản