Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4348/BGDĐT-GDĐH
V/v đào tạo nhân lực trình độ ĐH, Ths của các địa phương thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ

Hà Nội, ngày 26 tháng 8 năm 2015

 

Kính gửi:

- Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ;
- Các cơ sở giáo dục đại học.

Thực hiện chủ trương đào tạo nhân lực cho các tỉnh, thành phố (gọi chung là các tỉnh) thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ (TB, TN, TNB) đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong vùng, từ năm học 2015 - 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT) hướng dẫn như sau:

1. Đối tượng, chỉ tiêu, hình thức, điểm xét tuyển, địa điểm và chi phí đào tạo

1.1. Đối tượng tuyển sinh

- Trình độ đại học: Những thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông, có hộ khẩu thường trú từ 36 tháng trở lên tại các tỉnh trong khu vực, đáp ứng yêu cầu tuyển sinh của cơ sở đào tạo, có nguyện vọng và cam kết sau khi tốt nghiệp đại học về làm việc tại địa phương; ưu tiên xét tuyển những thí sinh thuộc diện chính sách (con thương binh, liệt sĩ, người dân tộc thiểu số, con hộ nghèo, hộ cận nghèo...) nếu có cùng mức điểm xét tuyển;

- Trình độ thạc sĩ: Những cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý các doanh nghiệp hiện đang công tác tại các đơn vị đóng trên địa bàn các tỉnh trong khu vực.

1.2. Hình thức tuyển sinh, chỉ tiêu, điểm xét tuyển và địa điểm đào tạo

a) Trình độ đại học

- Hình thức tuyển sinh: xét tuyển;

- Chỉ tiêu đào tạo: Cơ sở đào tạo đã tuyển đủ chỉ tiêu xác định theo quy định hiện hành khi tham gia đào tạo nhân lực cho các tỉnh thuộc khu vực TB, TN, TNB được bổ sung không quá 5% tổng chỉ tiêu chính quy của cơ sở đào tạo (5% bao gồm cả chỉ tiêu đào tạo theo các địa chỉ sử dụng khác); trong đó, mỗi ngành được bổ sung không quá 20% chỉ tiêu của ngành; không bổ sung chỉ tiêu để đào tạo các ngành thuộc nhóm ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, ngành Báo chí. Cơ sở đào tạo còn chỉ tiêu (không sử dụng hết chỉ tiêu theo năng lực đã được xác định) thì cũng chỉ được sử dụng tối đa 5% tổng chỉ tiêu chính quy nhưng không quá 20% chỉ tiêu đã được xác định theo ngành để đào tạo nhân lực cho TB, TN, TNB theo hướng dẫn tại công văn này. Các cơ sở đào tạo không chuyển chỉ tiêu từ năm trước sang năm sau.

Trường hợp một ngành có nhiều địa phương cùng đề nghị thì cơ sở đào tạo phải phân bổ chỉ tiêu được bổ sung cho tất cả các địa phương và thực hiện xét tuyển theo điểm từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu được phân bổ.

- Điểm xét tuyển đối với chỉ tiêu được bổ sung do cơ sở đào tạo quy định và công bố công khai; cụ thể như sau:

(i) Cơ sở đào tạo sử dụng điểm của Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển thì tổng điểm xét tuyển của ba môn thi (tổ hợp môn xét tuyển) không được thấp hơn quá 02 điểm so với điểm trúng tuyển vào ngành học của cơ sở đào tạo và không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng để xét tuyển vào đại học do Bộ GDĐT quy định. Riêng các thí sinh được tỉnh gửi đến xét tuyển tại các cơ sở đào tạo trong vùng thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào có thể được giảm 01 điểm so với quy định chung của Bộ GDĐT;

(ii) Cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh theo đề án tự chủ tuyển sinh (đề án) đã được Bộ GDĐT xác nhận đáp ứng yêu cầu phải quy đổi điểm xét tuyển theo đề án sang thang điểm 30 và kết quả điểm trúng tuyển không được thấp hơn quá 02 điểm so với điểm trúng tuyển quy đổi nêu trên vào ngành học của cơ sở đào tạo và không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trong đề án và quy định trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ GDĐT;

- Địa điểm đào tạo: Tại nơi được phép đào tạo sinh viên chính quy của cơ sở đào tạo theo quy định hiện hành.

b) Trình độ thạc sĩ

- Hình thức tuyển sinh: Thi tuyển theo quy định hiện hành;

- Chỉ tiêu đào tạo: Cơ sở tham gia đào tạo nhân lực cho các tỉnh thuộc khu vực TB, TN, TNB sử dụng chỉ tiêu của cơ sở hoặc được bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh không quá 10% đối với cơ sở có tổng chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ từ 300 trở lên và không quá 30 chỉ tiêu đối với cơ sở có tổng chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ dưới 300 được xác định theo quy định hiện hành; trong đó, mỗi chuyên ngành bổ sung không quá 30% chỉ tiêu đã được xác định theo chuyên ngành;

- Điểm trúng tuyển: Theo quy định của cơ sở đào tạo phù hợp với Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành;

- Địa điểm đào tạo: Tại nơi được phép đào tạo trình độ thạc sĩ của cơ sở đào tạo theo quy định hiện hành. Đối với việc đào tạo một phần chương trình ngoài cơ sở đào tạo thực hiện theo quy định tại Quy chế đào tạo thạc sĩ và Công văn số 1761/BGDĐT-GDĐH ngày 05/4/2015 hướng dẫn thực hiện Khoản 2, Điều 23 Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ.

1.3. Chi phí đào tạo do địa phương và người học chi trả theo quy định hiện hành.

2. Tổ chức thực hiện

2.1. Trách nhiệm của địa phương

a) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND):

- Hàng năm, xác định nhu cầu nhân lực cần đào tạo, xây dựng kế hoạch tuyển sinh phù hợp với quy hoạch nhân lực của địa phương báo cáo Ban Chỉ đạo vùng. Từ năm 2015, đối với các ngành thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe; luật, quản trị, quản lý, kinh tế, tài chính ngân hàng, tổng chỉ tiêu tỉnh tự xác định mỗi năm không được vượt quá số chỉ tiêu đã được duyệt của năm cao nhất và phải có lộ trình giảm dần phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội trong vùng. Đối với ngành thuộc các lĩnh vực nêu trên mà những năm trước tỉnh chưa được duyệt chỉ tiêu thì từ năm 2015, tỉnh tự xác định chỉ tiêu mỗi năm không được vượt quá số chỉ tiêu cao nhất của một ngành đã được duyệt.

- Lựa chọn các cơ sở đào tạo có chất lượng, có điểm xét tuyển phù hợp với điểm của thí sinh trong tỉnh để gửi đi đào tạo trên nguyên tắc ưu tiên các cơ sở đào tạo trong khu vực; chỉ lựa chọn các cơ sở ngoài khu vực để đào tạo những ngành, chuyên ngành mà cơ sở đó có thế mạnh, khi các cơ sở trong khu vực chưa đăng ký đào tạo hoặc mới đăng ký đào tạo với quy mô nhỏ. Mỗi ngành, chuyên ngành đào tạo được gửi đến không quá ba cơ sở đào tạo; mỗi thí sinh chỉ được gửi đến xét tuyển ở một cơ sở đào tạo;

- Gửi văn bản đề nghị nhu cầu đào tạo của địa phương (ngành, chỉ tiêu,..) tới cơ sở đào tạo trước ngày 01 tháng 02 hàng năm để cơ sở đào tạo tổng hợp nhu cầu, phân bổ chỉ tiêu đào tạo cho các địa phương;

- Thành lập Hội đồng tuyển chọn (Hội đồng) gồm: Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng, ủy viên thường trực là đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, một số ủy viên là đại diện của sở, ngành có liên quan và đại diện cơ sở giáo dục đại học đóng trên địa bàn tỉnh (nếu có);

- Thực hiện trách nhiệm quy định tại điểm b, mục này.

b) Trách nhiệm của Hội đồng:

- Xác định tiêu chí xét tuyển phù hợp với các nội dung quy định tại Mục 1, Mục 2.1 Công văn này;

- Hàng năm, xây dựng kế hoạch tuyển sinh (cụ thể về số lượng thí sinh của từng ngành học và trình độ đào tạo) trình UBND tỉnh phê duyệt;

- Thông báo tuyển sinh, tổ chức cho thí sinh đăng ký, xác định danh sách thí sinh đủ điều kiện dự thi tuyển (trình độ thạc sĩ) và dự xét tuyển (trình độ đại học) vào các ngành, chuyên ngành đào tạo theo kế hoạch tuyển sinh của tỉnh để trình UBND tỉnh phê duyệt, gửi báo cáo Ban Chỉ đạo vùng và báo cáo Bộ GDĐT;

- Lựa chọn cơ sở đào tạo, trực tiếp liên hệ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để UBND tỉnh kí hợp đồng với các cơ sở đào tạo để tổ chức đào tạo nhân lực cho địa phương.

2.2. Trách nhiệm của cơ sở đào tạo

- Tiếp nhận danh sách từ các địa phương để xét tuyển đối với trình độ đại học và tổ chức thi tuyển đối với trình độ thạc sĩ phù hợp với quy định tại Mục 1 Công văn này. Mọi thông tin về đối tượng, chỉ tiêu, điểm xét tuyển, điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển... được công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo; Thông báo kết quả tuyển sinh bằng văn bản cho UBND các địa phương.

- Từ năm 2016 trở đi, việc thi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ cho các tỉnh thuộc khu vực TB, TN, TNB được tổ chức cùng với kỳ thi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ hàng năm của cơ sở đào tạo; điểm trúng tuyển cho các thí sinh thuộc khu vực TB, TN, TNB căn cứ vào chỉ tiêu, nhu cầu đào tạo của địa phương và theo quy định của cơ sở đào tạo phù hợp với Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành.

- Hiệu trưởng (Giám đốc) cơ sở đào tạo quyết định nội dung, thời lượng học bổ sung kiến thức phổ thông để những thí sinh có điểm thi tuyển sinh đại học thấp hơn điểm trúng tuyển của cơ sở đào tạo đạt được yêu cầu theo mặt bằng chung của toàn cơ sở trước khi vào học chính thức;

- Trước ngày 31/12 hàng năm báo cáo Bộ GDĐT, Ban Chỉ đạo vùng về việc xác định chỉ tiêu, kết quả tuyển sinh, tình hình đào tạo trong năm đối với từng trình độ để kiểm tra việc tuyển sinh, đào tạo và cấp văn bằng của cơ sở đào tạo.

2.3 Đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ phối hợp:

- Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương trong vùng quy hoạch nhân lực, xác định nhu cầu nhân lực cần đào tạo, xây dựng kế hoạch tuyển sinh và đào tạo, bố trí việc làm sau khi học đáp ứng nhu cầu nhân lực của từng địa phương và vùng;

- Trao đổi thông tin, phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách.

Công văn này thay thế các công văn hướng dẫn trước đây về đào tạo nhân lực cho các địa phương thuộc khu vực TB, TN, TNB. Bộ GDĐT đề nghị UBND các tỉnh trong khu vực và các cơ sở đào tạo tổ chức thực hiện các nội dung tại Công văn này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTg Vũ Đức Đam (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Ban Chỉ đạo TB, TN, TNB (để p/h);
- Vụ KHTC (để t/h);
- Lưu: VT, Vụ GDĐH

KT. BÔ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Văn Ga

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4348/BGDĐT-GDĐH năm 2015 về đào tạo nhân lực trình độ đại học, thạc sĩ của các địa phương thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 4348/BGDĐT-GDĐH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 26/08/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Bùi Văn Ga
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/08/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 14/02/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản